Có lần nghe đám bạn "họp" về chuyện người đẹp, cái đẹp mà đau đầu. Nhất là khi một kẻ nào đó bỗng buông một câu thở dài: "Ôi, còn đâu cái nết đánh chết cái đẹp, chuyện ấy giờ "xưa như Diễm" rồi, đánh chết thế nào được, có mà cái đẹp nó đè bẹp cái nết ấy chứ!".
Có lẽ vậy thật, lối sống gấp gáp, hưởng thụ gấp gáp và thời đại "fastfood" đã khiến cái nết mờ nhòe dần, người ta chọn những món hàng hình thức bao bì bắt mắt trước, cũng như trong cuộc thi Hoa hậu, cái đẹp hình thức vẫn đứng đầu, thế mới có chuyện làm giả bằng cấp, làm giả giấy chứng nhận này nọ rồi khi nhận xong vương miện thiên hạ mới... té ngửa.
Muôn vẻ... đẹp
Theo quan điểm triết học cơ bản, cái đẹp là cái có ích, có nghĩa là cái sọt đựng phân cũng là cái đẹp. Ấy là các triết gia nói thế, nên cũng chẳng bàn nhiều đến cái triết lý cao siêu ấy làm gì kẻo lại có kẻ bảo ta không sống trên mặt đất. Thôi thì, dùng cái quan niệm của ông bà xưa mà soi vào vậy, cho nó gần gũi và dung dị. Ta khoan hãy nói đến nội dung, đầu tiên thử làm một phép so sánh nho nhỏ để xem con mắt thế hệ chúng ta khác xưa nhường nào.
Với các cụ, cái đẹp xưa phải giấu kín trong rèm, nếu ai lỡ lúng liếng đôi mắt dù cố ý hay vô tình cũng sẽ bị quy là họ hàng với Thị Mầu ngay. Với lại, ông bà ta chuộng cái đẹp thuần tự nhiên, cha mẹ sinh sao cứ để vậy. Vì cái đẹp "nó" ở chỗ khác. Cùng lắm là nhuộm cho răng đen đi hay ăn trầu cho môi đỏ, má hồng... Chỉ thế thôi cũng đã có nhà thơ ca ngợi nụ cười ấy như "mùa thu tỏa nắng" rồi.
Ấy thế nhưng, bây giờ con người ta sẵn sàng can thiệp vào cái công trình tạo hóa đó bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Hễ chỗ nào thừa thì cắt đi, chỗ nào lõm thì bơm vào, chỗ nào ngắn lại kéo ra, chỗ nào cần xẻ cứ xẻ, cần nhổ cứ nhổ.... miễn sao khác với trước là được. Tôi nói khác với trước vì có khối cô sau khi kì công đi cắt, đi xẻ tận nước ngoài về nhưng lại khiến "hương đồng gió nội bay đi... quá chừng!".
Đâu chỉ có vậy, làm đẹp nghĩ cũng lắm công phu. Không chỉ mổ xẻ đâu nhé, với các cô "đẹp" sẵn rồi, muốn đẹp hơn nữa phải dùng đến cái công nghệ mà thế giới đã quá quen thuộc: lăng xê, đánh bóng tên tuổi. Nhất là những cô đạt giải những cuộc thi sắc đẹp phải luôn tìm cách để càng nhiều người nhìn thấy mình càng tốt.
Thế là, ngoài những buổi biểu diễn phô bày vẻ đẹp cơ thể, các cô phải ra sức chứng tỏ cho kì được mình còn đẹp ở... tâm hồn. Rồi thì những buổi từ thiện, những cuộc thăm viếng trại cô nhi, người tàn tật... nói không ngoa chứ có người nhìn thấy có cô đang khóc bỗng ngưng ngay lại vì sợ lem trang điểm. Có cô, chưa hiểu hết chuyện gì đã khóc như mưa.
Dĩ nhiên, dù mục đích gì thì nghĩa cử ấy cũng tốt, nhưng lại có người lạm dụng quá trở thành giả dối. Rồi một khi cái giả dối ấy lậm vào người, cô ấy khó mà nhận ra đâu mới là sự thật.
Thêm nữa, ngày xưa các cụ cho rằng người luôn đẹp trong mắt kẻ si tình như kiểu Thị Nở là hoa hậu trong mắt Chí Phèo hay đối với con bọ hung thì phân cũng ngọt như đường. Nói đến đây, không khéo nhiều người phải bịt mũi, nhưng nếu nghĩ một chút sẽ thấy điều ấy là hiển nhiên.
Đã qua rồi cái thời các ông chồng, bà vợ chấp nhận kiểu: "Lỗ mũi mười tám gánh lông/Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho/Đêm về nằm ngáy o... o.../Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà". Có lẽ các cụ cũng hơi cường điệu, nhưng rõ ràng cái đẹp phụ thuộc rất nhiều vào chủ thể ngắm nghía, sở hữu nó. Còn bây giờ, có một câu cửa miệng mà mọi phụ nữ đều lấy làm tôn chỉ cho mình đó là: Tự tin là đẹp!
Nhờ tri thức và kĩ năng hấp thụ nhiều hay ít mà mức độ tự tin này ít hay nhiều. Điều đó cũng có nghĩa là họ đẹp cho bản thân họ trước rồi mới đẹp cho người đàn ông. Tự tin mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.
Khoa học thì giải thích rằng, nhờ tự tin nên họ hoạt bát hơn so với người khác, điều đó phần nào giúp tâm lý thoải mái, máu lưu thông tốt, ngủ sâu, tiêu hóa cũng tốt hơn... giúp cơ thể khỏe mạnh và hồng hào hơn.
Ngoài ra, người xưa cũng ca ngợi cái đẹp thướt tha, nụ cười e lệ giấu sau vạt áo tứ thân, hay sau vành nón lá. Tức là cái đẹp ấy không bằng nhưng cũng xêm xêm Thúy Vân, Thúy Kiều: "Hoa cười ngọc thốt đoan trang". Còn như nay, hoa cười ngọc thốt đâu chả thấy, chỉ thấy các cô chân dài "sểnh" ra một cái là văng này, văng nọ là hàng cá hàng tôm với nhau ngay hậu trường... ôi thôi thì đủ.
Bây giờ, có một câu cửa miệng mà mọi phụ nữ đều lấy làm tôn chỉ cho mình đó là: Tự tin là đẹp! |
Rồi các cô ấy thay các đại gia như thay áo, còn các đại gia cũng không vừa, "sắm" ngay một em mới tinh như sắm thêm cái Vertu mới, chỉ cần thấy ưng mắt là được. Cái chuyện đổi trao ấy, than ôi, có ngã giá hay không thì chỉ có trời mới biết. Chỉ thấy sau đó, cô có nhà mới, có xe đẹp, sự nghiệp cũng lên như diều gặp gió, bước ra đường có xe đưa rước...
Nhưng, ai bảo các cô ấy đẹp, ai bảo họ là kiều nữ... Và buồn thay, đôi khi tôi nghĩ, không nhắc đến các cụ lại hơn, kẻo biết thế này các cụ bật cả dậy mất. Chúng ta thì đành tặc lưỡi, mỗi thời mỗi khác!
Cái nết ở đâu?
Khác thì rõ ràng là khác rồi, nhưng khác đến mức không nhận ra thì...
Chuyện làm đẹp là chuyện muôn đời, ai chẳng muốn mình đẹp, nhưng cũng cần có sự hài hòa thì cái đẹp mới đúng nghĩa. Có một lần, nghe anh bạn cùng công ty kể lại mà thấy hãi hùng. Sếp của anh ấy rất xinh đẹp, phải nói rằng rất đẹp và sắc sảo. Tuy nhiên, phải cái cô ấy cũng dữ dằn và không thua ai, cô ấy sẵn sàng chì chiết nhân viên khiến lòng tự trọng và tự tôn của họ tổn thương nghiêm trọng dù biết rằng nếu ôn hòa hơn trong mối quan hệ đã không căng thẳng như thế.
Từ đấy, mọi người luôn tìm cách tránh né, ngoài mặt thì "tránh voi chẳng xấu mặt nào" nhưng ai cũng hiểu, muốn yên thân thì đừng đụng vào cành hoa chỉ có gai nhọn mà không có hương ấy. Rồi chuyện một cô người mẫu có thói quen "cầm nhầm" đồ người khác cho vào túi mình cũng khiến ta phải ngẫm nghĩ.
Với các cô "đẹp" sẵn rồi, muốn đẹp hơn nữa phải dùng đến cái công nghệ mà thế giới đã quá quen thuộc: lăng xê, đánh bóng tên tuổi |
Dường như cái chuẩn của người đẹp xưa kia đã bị tuyệt chủng gần hết ở thời đại này, nào là: "Công, dung, ngôn, hạnh", nào là "Tam tòng, tứ đức".... dần biến đi đâu mất. Rất ít, thậm chí là hiếm việc tìm cho được người nào "Đẹp người, đẹp nết, mười phân vẹn mười".
Quả thật, có thể trong số những cô gái chân dài, những người đẹp của chúng ta cũng muốn muốn hướng tới điều đó nhưng rồi cuối cùng, có mấy người vượt qua được. Duy, chỉ có một thực tế rõ ràng, cô nào càng đẹp càng "vớ" được những "con cá" to. Rồi được cái này, mất cái kia như một cuộc trao đổi sòng phẳng. Điều đáng nói là phần đông trong số họ lại là người của công chúng, người để thiên hạ nhìn vào mà "bắt chước".
Hơn nữa, phải nói rằng, phải chăng chúng ta đã góp tay dung túng cho "cái đẹp đè bẹp cái nết". Nếu không, làm sao có chuyện để đến khi Hoa hậu nhận vương miện rồi vụ bằng giả mới lòi ra, rồi làm sao khi người đẹp đã đăng quang lâu như vậy mà vẫn còn nhiều người tranh cãi rằng thực hư cô ấy có là người dân tộc thiểu số hay không? Rồi mới đây là những thông tin lùm lùm xoay quanh cuộc thi Siêu mẫu 2008... Tôi không lạm bàn nhiều, chỉ thấy rằng, nếu không có những việc trên thì tốt biết bao.
Vậy mới nói, "cái nết nằm ở đâu" giữa tiền tài, danh vọng, lụa là và cả tham vọng bước lên thảm đỏ?... là câu hỏi rơi tõm vào thinh không vì chẳng ai trả lời được.
Theo Mỹ thuật.