So với việc quảng cáo rầm rộ trên các kênh truyền hình nước ngoài hoặc đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế thì sách du lịch là một trong những kênh tiếp thị du lịch có hiệu quả lâu dài và ít tốn kém.
Hơn nữa, đó còn là những tài liệu tham khảo cần thiết cho những người làm du lịch, nhất là giới hướng dẫn viên.
Tuy nhiên, sách du lịch của Việt Nam hiện nay chưa phát huy hết những tác dụng đó do vướng phải hai vấn đề cơ bản là ngôn ngữ và góc độ thể hiện.
Chưa phong phú và thiếu cập nhật
Được phát hành hầu như chỉ bằng tiếng Việt, có thể thấy rằng loại sách du lịch của Việt Nam hiện nay chỉ mới nhắm đến độc giả trong nước chứ chưa chú ý đến hàng triệu du khách quốc tế đến đây mỗi năm. Ngoài Nhà sách Xuân Thu, các nhà sách lớn tại TP.HCM chủ yếu chỉ có sách du lịch tiếng Việt.
Tại Xuân Thu - nhà sách ngoại văn lớn nhất thành phố - có khoảng 200 tựa sách, tập tranh, ảnh giới thiệu về Việt Nam với nhiều đề tài khá phong phú: lịch sử dân tộc, danh nhân văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật gốm sứ, lễ hội, các dân tộc thiểu số, danh lam thắng cảnh… bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Anh, Hoa, Pháp, Đức… nhưng không phải tất cả những quyển sách đều là của Việt Nam mà nhiều sách của nhà xuất bản nước ngoài thực hiện (toàn phần hoặc hợp tác với các chuyên gia văn hóa, ẩm thực trong nước).
Những ấn phẩm này giới thiệu khá chi tiết và sinh động về đất nước, con người Việt Nam nhờ được minh họa cụ thể bằng những hình ảnh người thật việc thật. Cũng tại nhà sách này, hai nữ du khách người Anh là Janice Hindley và Janet Lee cho biết: “Sau chuyến du lịch từ Bắc vào Nam, chúng tôi đến nhà sách này để tìm mua vài quyển sách ảnh về làm quà cho gia đình và bạn bè, cũng là cách để giới thiệu với họ về đất nước mà chúng tôi đã đi qua. Thật vui vì ở đây có nhiều sách để chúng tôi thoải mái chọn lựa”.
Tuy vậy, ngay tại nhà sách này, bộ Cultural Shock! (Nhà xuất bản Mashall Cavendish Editions) giới thiệu về lịch sử, văn hóa của gần 80 quốc gia nhưng không thấy trưng bày tập sách viết về Việt Nam.
Một điều đáng tiếc khác là ngay cả những quyển sách tiếng Việt vẫn còn không ít sai sót, chủ yếu do thiếu cập nhật, chẳng hạn như giới thiệu về Hà Nội còn thiếu Hà Tây, xứ dừa Bến Tre “cách TP. Mỹ Tho 14km, đi phà mất 30 phút” trong khi hiện nay chỉ mất chưa đầy năm phút đi xe thẳng từ TP. Mỹ Tho qua cầu Rạch Miễu đến Bến Tre. Về mặt trình bày, những quyển sách tiếng Việt yếu thế hẳn vì chất lượng giấy in kém và nhiều sách còn sử dụng hình trắng đen, thiếu chọn lọc, kích cỡ nhỏ, không bắt mắt.
Nên viết sách du lịch dưới góc độ người du lịch
Hiện nay, những quyển sách du lịch được tin tưởng và ưa chuộng nhất là của The Rough Guide và Lonely Planet - nhà xuất bản tư nhân chuyên về du lịch lớn nhất thế giới với hơn 54 triệu bản phát hành và 600 ấn phẩm bằng 17 thứ tiếng. Tập sách về Việt Nam của hai nhà xuất bản này do du khách mang theo hoặc mua ở các hiệu sách, hoặc đổi sách ở các tiệm “swap book” trên đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện…
Không riêng du khách, mà cả những người làm công tác du lịch, hướng dẫn viên cũng chuộng các loại sách trên hoặc có phương án khác chứ ít khi dựa vào những quyển sách du lịch của Việt Nam. Họ chọn cách khảo sát thực tế hoặc tìm hiểu trên Internet.
Lý giải về việc này, một nữ hướng dẫn viên thường xuyên đi tuyến miền Đông cho biết: “Khi đưa khách đi các tour Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt thì không thể không giới thiệu với họ về cây cao su. Thế nhưng bây giờ du khách không chỉ muốn biết nguồn gốc cây cao su hay nỗi khổ của công nhân đồn điền thời thuộc địa như trước, mà muốn hiểu rõ cuộc sống hiện tại của những người trồng cao su, những sản phẩm nào được làm từ cao su ngoài nệm và vỏ xe, ở nước nào đã dùng cao su để tạo ra năng lượng. Tôi chưa thấy cuốn sách du lịch nào của Việt Nam viết về những điều đó cả”.
Anh Hồ Trí Thanh - một hướng dẫn viên du lịch nhiều năm kinh nghiệm lý giải về tình trạng này như sau: “Sách du lịch của Việt Nam còn thiếu thực tế vì các tác giả thường viết dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, hàn lâm chứ ít khi dùng lăng kính của một người đã đi du lịch rồi về chia sẻ lại với độc giả. Đa số sách giới thiệu chung chung, trừu tượng kiểu như đất nước Việt Nam rừng vàng biển bạc, nhân dân luôn anh dũng kiên cường”.
Quả vậy, nếu như khi giới thiệu về các địa danh, sách của Việt Nam luôn mở đầu bằng những thông tin khô khan như diện tích, dân số, địa bàn hành chính thì sách nước ngoài lại mở đầu bằng những ấn tượng mạnh mẽ, đặc sắc của họ ở Việt Nam. Chẳng hạn như quyển The Rough Guide to Vietnam dày gần 500 trang được viết bằng cái nhìn và khả năng quan sát của một người đi du lịch.
Ngoài những ấn tượng ban đầu và giới thiệu những điểm không thể bỏ qua, quyển sách trên còn dành hẳn một chương để hướng dẫn lên kế hoạch cho một chuyến tham quan Việt Nam thế nào cho thuận lợi, an toàn và thú vị nhất. Đó là những chỉ dẫn qua sân bay, những giấy tờ cần thiết, đổi tiền, các loại sách, phim nên xem ở Việt Nam...
Bên cạnh đó, quyển sách còn hướng dẫn cụ thể cho độc giả cách thực hiện những tour xuyên Việt, từ Việt Nam sang Campuchia. Đó là những chỉ dẫn thiết thực nhất được viết ra bởi những người đã từng đi du lịch Việt Nam, chứ không phải những nhà nghiên cứu muốn trình bày những hiểu biết của họ về đất nước này.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần