Quà vô giá mừng Đại lễ nghìn nămKhu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã trở thành Di sản vật thể thứ 6 của thế giới tại Việt Nam. Tin vui về đến VN vào sáng qua (1-8), như một món quà vô giá mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Di sản mang hình bóng lịch sử dân tộc

Tại Thủ đô Brasilia của Brazil, vào 20 giờ 30 ngày 31-7 (tức 6 giờ 30 ngày hôm qua 1-8 tính theo giờ VN), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (KTTHTTL) của VN đã được công nhận là Di sản thế giới. Tin vui này đến trước thềm Hà Nội nô nức đón chào Đại lễ nghìn năm với di sản KTTHTTL – một trong những công trình lâu đời và quan trọng nhất, đã trở thành biểu tượng văn hoá của Thủ đô và cả nước.

Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, VN đã gửi hồ sơ đề nghị công nhận di sản thế giới cho KTTHTTL sang Paris vào năm ngoái. Gần đây thông tin về khó khăn của bộ hồ sơ trước sự “soi xét” một số chuyên gia quốc tế khiến nhiều người lo lắng. Nhưng cuối cùng, KTTHTTL đã được công nhận một cách thuyết phục.

Uỷ ban Di sản thế giới đã đánh giá: Di tích, di vật tại đây cho thấy quá trình giao thoa văn hoá với những tư tưởng, giá trị có tính toàn cầu như Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thuỷ, mô hình vương thành phương Đông và kiến trúc quân sự phương Tây… Công trình là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hoá người Việt đồng bằng sông Hồng suốt 13 thế kỷ đến tận ngày nay.

Quà vô giá mừng Đại lễ nghìn năm_0
UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản thế giới

Các tầng văn hoá được phát hiện tại?KTTHTTL cho thấy chuỗi lịch sử liên tục của các vương triều trên nhiều lĩnh vực; công trình có liên hệ với nhiều sự kiện trọng đại của một quốc gia Đông Nam Á trong mối quan hệ với khu vực và thế giới.

Đặc biệt đây là bằng chứng cho sự phục hưng của một dân tộc từng bị đô hộ 10 thế kỷ và còn ghi đậm dấu ấn của một nước thuộc địa trong cuộc chiến đấu chống thực dân giải phóng dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, người có nhiều đóng góp quan trọng trong suốt quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận cho biết: “Hàng ngày tôi vẫn nhận được thông tin về hoạt động của đoàn VN đi bảo vệ hồ sơ qua e-mail hay điện thoại trực tiếp.

Tình hình diễn biến rất căng, có lúc khó khăn ngay cả việc tìm cơ hội tiếp xúc với một số nước để trình bày và không khí kỳ họp cũng có lúc khá nóng vì tranh luận về một số di sản. Đến ngày hôm nay thì tôi thực sự vui mừng, xúc động trước thành công lớn của chúng ta. Đây là món quà có giá trị, ý nghĩa lớn lao cho Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội”.

Lo bảo tồn và quảng bá

KTTHTTL là Di sản thứ 900 trên thế giới được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản thế giới. Trong kỳ họp từ 25-7 đến 3-8 của UNESCO, có 39 hồ sơ đề cử được xem xét (8 đề cử di sản thiên nhiên, 29 đề cử di sản văn hoá và 2 đề cử di sản hỗn hợp) cùng với 9 đề nghị mở rộng phạm vi và giá trị di sản đã được công nhận.

Như vậy, sau quần thể khu di tích cố đô Huế được công nhận năm 1993, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn (năm 1999), vịnh Hạ Long (năm 1994, tiếp tục công nhận mở rộng năm 2000), và rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận năm 2003, KTTHTTL là di sản vật thể thứ 6 của VN được UNESCO ghi nhận là Di sản thế giới.

Khu vực này bao gồm khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và khu vực được giới hạn bởi các con đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu. Cho đến gần đây, những phần cuối cùng của khu vực này đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho TP.Hà Nội.

Giải pháp bảo tồn, quảng bá giá trị KTTHTTL cũng đã được đặt ra từ lâu và hiện nay trở thành yêu cầu hành động đối với Hà Nội và các nhà quản lý, giới chuyên môn. Và trước mắt là dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cũng là một yêu cầu cấp thiết khi làm thế nào để toàn dân hiểu được ý nghĩa, giá trị của di sản đối với thành phố thiên niên kỷ và biểu tượng Hoàng thành Thăng Long được tôn vinh với những giá trị đặc sắc mang tính toàn cầu.

Theo Dân Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC