Không có tiền làm phim, điện ảnh chết và kết quả là khán giả không có phim tử tế mà xem, toàn thảm họa cũng vì thế.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã nói như vậy trước hiện trạng vài năm qua, số tiền rót cho các phim được nhà nước đặt hàng không thể giải ngân vì thiếu thông tư hướng dẫn đấu thầu. Vì sự "đổi mới" này mà ngành điện ảnh tự trói chân mình, dẫn đến nhiều hãng phim ngồi chơi, một năm chỉ làm được 1 phim là may.
LHP Việt Nam 18 vừa qua, có đến 23 phim tranh giải, nhưng chỉ 1/5 trong số đó là phim nhà nước. Đây là những phim được sản xuất và duyệt trong thời gian 2 năm, kể từ sau LHP Việt Nam 17 (12/2011) đến tháng 9/2013. Đây cũng chính là khoảng thời gian ngành điện ảnh gần như không có tiền làm phim đặt hàng, tài trợ bởi sau vụ thất thoát 44 tỉ ở Cục Điện ảnh năm 2011. 2 năm qua, ngân sách rót cho ngành điện ảnh hơn 90 tỉ nhưng chưa được chuyển về cho các hãng phim bởi vướng đủ thứ.
Không đủ kiên nhẫn để chờ, giữa tháng 11 vừa rồi, 3 hãng phim nhà nước đã phải viết tờ trình gửi Bộ VHTTDL và Bộ Tài chính xin giải quyết nhanh nhanh thủ tục và rót tiền sớm để kịp làm phim bởi các dự án này có từ 2011 và được duyệt kinh phí cách nay nửa năm mà mãi chưa có tiền sản xuất.
Điều này cũng lý giải lý do vì sao suốt 3 năm qua, điện ảnh Việt Nam thiếu vắng những bộ phim tử tế. Hai phim đặt hàng có quy mô gần đây về đề tài chiến tranh là Mùi cỏ cháy và Những người viết huyền thoại được sản xuất năm 2011 và 2012. Hai phim làm từ kinh phí nhà nước là Đam Mê(Hãng phim truyện I) và Cát nóng (2011) thì đều có chất lượng kém, không trụ được vài tuần ngoài rạp.
Trong khi các hãng phim nhà nước ngắc ngoải vì không có tiền thì điện ảnh tư nhân ngày càng phình to.
"Đại náo học đường" thu hút dàn diễn viên hài có tiếng.
Một khi tự bỏ tiền làm phim, bài toán lợi nhuận luôn được đặt lên số 1 bởi 1 phim thất bại là coi như xóa sổ cả một hãng phim. Chính vì vậy, hầu hết các phim tư nhân được sản xuất trong thời gian qua đa số là phim hài và được xếp vào hàng "thảm họa" như Hello cô ba, Nàng men chàng bóng, Biết chết liền, Ranh giới trắng đen, Đại náo học đường, Ngôi nhà trong hẻm... Chỉ có vài phim tư nhân bỏ tiền sản xuất có chất lượng như: Thiên mệnh anh hùng, Scandal bí mật thảm đỏ, Âm mưu giày gót nhọn, Để mai tính...
Nắm bắt được thị hiếu người xem nên hầu hết các phim tư nhân đều giữ kỷ lục ngoài phóng vé với doanh số ngất ngưởng như Cô dâu đại chiến, Long ruồi, Mỹ nhân kế, Scandal bí mật thảm đỏ và gần đây là Âm mưu giày gót nhọn. Tuy nhiên, điều đáng nói là rất nhiều phim "thảm họa" chỉ cần các tình huống hài nhảm và gom vài ngôi sao ăn khách dù bị báo chí quay lưng như: Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Hello cô ba vẫn có thể đạt doanh thu cả chục tỉ. Cũng chính vì lý do này mà liên tiếp những bộ phim không ra phim vẫn nối tiếp nhau ra rạp.
Thậm chí, nhiều bộ phim "thảm họa" biết thừa là khi ra mắt sẽ bị báo chí "đánh" không nương tay vì quá kém quyết định âm thầm vào rạp mà không cần tổ chức họp báo trước. Mặc dù vậy chúng vẫn ăn khách dù là hài nhảm. Không cần PR rầm rộ, không cần mời báo chí nhưng hiện tại Đại náo học đường (khởi chiếu từ 15/11) vẫn rất ăn khách.
Trong bối cảnh nền điện ảnh nội đang nhiễu loạn và lệch lạc như vậy, một hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được tổ chức ngày 28/11, tại hai điểm cầu Hà Nội và TP.HCM.
Trong nội dung “Phê duyệt chiến lược phát triển điện ảnh 2015 - tầm nhìn 2030” thì dự kiến năm 2015 Việt Nam sẽ sản xuất 25-30 phim truyện/năm (trong đó có 30% phim đặt hàng từ ngân sách nhà nước) và tới 2020 sẽ sản xuất 40-45 phim truyện/năm (25% là phim Nhà nước đặt hàng).
Đã gần hết năm 2013, với tình hình sản xuất phim hiện tại thì khó mà tăng tốc để đạt được mục tiêu này. Xem ra việc phấn đấu năm 2015 phim truyện Việt phải chiếm 30% phim chiếu rạp là rất khó trước tình cảnh sản xuất phim Việt èo uột hiện nay trong khi mỗi tháng có đến chục phim ngoại công chiếu.
Theo Vietnamnet.