Giữa bộn bề công việc, NSND Doãn Hoàng Giang lần đầu tiên tiết lộ bí mật về nguyên mẫu có thật ngoài đời, của một trong các nhân vật nữ tuyệt đẹp - Hà Mi - giữa bối cảnh Nhà hát kịch Hà Nội công diễn trở lại "Hà Mi của tôi", sau 30 năm cách quãng.
Bận rộn, bận rộn và bận rộn, ngày thường của NSND Doãn Hoàng Giang chưa hề có những khoảng lặng yên bình, ngơi nghỉ. Sân khấu luôn cuốn ông đi trong một guồng quay khó chống đỡ, khi mà sự “đắt sô”, ăn khách, điểm tận cùng thập niên đầu tiên, thiên niên kỷ mới, vẫn thuộc hàng đầu trong giới đạo diễn.
Chưa xong việc ở nhà hát này, Doãn Hoàng Giang đã bị (được) nhà hát khác rủ rê, mời gọi. Toàn những sự chào đón, bủa vây mà người sẵn tiếng “cả nể” như ông, rất khó lòng để nói câu từ chối.
Giữa bộn bề công việc, NSND Doãn Hoàng Giang lần đầu tiên tiết lộ bí mật về nguyên mẫu có thật ngoài đời, của một trong các nhân vật nữ tuyệt đẹp - Hà Mi - giữa bối cảnh Nhà hát kịch Hà Nội công diễn trở lại “Hà Mi của tôi”, sau 30 năm cách quãng.
Duyên cớ nào khiến ông lựa chọn "Hà Mi của tôi", vở kịch đã tạo nên những cơn chấn động xúc cảm thẩm mỹ cho khán giả cách nay 30 năm, để dàn dựng lại, đúng dịp Thủ đô mừng Đại lễ?
- Thực ra, đây là quyết định của Nhà hát kịch Hà Nội. Họ tham vọng làm sống lại những vở diễn thuộc hàng kinh điển, những tác phẩm để đời trên sàn diễn từ xưa tới nay. "Hà Mi của tôi" chính là một trong những niềm tự hào dễ nhớ nhất của sân khấu Thủ đô. Không gì hợp hơn để tái diễn lại không gian hùng tráng, hào hoa đậm chất Hà Nội, ngay trong bối cảnh, Hà Nội bước vào tuổi tròn thiên niên kỷ.
3 thập niên, xã hội nay đã khác, khán giả cũng khác xưa nhiều. Công chúng đã đón chào sự trở lại của Hà Mi trong tâm trạng thế nào, thưa ông?
- Một khoảng thời gian dài đã qua, kể từ ngày đầu "Hà Mi của tôi" xuất hiện. Những người hâm mộ khi xưa giờ hầu hết đều đã thành bố thành mẹ, thậm chí thành ông, thành bà...
Lớp người đương thời, thế hệ thanh niên, tưởng không dây dưa gì với quá khứ, nhưng qua các đêm diễn vừa rồi, rạp hát Công nhân vừa được xây mới đã luôn kín chỗ, đông đúc. Tôi thấy, mọi người vẫn hào hứng, tràn đầy cảm xúc, vẫn cười và cả khóc khi thưởng thức "Hà Mi của tôi".
Giữa thời bao cấp khốn khó, những năm 80 của thế kỷ XX, sự xuất hiện của một nhân vận nữ đầy phá cách như Hà Mi, chắc chắn sẽ khiến không ít người xem ngất ngây, choáng váng, thậm chí “sốc” nữa?
- Hà Mi hút thuốc, uống bia. Hà Mi khi đã yêu là dám tuyên bố với mọi người, tôi đang yêu chàng trai đó. Một người phụ nữ đẹp, không bao giờ quan tâm đến chuyện, dư luận nghĩ gì về mình, có đàm tiếu, cười chê mình không.
Một người con gái dám sống, dám thể hiện cái bản năng đàn bà của mình giữa đám đông rập khuôn, máy móc, ưa đeo mặt nạ, tất nhiên không dễ được chấp nhận. Đấy là mẫu hình phụ nữ còn rất lạ lẫm với số đông công chúng vào thời điểm đó.
Nhân vật này đúng là rất đẹp. Nhưng, đến tận bây giờ, nhiều người vẫn thầm thì, nghi hoặc, Hà Mi không chỉ là hình bóng trong trí tưởng tượng của Doãn Hoàng Giang, mà đích thực, có một khuôn mẫu sống động ngoài đời?
- Đấy là chuyện thường tình. Nghệ thuật luôn bắt đầu từ cuộc sống. Cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ cũng đến từ chính cuộc sống, bắt nguồn từ muôn chuyện vụn vặt thường ngày. Nhân vật trong vở kịch này, bộ phim kia, hay cuốn sách nọ được coi là giống một ai đó có thật ngoài đời cũng là điều dễ xảy ra, không phải hiếm. Những thắc mắc kiểu Hà Mi là ai, tôi nghe nhiều rồi. Thậm chí, cũng có nhiều người nhận, mình chính là nguyên mẫu của nhân vật ấy.
Vậy, Hà Mi đích thực là ai?
- Hà Nội những năm cuối thập niên 70, thế kỷ XX, có một nữ diễn viên trẻ và rất đẹp. Đấy lại là một nhan sắc khác lạ với xung quanh, một cá tính đặc biệt, không thể lẫn vào ai. Cô ấy đã thách đố tôi, đánh cược xem tôi có đưa được mẫu hình nhân vật như thế lên sân khấu.
Một người phụ nữ nổi loạn trong môi trường chỉn chu, khuôn phép, quen sống khép mình, không phải dễ dàng mà trở thành hình tượng. Tôi nhận lời. Và sau đó, "Hà Mi của tôi" ra đời, với bức phông nền là Nhà máy điện Hà Nội, thời kỳ giặc Mỹ leo thang, điên cuồng bắn phá miền Bắc, mùa đông năm 1972.
Cũng là diễn viên, nhan sắc nổi trội, lại được xem như nguồn cảm hứng cho tác giả và đạo diễn, vậy khi dàn dựng "Hà Mi của tôi", ông mời nguyên mẫu ấy vào vai nữ chính chứ?
- Tôi có thử, nhưng Hồng Minh không hợp vai. Ngoài đời Hồng Minh cũng uống rượu, hút thuốc, cũng nói năng rất tự nhiên, bạo dạn, nhưng bước lên sân khấu thì lại mất hết cái duyên vốn có. Nhân vật lại không hề hợp với cô ấy.
Đơn giản thôi, không phải cứ hoa hậu là đóng được hoa hậu trên sân khấu. Hay ông bán phở sẽ dễ dàng trở thành ông bán phở khi đóng phim, diễn kịch hơn người khác. Cũng có rất nhiều nữ nghệ sĩ trẻ, đẹp, nổi tiếng muốn được trở thành Hà Mi. Tôi cũng thử dành cơ hội cho nhiều người, cả Đam Ka, Kim Lan... Nhưng họ không đáp ứng được các đòi hỏi của vai diễn.
Hóa ra, Hà Mi chính là hình bóng của nữ nghệ sĩ Hồng Minh, người vốn được giới nghệ sĩ biết đến nhiều với biệt danh Minh “di gan"?
- Thời kỳ đó, Hồng Minh rất đẹp. Nhưng vẻ đẹp ấy tây quá, di gan quá, không có nhiều vai diễn trên cả sân khấu và điện ảnh hợp với dáng vẻ bề ngoài của cô ấy. Chính vì thế, Hồng Minh ít được công chúng rộng rãi nhớ tên, quen mặt như các đồng nghiệp cùng trang lứa, như Phương Thanh, Thanh Quý, Hoàng Cúc. Hồng Minh là một nghệ sĩ sinh ra không hợp thời.
Diễn viên Hồng Minh. |
Phải có một tình cảm đặc biệt lắm với nguyên mẫu, ông mới xây dựng nên một nhân vật nữ đáng yêu như Hà Mi. Lời thoại trong kịch cũng đầy chất "ga lăng", hấp dẫn, kiểu như: "Em đẹp nhất miền Bắc"?
- Khi trở thành hình tượng, nhân vật không còn phụ thuộc, dính líu gì với nguyên mẫu có thật ngoài đời. Nhân vật lúc đó đã là thành quả sáng tạo nghệ thuật của tác giả. Hà Mi cũng chỉ mang một phần cái lạ, cái độc đáo của nguyên mẫu.
Trên sân khấu, Hà Mi ngỗ ngược, bụi bặm, nhưng tràn đầy nhiệt huyết, luôn xả thân vì cái chung, sẵn sàng hy sinh chính bản thân mình cho lợi ích của nhà máy. Hà Mi tình nguyện xin vào đội cảm tử, tình nguyện giành lấy cái chết để cho dòng điện luôn được thông suốt, và Hà Nội mãi là một vùng sáng. Bao năm qua, khán giả nhớ đến Hà Mi cũng là vì thế.
Còn câu thoại "em đẹp nhất miền Bắc" lại nảy sinh từ một chất liệu khác. Đấy là lời nịnh của một người hâm mộ nói với nghệ sĩ Nguyệt Ánh (NSƯT Nguyệt Ánh - người vợ đã chia tay của NSND Doãn Hoàng Giang - PV). Tôi cho vào kịch để trêu bà ấy.
Rốt cục, các bậc đàn chị đã phải ngậm ngùi chấp nhận để vai diễn trong mơ rơi vào tay một cô gái vừa ra trường, còn lơ ngơ, rụt rè, tức nghệ sĩ Minh Trang lúc đó?
- Minh Trang dạo ấy còn non lắm, đứng trên sân khấu vẫn run lẩy bẩy. Tôi nhắm Minh Trang cho vai Hà Mi, còn Trần Vân vào vai Phó giám đốc Phương. Điều đó cũng làm nên những cú sốc đáng kể. Nhiều người tỏ ra thiếu tin tưởng, nhiều người khác nữa thì phản đối kịch liệt.
Trần Vân mới chỉ quen các vai nhỏ, những anh chàng bụi đời, buôn đồng hồ, chạy chợ vặt vãnh, toàn vai diễn không đầu không cuối, không bề sâu tâm lý. Minh Trang thì vừa 20 tuổi, chưa cảm nhận được vai diễn nào có tên, có số phận.
Các nữ diễn viên đàn chị cũng im lặng sao?
- Khi lựa chọn đã thông qua, tôi cấm tất cả mọi người không ai được xì xào bàn tán. Trong các buổi tập, tôi cảnh cáo, bất kỳ ai, không có ngoại lệ, nếu tỏ thái độ cười cợt Minh Trang, có dấu hiệu nào giễu cợt hay ngờ vực Minh Trang, tôi lập tức "mời" ra khỏi sàn tập.
Mọi người không được tủm tỉm, không được nói ra nói vào, thậm chí cả không được có lời bình luận nào lọt đến tai Minh Trang. Nếu ai chống lệnh, không phục tùng đạo diễn, tôi sẽ cắt vai. Tôi phải o bế kỹ như thế để tạo cho Minh Trang một tâm lý thoải mái.
Cô ấy phải thật tự tin, phải bước qua sự run sợ bóng gió của chính mình. Mọi người cũng phải truyền niềm tin đến cô ấy. Có như thế, một diễn viên trẻ mới vượt qua được thử thách lớn đầu đời.
Niềm tin của ông đã được đền đáp xứng đáng. Minh Trang đã tạo nên một dấu ấn khó phai mờ qua vai diễn Hà Mi. Ấn tượng sâu đậm đến nỗi, sau này, Minh Trang đã lấy Hà Mi làm tên đặt cho cô con gái yêu của chị. Và Doãn Hoàng Giang cũng thiêng với tài phù thủy từ đó, nhờ phép biến hóa, giúp các diễn viên bình thường thành "ngôi sao"?
- Từ "Hà Mi của tôi", Trần Vân, Minh Trang tạo thành cặp đôi rất đẹp và rất nổi tiếng của sân khấu miền Bắc. Trong đời mình, tôi còn tạo nên nhiều ngôi sao nữa. Lâm Bằng đã thành ngôi sao của chèo, một gương mặt sáng giá bậc nhất của sân khấu thập niên 80 thế kỷ XX.
Hay Tiến Hợi từ một người chưa ai biết tới, đã đóng đinh tên tuổi bằng vai diễn hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo diễn phải luôn gây dựng được cho các diễn viên niềm tin vào chính con người thật của họ, vào khả năng tiềm ẩn mà bản thân họ cũng chưa nhìn ra, chưa chịu khám phá.
Thời kỳ ấy, khi Minh Trang cùng Nhà hát kịch Hà Nội rong ruổi đem "Hà Mi của tôi" đi chinh phục khán giả khắp trong Nam ngoài Bắc, cũng là lúc, những lời xầm xì về một mối quan hệ thân tình giữa đạo diễn vừa đổ vỡ chuyện gia đình với nữ diễn viên trẻ cũng được lan truyền, rỉ tai nhau?
- Những lời đồn thổi kiểu như thế trong cuộc đời tôi thì nhiều lắm.
Đang nổi tiếng, lại được ưu ái, tại sao Minh Trang lại xin chuyển vào TP HCM. Ông có tiếc không, và Nhà hát kịch Hà Nội đã không làm gì để giữ lại?
- Mọi người đều có những lý do riêng, và đều chính đáng. Nghệ sĩ, có tài, có tiếng, ở đâu cũng tung hoành được hết. Minh Trang vào TP HCM, cũng hòa hợp rất nhanh với các đồng nghiệp. Cô ấy vẫn xác lập được vị thế của mình ở trong đó.
Tôi là đạo diễn, tôi lại đi tìm các gương mặt diễn viên mới toanh khác để nhào nặn, khai phá. Tôi thích tạo ra những ngôi sao sân khấu từ con số O, từ thứ quặng thô ráp, chưa được gọt giũa.
Vậy Hà Mi năm 2010, có phải là sự lựa chọn hoàn hảo của ông, so với 30 năm trước?
- Tôi không thích so sánh. Mọi sự so sánh đều thiếu thỏa đáng, nhất là giữa các nghệ sĩ với nhau. Bởi vì, mỗi người là một cá tính riêng biệt, không đụng hàng. Bản dựng "Hà Mi của tôi" năm 2010, tôi đã nhắm đến diễn viên Kiều Thanh.
Dung dáng của Kiều Thanh trên sân khấu cũng nhẹ nhàng, hấp dẫn. Kiều Thanh cũng khiến được người ta yêu kể cả lúc ngỗ ngược, ngang ngạnh nhất. Nhưng thời gian này, Kiều Thanh lại đang bận chuyện riêng, không thể xuất hiện. Tôi đã chọn Thúy Hà thế chỗ. Thúy Hà không sắc sảo, quyết liệt, nhưng dung dị, thanh lịch. Thúy Hà đã cố gắng hết sức mình.
Cô ấy làm được những điều mà một Hà Mi thế kỷ XXI cần phải làm. Dù di gan tới đâu, hoang dã tới đâu, Hà Mi vẫn là một thiếu nữ Hà Nội, và cái hào hoa thanh lịch của Hà Nội phải là hồn cốt của nhân vậy nữ ấy.
Nghe ông nói về nhân vật của mình, vẫn còn tràn đầy hưng phấn. Những bí ẩn khuất lấp trong cuộc đời nghệ thuật của Doãn Hoàng Giang chắc chắn còn rất nhiều nữa. Mong một ngày nào đó, lại tiếp tục được trò chuyện với ông. Xin cảm ơn đạo diễn về cuộc trao đổi này.
Theo ANTG.