Tài năng âm nhạc được ví như "Đặng Thái Sơn thứ hai" cảm thấy ngượng ngùng khi được tung hô, khen ngợi. Cậu bé 14 tuổi cũng e ngại nếu trở thành danh cầm sẽ phải sống cô đơn.
Trung bé nhỏ hơn những cậu bé ở tuổi 14, đôi mắt thông minh sau cặp kính cận, thái độ hơi dè dặt khi tiếp xúc với người lạ nhưng nhanh chóng trở nên hoạt bát, cởi mở và hóm hỉnh. 6 tháng tuổi, Trung theo gia đình sang Ba Lan định cư. Sinh ra trong một gia đình không ai có thiên hướng nghệ thuật, Trung không được định hướng để trở thành một nghệ sĩ.
Bố Trung, ông Nguyễn Văn Thân - Tiến sĩ Vật lý Khí quyển tại Ba Lan đồng thời là một nhà kinh doanh nhìn nhận, việc cho Trung theo học piano là sự đầu tư rủi ro, tốn kém. “Nếu chắc ăn, có lẽ tôi đã cho Trung học ngành quản lý kinh tế hay kỹ thuật” - ông Thân cho biết. Theo đánh giá của ông, người nghệ sĩ dương cầm muốn phát triển cần nhiều điều kiện: Bản thân có năng khiếu, môi trường, giáo viên tốt, gia đình có định hướng và kinh tế. Việt Nam 80 triệu dân nhưng chỉ có 3 trường đào tạo âm nhạc ở Huế, TP HCM, Hà Nội. Trong khi đó, ở Ba Lan, mỗi quận có ít nhất 2 trường, người ta có thể nghe tiếng piano vang lên từ bất cứ góc phố nào. Việt Nam không phải không có thầy dạy giỏi nhưng không có môi trường. Ông tâm sự, nuôi một đứa con chơi đàn vất vả hơn nuôi người bình thường rất nhiều, chưa kể đến phải có phòng riêng lớn, đàn tốt để tập luyện.
Áp lực với những lời khen
Người cha ngũ tuần trìu mến nhìn cậu con trai đang vòng tay qua cổ mình, kể: Năm 5 tuổi, Trung theo chị đến nhà cô giáo dạy piano. Trong khi chị học, cậu ngồi trên salon theo dõi. Chị vừa dừng đàn, cậu liền tới mon men dạo lại giai điệu, bà giáo ngạc nhiên nhận vào dạy mấy tháng rồi dỗ đi thi, cậu bé còn sợ khóc mãi. Bà giáo sư Ba Lan quý Trung, kèm rất nhiệt tình, yêu cầu bố hoặc mẹ phải ngồi cạnh lúc Trung tập, nghe để biết con mình có thực lực thế nào. Mẹ Trung bây giờ, chỉ cần con dạo lạc một nốt là nhận ra ngay. Trong khi bố và anh trai đã về Việt Nam, chị đang du học tại Mỹ, mẹ vẫn phải ở lại Ba Lan kèm Trung học đàn.
Ròng rã học tư 6 năm trời, đến năm vào trung cấp, ba giáo sư nổi tiếng của Ba Lan đều ngỏ lời nhận Trung. Từ năm 7 tuổi, năm nào cậu bé cũng tham gia các cuộc thi và giành thứ hạng cao. Cậu từng giành giải nhất cuộc thi piano dành cho trẻ em ở Ba Lan năm 2003, giải Nốt nhạc vàng dành cho thí sinh quốc tế chơi nhạc Mozart năm 2006, giải ba cuộc thi âm nhạc quốc tế năm 2007, giải xuất sắc về Chopin dành cho trẻ em quốc tế tại Ba Lan 2008, và giải nhì Halina Czerny Stefanska tại Ba Lan 2009.
Giấy chứng nhận giải thưởng của Nguyễn Việt Trung cho cuộc thi “Chopin for the Youngest” Antonin tháng 2/2010.
Hai giải Nguyễn Việt Trung cảm thấy tự hào nhất là giải nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski năm 2008 và giải nhì International Competion “Chopin for the Youngest” Antonin diễn ra hồi tháng 2. Tại cuộc thi Ludwik Stefanski duy nhất có Trung mới 12 tuổi, đang học sơ cấp, các thí sinh khác 16 - 17 tuổi đều học trung cấp. Cuộc thi International Competion “Chopin for the Youngest” Antonin có rất nhiều nước tham gia. Đây là giải thưởng khó nhất cho pianist trẻ quốc tế ở Ba Lan, một cuộc cạnh tranh khắc nghiệt mà mọi người nghĩ cho Trung tham gia cho vui. Bà giáo đưa Trung đi thi chỉ mang theo vài bộ quần áo vì đoán Trung cùng lắm qua được vòng 2. Trung vượt qua vòng 3 rồi giành giải Nhì, mẹ xúc động quá khóc, không nói nên lời.
Tuy nhiên, Trung chưa hẳn ưng ý với giải thưởng này. Trước cuộc thi, hai cha con đánh đố nhau: “Nếu con giành giải Nhất, ba sẽ bỏ thuốc”. Khi biết kết quả, Trung buồn vì ước nguyện của cậu không thành sự thật. Hỏi Trung tại sao những cậu bé khác hay bắt cha hứa mua tặng thứ này thứ khác còn cậu lại chỉ yêu cầu cha bỏ thuốc, Trung ngượng nghịu: “Vì em không muốn bố bị ung thư”.
Trước những thành tích ấn tượng này, tờ Twoja Muza - tạp chí âm nhạc danh tiếng của Ba Lan gọi Trung là "Ngôi sao âm nhạc với tài năng piano không có gì phải bàn cãi”. Nhiều tờ báo trong nước và quốc tế gọi cậu bé sinh năm 1996 là “thần đồng”. Trung ngại nhất khi được gọi như vậy. Bố giải thích cho cậu, thần đồng là tài năng bẩm sinh, bộc lộ khi còn ít tuổi, còn Trung có trí tuệ âm nhạc nhưng được đào tạo bài bản chứ không phải là người chưa học hành gì đã có thể chơi đàn. Vì thế, theo ông, dùng từ “thần đồng” với Trung hơi quá. Bản thân Trung, khi lần đầu được gọi thần đồng, cảm xúc của cậu là choáng. “Mỗi lần diễn em đều phải cố diễn thật hay, sợ nếu không họ lại bảo mình là thần đồng dỏm. Em thậm chí còn phải tăng giờ tập lên gấp đôi” - Trung vò đôi bàn tay với những ngón dài bối rối. Yêu quý và thần tượng Đặng Thái Sơn nhưng khi được ví là “Đặng Thái Sơn thứ hai”, Nguyễn Việt Trung cũng cảm thấy ngại. “Em còn phấn đấu nhiều lắm mới có thể xứng với điều đó. Càng nhiều lời khen, em càng thấy áp lực” - Trung ngượng ngùng.
Chinh chiến tại cuộc thi quốc tế nhưng Nguyễn Việt Trung chưa tham gia cuộc thi nào trong nước. Ban đầu, Trung và bố mẹ định ghi danh tham dự cuộc thi Piano quốc tế đầu tiên tổ chức tại Việt Nam vào tháng 9, nhưng sau đó Trung được mời biểu diễn khai mạc bằng hai bản nhạc của F. Chopin - Fantaisie - Impromptv Op66 và Scherzo số 1 Op20. Với Trung, biểu diễn lần này là một sự tự hào lớn, “còn hơn một giải nhất” - cậu cười to.
Nguyễn Việt Trung với ba mẹ và giáo sư trong buổi nhận giải “Chopin for the Youngest” Antonin.
Từng muốn bỏ đàn
Những bản nhạc khác lời hát ở chỗ không có ca từ, quan trọng là cách cảm nốt nhạc. Có những lần đàn bản nhạc của Chopin, Trung chảy cả nước mắt. Hai tác giả mà Trung thích chơi nhất là Chopin và Franz Liszt. Chopin đi thiên về sự sâu lắng trong khi Franz Liszt có những bản nhạc rất hoành tráng. Có lần bà giáo sư yêu cầu Trung đánh bài “Dạ khúc" - bản nhạc bí ẩn của Chopin, Trung tập nhiều lần vẫn không đạt yêu cầu vì cậu muốn đánh cho ra chất của mình chứ không phải của người khác. Trung gọi điện cho Đặng Thái Sơn và được giải thích tận tình. Chú Sơn đã dạy Trung cách cảm để mỗi nốt nhạc dưới ngón tay đều rung động từ con tim. “Những lần đánh các đoạn nhạc vui, em thường vội, tốc độ nhanh lên trong khi những lúc buồn, em chậm lại, chỉ cần nghe là biết ngay. Rất may em còn nhỏ, cảm xúc không quá nặng nề, khi kết thúc bản nhạc, nghe tiếng vỗ tay, em giật mình quay lại thực tế” - Trung kể.
Cậu cũng không giấu diếm việc đôi khi mệt mỏi muốn bỏ đàn: “Bạn bè hay mời em đi chơi, xem phim nhưng em không đi được vì chưa tập đủ 5 tiếng hay đang chuẩn bị vào giờ học của bà giáo. Nhiều lần, em nằm giường và nghĩ, giá mình quay lại cuộc sống bình thường, không tập đàn nữa. Mình học đàn nhiều quá, thu mình trong vỏ ốc, lớn lên lại bị bạn bè chê cười. Thế nhưng, sau giấc ngủ, khi tỉnh lại, em thấy hết buồn và bỏ ngay ý định trước đó”. Các danh cầm luôn cô đơn - còn bé nhưng Trung cũng e ngại sau này mình có đời sống tình cảm lận đận. “Nếu sau này đi biểu diễn nhiều, để vợ ở nhà, vợ chán vợ bỏ em đi mất” - Trung hồn nhiên.
Thời gian học ở nước ngoài khá nhiều nhưng Trung không khác gì một cậu bé sống hoàn toàn ở Việt Nam. “Đây là thành tích của anh trai em. Anh ấy bắt khi ở nhà phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, nếu nói tiếng Pháp hay Ba Lan sẽ bị ăn đòn” - cậu cho biết. Nhút nhát khi giao tiếp nhưng khi biểu diễn trước hàng vạn người, Trung luôn thấy mình đang làm chủ sân khấu và hãnh diện khi giới thiệu mình là người Việt Nam.
Theo VNE.