Phải chờ đợi khá lâu khán giả yêu nghệ thuật múa mới có dịp được xem một “bữa tiệc” múa đậm đà và đúng nghĩa khi nữ nghệ sỹ múa Linh Nga quyết định trình làng liveshow “Vũ”. Nhưng xem xong lại không khỏi giật mình, thêm một chút băn khoăn bởi lẽ xem ra việc tổ chức liveshow múa vẫn còn là một khái niệm xa xỉ và mơ hồ với các nghệ sỹ múa hiện nay…
Từ “Vũ”…
Cũng phải mất 10 năm sau một quá trình miệt mài theo đuổi nghiệp múa và có tiếng tăm, Linh Nga mới có một liveshow đầu tiên để trình làng. Nhưng cô vẫn may mắn hơn bố mẹ mình là cặp NSƯT Vương Linh - Đặng Hùng bởi bản thân đôi nghệ sỹ múa tài năng này đã từng mất tới 30 năm lăn lộn làm nghề trên sân khấu mới có thể làm liveshow riêng của mình.
Chính vì thế “Vũ” được xem là một liveshow “bạo tay” của Linh Nga, không chỉ bởi nó được tổ chức giữa thời buổi kinh tế lạm phát, mà còn bởi chương trình đúng nghĩa là một cuộc trình diễn nghệ thuật khi không bán vé mà chỉ có giấy mời.
Đó là điều mà không phải nghệ sỹ múa nào cũng có cơ hội thực hiện. Bởi lẽ hơn ai hết, những người trong nghề như họ hiểu rất rõ cả “núi” chướng ngại vật sẽ phải đương đầu kể cả khi có đủ can đảm, thừa lòng say mê và cả tài năng nghệ thuật để biến ước mơ mang tên… liveshow thành hiện thực, nhất là khi bộ môn nghệ thuật này vẫn còn là món ăn tinh thần “quý tộc” và lạ lẫm với đại bộ phận công chúng. Mà đáng tiếc, chướng ngại vật lớn nhất trên con đường này lại nằm ở vấn đề tài chính.
Nữ nghệ sỹ múa tài năng này từng tâm sự đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi cùng gia đình đi đến các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn tài trợ, thậm chí không ít lần phải chạnh lòng khi nghệ thuật múa không được xem trọng, có nơi còn hỏi có ngôi sao ca nhạc nào hát trong chương trình không rồi mới cân nhắc đến việc tài trợ…
Điều này thực ra chẳng có gì khó hiểu bởi lẽ nếu cân nhắc giữa thị phần khán giả còn hạn hẹp của múa với số đông khán giả của các lĩnh vực “ăn khách” khác như: ca nhạc, hài kịch… thì việc các “Mạnh Thường Quân” rụt rè e ngại khi mở hầu bao cũng là điều dễ hiểu.
... Đến cuộc chơi “liveshow”
Cũng bởi lường trước được rào cản này mà ngay cả nghệ sỹ tên tuổi hàng đầu trong lớp tài năng múa trẻ như Cao Chí Thành (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) cũng phải thừa nhận: “Linh Nga đã rất may khi thực hiện được “Vũ” chứ như tôi thì rất khó!”.
Anh thậm chí còn chẳng bao giờ dám mơ đến việc làm liveshow như thế vì quá tốn kém, cần phải có tài trợ trong khi muốn vận động, thuyết phục được nhà tài trợ cũng phải quen biết, phải có mối quan hệ, còn nếu chỉ dựa vào kinh phí Nhà nước trả cho thì chẳng bao giờ đủ để có thể làm cả.
Vậy nên mặc dù đã kinh qua và giành không ít giải thưởng múa trong nước và quốc tế song mong muốn của nam nghệ sỹ được mệnh danh là “đại sứ múa Việt Nam” này cho đến nay chỉ đơn giản là làm được một chương trình kết hợp với đơn vị nghệ thuật chủ quản, trong đó anh sẽ phụ trách một số tiết mục biểu diễn của chương trình.
Nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi (ảnh: hnhcuong) |
Cùng tỏa sáng trên sân khấu với Linh Nga và được đánh giá là một trong những tài năng múa xuất sắc nhất hiện nay song Tạ Thùy Chi cũng chưa sốt ruột tính tới việc này. Cô tâm sự nếu bỏ tiền túi ra mà không có“Mạnh Thường Quân” hỗ trợ thì khó mà làm được liveshow vì nghề múa hiện giờ chưa được đánh giá cao.
Bên cạnh lo ngại về tài chính, điều khiến Thùy Chi băn khoăn nhất vẫn là làm sao để có một chương trình múa không chỉ xem được mà còn có sức cuốn hút với người xem, mà muốn làm được như vậy lại không hề đơn giản, nhất là trong điều kiện hạn chế về nhiều thứ như hiện nay.
Thuộc vào hàng “cây đa, cây đề” của làng múa Việt, cũng đã từng tổ chức một chương trình múa riêng có chủ đề Cánh chim không mỏi tại Nhà hát Lớn Hà Nội cách đây 10 năm song NSND Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận nếu tổ chức liveshow trong điều kiện hiện nay thì chưa chắc bà đã làm nổi.
Bởi lẽ ngày ấy Cánh chim không mỏi được Nhà nước trợ cấp hoàn toàn kinh phí, địa điểm Nhà hát thì được cho mượn miễn phí để làm, anh chị em đồng nghiệp thì tham gia diễn “từ thiện” chứ không lấy tiền cát sê… nên chẳng phải lăn tăn gì nhiều về vấn đề tài chính. Còn bê nguyên liveshow ấy ra thời buổi hiện nay thì kiểu gì cũng cần phải có “mạnh thường quân”.
Và mối lo “đầu tiên”…
Cũng bởi hiểu được khó khăn này nên Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam từ lâu đã rất muốn đứng ra tổ chức các chương trình múa riêng để giới thiệu tài năng của các nghệ sỹ múa cũng như quảng bá tác phẩm mới của các biên đạo trẻ không có điều kiện đứng ra làm liveshow, song phiền nỗi vẫn vướng phải mối lo “đầu tiên” (tiền đâu).
NSND Chu Thúy Quỳnh |
Không nhiều thì ít, nào là tiền bồi dưỡng diễn viên tập luyện, tiền thuê địa điểm, tiền bản quyền sáng tác tác phẩm… Trong khi ấy, điều kiện tài chính của Hội thì có hạn nên may ra chỉ có thể tổ chức theo kiểu… thi thố hay liên hoan với nhau chứ thật sự để làm nghệ thuật nhằm mục đích quảng bá giới thiệu hay khẳng định tài năng múa thì theo NSND Chu Thúy Quỳnh là cực kỳ tốn kém và nằm ngoài tầm với.
Tuy ấp ủ ý tưởng là thế song cũng phải chờ đợi đến tận tháng 4 vừa rồi, Hội Nghệ sỹ Múa mới cho ra đời được một chương trình múa riêng đầu tiên với tên gọi Nhịp điệu Xuân để “khoe” các tài năng nghệ sỹ và tác phẩm múa chất lượng thực thụ.
“Tiếc là đêm trình diễn nghệ thuật hiếm hoi này vẫn làm theo kiểu liên hoan vui vẻ là chính khi hầu hết khán giả đi xem vẫn là người trong nghề và đi xem theo kiểu hưởng ứng giới thiệu chứ không xuất phát từ nhu cầu tự thân” - NSND Chu Thúy Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo đại diện Hội Nghệ sỹ Múa thì chính bởi lẽ đó mà trong thời gian tới Hội sẽ chú trọng hơn nữa đến việc tổ chức các chương trình múa riêng, không chỉ diễn một thể loại múa hay một hình thức múa mà có thể đưa lên sân khấu bức tranh cận cảnh về nghệ thuật múa từ ít người đến đông người, từ múa solo, trio đến múa tập thể hoặc đại quần vũ… và dĩ nhiên cái đích nhắm tới vẫn là phải bán vé chứ không phân phối theo kiểu giấy mời nữa.
Theo An ninh thủ đô.