Anh, người đàn ông mau nước mắt, ngồi trước tôi, mỗi khi chạm vào một khoảnh khắc nào của ký ức lại rưng rưng như bật khóc. Một cảm giác về những người đàn ông đa cảm, dễ vỡ. Và lành.
Minh Châu ngồi nói về những tác phẩm âm nhạc của mình quên thời gian. Những cảm xúc đẹp và khao khát được tỏ bày 6 năm cho một trường ca âm nhạc về tâm hồn người Việt là hành trình cực nhọc, để lúc này anh vỡ òa trong niềm vui không giấu được. Minh Châu là thế, anh như người đẽo ngọc và bất ngờ nhận ra sự lấp lánh của thứ ngọc quý sau những vết mài...
Minh Châu là mẫu người lãng tử. Suốt thời trai trẻ, anh đã đi dọc đất nước. Những chuyến đi, đôi khi chỉ là để tìm kiếm sự thanh thản, nhưng lại là sự trải nghiệm cần thiết, để anh bắt đầu cho những tác phẩm âm nhạc của mình. Mất ba năm để anh hoàn thành trường ca "Bức tranh non nước" và 6 năm sau anh mới có được trường ca "Người Việt" - hai trường ca làm trọn vẹn ý tưởng phác họa cảnh vật đất nước và con người Việt Nam, mà anh ấp ủ từ lâu.
Trường ca "Người Việt" được Minh Châu sử dụng khá nhiều chất liệu âm nhạc từ Bắc - Trung - Nam, lồng vào các hình thức âm nhạc đại chúng hiện đại để những tác phẩm trở nên gần gũi với công chúng hôm nay. Minh Châu nói, để viết được 5 khúc hát trong trường ca "Người Việt", anh đã phải bỏ đi không dưới hai chục ký bản thảo. Viết rồi xóa, viết rồi bỏ, cảm giác như mãi vẫn chưa đủ lực để bám rễ sâu vào phía đáy sâu của tâm hồn người Việt.
Và những gì anh giữ lại, là những gì tinh túy nhất. Hành trình từ "Bức tranh non nước" tới "Người Việt" là hành trình đi từ cái bên ngoài vào cái bên trong, từ miêu tả núi sông đến việc diễn tả chiều sâu tâm hồn con người Việt Nam, trải qua nhiều thăng trầm biến cải. Minh Châu nói, anh không sợ thời gian làm mọi thứ muộn màng. Và anh sẵn sàng chờ 6 năm để cho ra mắt một đĩa nhạc như "Người Việt". Và trường ca tiếp theo, anh dự định là 12 năm.
Trường ca, vốn ban đầu được hiểu như một thuật ngữ của văn học. Trường ca trong lĩnh vực âm nhạc, được hiểu như những tác phẩm thanh nhạc có đề tài được thể hiện với nhiều chủ đề và hình thức âm nhạc, liên kết chặt chẽ với nhau thành nhiều khúc, nhiều đoạn khác nhau. Mỗi khúc trong một bản trường ca thường có cấu trúc tự do, theo lối kể chuyện. Và để viết được một trường ca trong âm nhạc, người nhạc sỹ phải bỏ qua những cấu trúc A-B thông thường trong hầu hết các ca khúc thanh nhạc thường thấy. Đồng thời, sáng tác một trường ca trong âm nhạc đồng nghĩa với việc, phải tạo dựng một sự kết nối trong nhiều tình huống phức tạp, tạo dựng một câu chuyện bằng âm nhạc, với nhiều thăng trầm, biến cố.
Minh Châu đã đi con đường khó, của Văn Cao (với trường ca Sông Lô), của Phạm Đình Chương (với trường ca Hội trùng dương), Nguyễn Đình Thi (trường ca Người Hà Nội) và Phạm Duy (trường ca Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam)... Anh nói, đó là một con đường vất vả nhưng nhiều say đắm. Trên con đường đó, anh được sống với chính mình, trong một tình yêu non nước riêng biệt.
Anh không sáng tác dựa trên một tinh thần yêu nước chung chung và sáo rỗng, với những ngôn ngữ ào ào nhưng vô hồn. Âm nhạc của Minh Châu, chính vì thế, luôn là những chắt chiu của cảm xúc và ngôn ngữ, để mang đến một không gian đặc biệt, một cảm xúc tinh tế. Trong âm nhạc, Minh châu là một người cầu toàn và không xô bồ.
Minh Châu đã khóc rất nhiều lần trong buổi họp báo giới thiệu trường ca "Người Việt". Nỗi xúc động dường như tự dâng lên mỗi khi anh nhớ lại một đoạn ca từ hay những ý nhạc. Có lẽ là trong hành trình 6 năm để hoàn thành "Người Việt", Minh Châu đã rơi nước mắt nhiều lần. Nước mắt của anh, có thể là sự xúc động thành kính với những phận người bé nhỏ. Sự đa cảm của người nghệ sỹ thường mang lại cho họ nhiều phiền lụy trong đời sống nhưng bù lại là sự tinh tế trong nghệ thuật của họ không thể đo đếm bằng lẽ thông thường.
Minh Châu có vẻ như hiểu rất rõ điều này. Và anh để mọi cảm xúc của mình tự nhiên. Anh nhớ lại quá khứ, khi anh còn là một cán bộ thủy văn, đi khắp đồng bằng sông Cửu Long, trong suốt 6 năm ấy, anh lăn vào quá nhiều cảnh đời, từng tưởng như bỏ xác trong những cuộc chạm trán với giới giang hồ để cứu đời cô gái điếm, từng sống như một tu sỹ ở trong chùa, từng gặp đủ dạng người, khiến anh thấm thía hơn cuộc sống hiện tại.
Anh đã từng cưu mang những người nghèo, tìm mọi cách để họ có thể có tiền vốn để làm ăn, dù không nhiều, nhưng cũng là một cơ may hy vọng thay đổi cuộc đời. Và cũng chính anh, luôn có ý thức về một sự giác ngộ, rằng sự trở lại của nhân tâm là sự trở lại thành thật, mà cần phải bắt đầu từ nhân tâm. Sống giữa giới giang hồ, nhưng không hoảng sợ, đó là những năm tháng mà anh nhận ra rằng, dù ở dưới đáy cùng của xã hội và trong sâu khuất của những mảnh đời tăm tối nhất, ánh sáng tâm hồn vẫn vọng ra và người ta có thể thay đổi cuộc đời trong từng khoảnh khắc.
Minh Châu nhớ, khi ấy trạm thủy văn của anh nằm cạnh một bãi hoang. Ở đó, có những khu lán dựng tạm của dân giang hồ và cũng là nơi tá túc của những cô gái mại dâm. Cuộc sống không dễ dàng. Mỗi khi có đợt kiểm tra, truy quét tệ nạn, các cô gái mại dâm chỉ còn một cách duy nhất là tìm đến trạm thủy văn của anh làm nơi tá túc. Có rất nhiều trong số ấy vẫn còn đang tuổi vị thành niên.
Cô gái ấy tên Huế, người Hồng Ngự, Đồng Tháp. Cô có một quá khứ đen tối, bắt đầu từ việc cha dượng lợi dụng để hiếp cô rồi tìm cách đẩy cô ra khỏi nhà. Cô nghĩ rằng ra khu chợ ở sát vùng biên giới thì có cơ may kiếm việc làm và đổi đời. Nhưng kể từ đó, cô rơi vào vòng xoáy của cuộc chơi thân xác. Minh Châu tìm cách cứu cô khỏi vòng xiết của những kẻ bảo kê và các má mì. Và họ tìm cách bỏ trốn, trước sự săn đuổi không ngừng của những kẻ bảo kê.
Giống như một bộ phim hành động, họ tìm cách vượt đường về lại đất quê của Huế. Rồi sau khi tìm cho Huế một việc làm, với một số vốn nhất định, anh mới quay lại chốn cũ. Ngày anh tạm biệt Huế, cô gái ấy đã khóc. Thực sự cô muốn giữ anh lại. Nhưng, bước chân lãng tử ấy không dừng lại. Anh chỉ muốn cứu cô thoát khỏi cảnh huống nghiệt ngã mà cuộc đời ép buộc, chứ đó không phải là tình yêu. Về sau, anh vẫn theo dõi cuộc đời của Huế và cảm thấy yên lòng khi cô đã tìm được một mái ấm cho mình...
Kể đến đó, Minh Châu lại trào nước mắt. Anh nói, cuộc đời anh, xét cho cùng là một sự trao - nhận trọn vẹn thế thôi, chứ không nhiều nhặn gì. Trao và nhận. Như lẽ đời...
Tôi gọi Minh Châu là người đào ngọc. Bởi anh không chỉ mang đến những bản nhạc chắt chiu, mà sau này, khi tham gia trực tiếp vào nhiều sinh hoạt âm nhạc của thành phố, Minh Châu cũng là người dẫn dắt những tài năng trẻ vào con đường ca hát, đẽo gọt từng nốt nhạc trong từng bài hát của họ, để từ đó, có những ngôi sao lấp lánh về sau. Minh Châu nói, anh luôn thích làm việc với những người trẻ tuổi, khi họ mới chỉ là những con người mộc mạc. Ở đó, có niềm say mê hồn nhiên, có bản năng chưa gọt giũa và sự thành thật thánh thiện của người nghệ sỹ.
Và ở họ, anh tìm ra được một niềm tin rằng, với những người đam mê thành thực, thì âm nhạc luôn là một điểm tựa vững chắc chứ không phải là công cụ tìm kiếm vinh quang. Minh Châu sáng tác những bản nhạc, tạo thành những bài "hit" như "Hãy cho nhau một nụ cười", "Một ngày bình yên", "Dấu chân lãng tử", "Vũ khúc thần tiên"... Dù là những "cây trái ngắn ngày" nhưng những lời nhạc của Minh Châu chưa bao giờ dễ dãi.
Và đó chính là lý do, những ca khúc của Minh Châu luôn là lựa chọn lý tưởng của nhiều ca sỹ trẻ khi tham dự các cuộc thi ca hát. Minh Châu kể, anh là một trong những chuyên gia hỗ trợ các thí sinh của cuộc thi Vietnam Idol 2007... Trong cuộc thi có những thí sinh không may mắn trong cuộc sống. Vietnam Idol với đặc trưng kéo dài trong nhiều tuần, khi đã vào sâu vòng trong, các thí sinh sẽ phải bỏ lại tất cả những hoạt động khác như học tập, công việc ở phía sau.
Và nếu như không đoạt giải cao nhất, họ sẽ phải tự bắt đầu lại cuộc sống của mình. Cuộc chơi nào cũng có luật. Và một khi đã tham gia cuộc chơi, thì phải chấp nhận luật chơi. Nhưng trái tim đa cảm của người đàn ông có tên Minh Châu lại không muốn mọi điều theo luật chơi ấy. Sau cuộc thi Vietnam Idol, anh dẫn những thí sinh kém may mắn đi tìm từng căn phòng trọ, dẫn Ngọc Ánh, Hải Yến ra chợ mua xe gắn máy để có phương tiện chạy show, kiếm những show diễn có thể cho các học trò của mình. Và anh đã bỏ tiền ra để thực hiện album chung cho những giọng ca không đoạt giải của cuộc thi ấy: Ngọc Ánh, Trà My, Hải Yến, Thảo Trang...
"Tôi đã không tiếp tục đồng hành cùng Vietnam Idol vào năm sau, bởi tôi cảm thấy mình không làm được gì nhiều, khi luật chơi quá khắc nghiệt mà tôi thì thích cách ứng xử nhiều tình nghĩa hơn" - Minh Châu nói.
Minh Châu nói, anh là người mê xê dịch và anh đã đến tất cả những huyện, thị trấn trên toàn quốc. Hai con anh, vì thế, tuy mới bé xíu, đã được ba dẫn đi du lịch khắp nơi. Cuộc sống nhiều trải nghiệm mang đến cho tâm hồn con người rộng mở hơn. Và bởi thế, Minh Châu, sau thời gian gắn bó với một vài đơn vị sản xuất âm nhạc, nay trở thành người làm việc tự do. Anh tham gia rất nhiều hoạt động âm nhạc, như một nơi để kiếm sống.
Nhưng anh không bao giờ nghĩ, vì lẽ đó, những ý tưởng âm nhạc sẽ bị ngủ quên hoặc bị vùi lấp bởi mớ đời sống hằng ngày xô bồ: "Ca sỹ Mỹ Lệ cũng đã có lúc nản lòng vì con đường cô ấy chọn, khi nhạc trẻ lấn sân và tạo nên liên tiếp những cuộc ồn ào. Tôi nói với cô ấy rằng, phải có niềm tin, chắc chắn âm nhạc đích thực không bao giờ bị lãng quên" - Minh Châu nói.
Anh vẫn tiếp tục những trường ca dang dở của đời mình. Mà không bao giờ anh đặt câu hỏi, anh sáng tác những trường ca ấy, anh sẽ được bao nhiêu tiền hay có được một đám đông nào đó tung hô hay không. Có lẽ, ở giữa nơi xôn xao nhất, người ta lại dễ nhận ra mình. Minh Châu đã không lẫn vào một đám đông nào, dù anh vẫn hòa nhập vào những đám đông xung quanh...
Theo ANTG.