Ôn lại chuyện xưa với đạo diễn Tên tuổi đạo diễn Long Vân gắn với những bộ phim có cái "đuôi" Sài Gòn: Đó là "Biệt động Sài Gòn", "Hẹn gặp lại Sài Gòn" và gần đây nhất là "Giải phóng Sài Gòn". Ông cũng có duyên nợ với Lực lượng Công an nhân dân bằng bộ phim từng gây nên cơn sốt trên màn ảnh rộng chiếu lưu động trên cả nước một thời: "Người không mang họ"...

Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, vợ ông - một diễn viên của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị - thỉnh thoảng lại ghé vào nhắc ông bằng tất cả sự lo lắng yêu thương: "Đừng có bốc đồng quá mà huyết áp nó lại vụt lên. Khổ tôi ông ạ. Người trông thế mà hàng đống bệnh ra đấy. Nào gút, nào huyết áp cao, nào thận... Đến là khổ!".

Thưa đạo diễn Long Vân, ngay từ lần đầu tiên thử sức với đề tài công an, bộ phim truyện nhựa 2 tập "Người không mang họ" của ông đã đạt thành công kỷ lục về doanh thu và gây tiếng vang lớn. Hình như chính điều đó cũng khiến ông bất ngờ?

- Hồi đó là khoảng năm 1988, đồng nghiệp của tôi là Vũ Văn Nha có đưa cho tôi quyển tiểu thuyết "Người không mang họ" và bảo: "Anh đọc đi, có một nhân vật hay lắm". Tôi về nhà và đọc hết cuốn sách ngay trong đêm đó. Nhiều đoạn trong tiểu thuyết đã khiến tôi khóc vì thương cho nhân vật Trương Sỏi.

Tôi liền nghĩ sẽ làm một bộ phim về nhân vật này. Sau đó, tôi cùng với cậu Phạm Thanh Phong khi đó mới chuyển về Hãng Phim truyện Việt Nam chuyển thể thành kịch bản phim "Người không mang họ" và được Bộ Công an ủng hộ sản xuất.

Trong khi chờ quyết định của Bộ Công an, tôi vào Sài Gòn và gặp ông Năm Cảnh - nhà sản xuất phim có tiếng khi đó và ông ấy đồng ý hợp tác. Quả thật chính tôi cũng bất ngờ bởi nó đã thành công hơn cả sự mong đợi.

Phim được công chiếu rộng rãi ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Vinh và nhiều vùng nông thôn người ta nô nức đi xem. Sau này, khi tôi làm phim ở Huế, nhà văn Xuân Đức có sai con trai đến tặng tôi quyển sách kèm theo lời cảm ơn rằng nhờ bộ phim ấy mà tiểu thuyết của anh thêm nổi tiếng.

- Nghe nói, ngày đó vì đạo diễn có nhiều "tình cảm" dành cho nhân vật Trương Sỏi, ông bị một số người "lên án" là ông đi ngợi ca tên… tướng cướp?

- Vì phim tạo được hiệu ứng tốt nên chúng tôi quyết định làm thêm tập 3 nữa. Viết kịch bản cho tập 3, tôi muốn có một cái kết thật nhân văn: Trương Sỏi trốn vào rừng, được một cô gái người Thái nuôi giấu và đem lòng yêu và họ có với nhau một đứa con. Khi công an phát hiện ra nơi ẩn náu của Trương Sỏi, anh em đã phải bàn bạc với nhau rất kỹ xem có nên bắn tên tội phạm nguy hiểm đã nhiều lần lẩn trốn này hay chỉ bắt đi cải tạo.

Kết phim là hình ảnh vợ con Trương Sỏi đến thăm, hé ra tia hy vọng là một ngày nào đó Trương Sỏi sẽ được trở về với cuộc sống đời thường. Tôi đang ca ngợi Lực lượng Công an đấy chứ! Hành động nhân văn của họ đã đem đến cơ hội cho một tên cướp khét tiếng được hoàn lương về với cuộc sống đời thường.

Ôn lại chuyện xưa với đạo diễn
Đạo diễn Long Vân (áo trắng) trên trường quay phim "Giải phóng Sài Gòn"

Nhưng sau đó tôi bị vướng vào phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" phải làm cho kịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ nên không làm đạo diễn tập 3 được. Tiếc là các đồng nghiệp của tôi đã không thực hiện đúng ý tưởng đó, mạch phim bị sai và sai cả ý đồ khiến tôi rất buồn và tiếc. Cũng vì thế mà tập 3 của phim cũng "chết" theo nhân vật, rơi vào quên lãng.

- Tên của ba bộ phim lớn của ông đều có chung một địa danh là Sài Gòn. Phải chăng đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

- Không phải ngẫu nhiên, đều có duyên cớ cả đấy. Phim "Biệt động Sài Gòn" ban đầu có tên là "Những thiên thần ra trận". Ngày ấy, trong một buổi gặp mặt với các chiến sĩ biệt động thành có cả đồng chí Nguyễn Văn Linh, khi đó là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Khi biết tên phim dự định là "Những thiên thần ra trận" thì đồng chí Nguyễn Văn Linh có gợi ý rằng, các chiến sĩ biệt động của ta ra trận còn đẹp hơn thiên thần và chỉ cần đặt là "Biệt động Sài Gòn" là đủ.

Còn phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" cũng có tên ban đầu theo kịch bản của nhà văn Sơn Tùng là "Con đường năm ấy". Khi làm gần hết phim rồi thì đoạn cuối cuộc chia tay của anh Nguyễn với Út Huệ có đoạn Út Huệ hỏi: "Anh đi bao giờ về?" và anh Nguyễn đã trả lời rằng "Con đường phía trước còn rất dài và phải đi. Hẹn gặp lại em ở Sài Gòn". Tôi thấy ý này rất hay, bèn đổi tên thành "Hẹn gặp lại Sài Gòn" theo câu nói ấy và nhận được nhiều lời khen.

Phim "Giải phóng Sài Gòn" là trong quá trình quay phim bật ra chứ lúc đầu cũng được đặt là "Đại thắng mùa xuân". Cái tên ấy nảy ra trong khi quay trường đoạn Tổng Bí thư Lê Duẩn đến nhà sàn để thắp hương và xin phép Bác được đặt tên chiến dịch là chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi thấy điều đó lô-gíc với lời hứa "Hẹn gặp lại Sài Gòn" khi sự nghiệp đi tìm đường cứu nước của Người thành công nên đã đổi tên.

- Cũng ở những bộ phim này, ông đã thể hiện sự công phu trong từng chi tiết và đòi hỏi rất cao ở diễn xuất của diễn viên. Chuyện ông "nhốt" Thu Hà hàng tuần trong nhà, chuyện ông bắt Tiến Hợi ăn gan lợn hàng tháng trời cho… sáng mắt, chuyện ông "tra tấn" cả con gái  mình… thực hư thế nào?

- À, những chuyện này thì cả đoàn làm phim đều biết cả. Hồi ấy, để "hái" được giọt nước mắt của Thu Hà (vào vai Út Huệ), tôi đã bắt Hà phải ngồi trong nhà đúng một tuần cho thật "ngấm" tâm trạng nhân vật. Tôi bảo Hà muốn đọc gì tôi đưa đến chứ không được ra ngoài, không được gặp ai.

Tôi cần giọt nước mắt chia ly trào ra tràn mi, lăn xuống má Út Huệ khi anh Nguyễn nói "Hẹn gặp lại em ở Sài Gòn". Đó là giọt nước mắt cảm động và hạnh phúc. Và giọt nước mắt ấy phải chân thật nhất, chứ không phải lấy nước… phun vào.

Tôi biết rằng, diễn viên không thể vừa đi "nhảy múa" đâu đó về mà diễn được cảnh này. Vì thế, sau khi "thả" Thu Hà ra là tôi cho quay luôn cảnh đó và thực sự thành công. Còn chuyện Tiến Hợi ăn nhiều gan lợn vì tôi muốn mắt cậu ấy phải thật sáng.

Tôi từng nghe nói mấy anh bộ đội pháo cao xạ vẫn được Nhà nước ưu tiên khẩu phần ăn có nhiều gan lợn để cho mắt sáng hơn, nhìn mục tiêu cho rõ, vì thế tôi ép anh ta ăn mỗi ngày một lạng gan lợn trong gần 2 tháng đến khi anh ấy kêu không thể ăn được nữa mới thôi.

Con gái Vân Dung của tôi khi vào vai em bé bán báo bị tra tấn bằng cách cho vào thùng rắn độc khiến người xem rất ấn tượng nhưng khi thực hiện quay thì cả đoàn làm phim đều sợ.

Đấy là chưa kể tôi còn "bắt" diễn viên Lan Hương vào vai bà Hoàng Thị Loan phải học dệt vải trên cái khung cửi cổ mượn được đưa từ Phan Thiết ra, mất nửa tháng trời đến khi thành thục mới quay… Sau này, nhiều diễn viên vẫn cảm ơn tôi vì chính sự nghiêm khắc ấy đã khiến họ trưởng thành.

- Con gái ông tốt nghiệp khoa diễn viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh cũng sở hữu một nhan sắc trời cho và có diễn xuất tốt. Tại sao một đạo diễn tên tuổi như ông lại không thể giúp con gái mình thành một… ngôi sao?

Ôn lại chuyện xưa với đạo diễn

Vân Dung - con gái đạo diễn trong "Biệt động Sài Gòn"
- Con gái tôi khi đó còn trẻ nhưng cũng đã đóng khá nhiều phim, được đi Ba Lan, Trung Quốc dự Liên hoan phim, được vào gặp các bác Trường Chinh, Tố Hữu khi phim chiếu. Nhưng đến những năm khó khăn, có lúc tôi không có lương, vợ tôi nghỉ chế độ được 170 nghìn một tháng mà phải nuôi cả gia đình.

Tôi đành bảo cháu: "Mày theo nghệ thuật thì chết con ạ. Bố còn chết nữa là mày!". Lúc đó vợ tôi được phân nhà cạnh Sân bay Tân Sơn Nhất và tôi đã dẫn cháu lên gặp Giám đốc Sân bay xin cho cháu đi làm tiếp viên hàng không. Nhờ vậy mà cháu… cứu được cả nhà đấy!

- Là đạo diễn của mấy bộ phim trị giá "triệu đô", sao đời sống của ông lại khó khăn nhường vậy?

- Đạo diễn ngày đó nghèo lắm. Làm phim chủ yếu làm vì yêu nghề và được Nhà nước "nuôi cơm" thôi. Bạn bè vẫn trêu tôi: "Ông chết đi rồi thì tên ông vẫn gắn với 3 bộ phim trị giá triệu đô và người ta sẽ còn nhắc mãi" nhưng sống được chủ yếu vẫn là nhờ vợ đấy chứ.

Đời tôi lại còn hai thứ nghiện: nghiện thuốc lá và rượu trắng. Những năm khó khăn tôi uống rượu và hút thuốc lá chịu dọc con phố tôi ở. Thỉnh thoảng gặp anh bạn giàu lại xin để trả chứ tiền lương của vợ chỉ đủ tiền đong gạo ăn với rau muống và lạc rang chứ không nuôi nổi ông chồng "nghiện ngập".

Ngày ấy sau 5 năm đi làm phim "Biệt động Sài Gòn", đến khi quyết toán tôi vẫn còn nợ xưởng 800 đồng, lại phải mang tiền vợ đi giả. Tôi đeo đuổi phim "Giải phóng Sài Gòn" trong suốt 15 năm trời, chỉnh sửa kịch bản lên xuống, đi quay cũng mất 6-7 năm mà đến lúc thanh toán cũng chỉ được 31 triệu (tôi làm phim này còn thừa ra 800 triệu nhưng tôi trả lại cho Nhà nước.

Người ta bảo tôi dại, không biết phù phép biến hóa cho hợp lý mà bỏ túi riêng đấy!). Chưa kịp làm hậu kỳ thì tôi lăn ra ốm mấy tháng, riêng đi nằm viện chữa bệnh 3 tháng trời tiêu mất 29 triệu rồi.

- Vậy ông quan niệm thế nào về nghề đạo diễn của mình?

- Một đạo diễn thực sự là một nghệ sĩ nhọc nhằn. Tôi thấy mình là ông thợ mộc và người đạo diễn trước hết phải là thợ giỏi, chưa nói đến tâm hồn và đạo đức. Sau khi tốt nghiệp, tôi phải mất 18 năm đi làm phó cho các đạo diễn như Phạm Kỳ Nam, Huy Thành, Bạch Diệp, Nông ích Đạt...

Khi thấy mình đủ trải nghiệm, tôi mới dám cầm kịch bản "Tiếng gọi phía trước", sau đó là "Nơi gặp gỡ của tình yêu" trình lên Ban Giám đốc. Chứ không như một số anh đạo diễn trẻ bây giờ, vừa ra trường đã có ngay những kịch bản hay dự án phim nhiều tập. Mọi sự dễ dãi đều nguy hiểm, sự dễ dãi trong nghệ thuật còn nguy hiểm hơn nhiều.

Theo Việt Hà
Văn Nghệ Công An




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC