Một bộ phim lạ về Thăng Long - Hà Nội
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông cũng rất ngạc nhiên về những phát hiện mới trong phim Ký sự Thăng Long (KSTL).

Nhiều công bố mới

Thăng Long - Hà Nội là một đề tài được “đào sâu” từ bao năm nay. Chính vì thế, theo đạo diễn Bùi Duy Khánh, KSTL không đi vào những điều nhiều người đã biết, mà đi sâu vào những cái “độc”, chưa từng được công bố.

Chẳng hạn, lâu nay, mọi người vẫn tưởng rằng mái vòm đá của Nhà hát Lớn Hà Nội sử dụng đá ác-đoa mang từ Pháp về. Nhưng qua KSTL, khán giả mới biết đó là một loại đá sét rất đặc biệt của Việt Nam. Việc vận chuyển nhiều khối đá qua đại dương bất tiện và tốn kém, nên người Pháp đã tìm ở Việt Nam và phát hiện một mỏ vật liệu đặc biệt tại Sìn Hồ, Lai Châu: mới đào lên thì mềm như đất sét, có thể nặn theo các hình dáng khác nhau, nhưng sau thời gian lại như đá.

Một bộ phim lạ về Thăng Long - Hà Nội
_0
Cây đa có ba màu lá, đẹp nhất Đông Dương, trong sân báo Nhân Dân. 

Nói về gò Đống Đa, không phải ai cũng biết Sầm Nghi Đống chết tại chỗ nào, và 13 gò Đống Đa là truyền thuyết hay thực tế… Hoặc có nhiều người cho rằng Đặng Tiến Đông chính là Đô đốc Long (Nguyễn Tăng Long, một tướng nhà Tây Sơn). Nhưng KSTL đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử cho rằng không phải như vậy, và đến nay Đặng Tiến Đông vẫn là một ẩn số.

Khi nói về cây xanh Hà Nội, các nhà làm phim chọn hướng tiếp cận là những cây thiêng, như cây đa trong khuôn viên báo Nhân Dân, phố Hàng Trống - một cây đa được coi là đẹp nhất Đông Dương. Cây đa này đang gây rất nhiều tranh cãi, bởi nó có ba màu lá khác nhau, nên nhiều người cho rằng đó là ba cây chụm lại. “Tuy nhiên, có truyền thuyết cho rằng mỗi một thân cây được sinh sản từ thân cây chính và khi nó trưởng thành sẽ không phụ thuộc vào cây chính. Vì vậy, một mùa nó có thể có ba màu lá. Đó là một trong những câu chuyện thú vị mà khán giả có thể biết ở KSTL”, ông Khánh cho biết.

Bên cạnh những câu chuyện lạ, hấp dẫn, KSTL còn “đột phá” bằng những cảnh quay mới mà từ trước đến nay chưa có trong bất kỳ chương trình hay bộ phim nào. Chẳng hạn, khi nói về cầu Long Biên đoàn phim cố gắng tạo góc quay từ ca-nô chạy dọc sông Hồng chĩa lên quay chi tiết từng mấu cầu, gầm cầu. Một góc quay khác từ trên đầu tàu xuất phát ở ga Long Biên chạy sang Gia Lâm, và sau đó lên đầu tàu khác chạy từ Gia Lâm về nội thành để quay duy nhất đường tàu. Cả hai góc quay này tạo cho cây cầu vắt qua ba thế kỷ những hình ảnh rất thơ mộng, đẹp và ấn tượng.

Khi quay Nhà hát Lớn, đoàn làm phim chờ khi không gian tối dần, đèn bật lên ở từng góc phố, cuối cùng đèn tràn ngập Nhà hát Lớn và khách sạn Hilton. Cảnh ban đêm ở khu Nhà hát Lớn khi ấy đẹp như thủ đô Paris của Pháp.

Một bộ phim lạ về Thăng Long - Hà Nội
_1
Mái vòm đá của Nhà hát Lớn được làm bằng một loại đá sét rất đặc biệt của Việt Nam.

Tìm cái mới trong những cái cũ

Tổng đạo diễn Bùi Duy Khánh cho biết: “Xuyên suốt 52 tập là những vấn đề chúng ta đã thấy nhưng chưa thấy hết, đã biết nhưng chưa biết hết, và có những câu chuyện lần đầu tiên phát hiện. Chúng tôi tìm những cái mới trong những câu chuyện cũ”.

Để làm được bộ phim này, theo ông Nguyễn Quang Phóng, Giám đốc Trung tâm Phim tài liệu - phóng sự, Đài Truyền hình VN, các nhà làm phim phải tìm kiếm và tiếp cận nhiều nguồn tư liệu cổ và luận án của các nhà sử học hiện nay. “Với mỗi vấn đề, chúng tôi tìm các nhà sử học am hiểu nhất về nó để hỏi. Chúng tôi cũng mời hẳn một hội đồng khoa học lịch sử để cố vấn”, ông Phóng cho biết.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành viên nhóm tư vấn cấp cao của bộ phim này nhận xét: “Phim có nhiều cái mới. Một số chi tiết mới khám phá chính tôi cũng chưa biết. Ví dụ, từ trước đến nay, tôi vẫn cứ nghĩ mái lợp Nhà hát Lớn Hà Nội nhập từ Pháp. Hóa ra, câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Tôi không ngờ Việt Nam mình có mỏ đá đẹp và quý đến thế”.
         
Theo tổng đạo diễn Bùi Duy Khánh, “đi tìm những gì người ta chưa biết trong những cái cũ rích rất khó, do đó đoàn phim không có tham vọng ký sự này làm nên cái gì đó ghê gớm, mà nó chỉ như  một bông hoa nhỏ góp vào đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Còn ông Nguyễn Quang Phóng thì nói: “Đó có thể là những câu chuyện rất nhỏ, dân gian và cũng có thể là những câu chuyện nằm trong sử sách chưa được công bố, hoặc đã bị năm tháng phủ mờ. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ lật lại nó và đem đến cho khán giả một cái nhìn mới thú vị hơn về Hà Nội”.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC