Nhạc sỹ Phú Quang: Liveshow “Hà Nội ngày trở về” của nhạc sĩ Phú Quang sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 như một món quà ông làm để kỷ niệm ngày sinh lần thứ 60 của mình và cũng để ghi dấu “ngày trở về” của một người con sau một thời gian dài xa Hà Nội.

Như một điểm hẹn thường niên, năm nay, liveshow nhạc Phú Quang - "Hà Nội ngày trở về" sẽ diễn ra vào hai đêm 25-26/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vẫn sẽ mang bản tính con người cũng như dòng nhạc của ông, tuy nhiên liveshow này sẽ có thêm những yếu tố mới mẻ.

- Xin chào nhạc sỹ, bao nhiêu năm xa Hà Nội, cuối cùng ông cũng trở về mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Có lẽ liveshow Phú Quang 2008 cũng mang ý nghĩa này?

- Đúng như tên gọi của một ca khúc của tôi - "Hà Nội ngày trở về" được đặt cho liveshow tổ chức năm nay, ngoài ý nghĩa là một liveshow tổ chức thường niên, liveshow lần này cũng là món quà tôi tự kỷ niệm 60 năm ngày sinh của mình, đồng thời cũng để đánh dấu sự trở về sống ở Hà Nội của tôi. Tôi thường nói đùa với bạn bè, đây là liveshow "6.0" (tròn 60 năm tuổi đời).

 

- Không còn "vội vã trở về vội vã ra đi" như trong ca khúc "Hà Nội ngày trở về" ông từng tâm sự, vì lẽ nào ông lại quyết định trở về ở hẳn Hà Nội?

- Sau nhiều năm tháng sống xa quê, mặc dù rất cảm ơn Sài Gòn đã dành cho tôi nhiều ưu ái, nhưng tôi muốn được "Về lại phố xưa" (tên một ca khúc của Phú Quang - PV) với những kỷ niệm không thể nào quên suốt một thời gian dài tôi đã sống.

Và cũng có thể bởi tuổi tác, năm tháng đã nói với tôi một điều: Không đâu bằng chính quê hương mình, mảnh đất đã gắn bó với mình bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Và cũng có lẽ bởi tôi đã già mà Hà Nội thì rất bình yên.

Không phải bây giờ, khi đã "mỏi cánh phiêu du" (như lời trong một ca khúc mới của tôi), tôi mới quyết định trở về, mà ngay từ khi vào Sài Gòn làm việc, tôi vẫn mong rằng một ngày nào đó sẽ trở về sống trong căn nhà nhỏ bình yên. Và điều đó bây giờ đã đến.

- "Mẹ" là ca khúc mới nhất của ông, giống như một tình cảm của người con, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, mới hiểu tình mẹ một cách sâu sắc nhất?

- "Mẹ là người đầu tiên, mẹ là người mãi mãi, không bao giờ phản bội, ngay cả khi con ngu dại một đời. Bây giờ mỏi cánh phiêu du, con tìm về chốn cũ. Bây giờ mẹ đã khuất xa, con chỉ tìm trong giấc mơ. Để một ngày chợt nghe, con gọi thầm thương nhớ...".

Ca khúc này tôi viết dựa trên một ý thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang: "Người đàn bà đầu tiên/ Người đàn bà sau cuối/ Không bao giờ phản bội". Đây là ca khúc phải mất nhiều năm tôi mới hoàn thành được.

- Ca sĩ Thanh Lam sẽ có mặt ở liveshow này. Nhưng đã có lần ông nói không muốn Thanh Lam tham gia chương trình của ông, bởi cô ấy đưa quá nhiều cái tôi của mình vào ca khúc, trong khi ông muốn người nghe cảm nhận được cả cái tôi của người nhạc sỹ?

- Đúng vậy. Cách đây 2 năm, tôi gặp Thanh Lam vào đúng đêm nhạc của tôi tại Mỹ, cô ấy trách tại sao không gọi cô tham gia. Tôi có bảo: "Tại vì bây giờ cháu không bình thường. Trung bình nhiệt độ của cháu là 40 độ, tính cả cảm cúm là 45 độ, cứ gào rú làm hỏng cả bài hát của chú".

Nhạc sỹ Phú Quang:
Với nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Sau đó cách đây một năm cô ấy đã gọi cho tôi và nói: "Chú ơi, bây giờ cháu hết điên rồi".  Tôi hỏi: "Thế có hát được nghiêm chỉnh không? Mà không nghiêm chỉnh cũng không được. Tất nhiên chú đánh giá giọng hát của cháu là thuộc hàng đầu Việt Nam, nhưng giống như một người con gái rất xinh đẹp, lúc điên thì cũng... kinh lắm".

Vậy là tôi mời cô ấy tham gia chương trình của mình. Trong liveshow này Thanh Lam sẽ hát các bài: Romance số 3, Im lặng đêm Hà Nội, Nỗi nhớ...

- Ông luôn đánh giá cao ca sỹ Ngọc Anh khi thể hiện các ca khúc của mình. Tuy nhiên, ca sĩ Ngọc Anh lại cho rằng: "Ngọc Anh hát nhạc Phú Quang hay không có nghĩa... Ngọc Anh chỉ hát được nhạc Phú Quang hay"?

- Thì đúng là như thế. Tất nhiên một người hát hay thì có khả năng hát được nhiều loại. Nhạc của tôi có nhiều người hát hay, mỗi người hát hay một kiểu, ví dụ Ngọc Anh hay ở sự nồng nàn, gồ ghề; còn Mỹ Hạnh đằm thắm, nồng nàn và rất đàn bà; Thanh Lam thì dữ dội; Hồng Nhung, Quang Lý, Lê Dung đều có một kiểu hay riêng...

Nhưng nếu để tìm một ca sỹ có thể hát hay tất cả các bài của tôi thì chắc là không có. Có lẽ cũng do tôi viết nhạc ở những trạng thái tâm lý phức tạp khác nhau.

- Nhạc sỹ Phú Quang có phiền lòng không khi một ai đó nói: nếu không có những bài thơ tuyệt vời thì không có một thương hiệu "nhạc Phú Quang" như ngày nay?

- Đó chỉ là câu nói dành cho những người sáng tác nghiệp dư. Nhiều nhạc sỹ Việt Nam hiện nay không chuyên nghiệp. Họ không thể làm gì khác ngoài việc viết nhạc. Cô hãy tưởng tượng thế này: cô vừa viết bài, vừa sửa morat, vừa in báo lẫn phát hành báo, đó cũng là một điều hay thôi. Nhưng nếu cô làm tất cả bấy nhiêu công việc thì cô cũng chỉ là phóng viên hạng xoàng và nghiệp dư.

Ngày xưa làm một cái nhà đất thì có thể làm tất cả các khâu như trộn đất, đục tường, dựng nhà... Nhưng hãy tượng tượng tất cả những cao ốc hiện đại ngày nay, nếu ai cũng tự làm lấy tất cả mọi khâu thì có thể thực hiện được không.

Tôi luôn trân trọng các nhà thơ. Thời nhà thơ Bế Kiến Quốc còn sống, đã có lần ông ấy đề nghị đăng lời ca khúc của tôi trên báo văn nghệ, nhưng như thế thì khác nào chặt đôi Phú Quang ra. Còn việc mọi người tự hào mình vừa viết phần lời lẫn phần nhạc, thì hãy để ý kỹ xem phần lời của ca khúc Việt Nam rất tuỳ tiện. Chính vì kiến thức văn học có hạn.

Ví dụ như ca khúc "Mẹ" mà tôi mới viết, chỉ có hai câu thơ của Hồng Thanh Quang nhưng tôi vẫn rất trân trọng đề thơ Hồng Thanh Quang. Nhưng kể cả việc tôi không đề thơ, với cách xử lý của mình, thì không ai bảo tôi phổ thơ. Nhưng thâm tâm nhắc nhở tôi rằng, nếu không có những câu thơ đó thì tôi không bật lên được những ý tứ trong ca từ của mình.

Hiện nay bên cạnh sáng tác ca khúc, tôi còn rất nhiều việc khác (viết giao hưởng, nhạc không lời...). Nếu chăm chú tự viết lời thì tôi cũng viết được, nhưng sẽ làm giảm khối lượng công việc đi rất nhiều và sẽ phải bỏ hết các công việc khác.

Cách làm chuyên nghiệp trên thế giới bao giờ cũng chia làm hai phần nhạc và lời. Nhưng ở mình có thói quen nghiệp dư mà các nhạc sỹ cứ tưởng thế là hay. Kể cả những người tự hào viết hay lắm nhưng đến bài thứ 5 là cảm thấy chán vì sự nghèo nàn ngôn từ rồi.

Ví dụ tôi mời cô: "Cô uống trà đi vì rất nhiều người uống trà buổi sáng", nhưng khi mời cô cà phê tôi lại nói: "Cô uống cà phê đi vì rất nhiều người uống cà phê buổi sáng", thì nghe có chán không? Cái gì nói một lần thì hay, nhưng thấy hay cứ lặp lại mãi sẽ chán.

- Đã bao giờ ông vấp phải sự "phản ứng" từ phía các nhà thơ?

- Tôi tự hào vì mình cũng là người mà nhiều nhà thơ tin tưởng, thích sửa gì thì sửa, miễn là giữ lại được tinh thần của câu thơ. Nhà thơ Doãn Thanh Tùng từng nói với tôi: "Anh thích Quang vì em "trị" được thơ".

Ví dụ như ca khúc "Đâu phải bởi mùa thu" được hình thành trên những câu thơ rất đẹp của Giáng Vân. Hồi tôi viết ca khúc này (năm 1976 ), tôi còn không biết tác giả của bài thơ và không bao giờ nghĩ bài thơ này có thể trình diễn được.

Thực ra có những chỗ trong bài hát so với nội dung bài thơ thì ngược hẳn. Ví dụ "Gió không phải là roi, mà quất núi phải mòn" nếu để nguyên mà hát thì buồn cười lắm, tôi đổi thành "Gió âm thầm không nói mà sao núi phải mòn".

Có lúc, tôi phân vân tác giả sẽ phản đối. Mãi sau này, khi biết tác giả, thì Giáng Vân cũng nói rằng, cô cũng rất thích sự thay đổi này.

Trong album sẽ ra mắt công chúng vào đầu năm tới, tôi sẽ in cả phần lời bài hát. Bên cạnh phần lời của ca khúc, tôi đăng nguyên cả bài thơ, cũng là một cách trân trọng các nhà thơ và cũng để người nghe nhận thấy sự gia công của nhạc sỹ ở đó.

- Vậy trong số những ca khúc Phú Quang, có bao nhiêu phần trăm trong sáng tác của ông là 100% "made in Phú Quang"?

- Nhạc sĩ Phú Quang: Khoảng 30% hoàn toàn do tôi viết cả phần nhạc và phần lời. Còn lại thì... cũng hoàn toàn là "made in Phú Quang" đấy chứ.

Nhạc sỹ Phú Quang:

- Trở lại với một "thực tế" mà rất đông người yêu nhạc sỹ Phú Quang đang phải "đối mặt", đó là... giá vé. Liveshow hồi năm ngoái của ông vé "chợ đen" lên tới... 3-4 triệu đồng/vé. Dù yêu mến nhạc sỹ Phú Quang cũng như âm nhạc của ông đến mấy, thì rất nhiều người trong số đó không dám bỏ tiền ra để mua?

- Ồ không hẳn thế đâu. Tại chương trình của tôi làm chi phí rất lớn, tốn gấp ba bốn lần chi phí thông thường. Nếu giá vé không cao thì không đủ chi phí. Tôi không làm liveshow để mua danh. Thôi thì mình không bán danh thì cũng phải lấy lại được đủ chi phí, tất nhiên là trong mức độ có thể được, chứ không thể bù lỗ bằng cách mang tiền nhà ra để mua danh.

Mặc dù giá cao thật nhưng nhiều người thích thì vẫn bỏ tiền ra để nghe. Tôi cũng đã làm nhiều chương trình miễn phí cho sinh viên. Nói cho cùng để có những đêm miễn phí thì phải có những đêm giá cao để bù lại.

Liveshow năm nay đơn giản hơn (không có buffet, nghệ thuật sắp đặt...), nên giá vé cũng "mềm" hơn (khoảng 300-800 ngàn đồng/vé). Trong khi giá thị trường tăng, giá vàng tăng gấp đôi, thì giá vé của tôi như thế là giảm đấy chứ.

- Xin cảm ơn nhạc sỹ về sự chia sẻ chân tình này!

Theo Lê Huệ
VOV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC