Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều khán giả yêu sân khấu đều than phiền về sự xuống cấp của sân khấu nước nhà và số lượng khán giả tới với các sàn diễn ngày càng thưa thớt.
Không khí tại các nhà hát thật ảm đạm và bây giờ, người ta chỉ còn nghĩ tới sân khấu với những hoài niệm của một thời vàng son, mà ở đó những vở diễn và tên tuổi của những người làm nên nó đã mãi đi vào tâm thức người xem...
Để phân tích hiện tượng đi xuống của sân khấu nói trên, đã có vài bài viết, một vài câu phát biểu ở đâu đó rất chung chung và thực trạng sân khấu, chứ chúng ta chưa dám nói thẳng vào những điều cần quan tâm và những cái cốt lõi của vấn đề đã dẫn đến sự sa sút trong sân khấu những năm gần đây.
Sự sa sút đó có nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân rất cơ bản dẫn đến tình trạng trên là xuất phát từ khâu nghệ thuật biểu diễn của diễn viên sân khấu bởi vì nghệ sĩ biểu diễn chính là trung tâm của sân khấu, là những "ông hoàng bà chúa của sân khấu". Một khi những ông hoàng, bà chúa không còn giữ được vị trí của mình thì đương nhiên sân khấu đi xuống là phải!
Ngày trước, những học sinh học khoá diễn viên của Trường Sân khấu - Điện ảnh đều phải qua những bài học rất cơ bản của nghệ thuật biểu diễn mà kim chỉ nam là cuốc "Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn" của Giáo sư - Tiến sĩ - NSND Đình Quang.
Người diễn viên phải kinh qua các giai đoạn học tập về các đơn nguyên từ tập trung chú ý, vô thực vật, giao lưu, phán đoán, cảm thụ... tới các bài học về tâm lý, phản ứng, biểu hiện thái độ, hành động...
Và luôn luôn các bước phát triển tâm lý, hành động của các nhân vật đều được kiểm chứng bằng các câu hỏi trong quá trình sáng tạo như sau: Tôi là ai? Tôi từ đâu? Tôi đang ở trong hoàn cảnh nào? Tôi phải là gì? và cuối cùng là tôi làm như thế nào?
Và trong thực tế, những nghệ sĩ biểu diễn gạo cội của chúng ta ngày trước đã thực hiện rất đúng bài bản trên nên đã tạo ra được những hình tượng sân khấu để đời cho đến nay khi nhắc đến, khán giả sau hàng chục năm vẫn còn cảm thấy rung động và thán phục.
Đó là: Hình tượng Luba trong vở Luba, Linda trong vở Platôn Krêset...do NSND Trúc Quỳnh thể hiện, tên chỉ điểm ở Siarơ trong vở Luba hoặc cụ Ba Bơ trong vở Quê Hương do NSND Đào Mộng Long sắm vai, kế đến là lớp nghệ sĩ đầy tài hoa như NSƯT Quang Thái với vai Xécgây, NSƯT Bích Châu trong vai Valia của Câu chuyện Lecxcut...
Người xem cũng không thể nào quên được hình tượng cụ Đại Lợi do NSND Song Kim thủ vai trong vở Quẫn, hoặc nhân vật Nila, cô bé đánh trống trận của NSƯT Nguyệt Ánh, gã đốt đèn man rợ Êrôtxtơrat do NSND Đoàn Dũng và NSND Trọng Khôi thể hiện.
Rồi còn những vai kịch của nhiều nghệ sĩ biểu diễn thời đó cũng đọng lại trong ký ức người xem một cách sâu sắc dù những vai kịch đó là chính hay phụ như vai anh Phú do NSƯT Hoàng Thành Lợi, vai chị Nhàn do NSƯT Thuỳ Chi thể hiện trong vở Chị Nhàn của Nhà hát kịch Quân đội, vai ông Quých do NSƯT Trần Kiếm trọng vở Tôi và chúng ta của Nhà hát kịch Hà Nội...và còn nhiều, nhiều nghệ sĩ và vai diễn hay nữa mà tôi không thể nào nhớ hết được...
Đặc biệt, tôi muốn nói tới NSND Trần Tiến với hàng loạt vai nhưng không vai nào ông diễn giống vai nào. Mỗi vai một vẻ tạo nên những sáng tạo bất ngờ khiến người xem thán phục đến ngỡ ngàng.
Từ anh chàng cao bồi lòng khòng trong vở Người lính đứng gác dưới ánh đèn nê-ông, lão già yếm thế trùm chăn trong vở Chuông đồng hồ điện Kremli, ông hàng xóm với cái bắt tay rất đặc biệt trong vở Người cha thô bạo, ông Đế Thích với tính cách "lại cái" trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt...Cho đến những vai cực kỳ nghiêm chỉnh như Tham Chúc trong Âm mưu và hậu quả, Nguyễn Trãi trong vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan... Thế nhưng chẳng vai nào giống vai nào. Những vai kịch đó đều có độ chân thực, độc đáo, bi ra bi, hài ra hài và chinh phục khán giả đến cao độ.
Đó là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc, đúng bài bản và đầy trách nhiệm với nghề, với công chúng mà ở vào thời kỳ đó, từ các đoàn nghệ thuật TW đến địa phương, đâu đâu chúng ta cũng thấy một không khí làm việc, một thái độ làm việc đáng trân trọng vậy.
Quay lại với nghệ sĩ biểu diễn ngày hôm nay, chúng ta thấy gì và nghĩ gì về công việc của các bạn trẻ?
Tôi chỉ có thể nói rằng: Phải chăng chúng ta hôm nay đã đánh mất đi truyền thống, đã mất đi những kiến thức cơ bản của nghệ thuật biểu diễn? Cho nên nếu cần để giới thiệu một hình tượng nhân vật, một nghệ sĩ biểu diễn hay, xuất sắc ngày hôm nay thì không phải không có, nhưng quả thật là hiếm.
NSND Trần Tiến nói rằng: Sáng tạo là một quá trình khổ luyện và dày công để tìm ra hình tượng nhân vật sao cho đúng, cho hay: Vì vậy không thể nào dễ dãi được. Trong cuộc sống, cũng chỉ là một cái bắt tay thôi, nhưng một trăm cách bắt tay khác nhau; chỉ là một điếu thuốc lá thôi, nhưng một nghìn cách cầm điếu thuốc khác nhau... đó chỉ là cái nhỏ thôi chứ chưa nói tới những khía cạnh tâm lý, những ứng xử giao tiếp, những thói quen hàng ngày... của từng thành viên trong cộng đồng xã hội đều rất đa dạng, phong phú. Vì vậy, khi người nghệ sĩ vào mỗi vai phải nghiên cứu để tự xây dựng cho một mẫu hình riêng biệt từ bên ngoài tới bên trong; từ dáng vẻ, giọng nói tới tính cách, thói quen...
Nhưng nhiều nghệ sĩ trẻ của chúng ta hôm nay sáng tạo thì lại đưa ra các mẫu nhân vật từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ nông thôn tới thành thị, từ trẻ chí già... đều một màu như nhau.
Tôi có thể đơn cử như: Có nghệ sĩ của một nhà hát vào loại lớn ở Thủ đô nhưng hàng chục vai diễn ở các thể loại vở với đề tài khác nhau trong những không gian và thời gian khác nhau đều có một mái tóc dài mượt, một cặp kính trắng, một cách tạo hình với một bộ complê, một điệu ở tất cả các vở và cách diễn cũng hoàn toàn như nhau mà không hề có sự khắc hoạ tính cách cả khiến có ngày, trên vô tuyến truyền hình cùng lúc chiếu mấy phim do nghệ sĩ này đóng nhưng người xem không hề thấy có sự khác biệt và cứ lầm tưởng nghệ sĩ đó đóng một vai trong một bộ phim...
Mỗi nghệ sĩ biểu diễn xem xét lại quá trình sáng tạo của mình và tự đánh giá đúng bản thân chứ đừng quá ngộ nhận tài năng để rồi quên đi sự tu dưỡng cần thiết (ảnh minh hoạ) |
Có nghệ sĩ trẻ thuộc loại "sao" thì tuỳ tiện tới mức ở vở này mặc luôn cả trang phục của vở khác để ra vai...
Có nghệ sĩ lớn tuổi thì cứ một bộ râu mà diễn hết vai này tới vai khác làm người xem có cảm giác sáng tạo nghệ thuật quá dễ dãi và các nghệ sĩ chỉ cần bê nguyên xi mình lên là đủ tạo thành các hình tượng sân khấu và trở thành "sao".
Tới đây, tôi lại nghĩ tới những nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh thế giới mà thấy thèm sự sáng tạo của họ. Ví như Tom Cruise (diễn viên điện ảnh Mỹ) đã khắc hoạ cho hàng chục nhân vật của mình thật tốn công và thật đáng khâm phục: Khi là chàng trai hào hoa với nét đẹp trai hoàn chỉnh, lúc là viên cảnh sát cương nghị, hoặc là một gã mặt sẹo trọc đầu...
Hoặc nữ nghệ sĩ - diễn viên điện ảnh Trung Quốc Củng Lợi với vai Hoàng hậu trong phim Hoàng Kim Giáp thì uy nghi lẫm liệt nhưng rồi lại lam lũ trong vai Thu Cúc trong phim Thu Cúc đi kiện với chiếc áo vét carô lụng thụng, khi thì lại run rẩy, sợ sệt trong vai cô vợ trong phim Phải sống....
Ở những nghệ sĩ trên, vai nào cũng thấy rõ ràng một sự làm việc kỳ công để tạo nên những hình tượng rất khác biệt làm nên sự thành công của những tác phẩm mang đậm chất trí tuệ và xứng đáng là nghệ thuật đích thực.
Ở đây, các nghệ sĩ đã hoàn toàn hoá thân vào nhân vật mà họ đã tìm tòi, họ đã để "cái tôi" của nghệ sĩ "chết" đi trong lòng "cái tôi" của nhân vật như Stanixlapxki đã từng nói.
Nhưng ngày nay, ở ta thì lại khác hẳn. Các nghệ sĩ của chúng ta thì lại cần "cái tôi" của mình thật mạnh, thật ấn tượng. Thậm chí nhiều vở diễn, nhiều, rất nhiều phim truyền hình họ còn đưa nguyên cả tên tuổi của mình làm tên của nhân vật và cứ thế diễn suốt để "đánh bóng" thương hiệu của mình, để tạo hiệu quả ấn tượng trong một bộ phận khán giả dễ dãi nào đó và cũng rất đáng buồn, những nghệ sĩ đó cứ lầm tưởng và tự huyễn hoặc mình đó là "nghệ thuật".
Và thật hài hước khi có lần xem mục quảng cáo cho một loại thuốc nhức xương nào đó thì khán giả lại lầm tưởng một nghệ sĩ có hạng đang diễn xuất trong một bộ phim nào đó vì hình tượng được tạo nên chẳng khác gì bao phim mà nghệ sĩ này đã tham gia từ bề ngoài đến dáng điệu, hoá trang, cách nói, cách diễn và thậm chí cả cái tên của nhân vật quảng cáo cũng là tên của nghệ sĩ nọ...
Thật đáng buồn cho sân khấu nước nhà khi có lần vì quá bức xúc, tôi đã mạnh dạn góp ý cho một nghệ sĩ trẻ thì được trả lời: Các anh cũ lắm rồi!
Sự thực thì họ đã làm hỏng đi một nếp sáng tạo mà bao công phu của các thầy dạy sân khấu với những lý luận cơ bản mà các ông tổ của sân khấu hiện thực thế giới đã đúc kết để làm nên những trang chói lọi của sân khấu mà lớp đàn anh xưa đã tạo dựng được.
Đa số những vai diễn ngày nay đều là sự diễn tả hời hợt, là bóng dáng bên ngoài của nhân vật nó không có hồn, nó chỉ là sự minh hoạ những lời thoại của kịch bản một cách máy móc tựa như các nghệ sĩ đang "diễn khoán" chứ bên trong nhân vật không hề có đời sống nội tâm nhân vật. Chính vì vậy nên nó không có sức thuyết phục và góp phần làm hỏng đi chất lượng của vở diễn.
Xét về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì chúng ta cũng phải thẳng thắn mà nói rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về nghệ thuật biểu diễn như trên. Ví dụ: Kịch bản cũng là vấn đề lớn khi các tác giả ngày hôm nay đã không sáng tác ra được những vai kịch hay cho nghệ sĩ lấy đó làm bệ phóng, hoặc do yêu cầu của nhiều đoàn cần hoành thành gấp vở diễn nên thời gian làm việc chỉ tính bằng ngày.
Nhiều đạo điễn "chạy sô" thì dựng vở như ma đuổi cho nên yêu cầu các diễn viên chỉ cần thuộc vở, còn "tôi chỉ đâu làm đấy" thế thì nghệ sĩ lấy đâu ra thời gian mà luyện tập, mà suy ngẫm vai kịch...
Nhưng xét cho cùng vẫn là sự cẩu thả, thiếu tu dưỡng, thiếu học hỏi và thiếu tư duy sáng tạo của một bộ phận đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn. Mặt khác, bản thân họ cũng tự cảm thấy sớm thoả mãn với những gì mà công chũng dễ dãi đã dành cho họ (đó là kinh tế và danh ảo "sao") mà chỉ cốt sao "sáng cầm cờ đám ma, chiều tung hoa đám cưới" thật nhiều để tăng thu nhập và đông đảo bà con biết đến, tôn vinh là đủ rồi nên họ cũng chẳng cần phấn đấu làm gì, thậm chí tôi biết chắc được rằng, có những nghệ sĩ được gọi là "sao" nhưng quanh năm không hề đọc tới một cuốn sách.
Khắc phục tình trạng trên, theo tôi, chúng ta cần phải có thời gian để chấn chỉnh lại phong cách sáng tạo, đánh giá lại chất lượng, thẳng thắn nhận xét cái hay, cái dở của đội ngũ biểu diễn, nhưng cái chính là mỗi nghệ sĩ biểu diễn xem xét lại quá trình sáng tạo của mình và tự đánh giá đúng bản thân chứ đừng quá ngộ nhận tài năng để rồi quên đi sự tu dưỡng cần thiết mà thiếu nó thì không thể nào tạo nên nghệ sĩ chân chính với những giá trị nghệ thuật đích thực.
Tôi cũng mong những quý khán giả, những nhà lý luận và những nhà phê bình sân khấu hãy "bớt" dễ dãi và hãy đòi hỏi nhiều hơn nữa ở đội ngũ những nghệ sĩ biểu diễn để họ tư duy nhiều hơn nữa, để họ sáng tạo nhiều hơn nữa nhằm cống hiến cho công chúng những vai diễn có hồn và có sức thuyết phục, góp phần đưa sân khấu nước nhà trở lại thời hoàng kim mà các bậc đàn anh xưa kia đã làm được.
Chúng ta chờ đợi những vai diễn hay, nhưng trước khi hay thì xin hãy diễn cho đúng và muốn vậy không có cách nào khác là phải lao động nghệ thuật hết mình và phải nêu cao đạo đức, nêu cao lương tâm của người diễn viên là đưa tới người xem những hình tượng nghệ thuật có giá trị chân thực và mang tính thẩm mỹ cao.
Theo An Ninh Thế Giới