Lễ hội cần sâu và rộngHướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt chương trình nghệ thuật đã và đang được dàn dựng.

Một số đạo diễn và nhà nghiên cứu văn hóa lo ngại rằng, nhiều chương trình vừa thiếu tính tổng thể vừa thiếu nét riêng, trong khi một bộ phận nghệ sĩ, người dân có cảm giác phải đứng ngoài cuộc.

Họ cho rằng, ôm đồm và dàn trải là hai đặc điểm chung nhất của nhiều chương trình nghệ thuật và lễ hội được coi là hoành tráng.

“Bệnh” mạn tính

Theo một số đạo diễn và khán giả, không ít chương trình lớn “tham” ý tưởng, từ tái hiện, tôn vinh các giai đoạn lịch sử cho đến diện mạo văn hoá chung, thành quả phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, rồi niềm hy vọng hướng đến tương lai…

“Bệnh” khác là dàn trải trong quá trình dàn dựng, nhiều người, nhiều phần, nhiều hình ảnh, nhiều đường nét, nhưng nhiều khi chỉ là sự ghép lại với nhau quá nhiều tiết mục, hình ảnh quen thuộc, hiếm khi tạo nên những hình tượng nghệ thuật lớn. Cho nên, xem nhiều lễ hội, có cảm giác chỉ cần thay tên địa phương, tên danh nhân là có thể áp dụng cho nhiều tỉnh, thành vì chương trình nào cũng ngợi ca lịch sử hào hùng của dân tộc, vùng đất, truyền thống văn hiến, phẩm chất, nhân cách của con người nơi đó cùng niềm vui phơi phới trên đường phát triển, chứ khó thấy nổi bật những nét riêng.

Một đạo diễn nhận xét: Lễ hội Việt Nam thiếu tính tổng thể. “Lễ hội nào có đạo diễn là biên đạo múa thì chương trình toàn tiết mục múa, đạo diễn xuất thân từ quay phim thì ánh sáng, phối cảnh đẹp nhưng lại thiếu điểm nhấn”, ông nói. Đạo diễn Bùi Quang Thắng thì cho rằng, cần nhận rõ sự khác biệt giữa văn hóa và nghệ thuật. “Lễ hội có nhiều nghi thức như hát xướng, chạy cờ, xếp chữ… Nếu nói đó là loại hình nghệ thuật thì không phải, nhưng bảo không phải nghệ thuật cũng không đúng. Đó là tượng nghệ thuật, hay còn gọi là á nghệ thuật - đặc điểm quan trọng của lễ hội. Từ nhận thức này, đạo diễn phải tìm cách thực hiện phù hợp”, ông chia sẻ.

Lấy từ kinh nghiệm của mình, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng cho biết, khi tổ chức lễ hội vua Quang Trung, ông cố gắng đảm bảo yếu tố trung thực với lịch sử để khán giả cảm nhận được không khí linh thiêng, trọng đại và đặc trưng vùng miền, đồng thời vẫn thấy rõ sức hút riêng của đời sống đương đại.

Nên huy động nhân dân, nghệ sĩ

 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật) cho rằng, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long là của người dân, thế nhưng từ trước đến nay, những sự kiện tương tự vẫn làm theo một mô-típ rất cũ: dựng sân khấu với các tiết mục ca múa nhạc. “Tôi cũng hình dung ra cả màn đánh trống hội nữa. Thực chất trống hội Thăng Long mà chúng ta vẫn nghe trong một số năm gần đây là một sự bắt chước theo phong cách đánh trống của Hàn Quốc và Nhật Bản với dàn nhiều trống và lối đánh đơn giản. Trong khi đó, kỹ thuật đánh trống của Việt Nam rất hay và đa dạng thì chúng ta lại không phục hồi”, ông nói.

Nghệ sĩ đương đại Đào Anh Khánh phỏng đoán: “Rất có thể Đại lễ với dòng chảy lịch sử 1.000 năm Thăng Long sẽ buồn tẻ, cũ kỹ vì thiếu hơi thở của thời đại và hình ảnh của đất nước trong tương lai, khi những nghệ sĩ như chúng tôi vẫn có cảm giác mình nằm ngoài cuộc chơi”.

Ông Hiền từng đề xuất một cách làm: huy động những lễ hội do người dân tự làm, chẳng hạn lễ hội làng nghề, trình diễn nghệ thuật trên đường phố hoặc tại các địa điểm đáng nhớ của chốn kinh kỳ Thăng Long xưa. “Làm được như thế sẽ rất hay. Đây là cách mà các nước phát triển trên thế giới vẫn thực hiện khi tổ chức những lễ hội lớn”, ông khẳng định.

Ông Hiền đã đi tìm hiểu và hỏi ý kiến nhiều người dân ở các làng Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng. Ông đưa ra ví dụ, đình làng Cống Vị hiện rất muốn liên kết với những nơi khác để làm lễ hội, hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, chỉ chờ thành phố “có lời”, họ sẽ đóng góp hết sức. Tuy nhiên, ông cho rằng, ở thời điểm hiện giờ, cách làm này khó thực hiện được.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC