Nổi gió (kịch bản: Đào Hồng Cẩm, đạo diễn: Huy Thành, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1966), là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng lấy bối cảnh chiến tranh ở miền Nam.
Đây cũng là lần chạm ngõ điện ảnh của Thế Anh, giúp anh đặt dấu ấn cho sự nghiệp diễn xuất, khi khắc họa thành công vai trung úy Phương, viên sĩ quan trẻ trong quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Hơn 40 năm trôi qua, Thế Anh đã hóa thân thành nhiều loại nhân vật cả phản diện lẫn chính diện, từ sĩ quan Việt Nam Cộng hòa cho đến bộ đội Quân đội Nhân dân Việt Nam, rồi bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, thủy thủ...
Được ca ngợi là "ông hoàng" của màn ảnh Việt Nam, những bộ phim thuộc hàng kinh điển như "Đường về quê mẹ", "Em bé Hà Nội", "Ngày lễ Thánh", "Mối tình đầu", "Lưu lạc và trở về Sam Sao", "Tự thú trước bình minh", "Hồi chuông màu da cam", "Vụ án Hồ Con Rùa", "Gánh xiếc rong", "Đêm hội Long Trì"... đều ghi nhận sức sáng tạo nghệ thuật không ngừng của ông.
Trong suốt thập niên 1980-1990, Thế Anh vẫn tiếp tục công việc diễn xuất. Từ năm 2000 đến nay, ông tham gia những bộ phim truyền hình như "Giao thời", "Dốc tình", "Hoa dã quỳ", "Xin lỗi tình yêu"... và một số phim nhựa: "Người học trò đất Gia Định xưa" (Đạo diễn Huy Thành), "Tây Sơn hào kiệt" (Đạo diễn Phượng Hoàng). Gần đây, ông trở lại sân khấu kịch TP.HCM trong "Người thi hành án tử" (Đạo diễn: Khánh Hoàng) và "Tả quân Lê Văn Duyệt" (Đạo diễn Doãn Hoàng Giang).
Ngôi nhà của ông nằm ở đầu đường Trần Minh Quyền (Q10.TP.HCM), kín khắp các tầng lầu là hàng trăm tấm poster phim lồng khung cẩn thận, được ông cất công sưu tầm trong hàng chục năm qua. Cuộc sống của ông có vẻ yên bình thư thái, còn giọng nói thì vẫn cởi mở và trẻ trung, và tếu táo như thể quên mất cái tuổi thất thập cổ lai hy...
Năm 1961, nguyên do nào mà đang học khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội, ông lại bỏ ngang và thi vào khóa diễn viên chính quy đầu tiên của trường Nghệ thuật Sân khấu?
Phải nói là khi ấy tôi đẹp trai lắm, không đi làm diễn viên thì uổng (cười). Nhưng thật ra nguyên do chính của chuyện này lại hết sức tầm phào. Khi ấy sinh viên sư phạm ra trường là được bổ đi dạy học ở khắp nơi. Tính tôi nhát, lại ngại xa nhà, phân công mà không đi thì... tiêu đời như chơi. Nghĩ cạn một chút, học thế nó phí phạm, vậy là tôi chuồn qua dự thi vào trường vào trường sân khấu.
Lúc đó học ở đây ra chắc chắn sẽ được phân công về Xưởng phim hoặc Nhà hát lớn, làm diễn viên thì Hà Nội chỉ có hai nơi này thôi.
Đợt tuyển có 600 người thi nên vòng loại dễ vô cùng, nhìn ngoại hình đẹp là được, ngâm thơ hay hát tốt là xong. Vòng trong có chuyên gia Liên Xô chấm nên hơi khó một chút, nhưng rồi tôi cũng nằm trong 30 người trúng tuyển, có lẽ họ thấy tối đẹp lại ăn nói lưu loát, đuổi thì tiếc quá! (cười)
Ông thường nói, "Nổi gió" là mối tình đầu của mình với điện ảnh. Vậy phải có nhiều kỉ niệm sâu sắc...
Khi "Nổi gió" đã quay được hơn 400m phim thì đạo diễn cảm thấy chưa ưng ý, nên quyết định ngừng lại để tuyển thêm diễn viên. Cuối cùng trong số 13 người casting, tôi được chọn vào vai Trung úy Phương. Đó là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng quay ở miền Bắc nhưng bối cảnh lại 100% là tỉnh Bến Tre với đặc thù sông nước, cầu khỉ, vườn dừa... nên thực sự gây khó khăn cho đoàn làm phim.
May mà có nhiều người miền Nam tập kết ra Bắc nhớ quê hương nên đã xây dựng hẳn một nông trường Quý Cao rộng lớn ở Hải Phòng, trong đó người ta đào rạch làm cầu tre bắc qua, rồi trồng cây ăn trái, xây nhà lợp mái lá dừa với đầy đủ dụng cụ gia đình, ấm chén ly tách y chang như một vùng quê Nam bộ trù phú thu nhỏ.
Bộ phim sẽ bất thành nếu không có các bà má Nam bộ ở nông trường dạy cho cách chít khăn, chỉ từng lối ăn tiếng nói, bẻ từng dáng đi kiểu ngồi...
Đó là lần đầu tiên tôi biết miền Nam và mường tượng ra nó như thế nào. Ông bà mình nói Vạn sự khởi đầu nan, cái đầu đã qua trót lọt, nên mọi thứ về sau đều suôn sẻ. Tôi lập tức trở thành diễn viên đắt hàng nhất, một năm người ta làm vài phim, mỗi phim phải mất 7-8 tháng mà tôi như hốt hết vai chính....
Sau này, bộ đội tiếp quản Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã tìm thấy bản phim "Nổi gió" trong đó. Chắc hẳn người Mỹ đã đánh giá cao bộ phim, khi chúng ta xây dựng hình ảnh một sĩ quan Cộng hòa có tri thức và vẻ ngoài hào hoa, lịch lãm. Bộ phim xoáy vào những khác biệt tư tưởng và sự rạn nứt từ bên trong, điều mà những bộ phim trước đó không làm được, hay có thì thường lại bôi nhọ đối thủ.
Việc vào vai những nhân vật của hai chiến tuyến khác nhau đã cho ông những cảm nhận gì? Và làm phim trong thời chiến chắc chắn không chỉ có khó khăn...
Qua đến năm 1971, tôi đóng vai Dư trong "Đường về quê mẹ" (Đạo diễn: Bùi Đình Hạc). Đây là nhân vật có tính nguyên mẫu là một trí thức miền Bắc, anh hùng công binh Bùi Ngọc Dương. Trước khi khởi quay, tôi đã đến thắp nhang cho anh ở phố Lê Thánh Tôn (Hà Nội).
Phim thực hiện trong giai đoạn Mỹ leo thang chiến tranh miền Bắc, do đó nguy hiểm rình rập tứ bề. Hiếm có nền điện ảnh nào như thế: diễn viên đều được bộ đội huấn luyện, tập trận và đóng phim với súng thật, đạn thật. Phải thế thôi, đoàn làm phim sống trong rừng, nhỡ rủi ro mà địch ập tới thì hoặc chết hoặc là phải quay súng lại chiến đấu.
Do đó phim xong thì chúng tôi trở nên mạnh mẽ lạ thường, mỗi diễn viên như đã thành người lính thực thụ. Nếu "Nổi gió" làm thay đổi sự suy nghĩ của mọi người về chiến tranh thông qua bi kịch gia đình, thì "Đường về quê mẹ" như tiếng còi xung trận, thúc giục hàng ngàn thanh niên, sinh viên miền Bắc nườm mượp tình nguyện tòng quân vào Nam chiến đấu.
Những thành tựu của chúng tôi đều gắn với vận mệnh đất nước. Trong tâm thế như vậy, tôi tự hào vì đã góp chút công sức vào cuộc chiến tranh giành hòa bình.
Ông đón nhận sự kiện 30/4/1975 ra sao và sau đó thì vào Nam như thế nào?
Lúc đó thì chỉ biết la to lên: "Ôi... thoát chết rồi!". Đơn giản là vậy, nhưng ai từng nếm trải những đợt bom khinh khiếp của B52 thì sẽ thấy đó là tiếng thở phào nhẹ nhõm.Ở thời điểm ấy, xưởng phim đã có những mũi làm phim tài liệu vượt Trường Sơn vào Nam; đến năm 1976 thì đoàn nghệ sĩ miền Bắc mới chính thức được vào Sài Gòn. Tôi nhớ, ra sân bay đón toàn là những tên tuổi lừng lẫy mà chúng tôi chỉ được biết qua báo chí, phát thanh: Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Bạch Tuyết... Miền Nam với tôi như giấc mơ thành hiện thực, đi Đà Lạt mà cứ như nhà quê ra tỉnh, đến Biên Hòa đứng trên những con lươn giữa quốc lộ mà miệng cứ gào thét lên vì sung sướng, ra Huế thì mới bắt đầu được đi xe Honda...
Và đó là nguồn cảm hứng để ông hoàn thành xuất sắc vai diễn Ba Duy trong "Mối tình đầu"?
Nổi gió là mối tình đầu của tôi với điện ảnh, còn Ba Duy thì lại là mối tình đầu của tôi với miền Nam; đặc biệt đây là bộ phim đầu tiên mà Xưởng phim Hà Nội làm ở Sài Gòn.
Nói vậy để thấy khi quay "Mối tình đầu" (Đạo diễn Hải Ninh), chúng tôi phải chịu áp lực biết chừng nào; mọi người đều phải cố gắng để chứng tỏ rằng điện ảnh cách mạng không manh mún mà ngược lại, rất nghiêm túc và chuyên nghiệp không thua kém ai.
Đây là kịch bản của Nguyễn Trương Thiên Lý dựa trên một câu chuyện có thật về hậu quả chiến tranh. Lúc đó đã biết gì về miền Nam đâu, khi đóng "Nổi gió", tôi chỉ nghiên cứu vai diễn dựa trên sách báo; thì nay để vào vai một thanh niên trác táng, nghiện ngập, tôi lại được trải nghiệm rất nhiều thực tế.
Bắt đầu là nhịn ăn cả tháng, mỗi ngày nốc cả 4-5 ly cà phê, rồi thức đêm cho gương mặt gầy xọp, bơ phờ... để rồi xuống được 6 ký lô.
Có đêm tôi lang thang đến ga Bình Triệu, hay đường Hàm Nghi để xem những con nghiện vật vã, chứng kiến cảnh họ phê thuốc rồi làm tình ở ngoài đường; rồi vào trại Fatima (Bình Triệu) sống cùng những người cai nghiện.
Trong thời gian quay, tôi thường đến phim trường trước hai tiếng đồng hồ rồi ngồi bẹp dưới đất trong một xó tối, nhìn chẳng khác gì con chó. Khi ấy ít ai biết tôi đã ở tuổi 40.
Bộ phim đã gây sốc khi công chiếu ở Hà Nội, một cơn sốc khủng khiếp, thậm chí có khán giả đã bị đè chết khi cố chen vào xem phim.
Tên hai đứa Nguyễn Thế Phương (1972) và Nguyễn Thế Duy (1978) như ghi lại hai cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi.
Và rồi ông quyết định đưa gia đình vào Nam lập nghiệp
Tôi thấy điều kiện sống và làm việc ở Sài Gòn có vẻ thích hợp với mình. Trong khi miền Bắc thời tiết ẩm ướt, mưa và giá rét quanh năm thì khí hậu trong này tốt hơn và có thể đóng được nhiều phim hơn.
Năm 1978, tôi chuyển vào làm phim tài liệu ở xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu, tiền thân là Liên hiệp xí nghiệp điện ảnh và băng từ.
Lúc đầu gia đình chia làm hai: Vợ tôi và Thế Duy ở lại Hà Nội, bà ấy vẫn còn biên chế nên phải hoàn thành nốt những vai diễn cho Đoàn kịch Trung ương; tôi với Thế Phương vào Nam.
Trong vài năm sống như vậy, chỉ thăm nhau được trong những chuyến đi chóng vánh và khi ấy cả gia đình mới hợp về một mối.
Đời nghệ sĩ cực thế, nên khi hai đứa con trai lớn lên, tôi nhất định không cho chúng dính vào nghệ thuật.
Đào hoa, lịch lãm, là một diễn viên nổi tiếng, vậy nhưng gia đình ông vẫn yên ấm, ông và bà đã bên nhau gần nửa thế kỷ...
Thu Hằng nhỏ hơn tôi bảy tuổi, từng là hoa khôi trường Trưng Vương - Hà Nội, solist của Nhà hát Kịch nói Trung ương thời kỳ trước giải phóng. Lấy nhau khi tôi đóng "Nổi gió", điều tôi biết ơn và yêu quý bà ấy nhất là đã chấp nhận dừng lại để là hậu phương cho chồng toàn tâm ý làm nghệ thuật.
Vợ tôi là cao thủ võ lâm đấy nhé, luôn là lạt mềm buộc chặt khiến tôi khó... thoát được.
Cuộc đời nghệ sĩ lắm ba đào, tôi đóng cặp và ôm ấp hầu như gần hết các mỹ nhân màn bạc Việt Nam: Như Quỳnh, Thanh Quý, Trà Giang, Phương Thanh, Việt Trinh, Hiền Mai... Ngoài đời thì lắm cô gái ái mộ đeo đuổi nên cũng có vài mối tình ngang trái, nhưng tôi cũng tự hào mình có một bộ thắng khá tốt, luôn biết dừng lại đúng lúc. Với lại, điều quan trọng nhất của tôi là điện ảnh, nên chuyện gái gú hay bia rượu đều bị xếp ở hàng thứ yếu.
Trong các mỹ nhân từng đóng cặp đó, ông có ấn tượng và yêu quý nhất diễn viên nào?
Tôi không yêu quý đặc biệt ai, nhưng nên nói thế này thì rõ ràng hơn: Các diễn viên nữ ngoài Bắc nghiêm túc và sâu sắc, còn các diễn viên trong Nam tuy đẹp hơn, tính tình cởi mở, có thể đóng một cảnh nóng hay hôn cũng dễ dàng hơn... nhưng diễn xuất thì không đọng lại gì nhiều. Nghệ thuật thường hay tác động lẫn nhau, diễn dở thì dù có đẹp mấy thì cảm hứng cũng tụt.
Nhiều nghệ sĩ có quan niệm dừng lại khi tuổi đã xế chiều, sắc vóc và sức khỏe không còn phù hợp với việc xuất hiện trước công chúng. Nhưng ông lại khác, vậy ngoài niềm đam mê với điện ảnh liệu có còn về vấn đề tiền bạc?
Tôi đã gắn bó cả đời với điện ảnh, chỉ có cái chết mới chia lìa được thôi. Yếu tố thời gian quả là vấn đề đau khổ nhất, may mắn ông trời vẫn cho tôi sức khỏe. Đang quay nếu mệt thì còn nghỉ, chứ diễn kịch đứng liền cả tiếng trên sân khấu mà không có sức khỏe là xỉu ngay. Tôi vẫn đảm bảo hàng ngày lịch tập buổi sáng một tiếng đồng hồ ở hồ Kỳ Hòa gần nhà, buổi tối thì đi bộ nửa tiếng.
Còn tiền bạc ư? cũng quan trọng nhưng sau này không còn là yếu tố đầu tiên khi tôi nhận kịch bản.
Theo phim "Dốc tình" suốt sáu tháng trời, cát-sê có 20 triệu đồng. Nhiều đơn vị nhà nước mời tôi đi trao giải chỉ trả cho 500 ngàn đồng. Làm talkshow với các đài truyền hình chỉ có hai ba trăm ngàn đồng, nhiều khi thấy xót xa. Các phim truyền hình bây giờ thì chỉ mời vai phụ, mà lại là kiểu cha mẹ bình hoa, có mỗi công việc ra vào đóng cửa mở cửa cho con cháu, thì thôi.
Mới đây, tôi nhận lời ông Lý Huỳnh vào vai Nguyễn Hữu Chỉnh trong "Tây Sơn hào kiệt" cũng là nể nang.
Tôi nghiên cứu thấy nhân vật đó rất hay nhưng kịch bản và trình độ làm phim hạn chế khiến vai diễn làm sai lệch đi cách nhìn về con người nổi tiếng đó.
Tuy có nhiều hạt sạn nhưng những kịch bản như thế cũng nên nâng đỡ, bao cấp để nuôi dưỡng tình yêu dân tộc.
Tôi vốn không có khả năng làm kinh tế, bởi vợ chồng tôi sống đạm bạc đến tận bây giờ. Căn nhà đang ở cũng mua bằng tiền cha tôi cho, nhà mặt tiền nếu mua đi bán lại cũng bộn tiền, nhưng tôi không mảy may nghĩ đến.
Tôi có niềm vui sưu tầm poster phim, chụp hình, đi giảng ở trường cho học trò, rảnh thì vào internet hay nằm nhà xem phim trên truyền hình cáp, tôi thích hương vị xưa của kênh CineMax. Còn rủng rỉnh tiền thì đi đây đi đó. Nhiều người bảo sao có nhiều năm kinh nghiệm tôi không tự mình làm phim. Ôi dào, sống thế cho sướng chứ chẳng dại gì, chứ như ông Lý Huỳnh bỏ 12 tỉ đồng ra làm phim giờ ngồi trên lửa chứ chẳng chơi...
Cảm ơn ông đã chia sẻ nhiều điều thú vị!
Theo DN.