Trong những bộ phim, những cuốn sách viết về hội làng, người ta vẫn thường nói về cái sự “sĩ”, về việc trọng danh dự của người Việt. Người ta gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói những lời giao đãi, chúc tụng. Nhưng hiếm khi biết thực bụng người đối diện đang nghĩ gì về mình.
Chỉ đến khi trên chiếu rượu ngật ngà, rượu vào lời ra, những câu chửi, câu châm, những gằn hắt dao kéo mới được bộc lộ. Và thường hội làng khi ấy dễ có chuyện cãi vã, đánh nhau…
Những tưởng đó chỉ là những bộ phim, những cuốn sách cũ. Nhưng nó lại là cái ví dụ chính xác, phản chiếu về làng văn nghệ Việt Nam trên mạng internet. Có điều, người có chữ bây giờ thông minh hơn… các cụ. Họ dùng tên ảo, nick giả để… đánh nhau. Và họ giấu mình rất kỹ. Chỉ có cái mặt cười bề ngoài và những lời sáo rỗng thì vẫn đều đặn như nhau…
“Tôi đã làm web bằng cách đứng tên thật của tôi, thì bạn bè và anh chị tham gia ý kiến cũng nên dùng tên thật hoặc bút danh quen thuộc của mình cho công bằng với nhau. Tôi biết rất nhiều nickname là của những nhà văn, nhà thơ có đẳng cấp đàng hoàng đấy chứ, nhưng có lẽ vì nghĩ "chẳng ai biết tớ là ai" nên vài comment hơi thiếu kiềm chế”… Lê Thiếu Nhơn, chủ nhân trang web www.lethieunhon.com đã rất nhiều lần nói điều đó trước những dòng bình luận của các nickname ảo trên mạng.
Lê Thiếu Nhơn lập ra trang web này với mục đích đăng tải thông tin văn chương, tạo một diễn đàn trên mạng internet về văn học nghệ thuật. Và anh là người thường xuyên phải hứng chịu những dư luận trái chiều, cho rằng mình đã quá bênh vực người này mà xóa bình luận của những người kia.
Lê Thiếu Nhơn nói, anh cảm thấy dường như văn nghệ sỹ của chúng ta chưa thực sự sòng phẳng trong văn chương và trong tranh luận văn nghệ. Họ vẫn quen với cách nói vỉa hè, nghĩa là lén lút, ném đá giấu tay. Có những người là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, dùng nick name để bình luận những chi tiết mang tính nhục mạ cá nhân người viết, buộc anh phải xóa.
Nhưng đến khi bình luận bị xóa, ngay lập tức Lê Thiếu Nhơn bị tác giả gọi điện mắng xối xả, nói “thằng oắt con sao mày dám xóa bình luận của tao”! Lê Thiếu Nhơn lúc đó mới giật mình, hóa ra cái nickname đó là của người đó. Mà vì quá giận giữ, nên nhà văn khả kính đã quên mất rằng mình dùng bút danh trên mạng để… choảng nhau.
Và khi Nhơn đề nghị lấy tên thật để bình luận lại những lời nói cũ thì ngay lập tức, nhà văn phản ứng rầm rầm và kiên quyết từ chối.
Lê Thiếu Nhơn chia sẻ: “Thực ra tôi không có ý bắt buộc phải xóa tất cả những bình luận dùng nickname. Nếu là những ý kiến chân thành, mang tính xây dựng thì dù vô danh hay có danh cũng đều đáng giá. Nhưng tôi sẽ xóa tất cả những ý kiến mang nặng xúc phạm cá nhân, chủ yếu nhằm vào bản thân người viết chứ không nhằm vào vấn đề đang tranh luận. Những comment như thế vốn rất nhiều, và người ta coi internet như một nơi để giải quyết ân oán cá nhân. Và nó giúp cho chúng ta càng sáng rõ hơn một thực tế, tính bầy đàn, bè phái trong văn nghệ Việt Nam đang tồn tại thực sự”.
Trên diễn đàn của du học sinh mang tên Thăng Long vốn được coi là nơi các trí thức trẻ, dân văn chương “tụ nghĩa”. Tất nhiên chỉ “tụ nghĩa” ở một vài chủ đề mà họ yêu thích, như các vấn đề về văn học nghệ thuật mà thôi.
Và ở đó, người ta thấy những cuộc “sát phạt” có bài có bản, cách chửi cũng thể hiện đẳng cấp. Và có những người gần như ngày nào cũng lên đó để cãi vã. Mà phần lớn lại không đi vào trọng tâm vấn đề chính về văn chương để tranh cãi, mà ngày càng đi xa hơn với những câu chuyện bên lề, nhiều khi xúc phạm cá nhân và tìm chuyện đời tư để bêu riếu.
Và ở các diễn đàn này mới thấy… trí thức cũng nói bậy không kém gì dân ở chợ. Cũng đủ cung bậc và các bộ phận con người được tung tóe loe, khi thẳng cánh khi viết tắt dưới dạng này dạng khác.
Lâu lâu trên diễn đàn này lại có một bài phê bình khá dài và kỳ công của một nick name nào đó. Và lâu lâu sau, thì các thành viên đối thủ lại tìm ra được cái nickname đó thực ra là của nhà văn A, nhà phê bình B. Và lúc đó thì thiên hạ lại tá hỏa tam tinh, bất ngờ nhận ra người này, không ngờ người kia ngoài đời nho nhã là thế mà lên mạng cũng ngoa ngoắt đáo để hơn cả phụ nữ…
Nếu theo dõi một số diễn đàn về văn chương, báo chí, mới thấy hầu như các topic lập ra đều chĩa mũi dùi vào một ai đó, cụ thể hơn là vào một tác phẩm của ai đó đang gây dư luận xôn xao. Và những người tham gia vào topic đó đều đứng dưới một cái tên ảo. Và tâm lý “không ai biết mình là ai”, khiến họ “được là chính mình”, nói đủ thứ những điều (đôi khi rất bệnh hoạn) mà họ nghĩ ra về nhân vật chính của topic và ngay lập tức có những người hưởng ứng.
Và tâm lý ném đá vào nạn nhân là tâm lý thường thấy trên mạng. Trong những “cuộc chiến” ấy, người nào mà dại dột đứng ra bảo vệ “thân chủ” thì ngay lập tức bị quy kết là chính “thân chủ” lập nick ảo để cãi lại đám đông.
Và người đó chắc chắn cũng bị ghép chung với “thân chủ” và ném đá cho đến chết. Và thông thường, những topic chỉ có ý kiến xuôi chiều thì sẽ tẻ nhạt rất nhanh. Nên có khi chính những người lập topic đó lại là những người viết những phản hồi gay gắt nhất. Để sau đó, thiên hạ trúng mưu, càng moi móc “khổ chủ” những điều thâm cung bí xử mà không ai ngờ tới.
Khi đọc những bình luận như vậy, thường người trong cuộc sẽ biết “ai là ai” vì những chi tiết được đưa ra, dù đã khéo ngụy trang, nhưng vẫn lòi đuôi, bởi có những chi tiết, chỉ một vài người biết lại được công khai dưới một cái nick ảo. Cho nên, đôi khi những người tỉnh táo thường coi các diễn đàn là nơi nhận ra bạn, ra thù.
Nhà phê bình Nguyễn Hòa, người vốn bị coi là người thẳng thắn và đôi khi hơi nghiệt ngã trong phê bình, nhưng cũng là người sẵn sàng đứng ra tranh luận và bảo vệ ý kiến của mình đến cùng. Dám đương đầu với búa rìu dư luận, đó là một điều đáng quý ở Nguyễn Hòa.
Nhưng dường như số đông lại chưa chấp nhận điều ấy. Và chính vì thế, anh luôn là người bị các “sát thủ giấu mặt” ném đá cho tơi bời trên một số diễn đàn. Nguyễn Hòa nói, thực chất, trên internet có cả vàng lẫn rác, chúng ta phải là người nhặt vàng và bỏ rác. Nguyễn Hòa thường ít nổi nóng với những bình luận thiếu thiện chí, anh cho rằng những bình luận ấy cũng là một thứ để mình xem lại mình, làm sao mình làm việc càng nghiêm khắc hơn với bản thân.
