Đạo diễn Việt kiều nổi danh với "Mùa len trâu" khiến nhiều người ngỡ ngàng khi cho biết: "Vật lý dạy cho tôi kiến thức khoa học không nhất thiết phải là sự thật. Và hơn một nửa "sự thật' tuyệt đối không thể có được".
Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã đem quan điểm này vào bộ phim Tết mà anh đang đạo diễn mang tên Khi yêu đừng quay đầu lại, nói về một cuộc tình lãng mạn với yếu tố bất ngờ mang hơi hướng liêu trai.
- Anh có dụng ý gì khi đặt cho bộ phim cái tên “Khi yêu đừng quay đầu lại” thay cho tên ban đầu của kịch bản là “Nguyên Xuân”?
- Tên phim được gợi cảm hứng từ chuyện thần thoại Hy Lạp, Orpheus và Eurydice. Khi Eurydice qua đời, Orpheus đã liều mình xuống tận địa ngục để cứu Eurydice. Vì cảm giọng hát của Orpheus, Diêm vương đã cho phép anh ta được đem người yêu của mình trở về thế giới của sự sống nhưng với một điều kiện, trên đường đi, Orpheus phải đi trước và không được quay đầu lại cho đến khi hai người đã hoàn toàn bước vào vùng ánh sáng. Khoảnh khắc Orpheus quay lại nhìn người yêu cũng là khi anh mất Eurydice mãi mãi.
Bộ phim nói về những cung bậc tận cùng của tình yêu, trong đó người ta sẵn sàng hy sinh cho tình yêu một cách không nuối tiếc.
- Bản thân anh, thời trai trẻ, có khi nào nuối tiếc vì chưa hết mình với tình yêu?
- Mỗi người đều có thể sống với những say mê và khát khao của mình bất cứ lúc nào. Tôi muốn giữ việc này cho riêng mình.
- Trong số gần 60 người đến casting, lý do nào anh lựa chọn hai gương mặt Thanh Thức và Ngân Khánh?
- Tôi dựa theo cảm xúc của mình trong những buổi gặp gỡ các diễn viên, có khi chỉ là những phút chuyện trò ngắn ngủi ở quán nước. Quyết định của tôi chỉ do trực giác chứ rất khó có thể dùng lý trí phân tách. Điều này áp dụng cho tất cả diễn viên chứ không chỉ Thanh Thức và Ngân Khánh. Trực giác mách bảo tôi họ là hai gương mặt phù hợp cho vai nam, nữ chính trong Khi yêu đừng quay đầu lại. Và tôi nghĩ mình đã có sự lựa chọn đúng.
- So với các phim Tết năm nay, “Khi yêu đừng quay đầu lại” đi riêng một con đường với hơi hướng liêu trai. Khán giả Việt Nam thích xem hài ngày Tết để tạo không khí, hơn nữa những bộ phim ma thời gian gần đây do các hãng phim trong nước sản xuất không được người xem mặn mà. Điều này tạo áp lực thế nào cho anh?
- Đây không phải là một phim kinh dị mà là một cuộc tình lãng mạn với một yếu tố bất ngờ đi xa “thực tế”. Năm nào thị trường phim Tết cũng đầy những bộ phim hài, phim của tôi vì thế có thể coi như một sự đổi món. Điều đó biết đâu lại tạo ra một sự thu hút trên bàn tiệc ngày xuân?
-cảm xúc của anh lúc bấm máy "Khi yêu đừng quay đầu lại" khác gì với khi về Việt Nam làm "Mùa len trâu"?
- Tôi rất hứng khởi vì được làm việc với các hãng sản xuất Việt Nam và đoàn phim hoàn toàn là người Việt. Một trong những trở ngại trong lúc quay Mùa len trâu cho riêng tôi là phải làm việc bằng cả ba thứ tiếng, rất khó tập trung. Tuy nhiên, với Khi yêu đừng quay đầu lại, đến giờ cuối có một thay đổi nhỏ là người quay phim Việt mà tôi đã chọn lại không tham gia được vì vài lý do, nhất là sức khỏe. Anh ta đã giới thiệu cho tôi một người khác thay thế. Anh này là người nước ngoài nên rút cuộc tôi vẫn không được nói tiếng Việt hoàn toàn. Cũng may là chúng tôi có được một người phụ quay giúp phần lớn việc thông dịch nên tôi có thời giờ để tập trung vào làm việc với diễn viên.
- So với khi làm bộ phim đầu tay, anh thấy mình đã thay đổi những gì?
- Lần này tôi chỉ muốn làm một phim chiếu Tết cho vui. Không phải chú ý quá nhiều đến tính biểu tượng, cũng như không cần có những cảnh quay nhọc công như Mùa len trâu.
- Từng thành công rực rỡ với dòng phim nghệ thuật và những thước phim mang tính biểu tượng cao, chuyển sang phim thị trường, anh nghĩ thế nào khi từ bỏ sở trường để chuyển sang sở đoản?
- Tôi chỉ biết đem tất cả khả năng và nhiệt huyết của mình đổ vào bộ phim. Đối với nhiều người đề tài Khi yêu đừng quay đầu lại có thể quá “sến”, nhưng đối với tôi nó rất thú vị và là cả một thử thách. Nếu tôi đủ khả năng đem lại một cái nhìn mới mẻ cho đề tài này thì đó là một điều vô cùng vui sướng. Điện ảnh là một bộ môn rất nặng tính chất đại chúng. Không có khán giả thì điện ảnh khó sống được. Cạnh đó thì tôi cũng không bỏ hẳn những đề tài có tính chất riêng biệt cá nhân hơn.
- Anh có bao giờ hối tiếc vì mối duyên điện ảnh đến với mình quá muộn?
- Tôi vô cùng may mắn có được cơ hội theo đuổi vật lý trong nhiều năm trời. Nó đã cho tôi một cái nhìn rất đặc thù về thế giới chung quanh qua lăng kính của các lý thuyết vật lý. Càng làm việc sâu hơn trong vật lý, tôi càng cảm nhận được các lý thuyết này chỉ là các mô hình giúp ta hiểu được thiên nhiên. Nhưng bản chất của thiên nhiên không thể được gò bó trong các lý thuyết này.
Vật lý dạy cho tôi kiến thức khoa học không nhất thiết phải là sự thật. Và hơn một nửa “sự thật” tuyệt đối không thể có được. Điều này có thể áp dụng vào phim ảnh. Tôi bước vào nghệ thuật thứ bảy khi không còn trẻ, nhưng tôi tin mình vẫn còn đủ thời gian cho nó.
- Không tin vào nhiều “sự thật”, vậy anh nghĩ sao nếu mình lạc vào thế giới liêu trai mà anh từng mơ với giấc mơ hóa bướm của Trang Tử, giấc mơ vô vi như Lão Tử?
- Thế giới của Lão Tử không phải là một thế giới liêu trai mà theo ý kiến riêng của tôi là một thế giới trong đó “mộng” và “thực”, hay hơn nữa, sự thuần nhất về không gian, và thời gian không còn ý nghĩa.
Khi Trang Tử thức dậy, và không biết rằng mình là Trang Tử đã nằm mơ thấy mình hóa bướm đêm qua, hay mình là bướm đang nằm mơ biến thành Trang Tử, là một sự từ chối bản chất thuần nhất của không gian và thời gian của các chủ thể và của cả “sự thật”.
Khi Orpheus quay đầu nhìn lại là một giây phút khẳng định sự chết của Eurydice. Eurydice đã chết bây giờ lại chết một lần thứ hai. Có lẽ sự chết cũng như sự sống không phải là một sự thực tuyệt đối.
Theo VNE.