Đừng dạy bề mặt, đừng tìm mọi cách để những điều mình dạy là luôn đúng để “giảm câm giả điếc” với những phản ứng xung quanh. Liệu “giả vờ” như vậy được bao lâu?
Dạy bằng những lời… khen thừa mứa
Cuộc đời thì luôn thay đổi, cách đây vài năm, ban giám khảo nào lên truyền hình ngồi chấm thi mà chẳng may “lỡ” khen quá đà thì bị ném đá tơi tả. Ví dụ như chuyện Đỗ Trung Quân khen Ngọc Khuê ở Sao Mai Điểm Hẹn mùa đầu tiên rằng:“Em bị điên nhưng âm nhạc Việt Nam cần những người điên như em” và ngay lập tức hàng xe tải "đá" đổ xuống đầu nhà thơ, nhiều đến độ, đêm hôm sau, anh mất tích ở hàng ghế BGK. Có thể khán giả khi đó còn hẹp hòi với lời khen kiểu mĩ miều như vậy thì cũng đành chấp nhận vì tính thời điểm. 8 năm sau, The Voice xứng đáng được ghi nhận là“Cuộc thi thừa mứa lời khen nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam”. Đi cũng khen. Đứng cũng khen. Ngồi cũng khen. Mở miệng ra (chưa hát) cũng khen. Hát cũng khen. Hát xong còn khen ác hơn. Đưa ra quyết định cũng khen và tặng kèm theo khóc (kiểu như đi nhậu bia luôn kèm lạc vậy). Xem mà kinh hãi vì sự rộng lượng quá đà của BKG.
Đàm Vĩnh Hưng - người thừa mứa lời khen nhất.
Người Việt dạy nhau: Khen công khai – Chê kín đáo. Nhưng công khai không có nghĩa là khen vô tội vạ, khen cả những điều mà nếu thí sinh có liêm sỉ cao chắc cũng… phát nhục. Nhưng, người Việt cũng lại có câu “Khen cho chết”. Khen nhiều cho nó ảo tưởng cho nó không làm được gì cả. Tất nhiên, các huấn luyện viên của The Voice thì chưa “đủ” ác như vậy nên hãy cứ nghĩ là họ hồn nhiên khen cứ như để đời họ chưa từng có dịp được khen ai nhiều như vậy.
Một điều đáng nói là họ khen như vậy thì họ dạy cho học sinh của họ được điều gì? Một sự cưng nựng kiểu như trẻ em mới lớn hay là một liều thuốc kháng sinh cho những chặng đường tiếp theo (với thí sinh được chọn) hay là một liều thuốc giảm đau đối với những người bị loại?
Ấy vậy nhưng vẫn khen. Khen rằng em có hình bóng của Whitney Houston và Mariah Carey – hai giọng ca lừng lẫy. Nghe mà thấy thương cho người đã chết. Hát như thế mà được so sánh với những tượng đài âm nhạc thì thế giới đã đầy những tượng đài từ cách đây cả mấy trăm năm. Có muốn nghĩ rằng các huấn luyện viên không ác thì cũng đành phải nghĩ họ “tội lỗi hồn nhiên” trong việc bơm ảo tưởng vào những thí sinh đang bập những bước đi đầu tiên trong nghề biểu diễn vỗn đã căng đầy những sự huyễn hoặc bản thân.
Nghiêm khắc và lỗi thời
Song song với The Voice là cuộc thi Người mẫu Việt Nam – Vietnam Next Top Model cũng lên sóng. Và ngay lập tức, những lời khen chê của những người trong nghề về cách giảng dạy của Xuân Lan cũng bị “lên thớt”. Khoan nói về chuyện đồng nghiệp, nói về chuyện đó là những nhận xét của một khán giả - một quyền tối thiểu họ cũng phải có chứ - nhưng chưa gì BKG của cuộc thi đã “nhảy dựng” lên.
Nếu nói sâu hơn về chuyên môn thì rõ ràng những gì Thúy Hạnh nói trên Facebook là đúng bởi chỉ cần dành chút thời gian xem kênh Ftv hoặc lên youtube xem lại những đoạn ghi hình các tuần lễ thời trang nổi tiếng của thế giới như Milan, Paris, London, New York thì thấy rõ ràng hiện nay người mẫu thế giới đã không còn sử dụng cách đi vắt chéo chân theo kiểu chữ x mà Xuân Lan đang dạy các học trò của mình. Họ - những người mẫu thế giới – vẫn đi vắt chéo chân nhưng trên 1 đường thẳng tức là chân sẽ không vắt qua nhau, thậm chí, họ còn không đánh hông một cách quá mạnh như vậy. Xu hướng catwalk hiện nay đang ngày càng đơn giản, giảm tối thiểu sự màu mè.
Một ý kiến của một người mẫu đã từng tham gia một số show diễn tại nước ngoài cho rằng, về chủ quan, nếu dạy như vậy cũng được nhưng nếu ra nước ngoài, họ vẫn sẽ dạy lại (training) những người mẫu Việt Nam. Điều đáng nói là bởi BTC của cuộc thi này luôn nhấn mạnh chữ là tìm kiếm người mẫu cho sàn thời trang thế giới dựa trên những thành công (ít ỏi) đã có của Tuyết Lan, Hoàng Thùy và Huyền Trang. Vậy nhưng rõ ràng để đi ra thế giới thì chuyện đi đứng như thế nào cũng chưa quyết định hết vậy nhưng cách mà mang giáo án cũ ra dạy này các bạn sẽ có cơ hội hội nhập thế giới lại là một điều khác. Nó hơi… mơ hồ.
Dạy nhưng không nghe người khác góp ý
Chuyện các bậc tiền bối đi chỉ bảo cho thế hệ đàn em dựa trên kinh nghiệm họ có là điều đáng quý. Tương tự như vậy, nếu có tiền bối nào khác có ý kiến của mình về phương pháp, về cách chỉ dạy với những người khác một cách gián tiếp cũng là một điều đáng quý. Câu chuyện về Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng – Hà Hồ đã “hé mở” cho thấy rằng, về cơ bản những người được giao trọng trách đi dạy người khác chưa chắc đã thích người khác “dạy” mình. Bạn có thể bắt thí sinh của mình phải nghe theo lời của mình, lắng nghe từng chữ khi bạn “phun châu nhả ngọc”, thế nhưng sau đó bạn “xù lông nhím” khi có ai đó tỏ ý nghi ngờ thì cũng chẳng khác gì bạn đang “thị phạm” cho chính những học sinh của mình cách tự bảo vệ bản thân trước những “góp ý” (chưa biết đúng sai như thế nào).
Với những người trẻ mới vào nghề, được học lại những sự trải nghiệm là điều họ yêu mến nhưng hơn cả là họ sẽ “học một cách tự nhiên” những phản ứng của “người thầy” của mình và từ đó xây dựng nên một “cơ chế phòng vệ” tương tự. Và cũng sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu các “bậc thầy” dạy thí sinh của mình một cách trực tiếp cách “phòng vệ” ra làm sao.
Chuyện Đỗ Mạnh Cường lên Facebook cãi nhau với Dương Yến Ngọc cũng là một trường hợp như vậy. Cựu người mẫu có ý kiến của mình dựa trên nền tảng của cô và cô cũng chỉ nói là “không thích”. Nhưng Đỗ Mạnh Cường đã mạnh mẽ hơn bằng những lời lẽ đanh thép. Chuyện thích hay không thích là quyền của một ai đó và chẳng ai có thể nói rằng: Mày không thích là mà mày sai, mày phải thích. Đó là chuyện hồ đồ và… dở hơi. Rồi những tranh qua cãi lại cũng chẳng để làm gì khi mà những người đó suy cho cùng cũng sẽ còn gặp nhau và một vấn đề nhỏ nhặt như vậy được xé làm to thì người hưởng lợi nhất là BTC chương trình. Người thiệt nhất là thí sinh vì họ tự dưng được “học” miễn phí những bài học về cách giao tiếp giữa những người trong cuộc với nhau.
Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng
Trong đêm phát sóng “Đối đầu” tuần vừa qua, sau những comment qua lại trên Facebook, thì trên facebook của một nhà văn trẻ được biết hiện đang là quản lí của thí sinh Thái Trinh trong cuộc thi The Voice, đã có lời nhắn nhủ rằng: “Cuộc sống này nhỏ lắm, chúng ta rồi cũng sẽ gặp lại nhau. Các bạn có “danh sách đen” của các bạn thì mình cũng có “danh sách đen” của mình”. Nghe thật đáng sợ. Chưa biết Thái Trinh sẽ đi xa bao nhiêu trong con đường nghệ thuật mà cô bé chọn nhưng cái cách mà quản lí của cô “hăm dọa” người khác nghe cứ như thể Thái Trinh sẽ là một “quyền lực” mới trong làng giải trí. Lại là một cách “dạy bảo” lẫn nhau nhưng có khác chăng là cách dạy người khác rằng “đừng có đụng vào “gà” của tao, coi chừng đó nhé!”
Lấn sang bên sân chơi của người đẹp một chút, có thể thấy cách dạy của BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là “Hãy cứ lấp liếm đi đến chừng nào còn có thể!”. Ngay từ lúc họp báo cuộc thi HHVN tại TP.HCM rất nhiều phóng viên đã cật vấn BTC về chuyện thí sinh Vương Thu Phương vướng nghi án đã có chồng có con nhưng BTC vẫn một mực cho rằng cô chưa lấy chồng và hoàn toàn đủ điều kiện dự thi và đã có xác minh. Rồi bỗng dưng ngay trước đêm chung kết loại cô gái này vì đã tìm ra chứng cứ. Vậy thì toàn bộ những ngày tháng xác minh trước đó hoàn toàn thừa thãi hoặc chính quyền địa phương đã không chịu hợp tác? Hoặc họ đã tin vào giấy xác nhận của cơ quan địa phương về chuyện thí sinh này chưa từng lấy chồng vì chưa từng có giấy đăng ký kết hôn? Để rồi sau đó mọi quy chuẩn đảo ngược bởi những tấm hình chụp ngày cưới của thí sinh này.
Thí sinh Vương Thu Phương.
Vấn đề nằm ở chỗ ngay cả BTC cũng lúng túng với chuyện này. Nếu họ xét duyệt trên giấy tờ thì rõ ràng Vương Thu Phương chưa có chồng, nhưng nếu xét trên phương diện phong tục thì cô đã có chồng. Vậy nhưng, cuối cùng là thể lệ cuộc thi có chữ nào nhắc đến chữ “phong tục” không hay chỉ đơn thuần xét trên giấy tờ? Sự nhập nhèm không rõ tiêu chí của BTC cũng khiến thí sinh hoang mang và nuôi ảo tưởng về cơ hội của mình.
Và nếu như có nói rằng ngay trước đêm chung kết BTC “vô tình” tìm được ảnh về đám cưới của thí sinh mới quyết định vậy. Vấn đề đặt ra là nếu họ không tìm được đủ chứng chứ thì sao và nếu Vương Thu Phương được danh hiệu thì họ có dám tước không? Danh dự của cả một cuộc thi nhan sắc 22 năm chẳng nhẽ lại “vấy bẩn” bởi một quyết định tước danh hiệu hay là lúc đó họ sẽ nói rằng chưa có giấy đăng kí kết hôn nên vẫn độc thân? Mọi suy diễn không phải có cơ sở. Và việc các cô gái 18-20 đi dự thi và học được những bài học như vậy thì cũng đừng trách nếu sau này họ có gian dối trong cuộc sống, trong cách sử dụng nhan sắc của mình.
Sư phạm là một nghề cao quý và không phải cứ đến trường mới được giảng dạy. Cách học cách dạy hiện nay cũng đã nhiều hơn, nhưng vấn đề là dạy như thế nào và dạy ra làm sao và dạy những cái gì cũng quan trọng không kém.
Theo CSTC.