"Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Nhạc sĩ Hoàng Vân chính là đại diện cho một thế hệ trí thức quý giá của Hà Nội gốc, với sự tinh thông, sự bao dung và sự hiểu biết sâu rộng của một ông cụ 80 đang nhìn về cả tương lai và lịch sử.
Hà Nội đã trải qua một thế kỉ đầy biến động
Tuổi thơ tôi chứng kiến cảnh buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền, không chỉ ở đây mà từ nhà thương đồn Thủy (bây giờ là bệnh viện Việt Xô), khu vực nhộn nhịp nhất là từ đây tới Ô Quan Chưởng... Ngồi ngay tại phố Hàng Thùng này, tôi nhìn ra cửa sổ thấy những con thuyền buồm chở nước mắm từ Hà Tĩnh, Nghệ An đi đi về về…. Trên chính con phố Hàng Thùng này, họ ghép miếng gỗ bản, bện dây thừng thành những chiếc thùng lớn đến 5 - 6 người chui vào vẫn vừa. Những người làm mắm, lái buôn mua thùng về làm nước mắm, chở đi bán.
Nhà tôi ở có 16 phòng. Năm 1954 đã biếu cho Nhà nước, hồi đó gọi là hiến tặng. Chỉ còn giữ lại bàn thờ tổ tiên ở phòng này – nơi tôi đang ở. Tuổi thơ tôi được học hành tử tế, ngay cả các anh chị em cũng đều học rộng và thành đạt. Lúc tôi vào trường, cả nhà rất nhộn nhịp, mẹ cứ đi ra đi vào để chuẩn bị.
Đang học thì đảo chính Nhật, sau đó mấy tháng thì cụ Hồ về nước. Lúc đó tôi đã học gần xong và chuẩn bị đi Pháp. Ngôi nhà đang sống trở thành trụ sở của Tự vệ thành Hà Nội (do anh trai tôi là Việt Minh), nằm trong khu Liên khu 1, Đông Kinh Nghĩa Thục.
Hà Nội xưa học hành rất nghiêm túc, chỉn chu. Cụ thân sinh hồi đó dạy chúng tôi theo thuyết Khổng học của Nho giáo. Rất lễ nghĩa. Đi đâu về đều khoanh tay chào "Thưa cha, con đã về". Nếu không được hỏi đến thì phải đứng im, đến lúc cha bảo "Thôi con đi chơi nhé!" thì mới được rời chỗ. Đi đâu cũng phải xin phép. Nếu có những chỗ không tiện, hoặc trời tối đường xa thì phải có người nhà, người giúp việc đưa đi bằng xe kéo. Tôi ngồi trên xe cảm thấy rất xấu hổ. Cha thấy vậy bảo: "Thôi, nó xấu hổ thì mua cho nó xe đạp cuốc để đi". Thế là tôi có xe đạp, đi đâu thì tự đạp xe đi. Hồi đó thế là oai lắm.
Ở nhà, lễ giáo gia đình do mẹ truyền dạy, còn cha tôi dạy về tri thức. Ví như viết chữ thì phải viết bút lông, không được viết bút máy. Phải học từ các nét chấm phẩy, nét dọc, nét ngang - đều là do cha khai tâm. Tuy nhiên ở trong sự chỉ dạy của cha cũng có nhiều nét "phi lô" của Khổng học. "Tịch bất chính bất tọa - nghĩa đen là chiếu trải mà bị lệch đi, không vuông vắn, ngay ngắn thì không được ngồi. Nhưng triết lý - phi lô (philosophy - triết học) của nó có nghĩa là: những chỗ mờ ám, những thằng ba lăng nhăng thì ta không chơi.
Tôi cho rằng: “Học cái gì là phải làm được cái đó”
Đồ chơi của tôi hồi nhỏ chủ yếu là đàn. Trong nhà, tôi thích loại đàn gì thì có người mua cho ngay. Ông cụ thân sinh bảo: "Một là sách, hai là đàn, kèn, trống .... những gì nó thích cứ mua về hết, rồi tìm sách cho nó học, tìm thầy dạy cho nó". Thế nên hồi bé tí tôi đã chơi được rất nhiều nhạc cụ: piano, violin, violin cell, kèn clarinet. Sau này vào Việt Minh, làm cán bộ, đi đây đó tôi tiếp tục tự học tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung…
Hồi nhỏ tôi cũng rất thích chơi thể thao, nhất là thuyền buồm và bơi lội , thời trung học thì chơi bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền. Lúc đó mọi người đều biết và đều nắm được luật chơi của những môn thể thao này. Tất cả những kiểu bơi cũng đều phải học hết. Họ còn có môn "Cách chi tiêu của một gia đình" - học từ hồi lớp 9. Con gái học thêm gia chánh, con trai học thể thao, được dạy luôn ở trong trường.
Một đứa cháu ngoại khác của tôi đang học môn Văn Hoa tại Pháp, chuyên về tiểu thuyết. Tôi hỏi cháu: "Họ dạy có tốt không? Cháu có hiểu không? Có làm đc bài không?" Nó trả lời: "Cháu viết được 2 cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Pháp rồi". Cả nhà đều bất ngờ.
Tại sao như vậy? Họ dạy gì là phải làm được cái đó. Dạy về tiểu thuyết thì phải viết được tiểu thuyết. Hay dở ra sao chưa biết, nhưng phải làm. Học sinh nào không làm được thì bị lưu ban, không được học môn đó nữa. Sàng lọc như vậy đấy! Viết hay đến đâu, tài ít tài nhiều là phụ thuộc vào học sinh, vận động hay không vận động, cộng sản hay tư bản thì tùy. Đó là cuộc đời, đi đến đâu thì cũng đều phải làm việc và tự mình điều chỉnh bản thân để thích ứng. Nhưng phải làm được việc trước đã!
“Đất nước sắp trải qua một thập niên mới”
Đất nước lại sắp trải qua một thập niên mới, dưới con mắt của một ông già 80 tuổi, dưới góc nhìn cá nhân của một ông cụ đọc nhiều, tôi thấy rất hay. Sự tiến bộ này không thể diễn tả bằng lời. Từ khi tôi còn bé, thấy sự thăng trầm của cả một quốc gia, sự thể nghiệm của một vùng miền hay cả nước, hay một cá thể ... thì đến ngày nay, những điều ta đã làm được ... thậm chí hơi quá mức của mình. Theo thuyết tiến hóa luận đơn thuần, theo hình bậc thang - thì sự tốt đẹp về mặt tổng thể này đã trên mức mình có thể thực hiện được.
Thủ đô bây giờ với tôi rất đẹp. Một tháng tôi không biết hết bao nhiêu tiền xích lô nữa, vì cứ đi xích lô giờ. Đi tới những khu mới, vừa đi vừa đọc truyện, sáng tác, đi làm việc, muốn có những cảm hứng về Hà Nội thì phải đi. Mấy năm trước thì là 25 nghìn/giờ, bây giờ là 55 người/ giờ. Mấy ông xích lô cũng bảo "tôi trông ông quen quen, ông là nhạc sĩ Hoàng Vân chứ gì", mình cũng đùa "ông cứ biết tôi là người Việt Nam là được rồi, không phải là Tây, nên đừng giở máy chém ra với tôi"
Tất cả những gì ta đã làm được đều đáng ghi nhận, có phần còn hơi quá sức. Nên có bị chỗ này chậm trễ, chỗ kia đền bù chưa thỏa đáng thì cũng chỉ là tiểu tiết. Làm những công việc to lớn phải là bao nhiêu chuyện.
Đứng ở cương vị một thành phần của xã hội, có tư duy độc lập giữa rất nhiều ngả nghiêng, có sự "đâm bị thóc, chọc bị gạo", mình nhìn những điều đó ở một góc nhìn khác, thấu suốt, xa hơn rất nhiều. Những sự đổi mới đang mang lại những độc lập rất lớn về mặt tinh thần. Tôi đã đi qua nhiều nước, nhất là Ấn Độ, Malaysia .... thấy rằng cái giá mình đã trả cho tự do và độc lập là khách quan, rất chính xác. Những vị như tổng thống Mỹ Obama, tổng thống Pháp Jack Chirac trông thấy mình vẫn phải ngả mũ. Nếu không đứng lên đấu tranh thì không thể có một cục diện tinh thần như ngày hôm nay. Không bao giờ. Nhìn vào một nước như Ấn Độ chẳng hạn. Không đánh - bất bạo động như tư tưởng của Gandi, đến bây giờ đất nước cũng chưa có một nền hòa bình, đồng lòng thực sự.
NS Hoàng Vân cùng vợ tới nghe nhạc trong một buổi biểu diễn tại Nhà Hát Lớn (11/2010)
10 năm, 20 năm nữa …. mình có bằng họ hay không?
Thủ đô mình thiệt thòi nhất là nghèo quá. Trước khi vào WTO, họ yêu cầu mình phải tăng tư nhân hóa lên 40%. Ở Hàn Quốc, chỉ cần chính phủ yêu cầu một thành phố vệ tinh, 2-3 năm sau là hoàn thành, đẹp!. Đều là do tư nhân họ làm. Được khuyến khích là họ làm ngay. Như ít thuế, đất tốt, giá mua rẻ hơn, giảm thuế mấy năm đầu, dân tranh nhau mua, bây giờ lãi nhiều lắm. Như mình thì cũng được một phần, nhưng vấn đề "xóa đói giảm nghèo" còn ràng buộc rất ghê. Với vấn đề xấy dựng còn rất tạp nham, thiếu quy hoạch. Ví dụ ở Pháp, toàn bộ thủ đô của họ cách đây 4, 5 thế kỉ như thế nào, giờ vẫn y như vậy. Muốn xây dựng họ thêm khu mới. Bây giờ gọi là La de France - toàn là building ngay bên cạnh, không dính dáng gì tới Paris. Điều này xem xét dựa trên giới hạn lịch sử thì chỉ đến đây. Ở ta, nếu như là Sóc Sơn hay Ba Vì, tư nhân hóa thì sẽ làm được nhanh, mà Hà Nội không bị quá tải, không bị o ép như bây giờ. Con đường nơi phố cổ này người Pháp làm cách đây hơn 100 năm, chỉ để cho 20 vạn người, bây giờ đã lên tới hơn 6 triệu dân.
10 năm, 20 năm nữa… thủ đô mình có bằng họ hay không? Đứng về mặt vĩ mô, gần đây Trung Ương Đảng có nói, sức mạnh tư nhân của mình còn yếu, phải tăng lên. Đó cũng còn là mâu thuẫn là mình còn giải quyết. Dân số còn đang tăng lên, không nắm được con số chính xác. Đường xá nghẹt cứng. Phải mất 5, 7 năm nữa, bây giờ phải lo chữa cháy. Vẫn đang giằng co ở trên, nhưng Trung Ương vẫn có chủ trương phải làm đường Bắc Nam không 5-10 năm nữa thì chết. Phải làm trước, dù có đắt một tí. Nhưng ý kiến đó cũng chưa được đa số. Hy vọng cũng sẽ thuyết phục dần, nhưng đến lúc mối nguy trông thấy thì cũng phải làm thôi. Như công trình tàu điện ngầm ở thành phố, hay nhà máy điện nguyên tử. Phải nhìn vào những vấn đề như thế. Chứ cứ ra ngoài lại kêu "Vỉa hè bẩn quá!". Nó quá nhỏ bé. Tất nhiên vấn đề rác thải cũng rất quan trọng nhưng chưa phải là vấn đề có tính chất đe dọa hoàn toàn. Nhưng mối nguy lớn là giao thông. Nói thế để thấy rằng mọi việc phải nhìn khách quan, có chiều sâu, chứ không phải là cảm tính.
Anh em trong họ có nhiều lần nói tôi: "Bác là một người có sự khoan dung". Đó là những người thân trong họ nói vậy, chứ bạn bè thì tôi không nói về những chuyện này. Là một người sáng tác phải có tư duy độc lập, không cần phô trương như thể "Tôi đúng, ông sai", mình cứ làm nhạc, có bài nhạc hay là được. Từ bé tôi đã có tinh thần đó. Không bao giờ có những ý kiến ngược chiều, đối lập với ai cả. Chỉ cần làm những việc của mình, đúng như cái mình cần. Chính những đó sẽ chống lại những cái phủ định mình.
Theo VNN.