Trên bảng thành tích Grand Slam, Việt Nam hiện đang đứng hạng 63 thế giới và xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á (sau Philippines) và Thái Lan. Nhưng hơn 3/4 trong tổng số điểm 668,1 có được là nhờ vào bình chọn của khán giả và lợi thế "sân nhà".
Các cuộc thi hoa hậu hiện đại và chính quy như ngày nay đều xuất xứ từ các nước Âu - Mỹ. Nhưng từ xa xưa cũng đã có các cuộc thi sắc đẹp mang tính chất tương tự như: các cuộc thi chọn vương phi, hoàng hậu thời phong kiến; chọn người đẹp đại diện trong các lễ hội địa phương; v.v...Chưa có một tài liệu cụ thể nào đề cập đến sự ra đời và nơi nào tổ chức các cuộc thi sắc đẹp đầu tiên trên thế giới. Vì vậy, các cuộc thi sắc đẹp đều xuất phát từ tất cả các nền văn hóa khác nhau.
Bởi thế, nếu nói các cuộc thi hoa hậu không phù hợp với văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung là hoàn toàn sai; vì cho rằng đó là một sản phẩm của nền văn hóa phương Tây. Thậm chí Tòa thánh Vatican còn lên án các quốc gia châu Âu theo Thiên Chúa Giáo ngoan đạo như Italy, Tây Ban Nha, Ireland,v.v...tham dự cuộc thi HHTG và HHHV trong thập niên 1950 và 1960.
Nếu so với các nước Đông Bắc Á có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam thì dân số nước ta là trẻ nhất nhưng tư duy và suy nghĩ của người Việt dường như vẫn còn quá cổ hủ khi nhìn vào các cuộc thi tìm ra hoa hậu, người mẫu. Có ý kiến cho rằng, đa phần các cuộc thi tổ chức tại Việt Nam vẫn còn quá cứng nhắc bởi các giá trị truyền thống với hình ảnh người con gái nhỏ bé, ngây thơ, liễu yếu đào tơ, v.v...để rồi chọn ra những hoa hậu với dáng dấp"be bé xinh xinh", gương mặt thuần Việt dễ nhìn cùng một tính cách e thẹn, ngại ngùng, ít nói để đại đại diện cho một dân tộc trẻ có lối sống ngày càng năng động, tự tin và hòa nhập với thế giới.
Việt Nam chưa bao giờ có một đại diện mang một phần dòng máu Âu hoặc Ấn tham dự các cuộc thi hoa hậu lớn, thậm chí các cô gái mang trong mình 100% dòng máu Việt nhưng có gương mặt quá Tây và thân hình cao lớn dường như cũng còn bị "phân biệt đối xử".
Zhuo Ling: Á hậu 2 HHHV 2002 từ Trung Quốc |
Vốn dĩ người Việt là một trong hai dân tộc thấp bé nhất thế giới về hình thể thì nay lại trở nên nhỏ bé hơn giữa một rừng các người đẹp năm châu. Bà Ines Ligron đến Nhật Bản năm 1998 và đã hoảng hốt khi thấy các cuộc thi hoa hậu ở đây chẳng khác nào trò mua vui cho đàn ông với những người phụ nữ nhỏ bé, ít nói, biết vâng lời, không tự tin và chẳng hề biết đến phong cách thời trang. Thế là bà đã làm lại tất cả.
Và chỉ sau 10 năm, Nhật Bản lại trở thành cường quốc sắc đẹp của châu Á và thế giới. Còn tại cuộc thi HHHV 2002 tại Puerto Rico, khi được hỏi: "Người nước ngoài thường hiểu sai gì về nước bạn?" thì hoa hậu Trung Quốc - Zhuo Ling đã tự tin trả lời: "Họ cho rằng người phụ nữ Trung Quốc khiêm tốn, chỉ biết phục tùng, lùn với đôi mắt nhỏ ti hí. Hãy nhìn tôi đây, không đúng như vậy đâu!". Câu trả lời thông minh, hóm hỉnh đó đã giúp cô bất ngờ giành được danh hiệu á hậu 2.
Phung phí "tài nguyên" người đẹp nước nhà
Teressa Sam - Á hậu 1 HHTG người Việt 2007 |
Cho tới hiện nay, việc lựa chọn hoa hậu đại diện Việt Nam chưa chưa hực sự công khai, minh bạch. Trước đây khi công ty Elite còn nắm giữ bản quyền gửi thí sinh Việt Nam đến các đấu trường sắc đẹp hàng đầu thế giới thì nhiều khán giả nước nhà đã tỏ ra nuối tiếc cho những á hậu, thí sinh tiềm năng nhận được nhiều sự ưu ái của công chúng như: Trịnh Chân Trân (á hậu 1 HHVN 2004) bị thay bằng Vũ Hương Giang (Nữ hoàng trang sức 2004) tham dự HHTG 2005; Teressa Sam (á hậu 1 HHTG người Việt 2007) bị thay bằng Đặng Minh Thu (HH Biển 2007).
Ngoài ra còn các gương mặt khác như Bùi Thị Diễm (HHVN qua ảnh 2004), Lưu Bảo Anh (á hậu 1 HHVN 2006),v.v...cũng không có được cơ hội thử sức, thay vào đó là những "cái tên lạ" ở thời điểm đó như: Hoàng Khánh Ngọc (HHHV 2004), Phạm Thu Hằng (HHHV 2005), Vũ Nguyễn Hà Anh (HHTĐ 2006), Phạm Thị Thùy Dương (HHQT 2007), Cao Thùy Dương (HHQT 2008), v.v.... Phần lớn trong số họ thậm chí không qua nổi vòng chung khảo khu vực của cuộc thi HHVN hoặc chỉ dừng lại ở top 10 toàn quốc.
Cao Thùy Dương(ngoài cùng bìa trái) và các thí sinh tham dự cuộc thi HH Quốc tế 2008 |
"Cái nết đánh chết cái đẹp" hay "cái đẹp đánh xẹp cái nết"?
Thông minh, sắc sảo là những điều khác biệt giữa một cô hoa hậu và một cô người mẫu. Nhưng một khuôn mặt đẹp và thân hình hấp dẫn luôn được ưu tiên, tạo ấn tượng tốt hơn so với một cô gái có chỉ số IQ cực cao nhưng sắc vóc quá tầm thường. Điều này là hiển nhiên đúng với đa số các cuộc thi hoa hậu tổ chức trong thập niên từ 1950 đến 1970 và từ 1990 đến nay.
Thậm chí vào năm 2005, Iris Mulej được công nhận là hoa hậu có chỉ số IQ cao nhất 156 nhưng khi đại diện cho Slovenia tại HHHV 2002 và HHTG 2006 thì cô đều ra về trắng tay. Điều đó chứng tỏ trong các cuộc thi hoa hậu, cái đẹp và số đo 3 vòng luôn luôn đi trước một bước so với sự thông minh.
Dayana Mendoza (Venezuela - HHHV 2008) |
Tại cuộc thi HHTG 2000 tại London, báo chí và khán giả đã rất phẫn nộ khi BGK đã trao vương miện cho cô Priyanka Chopra đến từ Ấn Độ. Cô trả lời báo Reuters trước khi đăng quang: "Có quá nhiều người đẹp ở đây, do vậy điểm khác biệt duy nhất giữa họ là sự thông minh". Tự tin vào trí thông minh của mình vậy mà cô lại có những câu trả lời không chuẩn xác, nói đúng hơn là rất ngớ ngẩn. Priyanka Chopra nói rằng mẹ Teresa là người phụ nữ "còn sống" mà cô thán phục nhất, nhưng sự thật thì bà đã chết trước đó 3 năm (1997). Sau khi đăng quang thì cô nói rằng hơn 2 tỷ người dân Ấn Độ đang chờ đón cô nhưng thực tế chỉ có phân nửa (hơn 1,1 tỷ người). Và trong những năm gần đây, câu trả lời cuối cùng của các cô gái đăng quang cũng chưa thật sự thuyết phục bằng các á hậu, trừ một số trường hợp ngoại lệ như của Lara Dutta (Ấn Độ - HHHV 2000), Natalie Glebova (Canada - HHHV 2005) và Dayana Mendoza (Venezuela - HHHV 2008).
Cấm giải phẫu thẩm mỹ: Nên hay không?
Mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi nhưng trong Quy chế tổ chức thi hoa hậu của Việt Nam vẫn có một vài quy định đã giữ nguyên suốt hơn chục năm, trong đó có việc cấm giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) toàn diện đối với các thiếu nữ dự thi hoa hậu. Việt Nam không phải nước duy nhất trên cấm việc này; thậm chí một số quốc gia có thành tích cao như Ấn Độ, Mexico, Colombia, Philippines, Trinidad & Tobago,v.v...đặc biệt nhất là Pháp cũng có quy định tương tự (nhưng tất nhiên đa phần là ở mức độ khuyến khích không nên lạm dụng GPTM chứ không cấm tuyệt đối như Pháp).
Ngược lại với trào lưu "trời cho sao để vậy" của các quốc gia kể trên thì hầu hết các cường quốc sắc đẹp có tiếng từ lâu như Venezuela, Mỹ, Puerto Rico, Brazil; cũng như mới nổi như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Dominica, v.v...thì bàn tay ma thuật của các bác sĩ GPTM đóng góp một phần cực kỳ quan trọng trong sự thành bại của người đẹp nước nhà tại bất kỳ cuộc thi hoa hậu đẳng cấp quốc tế nào.
Honey Lee, HH Hàn Quốc 2006 trước và sau GPTM toàn diện |
Nếu xét về phần gương mặt thì người Việt không thua kém gì nhan sắc của người Philippines hay Thái Lan. Nhưng nhược điểm lớn nhất trên khuôn mặt của người Việt, gồm có: mắt nhỏ, mũi tẹt hoặc sóng mũi thấp, răng hô và không đều, khuôn mặt bẹt. Còn nhược điểm cơ thể lớn nhất của đa số các người đẹp VN đó là chiều cao hạn chế (trung bình chỉ từ 1m65 đến 1m70), đôi chân ngắn và cong, lưng dài và hơi gù, vòng ngực quá nhỏ, vòng eo to. Quả thật nếu cứ cấm tuyệt GPTM thì có thể các cô gái Việt Nam không bao giờ dám mơ đến một chiếc vương miện HHHV hay HHTG bởi vì ngay đến những cô gái Âu, Mỹ, Latin hay Trung Đông đều có thể hình vượt trội hơn người ta gấp nhiều lần nhưng vẫn phải nhờ cậy đến bàn tay ma thuật của các bác sĩ GPTM. Thậm chí tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan thì GPTM còn là một trào lưu trong thi hoa hậu; trong khi ở VN thì đó là một điều tội lỗi.
Thân hình "thắt đáy lưng ong" hay còn gọi là thân hình "đồng hồ cát" (vòng ngực và mông to và cân đối, vòng eo nhỏ) được giới thẩm mỹ yêu thích nhất từ hơn nửa thế kỷ nay với số đo chuẩn là 90-60-90 dành cho hoa hậu và 85-60-85 dành cho người mẫu nữ. Trong khi phần lớn các người đẹp VN lại có cơ thể dạng "trái lê" (ngực nhỏ, eo nhỏ và mông quá to) hoặc dạng "que củi" (quá gầy). Còn chiều cao lý tưởng phải tối thiểu là 1m73 trở lên đến dưới 1m85 và chiều dài đôi chân so với tổng chiều cao cơ thể là từ 60% - 65% thì mới được xem là chân siêu dài. Ví dụ một thí sinh cao 180cm thì chiều dài chân phải dao động từ 108 đến 117cm. Nếu xét theo tiêu chí này thì Võ Hoàng Yến là người mẫu nữ có đôi chân dài lý tưởng nhất VN (cao 1.78m và chiều dài chân là 1.13m = 63.4% tổng chiều cao cơ thể) và cô cũng đang sở hữu với số đo hoàn hảo là: 92-62-93.
"Phần" nào là quan trọng nhất trên cơ thể hoa hậu?
Đối với các chuyên gia đào tạo hoa hậu có tiếng trên Thế Giới thì GPTM được ví như chiếc đũa thần kỳ có thể biến những cô bé lọ lem thành một nàng công chúa thực thụ và các bác sĩ GPTM là những bà tiên giúp nó thành hiện thực. Nhưng phần nào trên cơ thể của mộ cô gái là quan trọng nhất nếu muốn trở thành một hoa hậu? Chúng ta nên học hỏi từ 2 nhân vật được mệnh danh là hoàng đế (Emperor) và nữ hoàng (Empress) trong lĩnh vực đào tạo hoa hậu hiện nay.
Hoàng Yến có số đo và hình thể đạt tiêu chuẩn Quốc Tế |
Osmel Sousa, chủ tịch tổ chức Miss Venezuela từ năm 1981 - công khai ủng hộ các thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ: "Đây không phải là cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên. Đây là cuộc thi sắc đẹp. Và khoa học công nghệ tồn tại là để góp phần tạo ra những vẻ đẹp hoàn hảo. Chẳng có gì là sai trái khi làm như thế cả”.
Còn bà Ines Ligron ủng hộ: "Venezuela có khả năng tạo ra một dây chuyền các nữ hoàng sắc đẹp không giống với bất cứ quốc gia nào. Không có gì là ngẫu hứng ở các cuộc thi Hoa hậu Venezuela. Tất cả đều được tính toán. Còn các thí sinh được chỉnh sửa nhan sắc và phải luyện tập rất cực nhọc” .
Thậm chí, bà Paula Shugart, Chủ tịch Tổ chức HHHHV (Miss Universe), cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích, nhưng cũng không cấm. HHHV trong thế kỷ 21 cần phản ánh được thế giới mà chúng ta đang sống, nên nếu thí sinh cần đến một số sản phẩm nhân tạo thì cũng không sao”.
Vậy đâu là chìa khóa thành công của họ? Các cô gái muốn được lọt vào top 120 sơ tuyển quốc gia của cuộc thi Miss Venezuela ngoài những yêu cầu tối thiểu thì các cô phải đáp ứng đủ một vài thông số bắt buộc về số đo cơ thể (cao tối thiểu 1.7m), từng làm người mẫu trước đó. Sau đó chỉ chọn ra 26 tới 32 cô gái triển vọng nhất. Vậy đâu là ưu thế để BGK lựa chọn họ, một bác sĩ trong ê-kíp có tên Alberto Pierini cho biết: "Tôi chỉ lưu ý đến chiều cao của các cô gái và những cặp mông hấp dẫn. Khuôn mặt có thể được phẫu thuật lại dễ dàng còn đôi chân ngắn thì vô phương cứu chữa".
Nếu được tuyển lựa vào vòng chung kết quốc gia thì 26 đến 32 cô gái đó sẽ được các bác sĩ dùng con dao mổ chuyên nghiệp để thu gọn, nhào nặn, chắp vá để càng hoàn hảo càng tốt. Tiếp theo các cô sẽ được đưa đến bác sĩ nha khoa Moises Kaswan để làm lại hàm răng. Sau đó, họ sẽ trải qua một khóa huấn luyện cực kỳ khắt khe từ ít nhất 6 tháng đến gần 1 năm về cách đi đứng, giao tiếp, khiêu vũ, chăm sóc cơ thể, v.v...tất cả đều dưới sự giám sát của một phữ được mệnh danh "Trùm Đức Quốc Xã" hay "Vợ Hitler" - bà María Kallay.
Trước khi được đi trên con đường thành công của một nữ hoàng sắc đẹp thì các cô gái đã phải trải qua một sự tập luyện nghiêm túc, chăm chỉ, tham gia nhiều cuộc thi khác nhau để cọ xát kinh nghiệm từ lúc 9, 10 tuổi. Xem ra câu "nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt" không chỉ mang tính thực dụng ở Việt Nam mà ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Theo NewsOnline.