Nhạc Việt đang "khát" nhóm?Trong lúc nhiều nhóm nhạc có thương hiệu gần như tan rã, nhóm nhạc mới nào sẽ bứt phá để lên đẳng cấp?

Quá khó để có thương hiệu cho nhóm nhạc

Để trở thành một nhóm nhạc có thương hiệu không phải dễ dàng chút nào. Ít nhất nhóm nhạc đó phải có được một phong cách đặc biệt không lẫn vào đâu. Ví dụ như nhóm AC&M, tạo đẳng cấp bằng phong cách semi classic và tài năng hát Acapella. Rất nhiều nhóm trăn trở tìm con đường đi riêng cho mình để có chỗ đứng. Nhưng tìm đâu khi những sô diễn bình thường chỉ cần những nhóm rất bình thường để làm màu sắc.

Nhạc Việt đang
Nhóm AC&M giờ chỉ còn hai thành viên: Nam Khánh và Thụy Vũ (đứng thứ 3, thứ 4 từ trái sang)

Nam Khánh, nhóm AC&M, trăn trở và tiếc rẻ: "Bây giờ chỉ còn lại tôi và Thuỵ Vũ, chúng tôi đành tạm dừng tham vọng của nhóm AC&M ở dòng semi classic hoặc cổ điển hoá nhạc pop, không thể hát A apella được". Mà AC&M không hát được Acapella coi như mất luôn bản sắc và phong cách nổi bật nhất. Mất nhóm là một chuyện nhưng mất đi một dòng nhạc đẹp, độc đáo, hiếm người hát là một thiệt thòi quá lớn cho khán giả VN vốn đã no nê với những bài hát pop và trữ tình.

Nhóm K6, từng đoạt giải đoạt giải nhất Hội thi song ca - nhóm ca "Mùa xuân tình yêu" của Cung văn hoá Lao động cũng muốn vươn lên trở thành nhóm nhạc có đẳng cấp. Nhưng K6 rất băn khoăn trong việc tìm định hướng: "Hiện nay ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung có khá nhiều nhóm nhạc. Có nhóm lập ra cho vui, theo phong trào, nhưng cũng có nhiều nhóm có thực lực và tâm huyết. Nhưng vì đa phần các nhóm nhạc đều tự thân, tự lực nên bị hạn chế về định hướng cũng như tài chính. Để có thể tồn tại, với mức lương 300.000 - 400.000 đồng cho cả nhóm, các nhóm phải lao vào một vòng tròn chung là tập bài rồi chạy show, chạy show..."

Nhạc Việt đang
Nhóm K6

Những "cỗ máy tạo nhóm" gần như tê liệt

Các nhóm nhạc có thương hiệu, có tên tuổi, có đẳng cấp tan rã đã đành, những nhóm nhạc thị trường cũng rã như tuyết mùa hè. Lý do chung của các nhóm đa phần là muốn tự phát triển độc lập. Hai chàng trai song ca Thiên Trường - Địa Hải, sau nhiều năm gắn bó đã tuyên bố chia tay. Thiên Trường nhanh chóng tách ra với lý do "Thích đi con đường riêng và không muốn phụ thuộc vào nhau".

Giới showbiz Việt một thời từng sôi nổi trong công nghệ tạo dựng những nhóm nhạc. Đó là nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, "cha đẻ" của nhóm Mắt Ngọc, TyMyTy và Ve sầu. Nhạc sĩ Nguyễn Hà thành công  với nhóm Ngọc Linh - Diễm Quyên, tam ca Áo trắng. Nhạc sĩ Quang Huy thành công với nhóm H.A.T, công ty Nhạc Xanh với nhóm GMC... Thế nhưng, những "cỗ máy" tạo nhóm đó giờ đây gần như tê liệt.

Nhạc Việt đang
Cặp song ca Thiên Trường - Địa Hải cũng đường ai nấy đi sau một thời gian hoạt động

Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng sau cú sốc bỏ chạy của nhóm Mắt Ngọc, gần như rút về phòng thu Tungstudio và không muốn đầu tư cũng như tạo dựng ca sĩ nữa. Trước khi biến mất khỏi công việc đầu tư và quản lý ca sĩ để tập trung vào công nghệ âm thanh ánh sáng, nhạc sĩ Nguyễn Hà từng gây bất ngờ trong dự án cực ngắn với nhóm 5 cô gái Ngũ Long Công Chúa. Còn công ty GMC sau đổ vỡ của nhóm GMC, cũng mấy lần dự định tung ra nhóm GMC One rồi...  thôi.

Ông Nguyễn Duy Khánh, giám đốc công ty Nhạc Xanh, cho biết: "Trước đây, để đầu tư cho nhóm GMC chúng tôi bỏ ra khoảng 1 tỷ đã có thể thu hồi vốn. Bây giờ, với tình hình trượt giá, 1 tỷ chẳng thấm vào đâu. Tuy 1 tỷ cũng có thể làm được một nhóm nnhạc nổi tiếng nhưng để có GMC như ngày xưa thì chưa chắc". Ông Khánh nói chắc như bắp: "Bây giờ đang là lúc khát nhóm, chỉ cần có nhóm mới nào ra, tương đối về mọi mặt chắc chắn sẽ thành công!"

Nhạc Việt đang
Ông bầu Quang Huy và nhóm H.A.T

Nhạc sĩ - ca sĩ Bằng Cường đang nổi với nhiều bài hit thị trường và nhạc teen, cũng có ý định muốn đầu tư ca sĩ. Nhưng anh khẳng định: "Nếu đầu tư, tôi chỉ đầu tư cho ca sĩ mà không chọn nhóm. Lý do, nhóm rất dễ bị chia tách vì những lời mời và rất nhiều vấn đề không thể bền vững".

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC