Với nghề ảnh, có thể nói Bùi Đăng Thanh là con nhà nòi. Thân phụ ông là cụ Đăng Thành, một thợ ảnh được nhiều người biết đến ở Thanh Hóa. Mới 13 tuổi, ông đã theo cha đi kiếm sống, 14 tuổi đã biết làm một số việc của nghề ảnh.
Tính tò mò, niềm đam mê và kế mưu sinh đã đưa Bùi Đăng Thanh đến với nhiếp ảnh hơn 40 năm qua. Sự khốc liệt của chiến tranh khiến ông tưởng như phải vĩnh viễn bỏ nghề.
Vết thương lành, điều đầu tiên ông nghĩ đến là tập làm mọi việc bằng cánh tay trái còn lại (vốn không phải là tay thuận của ông). Sự nỗ lực của bản thân đã giúp Bùi Đăng Thanh học xong Đại học và có việc làm ổn định. Đời sống thời bao cấp khó khăn, nghề ảnh trở lại đã giúp ông trang trải thêm trong cuộc sống. Nói vậy nhưng không dễ, nghề ảnh có đủ 2 tay còn cảm thấy thiếu, trong khi ông chỉ còn lại cánh tay trái vốn không thuận. Vừa củng cố thêm những kinh nghiệm về kỹ thuật, ông vừa luyện thao tác căn chỉnh thông số, lên phim, bấm máy… bằng một bàn tay trái. Nghề dịch vụ, thành bại cũng còn phụ thuộc vào khách hàng, ngoài chất lượng từng bức ảnh, ông phải chuẩn bị tâm lý vững vàng để có được sự thuần thục trong thao tác, chiếm được lòng tin nơi khách hàng.
Năm 1994, Bùi Đăng Thanh nghỉ hưu và dành toàn bộ thời gian cho nhiếp ảnh dịch vụ. Sự nổi tiếng của ông không chỉ khiến cho lượng khách ngày càng đông mà còn có nhiều người tìm đến ông để học nghề. Không có giáo trình cơ bản, ông tự mày mò kết hợp giữa những kiến thức đọc được qua các tài liệu nhiếp ảnh với kinh nghiệm thực tế, ông đã soạn nhiều bộ giáo án phù hợp với trình độ của từng lớp học viên. Vừa dạy nghề, vừa truyền nghề, hàng năm “lò” dạy ảnh của Đăng Thanh tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động trẻ từ Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hà Tây, Thanh Hóa… Ông đặc biệt quan tâm tới các học viên là con em thương binh, liệt sĩ và sinh viên nghèo bẳng cách giảm 20% học phí, có trường hợp được miễn phí hoàn toàn. Vừa làm dịch vụ, vừa dạy nghề, vừa sáng tác, sự phối hợp đó đã tạo cho Bùi Đăng Thanh có môi trường thuận lợi để bổ sung kiến thức, kinh nghiệm cho mình.
Dấu ấn rõ nét nhất bắt đầu con đường sáng tác ảnh nghệ thuật của ông là giải Nhất ảnh thời sự nghệ thuật Báo Hà Nam Ninh năm 1981 với tác phẩm “Nghề truyền thống”. Sau đó vào các năm 1991, 1992… ông đều có ảnh treo tại các Liên hoan ảnh khu vực. Bùi Đăng Thanh dành thời gian đi nhiều, chụp về nhiều đề tài khác nhau, nhưng trẻ em, phụ nữ, đặc biệt là người tàn tật là những đối tượng ông quan tâm nhiều nhất.
Bởi cùng cảnh ngộ, ông hiểu họ, muốn cảm thông, chia sẻ với họ, mong muốn những người kém may mắn có được cuộc sống tốt đẹp như bao người bình thường khác. Đó cũng là lý do ông lăn lộn vào trường trẻ em câm điếc ở Nam Định, Xã Đàn (Hà Nội) để tìm kiếm những khoảnh khắc vượt lên số phận của những trẻ khuyết tật cho tác phẩm của mình. Đó cũng là cơ hội để ông chia sẻ, động viên các em hòa đồng với cuộc sống và cũng là để tự nhắc nhủ mình. Ông là một trong những giảng viên nhiệt tình nhất của các lớp nhiếp ảnh dành cho người khuyết tật ở khu vực phía Bắc. Tính đến nay, Bùi Đăng Thanh đã có 16 giải thưởng trong nước và quốc tế về nhiếp ảnh, 76 lần có ảnh triển lãm quốc tế ở nhiều nước trên thế giới, được phong tước hiệu A.VAPA, A.FIAP.
Với ông, hoạt động nhiếp ảnh không chỉ sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị, mà còn đóng góp nhiều cho phong trào nhiếp ảnh ở địa phương. Năm 1994, sau khi được tham dự lớp tập huấn do Hội NSNAVN tổ chức tại địa phương nhằm thúc đẩy phong trào, ông khởi xướng thành lập CLB nhiếp ảnh trẻ Nam Định với 6 thành viên do ông làm Chủ nhiệm. Đến năm 1997, số thành viên lên đến 15 người. Đây cũng là cái nôi trưởng thành của 9 hội viên Hội NSNAVN, trong đó có 3 hội viên được phong tước hiệu: Trần Thế Long (E.VAPA, E.FIAP); Bùi Đăng Thanh (A.VAPA, A.FIAP); Đinh Duy Quang (A.FIAP) . Đại hội lần thứ 6 Hội VHNT tỉnh Nam Định, Bùi Đăng Thanh được các văn nghệ sĩ tỉnh nhà tín nhiệm vào Ban thường vụ Hội, Trưởng ban công tác hội viên, Trưởng bộ môn nhiếp ảnh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh Nam Định; ông cũng là Chi hội trưởng Chi hội NSNAVN tỉnh Nam Định.
Sau nhiều năm cần mẫn gắn bó với nhiếp ảnh, niềm mong ước của ông đã trở thành hiện thực, đó là tổ chức cuộc triển lãm cá nhân công bố một phần thành quả lao động nghệ thuật của mình với công chúng, gia đình và bè bạn. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2007), ông đã trưng bày 60 tác phẩm với chủ đề: “Con người - Lao động và cuộc sống”. Trong đó có những tác phẩm ông từng đoạt giải trong nước, quốc tế và những tác phẩm mới sáng tác. 60 tác phẩm như những dấu chân của Bùi Đăng Thanh trên khắp nẻo đường đất nước từ biên giới, hải đảo đến đêm trên dàn khoan sáng lung linh một vùng biển cả, hay bên bếp lửa nhà sàn nơi vùng cao Tây Bắc… Qua đó người xem thấy được sức lao động nghệ thuật không mệt mỏi của người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận mới. Đây cũng là tấm lòng thành của ông dâng lên hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những đồng đội đã khuất trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Tâm nguyện đã thành nhưng Bùi Đăng Thanh vẫn chưa yên lòng, bởi ở phía trước, ông còn có nhiều dự định, ý tưởng cho những chủ đề mới. Ông bộc bạch: “Tôi muốn được đi nhiều để được chụp nhiều, đói khổ thế nào cũng chịu được. Phía trước, đất nước, con người còn nhiều điều cần được ghi nhận lắm. Chưa làm được, tôi có cảm giác canh cánh bên lòng một món nợ…”.
Một số tác phẩm nghệ thuật của NSNA Đăng Thanh
Các bạn có thể tìm hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đăng Thanh: "người thương binh tàn nhưng không phế " tại : http://dangthanhphoto.com
Đinh Giang.