Anh luôn có cách để nhận ra ngay ai là chủ nhân của những bình luận ấy. Thông thường, phải chia ra làm hai loại người dùng nickname. Một là những người dùng nickname nhưng rất… chính danh, nghĩa là bình luận của họ mang tính nghiêm túc và một cách nào đó để cho người khác nhận biết rõ mình là ai.
Hai là những nickname cố tình ẩn, và thường nhân danh bạn đọc để nói những lời hằn học, cay nghiệt và nổi nóng. “Nếu cứ nhìn qua những bình luận của những “bạn đọc” này thì cũng cảm thấy vui vì trình độ dân trí của chúng ta cũng chẳng đến nỗi nào.
Bởi vì bạn đọc bình thường, không dính dáng gì tới văn chương (như những người mang nickname kiểu này thường nói trên mạng) mà hiểu biết rất sâu sắc cả đời sống nghệ thuật, học thuật và hậu trường văn bản thì quả là những bạn đọc thiên tài” - nhà phê bình Nguyễn Hòa trào lộng.
Thông thường, cũng như blog, các trang web văn nghệ đều có thể kiểm soát được các bình luận trước khi công khai. Tùy vào chế độ kiểm soát ở mức nào để không gây “náo loạn” dư luận là chuyện của các “ông chủ web”. Chẳng hạn như Lê Thiếu Nhơn hay Văn Chinh để chế độ kiểm duyệt bình luận trước khi đăng công khai, nên sẽ chỉ cho đăng những thông tin mà theo họ là… sạch.
Còn chế độ web của Trần Nhương lại cho public ngay lập tức nên mới gây nên tình trạng, có những bình luận không kiểm soát được xuất hiện trên web, gây phản ứng dữ dội và nhà văn Trần Nhương đã buộc phải thay đổi chế độ hiển thị bình luận này. Cho nên, người bình luận đã đành, người kiểm soát những bình luận ấy cũng phải mang trên vai những trách nhiệm không nhỏ.
Thời gian qua, rất nhiều website đã đăng tải những bài viết mang tính cá nhân. Sau đó đã xảy ra những cuộc cãi vã thực sự trên mạng văn chương. Thậm chí website của một hội văn học nghệ thuật cũng “cãi vã” với những lời comment của một bạn đọc nào đó. Và những cuộc “bút chiến” đã trở nên nghiệt ngã, người làm nghề nhìn nhau với ánh mắt hình viên đạn.
Và thường những cuộc cãi vã ấy không bao giờ đi đến hồi kết được, do thiếu những định hướng cần thiết trong một cuộc tranh luận, đó là phải bám vào văn bản và chỉ đề cập đến những vấn đề cần tranh luận, không bị chuyện cá nhân xen vào những vấn đề học thuật. Nhưng rất tiếc, ngay cả những trang web mang tính chuyên nghiệp thì yếu tố nghiệp dư, cãi vã, ném đá giấu tay cũng bộc lộ rõ ràng.
Việc tung một bài viết để nhằm vào ai đó lên internet không khó. Và gỡ nó xuống cũng không khó. Nhưng trên bản cached của Google thì vẫn còn lưu lại mãi. Và đó là vấn đề mà những người “ném đá giấu tay” không nghĩ tới. Họ, đôi khi chỉ là muốn “ném đá” một ai đó cho bõ tức, nhưng nỗi đau cho nạn nhân thì còn lại mãi mãi.
Đôi khi sự hèn mọn, những lời tiểu khí… có thể gây nên một vết sẹo không bao giờ lành. Tiếc thay nó lại là lời của những người làm chữ nghĩa, những người hiểu rất rõ ý nghĩa của câu “lời nói đọi máu”.
Theo Thiên Lương
An Ninh Thế Giới