Phim truyền hình nước ngoài phiên bản Việt: Từ đẻ mướn đến đẻ con laiCái dở nhất của những phim truyền hình "làm lại" nằm ở tính chất giả tạo của tâm lý, hành động và ngôn ngữ do các diễn viên luôn ở trong tình trạng mượn hồn, thiếu sinh khí, y như những con cá biển bơi lờ đờ trong những cái ao.

Nhưng người ta vẫn đổ xô mua bản quyền kịch bản của nước ngoài để làm phim vì bài toán kinh tế, bất chấp những bất cập về văn hóa.

Từ bài toán của các nhà sản xuất

Khán giả Việt Nam nói chung không thiện cảm với những phim truyền hình nước ngoài phiên bản Việt. Thế nhưng, sự thất bại của luồng phim này không làm các các nghệ sĩ và các nhà đầu tư nản chí.

Việc làm lại phim truyền hình nước ngoài vẫn là một xu hướng hấp dẫn các nhà sản xuất phim. Hàng loạt phim truyền hình của nước ngoài, nhất là của Hàn Quốc đang được các hãng phim nước ta mua bản quyền làm lại để phát sóng trong năm tới.

Vì sao có tình trạng "cố đấm ăn xôi" như vậy? Nguyên nhân đầu tiên là việc làm lại những phim truyền hình ăn khách của nước ngoài giải quyết được vấn đề kịch bản cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, quan hệ hợp tác sản xuất và phát sóng phim giữa các nhà Đài với các nhà sản xuất phim đang còn nhiều bất cập.

Trong khi nhà sản xuất bỏ tiền làm phim và chạy quảng cáo không được giữ bản quyền bộ phim của mình làm ra, mà chỉ được lấy lại kinh phí khiêm tốn từ một số spot quảng cáo do nhà Đài quy định, thì nhà Đài chỉ nghiệm thu và phát sóng phim lại được giữ bản quyền bộ phim và thu gần như toàn bộ tiền quảng cáo.

Mỗi tập phim khi chiếu bị cắt ra ba bốn khúc để chen vào mấy chục spot quảng cáo làm tác phẩm bị đứt đoạn, nát vụn mà nghệ sĩ và nhà sản xuất chẳng được hưởng gì thêm từ những thu nhập đó. Một số người biện hộ rằng hiện nay nhà Đài được phép lấy thu nhập từ các nguồn để trang trải các hoạt động, rằng ở nước ngoài người ta còn quảng cáo nhiều hơn.

Thực tế, các kênh chiếu phim nước ngoài như HBO không bao giờ cắt vụn phim như thế, phim họ chiếu là toàn vẹn. Họ chỉ quảng cáo trong thời gian giữa hai bộ phim, hoặc xen ngang trong các chương trình hậu trường hay bình luận về phim. Nhà Đài không chỉ lấy hết tiền quảng cáo mà còn giữ bản quyền các phim hợp tác sản xuất do các nhà đầu tư bỏ vốn ra sản xuất.

Trong tình cảnh đó, các nhà đầu tư phải có bài toán sản xuất sao cho nhanh gọn và tiết kiệm đầu vào. Nói trắng ra là phải làm phim theo kiểu ăn xổi, vì họ không giữ bản quyền, bộ phim không phải con đẻ sống lâu dài với họ nên họ cũng quan tâm đến chất lượng một cách mức độ. Khi chấp nhận một sự hợp tác sản xuất phim - trong đó bộ phim mình làm ra lại thuộc về người khác - thì người ta khó có thể đầu tư hết tâm lực để làm ra những tác phẩm để đời.

Người ta sẽ dễ dàng tặc lưỡi tuân theo cuộc chơi khắc nghiệt để làm ra những bộ phim mì ăn liền, đầu tư ít và không gặp rắc rối trong quá trình phát sóng. Đó là nguồn gốc sâu xa mọi sự yếu kém về chất lượng và sáo mòn về nội dung của phim truyền hình.

Như trên đã nói, các nhà sản xuất phim truyền hình hiện nay chỉ như những kẻ "đẻ thuê" cho nhà Đài. Bộ phim ra đời, họ phải chia tay đứa con mình rứt ruột đẻ ra để giao nó cho người có quyền phát sóng. Vì thế họ có xu hướng chuyển từ "đẻ thuê" sang lấy chồng ngoại quốc để đẻ ra những "đứa con lai". Các phim truyền hình làm lại là một thứ con lai văn hóa, nó có hơi nhỏ con, gầy gò, da vàng mũi lõ, ngọng nghịu ngô nghê, nhưng đem lại lợi nhuận chắc chắn cho bà mẹ Việt.

 Phim truyền hình nước ngoài phiên bản Việt: Từ đẻ mướn đến đẻ con lai_0

Vì để chắc chắn có lãi, các nhà đầu tư sản xuất phim phải cần có những bộ phim dài hơi 200 tập trở lên, mà các nhà biên kịch nước ta hầu như không có khả năng sáng tác những kịch bản dài hơi như vậy (nếu có sáng tác cũng phập phù về chất lượng vì họ không trường vốn, thường lặp lại luẩn quẩn ở một số tình huống và chi tiết, khiến sự kéo dài bộ phim trở nên luẩn quẩn và nhạt nhẽo).

Vì thế, họ phải mua kịch bản các phim truyền hình "ăn khách" của nước ngoài để làm lại. Dù việc đẻ con lai có gây hiệu quả văn hóa xã hội như thế nào thì khả năng thành công về tài chính vẫn sẽ cao hơn. Đó là căn nguyên sâu xa của trào lưu làm phim lai trên sóng truyền hình Việt.

Đến những tác phẩm "mượn hồn"

Trước sự thất bại của các phim truyền hình nước ngoài phiên bản Việt, đã có nhiều ý kiến phân tích từ góc độ văn hóa, nêu ra vấn đề Việt hóa những kịch bản nước ngoài để cho tâm lý, ứng xử và ngôn ngữ của nhân vật phim gần gũi với khán giả Việt Nam.

Đây là một đòi hỏi vừa mang tính định hướng vừa mang tính thị trường. Vì chỉ khi nhân vật có tâm lý, hành vi và ngôn ngữ gần gũi, khán giả mới xúc động và yêu thích bộ phim. Tuy nhiên, giải quyết được vấn đề này là một việc hết sức khó khăn với nhà sản xuất.

Nhà sản xuất có thể thuê những dịch giả có trình độ văn học để Việt hóa, đời hóa một cách nhuần nhuyễn mọi lời thoại của nhân vật, nhưng để thay đổi bản chất văn hóa của những lời thoại ấy là một việc hết sức nan giải, nếu không muốn nói là không khả thi. Vì những lời thoại trong phim luôn gắn liền một cách hữu cơ với tâm lý, hành động của nhân vật, trở thành phương tiện bộc lộ bản chất văn hóa của nhân vật.

 Phim truyền hình nước ngoài phiên bản Việt: Từ đẻ mướn đến đẻ con lai_1

Một số ý kiến cho rằng đặt vấn đề Việt hóa phim nước ngoài là không cần thiết, vì phim nước nào làm sẽ mang hồn văn hóa của nước ấy. Nhưng những ý kiến này không chính xác. Vì tuy các nhân vật trong các phim "lai" đều là người Việt, nói tiếng Việt, đi lại nói năng và hành xử trong không gian Việt, nhưng họ vẫn mang hồn cốt văn hóa của đất nước đã sinh ra họ.

Chẳng hạn, nhiều nhân vật trong phim Mỹ thường văng tục trên phim, khi Việt hóa ngôn ngữ của họ, ta không thể để nguyên những lời văng tục đó mà chỉnh lại những lời lẽ của họ, biến họ thành con người nói năng lịch sự văn hoa. Nhưng việc Việt hóa ngôn ngữ của họ chỉ làm thay đổi một phần tính cách nhân vật thôi.

Những đặc trưng cơ bản của văn hóa dân tộc họ vẫn tiềm tàng trong các mối quan hệ, trong cách nghĩ, cách làm, cách yêu, cách ghét, cách căm giận. Nếu ta chỉ Việt hóa lẻ tẻ từng suy nghĩ, từng hành vi thì có thể dẫn đến tình trạng lổn nhổn và mâu thuẫn giữa văn hóa Việt trong nhân vật này, trong cử chỉ kia với văn hóa gốc trong tổng thể.

Nếu làm lại phim "Chiến tranh và Hòa bình" người Nga dựng theo tiểu thuyết của Lép Tônxtôi, ta có thể đổi tên tiểu thư quý tộc Natasa thành cô Na, cho cô nói tiếng Việt như gió, ăn mắm tôm như điên, nhưng ta không thể giữ nguyên cốt cách quý tộc của cô. Mà cốt cách ấy lại góp phần làm nên cái hay cái đẹp của tác phẩm gốc. Tác phẩm bất hủ "Đôn Kihôtê" của Xécvantéc đã đưa hình tượng đánh cối  xay gió như một ẩn dụ về sự điên rồ cao thượng của những con người tuyên chiến với bất công. Khi đưa tác phẩm này lên phim, không thể thiếu hình ảnh chàng hiệp sĩ xứ Măngsơ đánh cối xay gió.

Nếu  người Việt Nam làm lại bộ phim này mà thay cối xay gió bằng một hình tượng khác, chẳng hạn, để cho hiệp sĩ Đôn Kihôtê đánh cối xay thóc hay đánh xe lu thì sẽ làm sai lệch tinh thần văn hóa của tác phẩm gốc, tạo ra những hình tượng lố bịch.

Xem tác phẩm gốc, dù phải nghe thuyết minh hay đọc phụ đề, người xem vẫn có thể xúc động vì tính chân thực và tính thẩm mỹ của hình tượng nghệ thuật do sự hài hòa giữ nội dung và hình thức thể hiện. Còn xem những bộ phim người Việt Nam làm lại hiện nay, ta chỉ thấy phản cảm về sự khập khiễng và giả tạo. 

Nếu để nguyên kịch bản mà làm phim thì sẽ dẫn đến những bộ phim ngô nghê theo lối Tây nói tiếng Việt, phomat chấm mắm tôm. Nếu khi làm lại phim ta thay đổi toàn bộ tâm lý và hành vi của họ, bắt họ suy nghĩ và hành xử như người Việt thì khác gì viết một kịch bản mới.

Điều đó không khả thi vì nó trái ngược với những mục tiêu kinh tế mà các nhà sản xuất nhắm tới. Rốt cục, các bộ phim ngô nghê xác Việt hồn Tây vẫn tiếp tục ra đời chiếm sóng giờ Vàng tra tấn khán giả và trở thành những con ngựa thành Tơroa mang văn hóa khác dưới vỏ đời sống Việt.

Theo CAND.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC