Niềm tin vào sự hiện hữu của linh hồn không phải là mới, cũng như các kỹ thuật liên lạc với họ. Nhưng chủ nghĩa tâm linh đánh dấu bước ngoặt quan trọng. Nó thu hút chủ yếu giai cấp trung lưu và thượng lưu có học và mở đường cho sự tìm hiểu có tính hệ thống hơn về hiện tượng siêu nhiên. Lĩnh vực tâm linh tâm lý học phát triển từ cuối thế kỷ 19, với sự sáng lập Hội Nghiên cứu Ngoại cảm ở London và một hội tương tự ở New York. Triết gia C.S. Peirce cũng rất quan tâm lĩnh vực này, hoạt động độc lập và cố gắng điều tra vô tư các hiện tượng siêu nhiên.
Trong mấy thập niên sau đó, các nhà tâm linh tâm lý học xác định và phân loại những hiện tượng không thể giải thích bằng kiến thức khoa học đương thời. Sau một giai đoạn háo hức và nở rộ trong thập niên 1970, người ta bắt đầu ít quan tâm đến lĩnh vực này. Ngày hôm nay, tâm linh tâm lý học vẫn là lĩnh vực nghiên cứu gây tranh cãi, bị nhiều người hồ nghi. Một số, có cả các khoa học gia có tiếng, bảo vệ nó. Những người thực hành và ủng hộ nói đó là nghiên cứu hợp pháp về những hiện tượng mà khoa học chưa có mô hình lý giải.
Các nhà nhân học (anthropology) đã nghiên cứu việc lên đồng, và những người nhìn thấy cái vô hình trong nhiều nền văn hóa. Những nghiên cứu ban đầu cho đến cuối thập niên 1950 được dẫn dắt bằng niềm tin cơ bản rằng những tư tưởng và hành vi đó biểu lộ suy nghĩ thô sơ, trái ngược với suy luận hữu lý của phương Tây. Vàođầu thập niên 1960, nhà nhân học người Anh Evans-Pritchard ghi nhận ngành của ông nói chung thù địch trước các niềm tin và hành vi tôn giáo.
Thay đổi quan niệm
Đầu thập niên 1960 cũng chứng kiến việc ra mắt tác phẩm Savage Mind của Claude Levi-Strauss, khẳng định cách suy luận Tây và phi Tây đơn giản chỉ là biến tấu của cùng một cấu trúc suy nghĩ chung của con người.
Kể từ đó, nhiều nhà nhân học cố gắng tìm hiểu những niềm tin không phải từ quan niệm quy ước của mình, mà dựa trên quan niệm của chính nền văn hóa mà họ quan sát. Ngày nay, công thức căn bản của các nhà nhân học là ‘đừng vội không tin’.
Các nhà nhân học đã ghi chép sự phục hồi của đời sống tâm linh ở Việt Nam thời Đổi Mới, mà trọng tâm là hành vi và niềm tin tâm linh.
Nhiều người nhìn thấy sự liên quan giữa thương mại và chủ nghĩa tiêu thụ gia tăng ở vùng đô thị, cùng với sự nở rộ của dịch vụ tín ngưỡng.
Tại một khu nông thôn của Hải Phòng, nơi tôi có một năm nghiên cứu thực địa (2006/07), có vẻ sự phục hồi tâm linh được thúc đẩy không phải vì chủ nghĩa tiêu thụ mà vì nghèo đói và sự tan rã cộng đồng do người ở đó đi ra thành phố.
Người dân làng nhìn những vấn đề này có liên quan đến các oan hồn trong làng. Trước thời cải cách, nhiều ngôi mộ đã bị phá hủy hoặc chưa bao giờ được xây tử tế vì thiếu tiền. Nhiều gia đình không biết nơi chôn các liệt sĩ.
Tìm hài cốt
Tôi bắt gặp cái tên Nguyễn Văn Liên, người giúp nhiều gia đình tìm người thân đã chết, chủ yếu là liệt sĩ, ở gần đó và cả những nơi rất xa. Có trường hợp một cụ già lặn lội đến vùng của người K’tu để lấy xương của em trai, nhờ hướng dẫn của ông Liên. Có lúc người dân chỉ việc đến xã bên cạnh để tìm hài cốt một người chết trong cuộc chiến chống Pháp.
Số lượng khách hàng của ông Liên dường như ngày càng tăng. Chính tôi chứng kiến việc phát hiện một ngôi mộ người dân bên trong xã, nhờ tài ngoại cảm của ông Liên. Nhưng cũng có những sự chỉ trích của những người nghi ngờ sự chính xác. Có một số kể những ví dụ cáo buộc chỉ dẫn của ông Liên đã sai lạc.
Ông Liên và nhiều nhà ngoại cảm khác (như bà Phan Thị Bích Hằng) đã tham gia những chương trình nghiên cứu do chính phủ bảo trợ từ thập niên 1990 điều tra khả năng của họ trong việc giúp tìm mộ liệt sĩ. Trong 10 năm, hàng ngàn ngôi mộ được phát hiện và các nhà ngoại cảm được nhà nước phong thưởng.
Sự hợp tác giữa nhà ngoại cảm và giới khoa học, đại diện chính quyền thể hiện sự phát triển kinh ngạc. Nhưng bên ngoài các chương trình như vậy, nhà ngoại cảm vẫn cảm thấy cần phải tìm kiếm sự chấp nhận của cộng đồng vì nhiều người bị tố cáo “buôn thần bán thánh”. Ông Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng, cho rằng 90% các nhà ngoại cảm là “đồ rởm”.
Câu hỏi
Là một nhà nhân học, một câu hỏi tôi đặt ra là nhu cầu tìm nhà ngoại cảm và mong muốn tìm mộ xuất phát từ cái nghèo trong vùng và biến đổi kinh tế - xã hội to lớn ở Việt Nam ở mức độ nào. Cư dân địa phương dường như nhìn thấy sợi dây nhân quả giữa oan hồn trong vùng và sự vất vả của họ.
Một câu hỏi khác là tín ngưỡng lâu đời của người Việt – ví dụ niềm tin vào kiếp sau – liệu có được củng cố thêm bởi ngoại lực khi đất nước này tiếp xúc thêm với truyền thông nước ngoài. Tôi đang nghĩ đến các phong trào tôn giáo và tinh thần mới ở Tây phương, cùng xu hướng nghi ngờ các định nghĩa hẹp của khoa học và sự thật. Nhiều nhà ngoại cảm, trong đó có bà Phan Thị Bích Hằng, nhắc đến những nghiên cứu ở nước ngoài.
Sau cùng, tôi rất quan tâm đến cách người ta đặt vấn đề ngoại cảm trong quan hệ với kiến thức, sự thật và quan niệm đạo đức. Điều tôi tìm thấy là các nhà ngoại cảm có thể được chấp nhận khi họ chứng tỏ có công lao, điều mà sau đó được chuyển hóa thành bằng chứng rằng kiến thức của họ là có thật. Có thể thấy điều này ở bà Bích Hằng. Cách nhìn nhận rộng rãi về bà như một nhà ngoại cảm thực tài biến chuyển cùng với uy tín người ta dành cho.
Ban đầu, bà Bích Hằng thường bị người dân bỏ qua, sợ hãi và nghi ngờ. Khi chuyện này bắt đầu ảnh hưởng đến gia đình bà, cán bộ địa phương yêu cầu bà dùng kỹ năng của mình để “làm điều có ích cho quê hương, để mọi người thừa nhận tài năng của chị”. Một việc quan trọng cho ngôi làng của bà là khi bà tìm thấy mộ của một vị tướng nhà Trần và di tích một ngôi chùa cổ. Trong cả hai trường hợp, người chết đã hướng dẫn bà đến tận nơi, và sau này, cán bộ của Bộ Văn hóa chứng nhận đó là di tích lịch sử.
Sự gắn kết giữa công lao và sự chân thật rõ ràng cũng đóng vai trò quan trọng trong những lần xuất hiện gần đây của bà Bích Hằng. Bà mặc quần áo Phật tử và có mặt ở các buổi lễ và hội nghị Phật giáo. Chuyện này giúp phân biệt công việc của bà với những người “buôn thần bán thánh”. Nói cách khác, sự thật được thiết lập dựa trên lý do thực dụng, theo như triết lý của William James.
Là một nhà nhân học, tôi nghĩ khi đặt những câu hỏi như vậy, tôi có thể học được nhiều về sự phức tạp của đời sống xã hội Việt Nam và cách thức người dân ở đây giải thích thế giới chung quanh. Nói cách khác, công việc của các nhà ngoại cảm và nhu cầu có dịch vụ của họ cung cấp điểm tham chiếu vô giá về đời sống người Việt trong thế kỷ 21.
Theo BBC.