Việt Anh của tuổi già, thích đóng những vai nhỏ, không bao giờ đọc kịch bản, nhưng vẫn luôn làm đạo diễn và bạn diễn hài lòng.
Sống ở một thành phố tiêu thụ, nhưng anh lại căm ghét sự thực dụng. Và sân khấu 5B Võ Văn Tần, TP HCM dường như sẽ rất buồn tẻ, nếu thiếu anh…
Nhác Sỹ - gã thổi kèn lang thang
Việt Anh vừa có một vai diễn mới trên sân khấu kịch, đó là Nhác Sỹ trong "Xin lỗi, em chỉ là…". Một vai nhỏ, dường như không liên quan đến câu chuyện chính của kịch. Nhưng nó lại là một vai cần thiết, như một người dẫn đường, đưa đến những thông điệp về tư tưởng của vở diễn. Nhác Sỹ, gã thổi kèn lang thang, nhưng hiểu đời và hiểu người, giống như một cái trụ để tất cả những nhân vật khác neo bám khi gặp những biến cố.
Nhiều người nói, mời Việt Anh vào vai Nhác Sỹ giống như đem dao giết hổ đi mổ gà. Nhưng Việt Anh lại không nghĩ vậy. Với anh, không có vai diễn nhỏ, chỉ có vai diễn làm anh xúc động mà thôi. Và Nhác Sỹ là một vai như vậy. "Khi mình càng lớn, thì mình càng phải đóng vai nhỏ, để những vai diễn đó nhờ cậy vào kinh nghiệm và bản lĩnh của mình mà sống khỏe hơn, có sức thu hút hơn. Còn những vai lớn thì phải dành cho các em nhỏ, để các em ấy có điều kiện lớn lên, bứt phá trong nghệ thuật" - Việt Anh nói.
Có rất nhiều điều về vở diễn "Xin lỗi, em chỉ là…" sau 5 đêm công diễn. Và chắc chắn ê kíp phải chỉnh sửa không ít thứ, nếu muốn tiếp tục công diễn và lưu diễn tại những nơi khác theo tham vọng của họ. Nhưng có nhiều điều làm Việt Anh thấy hài lòng khi tham gia vào vở kịch. "Tôi thoạt tiên là tham gia như một diễn viên trong dự án này. Nhưng khi nhận thấy tầm vóc của nó và tâm huyết của những người dàn dựng, tôi, anh Công Ninh và Thanh Hoàng cùng nhau chuốt lại kịch bản và hợp sức với các đạo diễn để làm sao dựng vở cho tốt nhất.
Các diễn viên trẻ có quá nhiều show diễn, họ đi đóng phim nhiều. Chính vì thế, thời gian cho vở diễn gần như không đủ. Chúng tôi chỉ chạy được chương trình một lần với đầy đủ các diễn viên trước khi phúc khảo. Cái thiếu về thời gian cũng làm vở kịch gặp không ít khó khăn. Nhưng tôi trân trọng cách mà đơn vị đầu tư đối xử với chúng tôi.
Về tiền, đó là điều tất nhiên. Nhưng trên cả điều đó, là cái tình, là sự trân trọng. Mỗi suất diễn xong, tôi nhận được một bao thư, trong đó có cát sê và có một lá thư cảm ơn có chữ ký của giám đốc. Chúng tôi được mua bảo hiểm trong 1 năm và được cùng nhau hợp lực dựng vở diễn. Tôi nghĩ, suốt 15 năm qua, sau những "Tình nghệ sỹ", "Những thước phim đời", "Chuyến tàu hoàng hôn", Nhà hát Hòa Bình mới xuất hiện thêm một vở kịch mới, được dàn dựng công phu hơn nhiều và nó cũng cho thấy một thái độ làm nghề nghiêm túc. Người ta có thể khen hay chê vở diễn. Nhưng cái tôi nhìn thấy, đó là một thái độ ứng xử đáng trân trọng với nghệ thuật từ nhà đầu tư" - anh chia sẻ.
Việt Anh nói, trong nghề sân khấu, không ít kẻ lợi dụng nghệ sỹ để mưu lợi cho mình. Có những ông bầu chuyên tìm cách bớt tiền cát sê vốn rất bèo bọt của nghệ sỹ. Cũng không ít người ứng xử rất tệ với những người trong đoàn. "Tôi thì họ không dám, bởi không ai dám đụng tới tôi cả. Nhưng đâu phải cứ người ta đụng tới mình thì mình mới nhận ra điều đó và mới lên tiếng. Nếu sống vậy thì quá thực dụng. Tôi nói thiệt, cứ nhìn cách họ ứng xử với những người ở dưới họ là biết họ thuộc loại người gì. Với người trên, đương nhiên họ sẽ xun xoe rồi, bởi vì đó là những người đang mang lại cho họ lợi ích. Nhưng với người dưới, nếu họ ứng xử với anh em hậu đài mà tốt, thì chắc chắn sẽ ứng xử với mình tốt và ngược lại, nếu sau này tôi không còn mang lợi cho ông, ông sẽ quẳng tôi ra đường. Cái này là thực tế buồn, và tôi thì không bao giờ thích điều đó"…
Người lãng mạn nhà số 5
Nhân nói chuyện thực dụng, Việt Anh luôn tâm niệm, làm nghệ thuật phải hướng tới những điều nhân bản và hướng về cái đẹp. Anh ghiền coi đá banh, nhưng anh lại rất ghét lối đá bóng thực dụng. Anh ủng hộ lối đá đẹp mắt của Manchester United,
Việt Anh chưa bao giờ có chuyện sân si, giành vai hay tìm cách để nhận được những vai diễn lớn. Anh, như một cây gỗ mộc, hoàn toàn không cố tình phô diễn, hoàn toàn tự nhiên khi lên sân khấu, nhưng chỉ cần một cái khoát tay, một cái nhếch mép, tính cách nhân vật đã được bộc lộ và anh chiếm lĩnh sân khấu rất hiệu quả. Khán giả sẽ nhớ về anh qua nhiều vai diễn, như Chu Phác Viên trong vở "Lôi vũ", như ông Năm trong vở "Dạ cổ hoài lang" hay vai viên đại úy ngụy trong vở "Biển"… nhưng đó chưa phải là những vai mà anh thích nhất.
Vai đại tá hồng quân Liên Xô Luxianov trong vở "Đêm họa mi" từ năm 2000 là một cái duyên định mệnh, một vai diễn hay bởi cốt cách và lý tưởng sống. Nó hợp với chất lãng mạn sâu thẳm trong tâm hồn Việt Anh. Một vai diễn, mà như Việt Anh thú nhận, anh chỉ gặp được một lần trong đời. Nó khiến anh thấy hưng phấn và là một hình ảnh đẹp nhất trên sân khấu mà anh muốn lưu giữ mãi mãi. Luxianov, viên đại tá hồng quân, nhưng lại không để trái tim mình điều khiển theo mệnh lệnh cứng nhắc.
Bối cảnh trong vở diễn là khi hồng quân đang chiến đấu giải phóng khỏi ách phát xít. Một binh nhì hồng quân của Luxianov yêu một cô gái Đức. Và chắc chắn anh sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất của quân đội. Đó là một cơ chế không thể thay đổi, quân lệnh như sơn đảo. Và trái tim của Luxianov đã đẩy ông vào một quyết định khác thường. Ông thả cho người lính ấy trở về, không chịu kỷ luật nào cả, dù ông biết, sau quyết định đó ông cũng sẽ bị cách chức.
"Cậu ấy hồn nhiên và trong sáng quá. Tôi không được phép để cậu ấy thất vọng và mất niềm tin vào cuộc sống. Bởi tình yêu không có tội. Hãy để cậu ta có niềm tin vào sự thật, có niềm tin về cái đẹp và về tương lai" - đó là câu thoại mà Luxianov đã làm biết bao trái tim khán giả phải thổn thức. Một tính cách cao đẹp, vượt qua những khuôn khổ thông thường. Nhưng, vai diễn ấy của Việt Anh lại không được nhiều người thích. Cũng có thể, nỗi ám ảnh của anh về một sự cao đẹp trong nhân vật khác với những vai diễn thông thường. Nhưng điều đó có khi lại không bắt nhịp với khán giả. Chuyện đó vốn rất bình thường. Nhưng Việt Anh lại có chút buồn.
Nghệ sỹ hay buồn, âu cũng là cái nghiệp. Việt Anh nói, tại vì mình mơ ước, mình hăm hở, mình làm tới, nhưng nó lại không được như ý, mình cũng buồn. Hay đơn giản là sáng dậy, mình nghĩ sẽ đi ăn tô bún bò, nhưng đến nơi thì nó hết mất tiêu, thế là cũng hẫng hụt, cũng buồn. Cuộc đời nó vậy. Phía sau sự gồ ghề và nét diễn có phần… ranh mãnh trong những vai tỉnh và say, Việt Anh là một người yếu đuối, anh sống thầm lặng, chiêm nghiệm và hay lo. Có lẽ chính vì thế, Việt Anh không có mặt ở đám đông nào. Anh là một người làm nghề, nhưng lại không đi khoe nghề.
Nỗi cô đơn như men bia trong máu
Việt Anh là một kẻ cô đơn, cô đơn đến tận cùng. Ở tuổi ngoài 50, anh sống một mình trong căn phòng khách sạn Thái Anh (quận Phú Nhuận), một căn phòng nhỏ sạch sẽ, giống như một phòng trọ dài ngày. Đã 4 năm qua, kể từ khi chia tay vợ, anh đã ở khách sạn đó, sống lặng lẽ một mình. Vợ anh đã qua
Việt Anh làm nhiều việc, như hầu hết những kẻ độc thân khác, không dám lang bang rong chơi, mà chọn công việc như một giải pháp chống chọi với nỗi cô đơn. Ngay trong lúc này, ngoài việc diễn kịch hàng tuần trên sân khấu 5B Võ Văn Tần, anh tham gia cùng lúc 4 bộ phim truyền hình "Gia đình phép thuật", "Đại gia đình", "Tình yêu và tham vọng", "Lối sống sai lầm". Việt Anh luôn nhận lời các đạo diễn khi họ nói rằng, có một vai mà anh rất hợp. Rồi anh ra trường quay, đọc kịch bản cho từng cảnh và diễn. Anh không bao giờ nhận kịch bản và không bao giờ mất thời gian cho nó. Anh vẫn coi sân khấu là thánh đường, còn phim ảnh như một giải pháp, vừa có tiền trang trải cuộc sống nhưng cũng vừa để khỏi phải rảnh rỗi gặm nhấm nỗi cô đơn.
"Tham gia phim truyền hình mới có tiền gửi cho con gái đi học và mình cũng sống nhẹ nhàng hơn. Tôi chẳng bao giờ nấu ăn, cả đời đi ăn tiệm, sáng dậy mà không đi quay thì ra 81 Trần Quốc Thảo uống cà phê, chọc bida. Tối diễn xong cũng lại về Trần Quốc Thảo, uống bia. Nhưng sau này, tôi muốn có một cái nhà be bé, để có chỗ nấu ăn và nằm nghỉ nữa. Điều đó lúc này vẫn là ước mơ xa vời. Tôi làm nghệ sỹ, tôi đóng phim rất nhiều, nhưng tôi vẫn nghèo. Sợ nhất là đêm giao thừa, lúc đó không ai làm việc nữa, bạn bè thân cũng về với gia đình. Một mình bơ vơ, muốn khóc và thấy tủi thân lắm, đành chọn quán bia nào đó, uống vài chai. Có đứa bạn nào thương thì nó ra uống cùng. Còn không thì mình uống cho nó xỉn một chút, về ngủ cho lẹ. Mong nhanh qua cái Tết để mình chạy đi làm, gặp bạn bè, sống nhịp thường ngày, nó dễ hơn" - Việt Anh nói.
Nỗi cô đơn ngấm vào tâm hồn Việt Anh, dường như sau cú sốc chia tay với vợ, anh không còn đủ dũng cảm để tiếp tục một cuộc hôn nhân mới, chuyện tình yêu thì cũng xa xôi. Anh đi làm nghề và dồn sức và dồn cả niềm kỳ vọng cho cô con gái nhỏ. Nói đến con gái, đôi mắt anh như ấm áp hơn và lời nói cũng dịu dàng hơn. Với Việt Anh, con cái cho ba mẹ quá nhiều, cả niềm vui, hạnh phúc và cả ý nghĩa của cuộc sống.
"Ngay cả khi bạn chuẩn bị bước vào cái chết, nếu không có con cái, bạn sẽ lặng lẽ rời mặt đất. Nhưng nếu bạn có con, bạn sẽ thấy yêu sống và khao khát sống. Vì bạn còn có những giằng níu với mặt đất này. Nuôi con khó hơn đóng kịch nhiều. Phải làm sao để nói với con tất cả những yêu ghét rối ren của cuộc sống này, để con lớn lên và biết yêu những điều tốt đẹp. Tôi, chính tôi cũng đang phải học điều đó, để nói với con mình".
Việt Anh, người đàn ông có mái đầu hói và đôi mắt biết nói, sẽ còn tiếp tục những vai diễn của mình. Nhưng, dường như vai diễn người cha là vai mà anh mong muốn thành công nhất, diễn đạt nhất. Bởi anh biết, phía sau nỗi cô đơn này, sự khắc khoải này, anh vẫn còn một niềm hy vọng ở phía trước. Cuộc sống luôn chảy truyền qua những đứa con…
Theo ANTG.