Ngày 30/9/2009 Không gian văn hóa quan họ đã được UNESCO tôn vinh xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo tồn, gìn giữ.
Đây là một vinh dự lớn không chỉ cho vùng văn hóa quan họ Kinh Bắc, mà là niềm tự hào của cả dân tộc Việt.
Ngày 17/4 xứ Kinh Bắc tổ chức lễ hội để đón nhận sự vinh danh này. Các “liền anh”, “liền chị” xứ quan họ hẳn đã có nguyên cớ để “sống áo xông xênh đi trẩy hội”. Lễ hội vùng quan họ năm nay được tổ chức hoành tráng, xứng với cái danh mà văn hóa quan họ đã mang về cho đất nước. Đây cũng là dịp để chúng ta tri ân tổ tiên đã để lại cho dân tộc một di sản lớn. Tuy nhiên, không gian văn hóa quan họ cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn gìn giữ.
Mất dần nơi trú ngụ
Quan họ hay ở giọng hát lời ca, nhưng quý và cực quý là nó tạo nên cả một không gian văn hóa riêng biệt, độc đáo. Cái khó của sự nghiệp bảo tồn gìn giữ di sản này là ở chỗ phải có cả một chiến lược, quyết tâm, sự khôn ngoan minh triết để bảo tồn và gìn giữ cái không gian văn hóa vừa rất bền bỉ nhưng cũng rất mong manh ấy.Hồ sơ văn hóa quan họ hiện có 49 làng nằm rải rác ven sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh, được coi là “làng quan họ” cổ. Nhưng trong số đó thì quá nửa không còn giữ được “không gian diễn xướng” cho quan họ, do quá trình đô thị hóa và bùng nổ dân số, làng đã trở thành phố không còn lũy tre, bến nước mái đình cây đa. Đường làng thì chật hẹp, đã “bê tông hóa”, hai bên là những rãnh nước đen ngòm xú uế vì chất thải!
Nền tảng vật chất để hồn cốt quan họ trú ngụ chính là không gian và những thiết chế văn hóa xã hội của những ngôi làng Việt vùng Kinh Bắc. Không biết đáng vui hay đáng lo ngại cho văn hóa quan họ khi những ngôi làng như vậy đang mất dần “hương đồng gió nội”. Mấy năm nay, vào dịp lễ hội quan họ vùng Kinh Bắc, khách thập phương về trẩy hội không khỏi ngậm ngùi trước cảnh các “liền anh”, “liền chị” ngồi trên thuyền rồng hẳn hoi nhưng lại chỉ được bơi trên những cái ao cạn, vài trăm m2, có bờ kè đá, tường vây xung quanh, trông cứ na ná như cái ao… nuôi ba ba ở đâu đó. Đồi Lim, trung tâm hẹn hò của khách thập phương mê quan họ hằng năm về tụ hội cũng đang biến dạng, xung quanh mọc lên hàng trăm ngôi nhà bê tông đúc với những chóp tù chóp nhọn. Dân vùng quan họ ngày càng giàu lên, cũng mừng thật, nhưng một khi cảnh quan đổi thay thì sự vang vọng của lời ca tiếng hát hẳn sẽ không còn được nhung tuyết mượt mà như xưa.
Hát quan họ trong làng, trên đường, sông hồ hẳn là rất khác với hát quan họ trên những cái ao tù, trên con đường dở đường làng dở phố thị. Hát quan họ trên sân đình, trước cửa đình khác xa với hát quan họ ở trong hội trường ở những trung tâm văn hóa có đèn “nhấp nhấy” và dàn âm thanh hiện đại?
Ngôn ngữ quan họ đang bị bủa vây
Ngôn ngữ cũng là một nền tảng vật chất làm nên hồn cốt văn hóa quan họ. Chưa thấy có công trình nghiên cứu mang tính so sánh nào để giúp chúng ta thấy được sự biến động ngôn ngữ ở vùng văn hóa quan họ trong mấy thập kỷ qua. Nhưng ai cũng có thể nhận thấy rằng ngôn ngữ ở nông thôn, trong đó có vùng văn hóa quan họ, rõ ràng đang ngày càng nghèo tính biểu tượng, biểu cảm nhưng lại rất giàu tính thực dụng, khoa trương do sự xâm nhập của lối nói lái, nói tắt, lối dùng ký hiệu, ám hiệu và cả ngôn ngữ chào hàng quảng cáo thời kinh tế thị trường. Ngôn ngữ quan họ được hình thành theo nguyên tắc “hô thì tôn, xưng thì khiêm”, dùng nhiều uyển ngữ để tỏ rõ sự tôn quý khách và khiêm nhường khi nói về bản thân.
Nhưng thật đáng buồn khi vào ngày hội quan họ hằng năm, bên cạnh “chiếu quan họ” thì còn xuất hiện “ăn theo” rất nhiều những cái “chợ quan họ”. Ở đó người ta mua bán đủ thứ, ăn uống, nói năng xô bồ, có cả các loại dịch vụ phục vụ thực khách “món đặc sản quan họ” tại chỗ. Có thể vừa ì ọp uống bia, nhồm nhoàm nhai thịt chó vừa nghe hát quan họ. Ở đó quan họ trở thành một thứ gia vị, một món hàng khuyến mãi. Ở đó người ta nói bằng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ quan họ. Giọng nói, ngôn ngữ bị méo mó xô lệch ngày càng xa lối nói trữ tình, ý tứ, níu kéo, gợi cảm của ngôn ngữ quan họ. Phải chăng điều này cũng là một thách thức lớn đối với sự nghiệp bảo tồn gìn giữ văn hóa quan họ. Chúng ta hi vọng những nhà nghiên cứu sớm đưa ra lời cảnh báo thông qua những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và toàn diện.
Những tín hiệu vui
Tuy vậy, văn hóa quan họ vẫn có sức sông bền bỉ trong lòng người xứ Kinh bắc. Những năm gần đây, nhiều làng quê ở Bắc Ninh đã thành lập được câu lạc bộ quan họ. Chính quyền các địa phương cố găng khuyến khích truyền bá các làn điệu quan họ cổ, tạo điều kiện để các câu lạc bộ có được không gian diễn xướng hợp lí. Có làng còn đào cả hồ để mùa xuân đến quan họ làng mình có thể diễn xướng trên thuyền. Làng Đặng Xá, huyện Yên Phong có một câu lạc bộ quan họ với 47 thành viên, đủ cả ba thế hệ tham gia. Chị Nguyễn Thị Kim Quýnh, Chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết điều đáng mừng là các cháu nhỏ cũng rất say mê quan họ, các cháu hát theo lối cổ “vang-rền-nền-nảy” hẳn hoi, chứ không phải là hát theo lối “quan họ cải biên”, “quan họ nhà hàng”. Câu lạc bộ quan họ làng Diềm cũng sinh hoạt đều đặn vì có lão Nghệ nhân Ngô thị Lịch, năm nay đã 83 tuổi, làm trụ cột. Tuy nhiên, có một chút nuối tiếc xen lẫn lo âu là những nghê nhân ngồi “đôi lối” bên những chiếu quan họ hôm nay đã có độ tuổi trung bình khá cao.
Theo ĐV.