Trong số tài liệu ghi chép của ông Cù Văn Chước - nguyên GĐ Bảo tàng Hồ Chí Minh, người đã phục vụ Bác Hồ từ năm 1956 đến khi Bác qua đời... tôi thấy nhiều thông tin đọc lên bỗng trào dâng cảm xúc mãnh liệt.
Tiền lương của Bác
Lương của Bác Hồ từ năm 1960 đến năm 1969 là 260,68đ/tháng, được văn phòng lĩnh thành 2 kỳ. Số tiền lương quá khiêm tốn này cùng với tiền nhuận bút viết báo, viết sách là nguồn thu nhập của Bác. Các khoản tiền trên, văn phòng dùng để chi tiêu hằng ngày cho Người. Bác chỉ thị phải hết sức tiết kiệm, không được dùng công quỹ nhà nước để chi tiêu cho các sinh hoạt riêng của Người. Các đồng chí phục vụ đã luôn chấp hành lời dạy của Người, làm sao đảm bảo sức khoẻ và nhu cầu sinh hoạt giản dị của Bác, không làm điều gì gây lãng phí và làm Bác phải phiền lòng; số tiền còn lại, Bác gửi tiết kiệm.
Năm 1961, Bác đã cho rút ra 500 đồng tặng trường thương binh, trại trẻ mồ côi, trại người mù. Trong thời gian máy bay Mỹ bắn phá ác liệt ở miền Bắc, đặc biệt là ở thủ đô, ngày 11.7.1967, sau khi đi thăm bộ đội phòng không về thấy bộ đội phải sẵn sàng chiến đấu dưới trưa hè nắng gắt, Bác chỉ thị rút hết số tiền tiết kiệm của Bác.
Số tiền cả gốc lẫn lãi được 25.000đ từ sổ tiết kiệm của Bác chuyển sang Quân uỷ Trung ương qua tài khoản 782-10 Ngân hàng Hoàn Kiếm, Hà Nội để mua nước uống cho bộ đội phòng không trực chiến đấu. Từ đó, cả miền Bắc dấy lên phong trào các mẹ, các chị, các cháu học sinh hàng ngày gánh nước chè xanh, nước đun sôi đưa ra các trận địa phòng không cho các chiến sĩ có nước uống.
Tài sản của dân, không được dùng để biếu
Ông Cù Văn Chước có viết trong tài liệu học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có đoạn như sau: Tôi nhớ có một thời gian sau giải phóng thủ đô, một số nhà máy có sản phẩm gửi tới Phủ Chủ tịch để biếu Bác như: Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Bia Hà Nội, xưởng sản xuất thuốc ở Nghệ An...
Tôi tận mắt xem các sản phẩm đó và báo cáo với Bác. Bác rất vui vì những tiến bộ của ngành công nghiệp non trẻ mới được hình thành, nhưng Bác lại yêu cầu tôi sang gặp Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị truyền đạt lại ý kiến của Bác: “Sản phẩm của các nhà máy là tài sản của nhân dân, không được dùng để biếu”.
Một lần, tỉnh Nghĩa Lộ làm được đường “đổ bát” theo cách thủ công, nghĩa là đường làm từ mật mía, nhưng chưa được tinh luyện, màu nâu thẫm được đổ trong khuôn bát. Địa phương đựng đầy hai sọt đan bằng nứa mang về thủ đô biếu Bác. Bác chỉ nhận một bát và dặn tôi nói với cán bộ địa phương: “Bác nhận quà rồi, Bác gửi lời cảm ơn đồng bào và Bác nhờ chuyển số quà này về tặng cụ già và các cháu nhỏ”.
Nâng niu tất cả
Quà của bạn bè quốc tế tặng Bác gồm rađiô, bút máy, đồng hồ..., Bác đã chỉ thị cho văn phòng chuyển sang Tổng Cục Chính trị để xét tặng cho các đơn vị bộ đội, các sĩ quan , chiến sĩ có thành tích trong chiến đấu. Đồng chí Lê Quang Đạo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quân đội lúc bấy giờ - đã ký nhận tất cả các tặng vật này và làm theo chỉ đạo của Bác.
Bác quan tâm đến mọi người, đặc biệt là các cụ già và em nhỏ. Các cụ già cao tuổi, các trường hợp sinh ba, sinh bốn, biết được tin, Bác thường gửi lụa để may áo cho các cụ, các cháu. Lụa này thường là quà của các nguyên thủ nước ngoài biếu Bác. Cá trong ao, quả trong vườn được Bác chăm sóc, vun trồng, khi thu hoạch đều chia cho cơ quan văn phòng Thủ tướng, các đơn vị trong lực lượng cảnh vệ....
Quà của Bác tặng khách quốc tế khi đến thăm Bác hay đi công tác ở nước ngoài, Bác thường nhắc cán bộ lễ tân chọn những thứ quà thể hiện sự tài khéo của nghề thủ công và đặc trưng cho văn hoá Việt Nam. Những lần khách quốc tế đến thăm và làm việc với Bác ở nhà sàn, khi về khách được Bác dẫn ra vườn và quà tặng chính là những sản phẩm trong vườn Bác mà khách tự tay hái; lúc là quả, lúc là hoa; nếu khách là phụ nữ, Bác thường ngắt hoa hồng trong vườn để tặng.
Bác Hồ trong những ghi chép của ông Cù Văn Chước chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc sống đời thường của Người mà đã hiện lên cụ thể và sinh động. Cuộc đời của Bác, đúng như câu thơ của Tố Hữu đã viết: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa”...
Theo LĐ.