Nhà hát Cơ sở hạ tầng yếu kém, trang thiết bị âm thanh ánh sáng không đảm bảo phục vụ vở diễn trọn vẹn đang khiến các nhà hát ở Hà Nội đau đầu.

 

Bình thường, nếu muốn thuê Nhà hát phải đặt trước ít nhất nửa tháng. Khi sân khấu “vào mùa” diễn, các đơn vị nghệ thuật không tránh khởi tình trạng chờ dài cổ để trình làng vở diễn mới, trong khi đó: “sàn tập có mà không thể sử dụng được”.

Nhà hát kịch Việt Nam nhiều năm “ôm” mối trăn trở bởi sở hữu một sân khấu không xứng tầm với biệt danh Anh cả đỏ trong làng sân khấu Việt. Ông Anh Dũng, giám đốc nhà hát than thở: “Với 150 - chỗ ngồi, thiết bị âm thanh ánh sáng luôn bị bộ phận kỹ thuật “kêu ca” mỗi khi dựng vở như hiện tại, không thể gọi đây là Nhà hát được”. Chính vì thế, nhiều lần phải chạy bỏ hơi tai mới có được một hợp đồng diễn nhưng nếu phía đối tác có lượng người xem vượt quá con số 150 thì anh em nghệ sĩ cũng đành… thở dài.

“Về vật chất, chúng tôi không đủ dàn dựng những tác phẩm đỉnh cao. Décor của những vở có khoảng 30 diễn viên tham dự luôn lớn hơn khung của sân khấu hiện có”, ông Dũng giải thích thêm. Vì thế, khi dựng những vở kinh điển như Người đàn bà tỉ phú về thăm quê, Hedda Gabler, các nghệ sĩ phải thuê địa điểm khác để diễn tập vì không gian sân khấu của nhà hát quá chật chội.

“Việc thuê địa điểm tập luyện và công diễn vở mới ngốn của chúng tôi chừng 1 tỷ đồng mỗi năm. Biết là lãng phí nhưng đành cắn răng chịu”, giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam tiết lộ.

Đấy là chưa kể, vị trí của một trong những nhà hát hàng đầu Việt Nam nằm núp sau lưng Nhà hát lớn thành phố, khiến nhiều khán giả tìm mỏi mắt mới thấy. Không ít buổi diễn, nhà hát phải bố trí người đứng trước của Nhà hát lớn xem khách của mình có bị lạc sang đây không thì… dẫn về.

Chịu nỗi tủi thân lớn hơn nhiều so với Anh cả đỏ là Nhà hát cải lương Việt Nam. Một sân khấu nhiêm nhường với 150 chỗ ngồi như Nhà hát kịch Việt Nam là ước mơ xa xỉ với đơn vị nghệ thuật truyền thống này.

Thành lập từ cách đây hơn nửa thế kỷ, vượt qua nhiều gian khó để vang danh con chim đầu đàn của cải lương Bắc Bộ, nhà hát này chỉ sở hữu một sàn tập thô sơ, cũ nát, không đủ điều kiện công diễn bất cứ tác phẩm nào.

Cơ sở vật chất quá ư giản tiện khiến “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết khi từ TP HCM vào cộng tác không khỏi bùi ngùi thương xót xen lẫn cảm phục sự nhẫn nhịn và lòng yêu nghề của các nghệ sĩ nơi đây.  

Theo nghệ sĩ Hoàng Quỳnh Mai, trưởng đoàn biểu diễn II, không ít khán giả gọi điện đến hỏi lịch diễn song nhà hát rất khó trả lời bởi còn phụ thuộc vào việc thuê rạp. “Khi vở diễn vừa đoạt giải, có tiếng vang và đang nóng hổi trên các phương tiện truyền thông, khán giả muốn xem thì mình không thuê được địa điểm, khi thuê được thì họ đã bị cuốn vào việc khác”, nữ đạo diễn than thở.

Nhà hát
Vở Cung phi Điểm Bích

Bản thân Hoàng Quỳnh Mai từng mang Cung phi Điểm Bích, vở diễn được coi là hiện tượng của sân khấu cải lương năm 2007 đi khắp các sân khấu lớn nhỏ ở thủ đô bất cứ khi nào có thể “tranh thủ” được điểm diễn.

Tương tự, đồng nghiệp với Quỳnh Mai ở Nhà hát cải lương Việt Nam, đạo diễn Triệu Trung Kiên quyết tâm cùng bạn bè tự bỏ tiền túi thuê nhà hát lớn để vở Dấu ấn giao thời có cơ hội ra mắt khán giả thành phố sau khi được trao giải nhì Cuộc thi tài năng đạo diễn sân khấu tại TP HCM và giải B của Hội nghệ sĩ sân khấu. “Mình phải liều thôi, chứ chờ đợi thì biết đến khi nào”, Triệu Trung Kiên tâm sự.

Tiếc là đêm đó, Dấu ấn giao thời gặp mưa khiến ước mơ của tác giả kiêm đạo diễn Trung Kiên ít nhiều tan nát. Bởi thế, nếu có được một sân khấu dù khiêm tốn nhưng đủ điều kiện công diễn sẽ khiến các nghệ sĩ “cơ động” hơn trong việc phục vụ khán giả, nhất là trong tình trạng nghê thuật cải lương đang heo hút người xem như hiện nay.

Cũng vì lý do không có sân khấu chuẩn mà Nhà hát chèo Hà Nội loay hoay mãi vẫn khó trình làng vở diễn từng gây tiếng vang cách đây 25 năm: Nàng Sita. Theo nghệ sĩ Thuý Mùi, giám đốc Nhà hát, dù mới được xây cách đây 5 năm với 200 chỗ ngồi nhưng sân khấu hiện tại chỉ đủ diễn các trích đoạn chứ không thể diễn toàn bộ, nhất là với tác phẩm lớn.

“Với sân khấu nhà, không thể diễn xuyên suốt một vở như Nàng Sita, thậm chí khi duyệt tổng thể cũng phải nhờ đến không gian của Cung văn hoá Hữu nghị Hà Nội”, bà Thuý Mùi cho biết.

Dù đã được lên lịch nhưng vẫn có trường hợp một số buổi tổng duyệt bị hoãn lại để nhường chỗ cho hội nghị. “Chuyện ra rạp nhiều khi phức tạp và khó nói trước hơn cả dựng vở mới”, giám đốc Nhà hát chèo tâm sự.

Theo Hải Huyền
Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC