Nhạc sĩ nghĩ gì khi "đưa hàng ra chợ"?Trước sự việc VCPMC và RIAV tranh nhau quyền đại diện, giới nhạc sĩ có thêm cái nhìn nhiều chiều. Theo họ, người chủ sở hữu có quyền định đoạt sản phẩm, và một khi hàng được mang ra chợ, nhạc sĩ có quyền bán cho nơi nào mang lại cho họ nhiều lợi nhuận nhất.

Thực tế cho thấy, rất nhiều nghệ sĩ thức thời đã "vô tư" bỏ qua vướng mắc trong hợp đồng ủy thác độc quyền cho VCPMC  và mang con ra chợ “chào hàng”. Có thể trước đây, khi vấn đề bản quyền còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhiều nhạc sĩ khi đặt bút ký hợp đồng ủy thác cho VCPMC đã không hình dung hết quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong vấn đề này. Giờ đây, khi thế cạnh tranh giữa các đơn vị bên ngoài VCPMC mang lại cho nhạc sĩ nhiều lợi nhuận đã mở ra cho nhạc sĩ nhiều hướng đi mới.

Dưới đây là ý kiến của các nhạc sĩ trong vấn đề lựa chọn ủy thác độc quyền cho VCPMC hay "bắt tay" với nhiều đơn vị khác để hưởng lợi ích từ thế cạnh tranh trên thị trường.

Nhạc sĩ Quốc Bảo: Tôi có quyền định đoạt số phận ca khúc của mình

Trước đây, như mọi nghệ sĩ khác, tôi không để ý lắm, cứ khi nào trung tâm mời đến nhận tiền thì tôi đến thôi. Về sau, tôi có luật sư tham vấn, bắt đầu hiểu được tình hình kinh doanh bên ngoài. Tôi tìm đến một số đối tác khác ngoài VCPMC. Tôi không bị ràng buộc gì với VCPMC qua hợp đồng ký kết giữa trung tâm với cá nhân tôi.

Tôi cũng không ký ủy thác tất cả, mà chỉ ủy quyền theo dõi các biến động sản xuất trong nước. Thiết nghĩ, tôi có quyền chọn lựa các đối tác mà mình thấy phù hợp, tin tưởng. Gần đây, tôi để ý thấy số tiền VCPMC trả cho tôi có tăng hơn khoảng 25% so với trước đây.

Ở nước ngoài, tôi đã là thành viên của ASCAP. Người ta trả tiền cho tôi rất nghiêm túc khi có người dùng tác phẩm của tôi biểu diễn hoặc thu âm tại Hoa Kỳ. Tôi nghĩ chủ nhân của các tác phẩm có quyền tùy nghi chọn lựa nơi ủy thác “đứa con tinh thần” của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận: Dị ứng từ "độc quyền"

Tôi ký hợp đồng ủy quyền cho VCPMC cách đây hơn 2 năm và nói thật khi đặt bút ký, tôi không đọc kỹ hợp đồng, vì tôi dựa vào tin tưởng, cảm tính là chính. Do vậy, tôi không biết đến điều khoản ràng buộc không được ủy thác cho bên thứ 3. Hiện nay, ngoài VCPMC, tôi còn hợp tác trực tiếp với 3 đơn vị khác mà tôi tin tưởng để kinh doanh trên viễn thông, di động.

Nhạc sĩ nghĩ gì khi

Tôi nghĩ chuyện độc quyền là vô lý. VCPMC không thể vì hợp đồng ủy thác đó mà bó chân nhạc sĩ. Kinh doanh âm nhạc liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều người khác. Nếu đặt ra vấn đề độc quyền thì dám chắc nhiều ca sĩ không đồng ý. Theo tôi biết, hầu như không có nhạc sĩ nào mà không hợp tác trực tiếp với các đơn vị ngoài VCPMC cả. Theo cá nhân tôi, VCPMC không thể ràng buộc nhạc sĩ ký độc quyền mà làm ăn không hiệu quả được. Như thế thì trung tâm đâu làm tròn chức năng bảo vệ quyền lợi nhạc sĩ? Nếu VCPMC làm căng chuyện độc quyền sẽ có nhiều nhạc sĩ ngừng hợp tác.

