Việc thu phí mỗi lần tải nhạc được các website áp dụng vào ngày 1/11 tới, dù bất lợi cho người dùng so với hiện tại, nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ từ những người nghe nhạc nghiêm túc và có ý thức. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều đáng băn khoăn về việc thu phí này, đặc biệt là với các ca khúc nước ngoài.
Có thể nói, với sự ủng hộ của luật pháp, của người làm nghề, việc thu phí này gần như là một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu xét trong tình hình hiện tại, vẫn còn điều chưa thỏa đáng. Thực tế, các website nghiêm túc và được cho là tôn trọng tác quyền hiện nay cũng chỉ là tuân thủ tác quyền bản ghi nhạc Việt Nam, còn bản ghi nhạc nước ngoài thì vẫn “tranh tối tranh sáng”. Hầu hết các wesite này hiện chỉ mới trả tiền cho tác giả theo quy định của pháp luật về quyền nhân thân, thông qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Riêng với tiền tác quyền sở hữu bản ghi (âm và hình), phần lớn hiện tại các website tại Việt Nam đều đang bỏ trống. Số tiền mà người nghe nhạc phải trả khi download các ca khúc nước ngoài cho các website, nhưng các website này không trả cho ai có thể nên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. |
Theo đó, hiện VCPMC là thành viên của Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhạc sĩ thế giới (CISAC), có kết nối chặt chẽ và thường xuyên với các quốc gia trên thế giới thông qua hợp đồng hợp tác song phương với 44 tổ chức quốc tế tương ứng và có hiệu lực điều chỉnh trên 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiền tác quyền của tác giả ca khúc nước ngoài mà VCPMC thu được từ các website được VCPMC chi trả cho nước bạn theo quý hoặc theo năm, thông qua các hiệp ước song phương này.
Riêng với tiền tác quyền sở hữu bản ghi (âm và hình), phần lớn hiện tại các website tại Việt Nam đều đang bỏ trống. Tổ chức chính thống của Việt Nam về lĩnh vực này hiện là Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), nhưng RIAV chưa có sự liên thông, ký kết mang tính song phương với các tổ chức ghi âm nước bạn. “Chúng tôi đã có sự gặp mặt với các tổ chức của Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan, nhưng chỉ mới dừng lại ở sự gặp mặt tìm hiểu”, bà Thu Dung – Phó chủ tịch RIAV cho biết.
Trong khi đó, số lượng người nghe và download các ca khúc nước ngoài trên các website này cực kỳ lớn. Tháng 8/2011, tập đoàn NCT Corp đã ký kết hợp đồng tác quyền với các bản ghi của Universal Music Group và Sony Music và đây là đơn vị duy nhất sở hữu hợp pháp tác quyền các bản ghi của hai đơn vị trên tại Việt Nam. Riêng các website còn lại, gần như từ trước đến nay đều “xài chùa” bản ghi ca khúc nước ngoài. Số tiền mà người nghe nhạc phải trả khi download các ca khúc nước ngoài cho các website, nhưng các website này không trả cho ai có thể nên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Có công bằng cho người sử dụng không khi họ phải trả tiền download các ca khúc này theo lộ trình tính phí sắp tới, trong khi các website lại “xài chùa”? Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc Zing Mp3 (website chiếm 45% thị phần âm nhạc trực tuyến tại Việt Nam) đã trả tiền tác quyền bản ghi này chưa và sẽ tính phí download bản ghi này như thế nào, ông Phan Lê Mạnh - Giám đốc các sản phẩm giải trí của Zing cho biết: “Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận các phương án với các nhà cung cấp nội dung nên chưa thể công bố điều gì trong thời điểm này”.
Nhu cầu người nghe nhạc nước ngoài ngày càng nhiều thì số tiền thu được từ việc tải nhạc cũng không hề ít. Ảnh: H.C |
Thực tế, không chỉ cần phải sòng phẳng với người sử dụng, việc tuân thủ tác quyền bản ghi còn là chuyện của nhiều vấn đề khác. “Nếu các đơn vị Việt Nam vi phạm và phía bạn khởi kiện thì sẽ rất to chuyện, vì số tiền sẽ rất lớn”, ông Đinh Trung Cẩn, giám đốc Văn phòng phía Nam VCPMC cho biết. Đồng quan điểm, bà Thu Dung nhận định: “Nước ngoài mà kiện thì doanh nghiệp Việt Nam cầm chắc phá sản!”
1.000đ/lượt tải không phải là con số quá lớn nhưng cũng không hề nhỏ so với nhu cầu nghe, tải nhạc hiện nay. Và điều quan trọng hơn, một khi việc thu phí người dùng được mang danh là mang đến một môi trường âm nhạc “sạch”, hợp pháp thì điều trước hết mà người dùng có quyền đòi hỏi là các sản phẩm này phải là sản phẩm hợp pháp.
Theo datviet.