Hàng loạt các ý kiến thắc mắc, đóng góp của các đại biểu đã làm "nóng" không khí hội trường buổi hội thảo và tập huấn về công tác thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng nay tại Hà Nội.
Những vấn đề được quan tâm nhất là thanh tra thi, giám sát chấm thi, thời gian giao bài thi…
Giám sát chấm thi: Quy định không bắt buộc
Công tác thanh tra thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay bổ sung việc cho phép các Sở Giáo dục và đào tạo với mỗi môn thi tự luận được cử một giáo viên đến giám sát việc chấm thi của tỉnh chấm chéo bài thi cho tỉnh mình.
Theo ông Lê Quang Hưởng, Phó Chánh Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì người giám sát không có vai trò như thanh tra mà chỉ được quyền tham dự cuộc họp thống nhất biểu điểm chấm của hội đồng chấm thi và xem lại các bài thi đã được thanh tra thi xem xét chấm lại.
Điểm mới này xuất phát từ sự cố năm 2009, một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có điểm thi tốt nghiệp môn văn khá thấp. Khi đoàn thanh tra tổ chức chấm lại thì nhận thấy các tỉnh đã chấm hơi chặt.
Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh lại không đồng tình với cải cách này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Tôi cho rằng việc cử cán bộ giám sát chấm thi là không cần thiết, gây lãng phí chi phí và thời gian”, ông Hà Văn Sơn, Trưởng Phòng Thanh tra, Đại học Vinh, nói.
Cùng quan điểm này, ông Phan Xuân Kiểu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cũng cho biết Sở này sẽ không cử giáo viên giám sát vì về thực chất, giáo viên giám sát không thể can thiệp vào công tác chấm thi của hội đồng chấm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, ở mỗi hội đồng chấm đều được Bộ cử một đoàn thanh tra của một sở khác đến kiểm tra, không nên cử thêm người giám sát.
Trước ý kiến của các đại biểu, ông Lê Quang Hưởng cũng thừa nhận việc cử một giáo viên giám sát chấm thi môn tự luận là không thật sự cần thiết. “Tuy nhiên, đây là chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục tiêu đảm bảo cao nhất tính khách quan, công bằng và dân chủ. Việc cử người giám sát là không bắt buộc, nếu tỉnh nào có nhu cầu thì cử, tỉnh nào thấy không cần thiết thì thôi”, ông Hưởng nói.
Mỗi giáo viên sẽ chấm 200 bài thi/ngày?
Trong tài liệu tập huấn, để các sở có thể dự kiến được số lượng giám khảo cần huy động, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ước tính mức trung bình một giáo viên chấm từ 75 đến 100 bài một ngày. Tuy nhiên, theo các đại biểu, con số này là… quá tải.
“Nếu chấm 75 đến 100 bài một ngày như Bộ quy định thì không thể đảm bảo chất lượng,” ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định.
Phân tích cụ thể hơn, ông Phạm Quang Tuân, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, cho biết do chấm thi hai vòng độc lập nên một bài thi sẽ phải chấm tới ba lần, một lần của giám khảo số một, một lần của giám khảo số hai và lần ba là cả hai cùng xem lại để thống nhất kết quả. Như vậy, nếu tính theo cách của Bộ, một giám khảo sẽ phải chấm từ 150 đến 200 bài thi một ngày.
Không chỉ về lượng bài thi mà nhiều con số khác của Bộ đưa ra cũng khiến các đại biểu lo lắng vì khó thực hiện. Ông Thái Huy Vinh cho rằng việc Bộ yêu cầu mỗi hội đồng chấm thi tiến hành khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi để kiểm tra độ chính xác của quá trình chấm thi bằng máy tính là quá lớn, không thể làm nổi, chỉ nên ở mức từ 5 đến 10%.
Là một tỉnh có số lượng học sinh lớn, ông Vinh cũng không khỏi băn khoăn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đoàn thanh tra chấm thi sẽ chấm khoảng 5% bài thi để thẩm định kết quả. “5% bài thi của Nghệ An cần tới khoảng 15 người cho mỗi môn, Bộ chỉ có 3 người thì chấm không xuể”, ông Vinh nói.
Về vấn đề này, ông Hưởng cho biết con số 5% chỉ là ước lượng, các đoàn thanh tra sẽ tùy vào tình hình cụ thể từng địa phương để có điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, việc Bộ ấn định thời gian giao nộp bài thi là ngay sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi (chậm nhất là 16g30 ngày 5/6/2010) cũng khiến các tỉnh lo lắng không thể thực hiện đúng tiến độ. "Có nhiều điểm thi ở xa, địa hình khó khăn, phải sáng hôm sau họ mới chuyển bài về Sở được, chưa kể việc phải thống kê tổng số bài thi, số thí sinh vắng... trước khi đóng gói và chuyển đi nên rất khó để đảm báo đúng kế hoạch của Bộ", ông Tuân chia sẻ.
Theo VNN.