Bởi thế cạnh tranh giữa các đơn vị như hiện nay mang lại cho nhạc sĩ nhiều lợi ích. Thêm nữa, nhờ đó mà VCPMC cũng dần cải tiến theo. Ban đầu, khi mới ký, VCPMC trả tôi chỉ bằng ¼ so với tiền mà các đơn vị khác trả. Tuy nhiên, dần dần thì mức trả của bên VCPMC cũng tăng lên và hiện nay cũng tương đối bằng các đơn vị kia. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tiếp tục hợp tác với các đơn vị ngoài VCPMC để mở rộng thêm thu nhập.  

Nhạc sĩ Minh Khang: Cần nắm rõ lợi ích từ xu hướng cạnh tranh

Thực ra, VCPMC không thể ngăn cản nhạc sĩ... "hướng ngoại". Trong hợp đồng ủy thác cho trung tâm, nhạc sĩ có quyền xin thay đổi điều khoản. Cá nhân tôi sau khi tìm hiểu thị trường, chỉ ủy thác quyền đại diện cho trung tâm trên một số lĩnh vực như biểu diễn, nhà hàng, karaoke... Trên các lĩnh vực khác, như kinh doanh trên viễn thông, di động... tôi tự đánh giá và lựa chọn nơi nào tôi tin tưởng để hợp tác.

Nhạc sĩ nghĩ gì khi

Trước đây, khi tôi ủy quyền kinh doanh nhạc trên viễn thông và internet cho VCPMC, trung tâm cũng đã bán cho một vài đơn vị kinh doanh khác. Người ta trả cho VCPMC theo lượt tải nhưng trung tâm lại trả về cho tôi theo gói. Sau này, trước tình hình ngày càng nhiều nhạc sĩ "bắt tay" hợp tác với các đơn vị khác, VCPMC đã có những động thái thay đổi tích cực. 

Tình hình kinh doanh âm nhạc những năm gần đây đã "mở cửa" khá nhiều. Nhạc sĩ cần nắm rõ những lợi ích của mình mà xu thế cạnh tranh mang lại. Tuy nhiên, cũng cần phải biết đâu là nơi xứng đáng để “chọn mặt gửi vàng”. Kinh doanh là để đôi bên cùng có lợi, đừng vì sự không hiểu luật mà bị thiệt thòi quyền lợi của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Các đơn vị ngang nhau trong thế cạnh tranh

Ngoài VCPMC, tôi có ủy quyền cho một số đơn vị khác để kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ như VMG, BlueSea, Galaxy, Thế giới âm nhạc... Thường thì các hợp đồng này có hiệu lực 1 năm để tôi theo dõi tình hình, thái độ kinh doanh của đơn vị như thế nào mà quyết định xem có tiếp tục hợp tác tiếp không.

Nhạc sĩ nghĩ gì khi

Trong các khoản thu thời gian qua, tôi thấy lợi nhuận cao nhất là từ công ty VMG, sau đó là VCPMC (trước kia thì không được cao như vậy). Rõ ràng, khi VCPMC nằm trong thế cạnh tranh với bên ngoài, trung tâm cũng đã có những thay đổi tích cực, mang lại cho nhạc sĩ nhiều lợi ích.

Trên quan điểm cá nhân, khi tôi viết ra một bài hát, tất nhiên tôi có toàn quyền gửi gắm nó ở một nơi nào đó mà mình thấy tin tưởng. Khi xem xét vấn đề ủy quyền đại diện, VCPMC đứng ngang với các đơn vị khác. Không thể vì đó là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mà giữ quyền kinh doanh độc quyền ca khúc của nhạc sĩ được.

Ở Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có một cơ quan nào có khả năng và thẩm quyền để kiểm tra rõ ràng số liệu doanh thu bài hát. Trong khi chờ đợi một cơ quan chức năng như thế, nhạc sĩ vẫn có quyền mang hàng ra "chợ", bán cho ai mà mình thấy yên tâm.

Kết:

Không bàn đến những đơn vị làm ăn gian dối, trốn tránh trách nhiệm..., xu hướng cạnh tranh giữa các đơn vị lớn và uy tín hiện nay đã mở ra cho nhạc sĩ nhiều đất sống. Những sự lựa chọn thông minh sẽ mang lại cho đứa con tinh thần của nhạc sĩ khả năng sản sinh lợi nhuận cao. Và chính đó là động lực, nền tảng cho một nền âm nhạc có nhiều hứng khởi để phát triển hơn. Nếu cứ khư khư bảo vệ bản quyền chỉ bằng cách giữ độc quyền cho một đơn vị cụ thể, thì khác nào nền kinh doanh âm nhạc đang từng bước thoái lui như kinh tế bao cấp trước đây?

Theo Xzone.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC