Trên nhiều lĩnh vực vốn được nhìn nhận là thuộc về đàn ông, phụ nữ đang dành những vị trí quan trọng. Ngay trong điện ảnh, làn sóng nữ quyền cũng đang dâng lên. Người phụ nữ không chỉ là diễn viên làm đẹp cho bộ phim mà đã tham gia vào nhiều khâu sản xuất phim. Bài viết này xin được phép tản mạn đôi điều về nữ quyền trong điện ảnh Việt Nam từ những sự kiện điện ảnh được đông đảo công chúng biết đến trong thời gian qua.
Đi tìm một định nghĩa cho nữ quyền trong điện ảnh Việt
Thông thường những phim “nữ quyền” - phim "feminist" là khái niệm chỉ những phim do các đạo diễn nữ thực hiện thể hiện cái nhìn tôn trọng với người phụ nữ. Tuy nhiên phim nữ quyền thường được hiểu rộng là phim thể hiện sức mạnh của nữ giới.
Nó có thể là phim do các nữ đạo diễn thực hiện hoặc là những bộ phim thể hiện tiếng nói của nữ giới một cách độc lập. Trong những bộ phim như vậy, các nhân vật nữ chính được sống để theo đuổi những điều họ mong muốn, được tôn trọng.
Về điều này, đạo diễn Việt Kiều Charlie Nguyễn đã giải thích thêm: Từ "feminist" có rất nhiều vấn đề trong đó, ở điện ảnh nó xuất phát từ một quan niệm nâng cao vị thế người phụ nữ. Người làm phim đã đặt ưu tiên về vấn đề này thì bộ phim sẽ nặng về khuynh hướng nữ quyền, dù đạo diễn là nam hay nữ.
Có những bộ phim nhân vật chính là nữ hay số lượng nữ nhân vật chiếm đa số song không được coi là phim nữ quyền nếu như phim được làm với cách nhìn của nam giới về phụ nữ, phán xét họ theo chuẩn mực của nam giới.
Nếu như vậy, những bộ phim có thể coi là đậm tính nữ quyền nhất khi chuyện phim được nhìn với góc độ của nữ giới, phụ nữ là chủ thể sáng tạo của bộ phim đó. Điện ảnh Việt Nam đã và đang chứng kiến sự tham gia ngày càng hăng hái của giới nữ trong vai trò chủ thể sáng tạo - đạo diễn điện ảnh.
Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Diệp đang chỉ đạo Chít và Pi |
Đạo diễn Hồng Ngân đang chỉ đạo diễn viên trên phim trường |
Phim ngắn vốn được coi là tấm vé vào nghề của các đạo diễn trẻ cũng đã có những tác phẩm ấn tượng mang đậm “tính nữ”. Biên kịch trẻ, cán bộ phụ trách dự án 10 thánh 10 phim TPD Bùi Kim Quy với vai trò đạo diễn phim ngắn Cái đệm là một ví dụ. Bộ phim giành giải cao nhất trong liên hoan phim ngắn năm 2004 và trở thành đại diện cho phim ngắn Việt ở liên hoan Clemont Ferrand (Pháp) năm 2005.
Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp, sinh năm 1982, thủ khoa Sân khấu - Điện ảnh đã gây ấn tượng ngay từ phim tốt nghiệp Mùa thứ 5. Từ một dự án được trung tâm TPD tài trợ, Mùa thứ năm đã trở thành phim Việt Nam duy nhất có mặt tại LHP ngắn quốc tế Rio De Janeiro (Brazil) và cũng là một trong số ít phim được chọn để công chiếu.
Thành công này đã giúp chị tự tin trở thành đạo diễn của phim truyền hình được đông đảo khán giả trẻ mong đợi Chít và Pi. Giải thưởng Cánh diều vàng liên hoan phim ngắn toàn quốc vừa qua cũng vinh danh nữ đạo diễn trẻ Thủy Giang với giải thưởng cao nhất dành cho Bóng rối hay giải bạc cho đạo diễn tay ngang Mỹ Dung với Khe Hở. Nữ đạo diễn không còn là một khái niệm quá xa vời với những người yêu thích và quan tâm đến điện ảnh.
Thực sự có hay không phim nữ quyền trong điện ảnh Việt
|
Diễn viên Mai Hoa - Trần Thị Bé trong Đời Cát |
Trương Ngọc Ánh trong Hạt mưa rơi bao lâu |
Trước hết, phải nhận thấy rõ số lượng những nữ đạo diễn đã và đang tạo những dấu ấn nhất định trong làng phim Việt không nhiều. Trước đây chúng ta có Bạch Diệp với Ngày lễ thánh, đạo diễn Việt Linh với Mê Thảo thời vang bóng.
Gần đây, tên tuổi của đạo diễn Nhuệ Giang đã được khẳng định qua bộ phim nhựa Thung lũng hoang vắng được trong nghề đánh giá cao và loạt phim truyền hình Hậu Họa nhận giải thưởng Cánh diều vàng vừa rồi.
Đang có những thay đổi trong điện ảnh khi những nhân vật nữ trong phim Việt không cam chịu đến khổ sở như xưa mà đã dám sống, dám yêu, dám chiến đấu với số phận. Một số bộ phim nghệ thuật Đời Cát, Thung lũng hoang vắng, Chuyện của Pao đã xây dựng được những nhân vật nữ rất cá tính, có những khao khát mãnh liệt về tình yêu, tình dục, muốn vượt qua những định kiến để kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, điện ảnh Việt cũng có những bộ phim đại chúng khai thác sâu về số phận người phụ nữ, do chính những người phụ nữ đóng vai trò đạo diễn. Hồng Ngân, tác giả của các kịch bản: Cô thủ môn tội nghiệp, Cô lái taxi, Trái tim mùa đông...cũng tham gia đạo diễn các phim Đối thủ, Nữ võ sĩ và mới đây nhất là Mưa.
Những bộ phim này không gây ấn tượng mạnh mẽ về thủ pháp làm phim nhưng lại khai thác nhiều khía cạnh thú vị của đời sống người phụ nữ nên thu hút sự chú ý của nhiều khán giả ở mọi giới.
Hay hai chị em đạo diễn Việt Kiều Đoàn Minh Phượng, Đoàn Thành Nghĩa với bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu mang hình ảnh và phong cách táo bạo, đã góp thêm một tiếng nói nữ tính câm lặng nhưng đầy ám ảnh về thân phận người phụ nữ.
Tuy nhiên tiếng nói nữ quyền đó không đủ mạnh. Đặc biệt với những bộ phim thương mại vài năm trước của Việt Nam khai thác đề tài nữ giới như Những cô gái chân dài, Gái Nhảy, Chuông reo là bắn nhưng lại không bật lên nghị lực, sức bật và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ ....Nhiều khán giả nhận xét những phim đó có tính nữ chứ không phải là nữ quyền.
Hơn nữa chính sự lạm dụng những mô típ quen thuộc: vũ nữ, người mẫu dưới cái nhìn có phần phiến diện đã khiến những bộ phim này không để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Ba mùa phim trở lại, ảnh hưởng của nữ quyền trong điện ảnh Việt giảm đi đáng kể.
Đó đây, ta chỉ thấy những nhan sắc trong điện ảnh ở vai trò diễn viên, biên kịch hay phê bình lý luận. Một điều nuối tiếc cho sự đứt đoạn của những tín hiệu nữ quyền trong điện ảnh Việt Nam!
Lắng nghe ý kiến người trong cuộc
Về vấn đề nữ quyền trong điện ảnh, đã có những chia sẻ rất chân thành của những người trong cuộc…
Nữ đạo diễn Nhuệ Giang
Thế giới đã có những tên tuổi đạo diễn nữ nổi tiếng như Jane Campion, Samira Makhmalbaf... Ở các nước khác những đạo diễn có thể khai thác mọi đề tài, không giới hạn sự sáng tạo, các đạo diễn nữ nhìn với một góc độ rất nữ tính. Họ đã làm được những bộ phim có sức lay động lớn.
Đạo diễn Nhuệ Giang |
Ở Việt Nam thì các đạo diễn có thiệt thòi hơn nhưng cũng có những tác phẩm mạnh mẽ như Ngày Lễ Thánh của nữ đạo diễn Bạch Diệp. Bà cũng là người đạo diễn quyết liệt trong phim của mình.
Gần đây những nữ đạo diễn không làm nhiều phim như ngày xưa, đến giờ chỉ còn tôi và chị Việt Linh làm phim nhựa. Chị Linh làm phim có những góc độ rất nữ tính và những góc độ rất mạnh mẽ. Nhưng sau Mê Thảo thời vang bóng, vì sức khỏe yếu, chị cũng ít làm phim. Thời gian gần đây, thế hệ trẻ chưa bắt kịp được, tôi không thấy có gương mặt nữ đạo diễn nào thực sự nổi bật cả.
Là người làm nghề, tôi thấy điều cản trở những nữ đạo diễn nhiều nhất chính là những mối quan hệ, nhất là khi khởi đầu nhiều người hợp tác chưa có lòng tin vào phụ nữ, vượt qua những khó khăn ở hiện trường.
Phải đạt được thành tựu nào đó rồi mới củng cố được niềm tin. Một bất công nữa là khi làm nghề, phụ nữ cũng vất vả như thế, cũng bỏ công sức ra như đàn ông nhưng lương lại thấp hơn. Nên người phụ nữ phải nỗ lực không ngừng, đàn ông cố gắng tám thì phụ nữ phải cố gắng mười.
Có một thực tế là hiện nay số SV nữ học điện ảnh ngày càng đông, có những lớp nữ chiếm đa số nhưng không biết ai trong số đó sẽ làm điện ảnh. Không quyết liệt, không đủ dũng cảm theo đến cùng thì sẽ rất phí.
Nghề này rất khó khăn, không phải giống như học xong là đảm nhận được ngay một công việc. Nó đòi hỏi khả năng, sức bật, nhất là khi phải vượt qua những khó khăn về kinh tế trước mắt. Tôi mong các em sẽ cố gắng.
Mỹ Dung (đạo diễn bộ phim Khe hở đạt giải Cánh diều bạc trong liên hoan phim ngắn Toàn quốc 2008)
Mình thích đề tài nữ quyền. Trước đây mình đã thích hình ảnh người phụ nữ trong bi kịch phục hưng, mạnh mẽ và đấu tranh, có khả năng gây chuyện, tạo ra bi kịch và bắt đàn ông lãnh hậu quả. Nhưng cái khó là đưa những yếu tố nữ quyền vào làm phim là để nhân vật nữ dám chiến đấu và chiến thắng. Khi đó họ phải mạnh ở nhiều thứ: sức mạnh, tình yêu, tình dục... mà điều này không phải thuộc số đa.
Đạo diễn trẻ Mỹ Dung |
Đạo diễn nữ khó tìm thấy người kế cận phần nào vì sự thành công của đạo diễn nữ đi trước chưa gây đủ tiếng vang và lực hấp dẫn để kêu gọi. Nhiều thành tựu có được xuất phát từ ngẫu hứng, từ cố gắng chứ chưa là xác định chiến lược nghề và vị trí ưu tiên của nghề dành cho nữ giới.
Những người làm điện ảnh trẻ là nữ chưa ý thức vừa đủ cho điều này họ không chịu áp lực hiện hữu từ công luận như đàn ông nhưng xem ra họ quá ư căng thẳng và dễ mất bình tĩnh hơn. Vì vậy, muốn làm điện ảnh nữ quyền thì phụ nữ phải chuẩn bị tinh thần hơn cả nam giới.
Trúc Ly, học viên biên kịch lớp dự án điện ảnh quỹ Ford tại trường ĐHKHXH&NV Hà Nội
Tôi không có mấy ấn tượng về nữ quyền trong những phim của điện ảnh Việt Nam. Phim nước ngoài làm về đề tài này có những phim rất ấn tượng. Tôi thích bộ phim Monalisa smile rất nhẹ nhàng, tinh tế không kiểu cực đoan, tuyên truyền. Bộ phim cổ vũ người phụ nữ hãy sống theo cách mà họ muốn.
Trúc Ly |
Phim Thời khắc (The hours) cũng rất ám ảnh, không nhấn mạnh về nữ quyền mà nhấn mạnh về những theo đuổi về mặt tinh thần, thậm chí đến mức cực đoan. Hay như Thelma & Louise cũng là một bộ phim đề cao nữ quyền. Cá nhân tôi yêu thích những bộ phim như thế và hi vọng sẽ có những bộ phim đề cao nữ giới như thế trong điện ảnh Việt Nam.
Đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn
Trên thế giới, các nữ đạo diễn không nhiều dù tỷ lệ sinh viên nữ theo học điện ảnh cũng không phải là thấp, ở Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Nhưng đã có những nữ đạo diễn gây ấn tượng với cả thế giới bằng nỗ lực nghệ thuật của mình. Tôi rất thích các nữ đạo diễn Jane Campion (The Piano), Sofia Coppola (Lost in Translation, Marie Antoinette) và Randa Haines (Children of a Lesser God).
Đạo diễn Charlie Nguyễn |
Tôi thấy rằng những khó khăn hiện nay của cả đạo diễn nam và đạo diễn nữ không khác nhau là mấy. Tôi mong những nữ đạo diễn trẻ hãy kể về một câu chuyện mà mình yêu thích nhất với cả tấm lòng của mình, như thế là thành công.
Theo Điện ảnh.