Liveshow thời khủng hoảng: "Ném tiền" ra để được gì?Chỉ trong 3 tháng đầu của năm “đại khủng hoảng” kinh tế, show-biz Việt Nam đã có 3 chương trình đều mang những con số tầm cỡ từ chi phí đầu tư đến giá vé. Người bỏ tiền ra dĩ nhiên không hoàn toàn nhắm phần thu dựa trên số vé bán ra, mục tiêu đa dạng từ nâng đẳng cấp, đánh dấu sự trở lại, làm băng đĩa… Tiền không thiếu, mục tiêu có, thế nhưng bao nhiêu trường hợp sẽ đạt được mong muốn từ cách làm “cảm tính”, thiếu chuyên nghiệp?

Tiền, công sức, ý tưởng đều không thiếu

Con số đầu tư 350.000 USD (trên 6 tỷ đồng) cho một show thu hình như Ca nhạc - nụ cười - thời trang (công ty MFC Media tại Mỹ phối hợp cùng HTVC đầu tư) diễn ra trong 3 ngày 19, 20 và 21/3 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), gần như là không tưởng với những người chuyên tổ chức show ca nhạc trong nước. Show diễn này sử dụng tới 25 chuyên gia kỹ thuật (trong đó có 5 người Mỹ, 6 Việt kiều) chỉ cho việc điều khiển hệ thống trang thiết bị hiện đại bậc nhất Việt Nam (vốn chưa thể phát huy hết công suất hoặc cất kho lâu nay): xe màu 8 camera (xe màu nhiều nhất hiện nay chỉ sử dụng 5 camera), máy quay, bàn mix theo tiêu chuẩn làm phim nhựa của hãng Giải Phóng... 500 triệu đồng dành cho âm thanh ánh sáng, gấp hai lần rưỡi chi phí cho một live show thông thường ở Việt Nam hiện nay.

Để tất cả được lắp đặt, vận hành, phát huy tối đa công suất, BTC phải thuê nhà hát Hòa Bình đến 9 ngày (trong đó chỉ có 3 ngày cho việc quay), mất tới 253 triệu đồng. Điều này chưa có trong tiền lệ tổ chức show ca nhạc, ngay cả show quy mô nhất Việt Nam.

Điểm lại 2 show diễn cũng thuộc dạng đình đám vừa qua, cũng thấy rõ, cơn khủng hoảng hoàn toàn “không có nghĩa” với show-biz. Có đâu bao giờ của Quang Dũng - Hồng Nhung có giá vé lên đến 3 triệu đồng nhằm vào giới thiệu hình thức làm mới, khán giả không chỉ có nghe hát, khách còn được uống rượu, ăn tiệc, giao lưu với ca sĩ... Nhân vật chính cũng muốn qua đó nâng tầm giọng hát (không dành cho số đông). Mỹ Lệ cũng “gan dạ” bỏ 1,5 tỷ chỉ để giới thiệu sự trở lại (chủ yếu với báo chí - lượng vé mời cho nhà báo và người trong nghề nhiều hơn khán giả) và gây tò mò, háo hức cho người nghe mặn mà với symphony (thính phòng).

Thu lượm mơ hồ

Liveshow thời khủng hoảng:
Quang Dũng và Hồng Nhung trong liveshow Có đâu bao giờ

Không bàn đến hiệu quả về mặt nghệ thuật, chỉ tính đến những mục tiêu về tên tuổi, thị trường của nghệ sĩ thông qua 2 show đã diễn ra, cũng thấy khá chóng vánh, mơ hồ.

Sau Có đâu bao giờ, chưa ai thấy được tính “quý hiếm” của một mini show với 2 giọng ca hàng đầu, ngoài chuyện giá vé cao, bởi sự đầu tư còn quá thô sơ. Nhạc Trịnh là một thế mạnh, nhưng từ cách chọn bài, hòa âm của ca sĩ, nhạc sĩ thể hiện đều quá nghiêng về hiệu quả “an toàn” hơn tìm tòi, sáng tạo. Chính vì thế mà nhân vật chính không thể chứng minh đẳng cấp gì hơn, so với giọng ca vốn có và những show phòng trà trước đó. Không gian của show diễn cũng thiếu hẳn sự tinh tế, ấm cúng cần thiết của sự “nhỏ bé”.

Mỹ Lệ muốn đánh dấu sự trở lại bằng tinh thần “symphony” mới mẻ, gây nhiều hứng thú cho khán giả, nhưng cuối cùng lại thể hiện ở show diễn bằng tinh thần “ôn lại” những gì đã đạt được trước đó với pop ballad, nhạc tiền chiến..., chất thính phòng chưa đủ độ, khiến nhiều khán giả hụt hẫng. Và rồi, ngay sau live show này, theo như thông báo của chính ca sĩ, chị sẽ trở lại với thị trường ca nhạc bằng một hình ảnh khác, hình ảnh của CD Nhan sắc vừa phát hành với đủ màu sắc, chứ không phải hướng đến một Sarah Brightman sang trọng và cổ điển như trên poster Mỹ Lệ in Symphony. Trên thế giới, live show được tổ chức kiểu “chơi sang” một lần như thế này rất khó thấy, hoặc giả Mỹ Lệ in Symphony có mục tiêu khác mà giới show biz chuyên nghiệp chưa thể nhận ra?

Liveshow thời khủng hoảng:
Mỹ Lệ muốn đánh dấu sự trở lại bằng tinh thần “symphony” mới mẻ, gây nhiều hứng thú cho khán giả, nhưng cuối cùng lại thể hiện ở show diễn bằng tinh thần “ôn lại” những gì đã đạt được trước đó với pop ballad, nhạc tiền chiến..

Lại nói về 6 tỷ của MFC Media cho Ca nhạc - nụ cười - thời trang diễn ra cuối tuần này tại TP.HCM, vì sao lại có việc bỏ tiền hoành tráng đến thế vào lúc showbiz đang trong thời gian khó này? Dĩ nhiên không phải một cuộc chơi. Nhà tổ chức chương trình không phải nghệ sĩ mà là những nhà kinh doanh lõi đời trên thương trường ca nhạc ở hải ngoại, từ những cá nhân ở Trung tâm Kim Lợi tại Mỹ, giờ đây MFC Media là đơn vị có máu mặt trong việc tổ chức các show thi nhan sắc người Việt tại Mỹ. Tuy nhiên, trong làng ca nhạc hải ngoại, MFC Media chưa phải là tên tuổi lớn nhất.

Rõ ràng MFC nhắm đến một vùng đất mới với chiến lược tạo thương hiệu kinh doanh lâu dài. Chương trình sau khi ghi hình sẽ được phát hành dưới dạng băng đĩa và sau đó theo kênh Thuần Việt (HTVC) quảng bá tới kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới. Theo tiết lộ của những người thực hiện show ca nhạc ghi hình kỷ lục này (ghi hình trong suốt 3 ngày, từ sáng tới tối, trong đó có hai buổi có khán giả), chương trình dự kiến sẽ tổ chức định kỳ tại Việt Nam dưới dạng những series theo từng chủ đề riêng, tuy nhiên được thống nhất theo một chuẩn kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và ghi hình.

Liveshow thời khủng hoảng:
Tiết mục song ca của Kim Anh - Quang Thành trong buổi ghi hình
không có khán giả của Ca nhạc - nụ cười - thời trang (Ảnh: Sơn Trà)

Năm nay, hai đêm ghi hình tuy có bán vé, nhưng sẽ chỉ là “bán ví dụ”, nhưng trong tương lai, khi đã tạo thành thương hiệu, nó hoàn toàn có thể hút bộn tiền như những show ghi hình của Thúy Nga Paris với giá vé lên tới vài trăm USD. Và sau đó là hình thành những lực lượng nghệ sĩ riêng (gần như dạng độc quyền)... Đây là hình thức đầu tư, gầy dựng nền móng của những nhà tổ chức show chuyên nghiệp đã thành công trong làng ca nhạc hải ngoại.

Đi sau, với show đầu tiên ở Việt Nam lần này, nhà sản xuất chọn phân khúc khán giả bình dân rất rõ ràng, thông qua việc mời những tên tuổi nghệ sĩ không quá đình đám và không ít gương mặt thuộc dạng “không ai biết” trong làng ca nhạc Việt Nam. Thực tế đã có không ít gương mặt mới (và cả những ca sĩ “lình bình” trong nước) được giới thiệu, gây dựng tên tuổi thành công qua những trung tâm hải ngoại, liệu có thể hy vọng MFC Media sẽ làm được điều này thông qua con số đầu tư khá “ấn tượng” và tham vọng tổ chức dài lâu hay không? Họ có thể “sống khỏe” trên nền tảng đang được xây dần hiện nay không? Còn phải đợi thời gian mới có câu trả lời. Nhưng cái có thể nhìn thấy rõ là cách làm việc chuyên nghiệp, mục tiêu kinh doanh rõ ràng và lâu dài.

Thực tế hoang phí

Có không ít ý kiến thắc mắc, vì sao một chương trình được đầu tư và có khả năng tồn tại lâu dài như Duyên dáng Việt Nam, đã nỗ lực giới thiệu nhiều giọng ca mới, tạo thương hiệu của chính mình bằng việc quy tụ nhiều tên tuổi nghệ sĩ lại không kiếm lời được như những sản phẩm của ngành show-biz thực thụ? Liệu có phải vì mục tiêu chỉ dừng lại ở dạng một hoạt động xã hội? Dù sao, như vậy cũng thật sự đáng tiếc, nhất là nếu so về “chất”, Duyên dáng Việt Nam rất đáng đứng ở đẳng cấp trên.

Trong khi đó, nhiều nhà tổ chức khác trong nước thì lại không ngừng than van về thời cuộc, tình hình chung, chuyển sang hướng đầu tư nhỏ lẻ, như trường hợp live show của Thanh Thảo hay các chương trình “gom” ngôi sao hàng đêm tại sân khấu 126, Trống Đồng... Dạng “ăn nhanh và ăn gọn” có vẻ phù hợp với những nhà đầu tư nhỏ, chưa có tham vọng kiếm tiền lâu dài trong tình hình mọi thứ còn ngổn ngang của show-biz Việt Nam. Nhưng, để nghĩ đến một tương lai lâu dài thì gần như... không có.

Lâu lâu lại có một trường hợp “mạnh tay” bỏ tiền, nhưng lại thu về kết quả huề vốn hoặc thất bại nặng nề (như trường hợp của live show Quốc Bảo do Tuấn Trinh tổ chức năm 2008). Bốn ăn sáu thua, nên ít có ai chịu bỏ tiền kiểu này nữa? Không hẳn như vậy, thực tế đầu năm qua lại chứng minh có không ít “đại gia” chịu bỏ tiền. Vấn đề còn lại, nhà tổ chức dùng tiền đó để đi “xây nền” (cho làng ca nhạc nói chung - thông qua việc kiếm lợi nhuận của riêng mình) hay chỉ để “chơi”?.

Theo Thể thao văn hóa.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC