Hiện nay, việc khán giả tham gia vào vị trí giám khảo của nhiều cuộc thi đã không còn gì là mới mẻ.
Đó được xem như một hợp đồng phải có để thể hiện sự tương tác giữa chương trình và khán giả, đồng thời qua đó, đơn vị sản xuất cũng đo lường mức độ hưởng ứng mà khán giả dành cho chương trình và đánh giá lợi nhuận thu về.
Thực sự, khán giả chỉ được mời “chấm điểm” từ vòng đạt chất lượng cao nhất, do ban giám khảo chọn lựa qua nhiều vòng thi, với con mắt nhà nghề, sàng sảy trong số hàng ngàn, hàng chục ngàn thí sinh mới có được mười mấy người vượt trội để đi tiếp giai đoạn cuối. Thật vô cùng khinh suất nếu cho rằng ban giám khảo mắt nhắm mắt mở chọn bừa. Phần chuyên môn ở thí sinh, vì vậy đã “cầu chứng tại tòa”, họ có ít nhiều tố chất của người muốn làm ca sĩ, sự chênh lệch giữa họ ở những vòng thi sau cùng chỉ còn là ai sẽ thu hút khán giả nhiều hơn, ai làm khán giả “điêu đứng” nhiều hơn.
Những cú trợn mắt, há hốc mồm từ phía ban giám khảo tỏ vẻ ngạc nhiên, “không tin được” khi thí sinh này “vậy mà” phải chia tay, thí sinh kia “vậy mà” tiếp tục vào vòng trong chẳng những không cứu gỡ được tình thế mà còn khiến cho một bộ phận khán giả phải buồn cười. Ở vài cuộc thi hát mới đây trên màn ảnh nhỏ, hầu hết đều xảy ra hiện tượng này. Nếu đó chỉ là cảm xúc của riêng họ cũng chẳng ảnh hưởng mấy.
Điều đáng nói, bên cạnh những biểu lộ cảm xúc ấy chính là những lời phê phán hàm ý chê bai trình độ thưởng ngoạn của khán giả, chỉ biết nhìn vẻ bề ngoài không quan tâm đến giọng ca, thậm chí còn mạnh miệng nhận định khán giả... “bị khùng”. Nên nhớ, khán giả chỉ tham gia bình chọn sau khi chấp nhận những con người có “chỉ số” chuyên môn về giọng ca, phong cách và cả hình thức được đánh giá bởi ban giám khảo.
Và khán giả vào cuộc theo tiêu chí của riêng mình: Bạn phải làm tôi thực sự yêu thích, tôi mới bỏ phiếu cho bạn. Nét đẹp hình thức là một tiêu chí, bên cạnh giọng hát hay. Không riêng gì khán giả Việt Nam mà khán giả nhiều nơi trên thế giới cũng thích ca sĩ đẹp (khác người đẹp hát).
Ngoài ra, có khán giả bỏ phiếu cho thí sinh dễ thương, gần gũi, không bỏ phiếu cho thí sinh vội cho rằng mình có ưu thế hơn bạn bè đã sớm tỏ ra tự phụ, tự mãn; có khán giả bỏ phiếu cho thí sinh luôn đổi mới mình, không hát một “màu”... Bỏ phiếu bình chọn vì những tiêu chí ấy, đâu phải khán giả kém. Xét cho cùng, nếu có thí sinh đẹp mà giọng hát yếu, ai đã chọn họ vào vòng trong ? Rồi trách khán giả không có chuyên môn!
Những thí sinh ở vòng thi quyết định mà còn rơi vào tốp nguy cơ thì phải xem xét lại chính mình, đừng trách khán giả, mà nên ứng xử như nhạc sĩ Tuấn Khanh đã “nặng tay” khi mời 3 thí sinh bị loại phải xin lỗi khán giả - không phải tất cả khán giả, mà là những khán giả đã yêu quý họ, đã theo họ từng vòng thi và không ngại tốn thời gian, tiền bạc để nhắn tin bình chọn cho họ nhưng họ lại không thể đi tiếp. “Xin lỗi vì tôi đã làm cho khán giả buồn, bị hụt hẫng”.
Hơn thế nữa, ban giám khảo còn được quyền cứu thí sinh bị loại. Luật chơi có phần thiên vị ban giám khảo, “chèn ép” khán giả nhưng đó là cơ hội để thí sinh vượt trội có thể đến với phút vinh quang. Ban giám khảo có “thế lực” trong tay thì cũng nên có thái độ “văn minh” đối với kết quả mà khán giả đã bình chọn cho thí sinh: Nhìn nhận thực tế như nó có, xem nó là một nét chấm phá giúp thí sinh hoàn thiện mình thay vì xúc xiểm, chê bai (dù là nhân danh người có chuyên môn). Là một chương trình giải trí thì lại càng phải tôn trọng “đối tác” ngồi trước màn hình!
Theo NLD.