Mai này nghề ấy có còn?Cứ tưởng bây giờ Hà Nội thay đổi, nhiều người mặc hàng hiệu, không còn ai mặc quần áo vá thì nghề vá quần áo cũng mai một dần, nhưng đến đây mới thấy nghề này còn phát đạt lắm.

Quần áo vá ở đây có đủ loại, từ chất liệu vải bình thường, đến đồ jean, kaki, tơ lụa, len sợi, thậm chí cả những bộ veston sang trọng người ta cũng mang đến vá...

Có một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với giai điệu mượt mà, thiết tha, cứ nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ về một thời quá khứ oanh liệt hào hùng của ông cha, một thời mà người ta ước ao đủ cơm ba bát, áo ba manh: "Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/ Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/ Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo...". Vâng! Cái ngày "xưa" không mấy xa ấy, quần rách, áo đùm "vá chằng vá đụp" là chuyện rất bình thường. Tôi vẫn còn nhớ ở cái thời bao cấp phải là "cán bộ Nhà nước" thì mới được cấp 1 phiếu vải 5m/năm, con cán bộ như chúng tôi thì cũng được chiếu cố 1 năm 1m vải xanh chéo. Còn tầng lớp nông dân thì cũng được phân phối 2m vải diềm bâu/năm, nên có mặc bộ quần áo vá dăm bảy miếng đi học thì cũng là chuyện thường... Thường thì tôi hay tự vá lấy, hoặc lỗ thủng rách nhỏ thì lấy sợi đay bao tải buộc túm lại, bạn bè cũng chẳng đứa nào cười chê cả, chỉ có người lớn thì thấy "ngứa mắt", hay nhắc nhở. Song, tôi đã có biệt danh "Phương tồ" rồi thì cứ vô tư chả thèm "chấp" những câu chỉ bảo khuyên răn ấy làm gì, cứ thản nhiên mặc quần áo "túm", thậm chí một bộ quần áo tôi có thể "túm" tới chục nút, đến nỗi nó biến dạng và ngắn cũn cỡn đi.

Thời gian trôi nhanh như một giấc mơ, thoắt một cái đã mấy chục năm, thời cuộc biết bao biến đổi. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, đất nước đã chuyển mình khi chế độ bao cấp bị xóa sổ, hàng hóa tràn lan, vải vóc cũng ê hề đủ loại, lúc này thì chỉ sợ không có tiền mà mua thôi. Tôi cũng thoát thai thành một người "quần là áo lượt", trong một ngày có thể thay tới 3 bộ quần áo và cũng "chơi" toàn đồ hiệu cho cả hai đứa con. Thằng lớn thì hiền lành "ông cụ non", ăn mặc thế nào cũng được, nhưng thằng em tuổi Mão có vẻ "quái" hơn và cũng "sành điệu" hơn thằng anh nhiều. Bộ quần áo nào mà nó đã "kết" thì dù có bị rách do va quệt thì nó vẫn cứ mặc. Thương con mặc đồ rách thì "xấu con, hổ mẹ", có vá lại cho thì nó lại chê mẹ vá xấu quá, thà con mặc đồ rách còn hơn, vậy là nó tháo ra và cứ mặc đồ rách te tua, vì bộ đó là "hàng hiệu" mà nó lại rất thích.

Tôi có cô bạn làm nghề sửa quần áo ở số 1 Hà Trung rất đông khách, vì hàng cô chữa rất đẹp, giá phải chăng. Đem bộ đồ rách ra tính nhờ cô tíchkê lại, nhưng cô lại mách cho tôi một địa chỉ chuyên "vá quần áo hàng hiệu". Cô còn "tuyên ngôn" một câu xanh rờn rằng: "Vá quần áo thì có thể ai cũng làm được, nhưng vá mà không thấy miếng vá, mạng mà không thấy miếng mạng thì những thợ vá này còn trên tài cả nghệ nhân". Để "thực mục sở thị", tôi tìm đến ngõ Thanh Miến, một con ngõ nhỏ yên tĩnh ở phố Nguyễn Thái Học, ngay cạnh khách sạn Bàn Cờ - "của để lại" duy nhất của tử tù Phạm Huy Phước (Tamexco).

Cứ tưởng bây giờ Hà Nội thay đổi, nhiều người mặc hàng hiệu, không còn ai mặc quần áo vá thì nghề vá quần áo cũng mai một dần, nhưng đến đây mới thấy nghề này còn phát đạt lắm. Quần áo vá ở đây có đủ loại, từ chất liệu vải bình thường, đến đồ jean, kaki, tơ lụa, len sợi, thậm chí cả những bộ veston sang trọng người ta cũng mang đến vá.

Đầu ngõ Thanh Miến có 3 cửa hiệu chuyên sang sợi, mạng quần áo cũ trông cũng cũ kỹ như quần áo khách mang đến. Đầu tiên là cửa hiệu bà Hồng, trông có vẻ như rất "đắt khách" với đống quần áo chất đống trên giường và bàn, tủ. Bà Hồng cho biết bây giờ còn ít chứ vào mùa đông, làm không kịp giao cho khách. Cửa hiệu của bà Hồi, bà Hồng có thâm niên đã vài chục năm. Riêng bà Hảo nhà bên cạnh thì mới mở. Bà Hồi rất tự hào  khoe rằng, khách hàng của bà rất nhiều, đủ thành phần. Khách đến đây vá lại, khi thì một cái váy mới mua không may bị rách, khi là một vật kỷ niệm, một cái áo hay một cái quần đẹp không nỡ vứt đi, bởi hàng hiệu không dễ gì tìm mua được. Bà Hồi nói, quần áo mang đến đây ít có cái nào có giá dưới hai trăm nghìn đồng.

Tám giờ sáng, các cửa hiệu vá quần áo bắt đầu dọn hàng. Khi tôi đến, bà Hồng đang cặm cụi mạng một áo jean cũ. Bà phải kỳ công rút chỉ từ mặt trong của gấu áo, chỗ được gập đôi, dùng chính chỉ ấy để mạng, đều đặn và tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ. Tôi chỉ nhìn cũng đã thấy hoa cả mắt. Vậy mà bà vẫn ngồi rất kiên nhẫn mạng lại từng chỗ rách. Không hiểu chiếc áo jean kia có ý nghĩa thế nào với chủ nhân của nó, nhưng nếu là tôi, chắc chắn rằng tôi sẽ không bỏ ra 50 nghìn để mạng lại. Khi tôi nói điều này, bà Hồng cười, nhận xét: "Đời sống khá giả, người ta mặc nhiều quần áo hàng hiệu thì nghề này mới có đất sống, nếu quần áo không đắt thì người ta tiếc gì mà không vứt đi, mạng, vá lại cho nó tốn tiền". Giá mạng, sang sợi phổ biến từ 15 nghìn đến 20 nghìn đồng/cm2. Có khi làm một bộ comple bị gián nhấm, tiền công đến 300 nghìn. Bà Hồng, bà Hồi đều khẳng định, mỗi ngày cửa hiệu trung bình nhận 10 chiếc quần, áo, thu nhập tính ra cũng trên dưới 250 nghìn đồng/ngày.

Trước đây, ngoài ngõ Thanh Miến, một số hộ dân trên phố cổ Hàng Gai, Hàng Hòm cũng mở cửa hàng vá quần áo, nhưng nay thì hầu hết đã chuyển nghề. Bởi công việc này không phải ai cũng làm được, ngoài sự kiên nhẫn, tỉ mẩn, đòi hỏi người thợ còn phải có năng khiếu kết hợp với cả sự khéo léo. Nhìn qua thì việc vá quần, áo tưởng chừng đơn giản, nhưng bắt tay vào làm thì không dễ chút nào. Như bà Hồi đã có thâm niên 31 năm trong nghề, thế mà đến giờ mạng, sang sợi 1cm2 quần, áo cũng phải mất đến một tiếng rưỡi đồng hồ. Nhìn thoáng qua chỗ quần rách của con tôi vừa được bà vá lại, tôi không thể nhận ra được miếng vá ở chỗ nào cả. Cô bạn ở Hà Trung nói chẳng ngoa chút nào, "vá mà không thấy miếng vá", từ chỗ sờn, miếng rách nhỏ đến miếng rách cỡ bàn tay nhưng cửa hàng ở đây đều vá được và vá rất đẹp.

Tôi cũng được biết bà Hồi, bà Hồng là hai chị em dâu. Nghề này là do mẹ chồng của hai bà là cụ Tạ Thị Diệp nay đã 85 tuổi truyền lại. Thời Pháp thuộc, cụ Diệp từng học nghề của một người thợ cả Trung Quốc, sau đó về mở một cửa hiệu chuyên mạng, sang sợi áo quần. Ban đầu chỉ có khách người Việt. Về sau nổi tiếng thì các ông Tây, bà đầm cũng tìm đến "vá" rất đông. Ngay cả hiệu may Tô Châu lớn nhất và phát đạt nhất ở Hà Nội thời bấy giờ cũng thi thoảng mời bà Diệp đến nhà mạng, sang sợi quần áo. Đến bây giờ thì các bà cũng đang tìm cách truyền lại nghề cho các con cháu, dù để thạo nghề có khi phải mất vài ba năm, song các bà cũng rất "tâm đắc" vì công nghệ may ngày càng được phát triển và cải tiến, bây giờ người ta cũng có thể thêu zic-zac, mạng, sang sợi ngay cả trên máy may. Mặc dù máy thì không thể "khéo tay” bằng người, cũng như hạt gạo được xay giã thủ công bằng cối răm và hạt gạo được xát bằng máy xát công nghiệp, dẫu có trắng đấy và cũng rất nhanh, rất tiện, nhưng bát cơm gạo đã xát mất chất đi nhiều, không còn cái sự thơm, dẻo, ngọt đậm của hạt gạo xay thủ công nữa. Mặc dù biết là vậy, nhưng vì sự tiến lên không ngừng, người ta vẫn "tống tiễn" cái sự ngọt đậm ấy vào dĩ vãng và chấp nhận ăn bát cơm đã được xát kỹ bằng máy. Vậy thì nghề mạng, vá quần áo sẽ có một số phận chẳng sáng sủa gì hơn. Nhưng tôi vẫn cứ mong, cứ hy vọng nó đừng mai một, vì cái gì cũng "công nghiệp" quá thì con cháu chúng ta có còn giữ tứ đức "công, dung, ngôn, hạnh" nữa hay không?

Theo CAND.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC