Ngày 7/7 tới, Nghị định số 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/5/2010 bắt đầu có hiệu lực. Nghị định tiếp tục quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim.
Nhưng xem ra chặng đường phim “nội” tìm chỗ đứng, dẫu chỉ ở vị trí khiêm tốn, so với phim “ngoại”, vẫn còn chật vật và xa xôi …
Khi phim “ngoại” phủ sóng
Chẳng khó kiểm chứng điều này khi xem lịch phát sóng của đài PT-TH các tỉnh, từ Nam ra Bắc. Phim truyện Hàn Quốc, Trung Quốc trở thành “món chính” trong thực đơn phát sóng của các đài này, thậm chí có đài phát phim truyện nước ngoài cả vào sáng, trưa, chiều, tối. Có phim phát ngoài Bắc mang tên này nhưng vào Nam... bỗng dưng đổi tên khác hay “chế” số tập cho khác đi.
Có đài lên lịch chiếu với 5 giờ phim/ ngày (mỗi giờ 2 tập x 30 phút) nhưng trong đó chỉ dành 1 giờ cho phim Việt Nam. Có đài phát 7 tập phim/ngày nhưng trong đó chỉ có 1 tập phim Việt Nam. Tỷ lệ phim “ngoại” so với “nội” chênh lệch quá lớn. Chưa hết, phim Việt Nam hầu như không được chiếu “giờ vàng” và thường là các phim đã phát trên VTV hay HTV - TP.HCM. Nói như một đạo diễn “hầu như các đài tỉnh chỉ chiếu cho có phim Việt”. Ngay cả một đài lớn như Đài PT-TH Hà Nội, vừa qua cũng chỉ chiếu lại hai bộ phim cũ trong “giờ vàng”: Gió nghịch mùa, Âm tính...
Còn ngoài rạp, phim nước ngoài, đặc biệt là phim Mỹ, vẫn ào ạt nhập về. Không tuần nào lại không có phim mới. Cùng với việc các cụm rạp chiếu hiện đại liên doanh với nước ngoài ra đời mà đối tác là các “đại gia” phát hành phim trên thế giới, phim ngoại càng tiến những bước sâu hơn vào thị trường phim Việt Nam.
Tình trạng nói trên được báo chí phản ánh từ lâu và là chuyện “biết rồi, khổ lắm...”. Chẳng đâu xa, Nghị định số 96/2007/NĐ-CP ngày 6/6/2007 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh cũng đã quy định tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim và số phim này phải được phát sóng từ 20 - 22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể phát sóng vào các giờ khác.
Tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên hệ thống các rạp đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu và chiếu từ 18 - 22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác. Thời lượng phát sóng phim trên truyền hình dành cho trẻ dưới 16 tuổi đạt ít nhất 5% so với tổng thời lượng phát sóng phim. Giờ chiếu phim cho trẻ em dưới 16 tuổi tại rạp và cả trên truyền hình kết thúc trước 22 giờ. Quy định là thế nhưng mấy năm nay, mọi việc đâu vẫn hoàn đấy. Nghị định số 54/2010/NĐ-CP vừa ban hành cũng chỉ nhắc lại những nội dung này mà thôi.
Đài nhỏ: mua phim ngoại rẻ bằng 1/10 sản xuất phim nội
Trong hơn 50 đài truyền hình trên khắp cả nước thì ba đài được coi là lớn hơn cả, gồm: Đài TH VN (VTV), Đài TH TP.HCM (HTV) và Đài PT-TH Hà Nội (HTV). Không chỉ lớn về quy mô mà cái chính là mức độ phủ sóng. Vậy nên VTV và HTVTP. HCM không khó thực hiện và vượt mức chỉ tiêu 30% tỷ lệ phim Việt Nam trên “giờ vàng” và thực tế các đài này đã hoàn thành chỉ tiêu từ lâu. Ngoài số lượng phim khoảng 300 tập/năm do các hãng phim của đài sản xuất thì nguồn phim xã hội hóa phong phú khiến những dự án vào các đài này thường phải xếp hàng chờ đợi.
Riêng Đài PT-TH Hà Nội thì mỗi năm thường sản xuất vài chục tập phim với các đề tài lịch sử, cách mạng... để phát vào “giờ vàng”. Phim Việt Nam trên sóng đài này thường chiếu vào buổi sáng và đó cũng là những phim đã phát trên các đài khác.
Với cơ chế tự hạch toán sản xuất kinh doanh hiện nay, hầu hết các đài truyền hình đều trông chờ nguồn thu từ hợp đồng quảng cáo trên sóng. Nhưng với chi phí sản xuất khoảng 100 - 200 triệu đồng/tập phim 30 - 45 phút, dù cho có phát phim truyện do đài đầu tư sản xuất vào “giờ vàng” thì các đài “tỉnh lẻ” cũng khó thu hồi vốn từ doanh thu quảng cáo, do độ phủ sóng quảng bá của các đài này còn hạn chế và càng không thể so sánh với VTV hay HTV.
Trong khi đó, phát phim Trung Quốc hay Hàn Quốc, các đài “mua đứt” bản quyền từ các nhà cung cấp chỉ ở mức giá vài triệu đồng/tập. Giá mua bản quyền những phim “hot” có thể lên đến khoảng 1.000 USD/tập, nhưng tính ra cũng chỉ bằng 1/10 so với kinh phí sản xuất phim Việt Nam. Thực tế này giải thích cho việc các đài tỉnh không mặn mà với việc đầu tư sản xuất phim. Vậy nên “đổ đồng” tỷ lệ 30% chính là “làm khó” cho các đài tỉnh và nói như người trong nghề là “không thể thực hiện được, trừ phi nhà nước rót tiền đầu tư”.
Với các đài lớn, chỉ tính sơ sơ khoảng 6 - 7 spot quảng cáo cũng đủ thu hồi “vốn” trả cho nhà sản xuất. Thực tế, mỗi tập phim ở các đài lớn thu hút trên chục spot, chưa kể nguồn thu này còn được bù đắp nếu phim có tài trợ. Phim Việt Nam ở các đài lớn “ăn” quảng cáo còn hơn một số phim nước ngoài nên mới có chuyện các đài lớn liên tiếp mở rộng thêm nhiều “giờ vàng” cho phim Việt. Nguồn thu này từ phim Việt không nhỏ, trong khi tỷ lệ phim hay trên các đài này, tính rộng rãi cũng chỉ chiếm khoảng 50% các phim phát sóng.
Cần có chiến lược sản xuất phim Việt Nam
“Chúng tôi mong muốn nhà đài có chiến lược sản xuất phim Việt Nam rõ ràng”, ông Nguyễn Kiểm- Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nghe nhìn Hà Nội - chia sẻ.
Là một trong những đơn vị phía Bắc được đầu tư thiết bị sản xuất phim truyền hình betacam với mức độ hoành tráng nhất Hà Nội vào những năm 1990, bên cạnh Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), đơn vị này từng sản xuất bộ phim dài tập gây tiếng vang Sống mãi với thủ đô và làm dịch vụ hậu kỳ cho hầu hết các phim của Điện ảnh chiều thứ Bảy suốt 8 năm nhưng cũng đành “bó tay” khi không có “đầu ra”.
Xưởng phim Truyền hình Hải Phòng thành lập từ năm 2000, nhưng từ năm 2005 đến nay phải tạm dừng việc làm phim vì không được cấp kinh phí. “Cơ chế và chính sách không khuyến khích chúng tôi làm phim và làm phim hay”, đạo diễn Văn Lượng chia sẻ. Là đạo diễn tâm huyết với phim truyền hình và thường xuyên có phim “ẵm” giải ở các kỳ liên hoan truyền hình những năm trước với những bộ phim có bối cảnh ở biển đảo và được làm chỉn chu, kỹ lưỡng, nhưng anh không thể làm gì khác khi “đài nhà” không đầu tư sản xuất phim truyện, nói đúng hơn là không có nguồn đầu tư cho việc sản xuất phim Việt Nam. Anh nói, đài tỉnh đi tìm kinh phí làm phim bằng cách đổi quảng cáo lấy giờ phát sóng như các đài lớn thì giá trị hợp đồng quảng cáo thu về cũng chỉ đủ bù đắp 40% kinh phí nên tính ra... cũng không “ăn thua”.
Hiệu lực của các quy định pháp luật đã được ghi rõ trong văn bản. Nhưng trên thực tế các quy định này có được thực thi hay không hay thực thi đến mức độ nào lại là một câu chuyện khác, rất khác. Vậy nên câu hỏi lớn bao nhiêu năm nay vẫn chưa có lời đáp, là bao giờ thực hiện được những quy định về tỷ lệ chiếu phim nội cả trên sóng và ngoài rạp? “Thật buồn khi các phương tiện “nhà đài” góp phần quảng bá không công văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc...” là trăn trở của ông Nguyễn Kiểm. Còn đạo diễn Văn Lượng lo ngại về làn sóng phim “ngoại” ồ ạt hiện nay trở thành “cuộc xâm lăng văn hoá dần dần làm suy yếu và tác động nhận thức nhiều thế hệ người Việt Nam”.
Theo Thể thao Văn hóa.