Lưu giữ vốn văn hóa dân gian trong đời sốngMột vấn đề được các nhà quản lý văn hóa Hà Nội đặc biệt quan tâm khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đến gần là đầu tư nghiên cứu, bảo tồn vốn văn hoá phi vật thể tiêu biểu như lễ hội Cổ Loa (Đông Anh), lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn), lễ hội Vua Lê đăng quang (Hoàn Kiếm), lễ hội đền Và (Sơn Tây), múa Bài Bông (Phú Xuyên), hát Dô (Quốc Oai)...

Đồng thời tạo điều kiện để nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phát triển như rối nước Đào Thục (Đông Anh), tuồng Dương Cốc (Quốc Oai), các câu lạc bộ ca trù ở nội thành Hà Nội, Lỗ Khê (Đông Anh), Đông Duyên (Thường Tín)… Bản thân các địa phương nơi vốn cổ được sinh ra và lớn lên cũng đang mải miết và hồ hởi với hành trình bảo tốn và phát huy “đặc sản” văn hóa quê mình.

Hò Cửa đình và múa hát Bài Bông được coi là nét văn hóa đặc trưng ở thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên. Ra đời cách đây hàng trăm năm, đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo - hò hát theo các nghi lễ dân gian ở địa phương để cung chúc các vị thần hoàng làng. Đến nay loại hình này vẫn là niềm tự hào của người dân Phú Xuyên. Nội dung bài hò Cửa đình gồm 517 câu, được chia làm 3 phần: Bài giáo, bài hò và bài khóng. Những câu hò đã ăn sâu vào tiềm thức của những người dân, coi đây như một bài trường ca của quê hương. Múa hát Bài Bông cũng liên tục xuất hiện trong những ngày lễ hội theo ba đội hình: múa hát khi đi rước trải, múa hát phục vụ các chầu tế lễ, múa hát thờ thánh. Đội hình múa hát Bài Bông gồm 8 người (ngày xưa là những thiếu nữ chưa chồng), được tuyển chọn từ những cô gái đẹp nhất làng, đạo cụ để múa là một quạt lụa hoa, một khăn lụa màu, một đôi đèn hoa để múa đêm. Chính hò Cửa đình và múa hát Bài Bông ở Phú Nhiêu đã làm cho lễ hội ở đây có nét riêng biệt.

Hai loại hình diễn xướng này được lưu giữ với một niềm tự hào của người dân. Thời kỳ hưng thịnh nhất của loại hình diễn xướng này là từ cách mạng Tháng 8 trở về trước. Sau hòa bình lập lại, các cụ bô lão và nhân dân Phú Nhiêu cũng đã tìm tòi và khôi phục lại hoàn chỉnh bài hò Cửa đình và múa hát Bài Bông. Đặc biệt, phải nói đến những người rất tâm huyết như ông Lương Đức Nghi,người có công lưu giữ, sưu tầm trong suốt 40 năm, nghệ nhân Nguyễn Thị Ga đã tích cực truyền dạy cho thế hệ sau. Từ những năm 1957, 1961, 1983, 2000 và những năm gần đây, đội văn nghệ múa hát Bài Bông của thôn đã được chọn đi thi cấp huyện, tỉnh thành và luôn giành được giải cao. Càng muốn giữ gìn loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo, người dân cũng nhiệt tình tham gia học tập, truyền lại cho thế hệ sau. Hiện nay các bé gái 9,10 tuổi ngoài giờ học đều tự nguyện ra sân đình tập múa hát cùng với các cụ bà đã vào cái tuổi xưa nay hiếm. Ông Lương Tất Tố, chủ nhiệm câu lạc bộ thôn Phú Nhiêu cho biết: Hiện tại câu lạc bộ có 130 hội viên hoạt động quanh năm nhưng đông nhất là dịp hè vì hội làng tổ chức vào rằm tháng 8 nên hè là lúc các bạn trẻ có nhiều thời gian để tập luyện nhất.

Đến thôn Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai), có một loại hình văn hóa dân gian cũng đang được gắng công gìn giữ , đó là tuồng. Có thể nói rằng, người dân nơi đây là những nghệ sĩ nông dân, những diễn viên tuồng thực thụ. Theo ông Nguyễn Văn Lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng thôn Dương Cốc: Người dân thôn Dương Cốc tình cờ “bén duyên” với nghệ thuật tuồng. Năm 1967, đúng vào thời điểm chiến tranh ác liệt, các nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp thuộc Nhà hát tuồng Trung ương sơ tán về Dương Cốc đã truyền lửa cho những người dân nơi đây. Mạch nguồn đam mê đó cứ dần dần thấm sâu vào máu người dân, như duyên phận trời định không tài nào dứt ra được. Tại hầu hết các hội diễn sân khấu không chuyên toàn quốc, đội tuồng thôn Dương Cốc luôn để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng. Số lượng vở mà đội tuồng thôn Dương Cốc dàn dựng tính đến nay lên tới hơn bốn chục, bao gồm cả tuồng cổ, tuồng hiện đại như: “Trưng Nữ Vương”, “Trần Quốc Toản ra quân”, "Trần Bình Trọng", "Nghêu Sò Ốc Hến", “Tình cá nước”... Tuy hoạt động mạnh là thế nhưng các thế hệ diễn viên, nhạc công ở Câu lạc bộ tuồng thôn Dương Cốc nhiều người đã đến tuổi thất thập. Họ luôn e ngại thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghệ thuật tuồng như lớp cha anh. Các thành viên đã quyết tâm duy trì đều đặn hoạt động của đội tuồng và gây dựng những “mầm non” hát tuồng với hy vọng đêm lại sức sống cho một loại hình văn hóa đặc sắc trong đời sống.

Trong khi ngành văn hóa Hà Nội đang ra sức để khôi phục những điệu múa cổ, gìn giữ những nét sinh hoạt văn hóa dân gian, đặt vấn đề bảo tồn và quy hoạch các yếu tố văn hóa phi vật thể thành việc làm cấp bách và cần thiết, thì tại các làng, xã, nơi các loại hình văn hóa dân gian đang tồn tại từ hát Chèo Tàu (Đan Phượng), hát Dô (Quốc Oai) đến rối nước Đào Thục (Đông Anh)...vẫn được người dân âm thầm nuôi dưỡng như một dòng chảy không ngừng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ nỗ lực hết mình với hy vọng rằng, những giá trị văn hóa ấy ngày càng được tiếp nối, phát huy như một vốn di sản văn hoá ngàn năm.


Theo KTĐT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC