Ít ai biết được rằng, sau chiến dịch Đại thắng mùa xuân 1975, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Cung, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Viện Mỹ thuật Việt Nam đã "chỉ thị" cho người cộng sự của mình là họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Thiện vào Đà Lạt tìm và đưa bức sơn mài nổi tiếng "Dọc mùng" - bức tranh sơn mài đẹp nhất Việt Nam của họa sĩ tài danh Nguyễn Gia Trí về Hà Nội an toàn, nguyên vẹn.
Hành trình trở về…
Sau giải phóng miền Nam 1975, tôi khi đó là Trưởng phòng Phục chế, trang trí và trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được ông Nguyễn Đỗ Cung, Viện trưởng gọi lên giao nhiệm vụ vào Nam tìm và đem bằng được bức tranh "Dọc mùng" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí lúc đó đang được đặt tại dinh thự của Ngô Đình Diệm ở Đà Lạt về Hà Nội.
Nhận nhiệm vụ, tôi không dám hỏi lại Viện trưởng vì sao chỉ cử một mình tôi vào tìm, đem bức tranh về, bởi tôi biết ông Nguyễn Đỗ Cung là một người rất cẩn trọng. Lặng lẽ gói ghém hành trang, tôi lên đường với hy vọng hoàn thành nhiệm vụ - Ông Thiện kể.
Sau vài tuần vất vả đi đường, tôi cũng đến được Đà Lạt, và thật may mắn công tác bảo vệ, giữ gìn các công trình kiến trúc của chế độ cũ được các cơ quan Trung ương cũng như địa phương làm khá tốt sau giải phóng. Hầu như các hiện vật là các bức tranh quý tại các dinh thự của quan lại chế độ cũ được bảo quản khá nguyên vẹn.
Bức tranh "Dọc mùng" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được tôi tìm thấy tại dinh thự cổ của một viên chủ đồn điền Pháp tại Đông Dương được Ngô Đình Diệm chọn làm nơi ở mỗi khi lui về nghỉ dưỡng tại Đà Lạt.
Khi đó tôi thật sự cảm phục sự tinh tế của ông Nguyễn Đỗ Cung và hiểu vì sao Viện trưởng lại cử mình vào tìm bức tranh. Trước khi lên đường vào Nam, Viện trưởng đã bí mật dặn dò tôi nơi để bức tranh, cách nhận biết để thuận lợi cho chuyến công tác.
Cho đến giờ, tôi cũng không lí giải được vì sao ông Nguyễn Đỗ Cung lại biết bức tranh nằm tại Đà Lạt chính xác đến như vậy.
Một vấn đề khó khăn xuất hiện sau khi tìm được bức tranh. Đó là làm sao đưa được bức tranh trở về Hà Nội một cách an toàn và nguyên vẹn, bởi bức tranh được họa sĩ Nguyễn Gia Trí trình bày theo kiểu "bình phong" khổ lớn gồm tám bức ghép có kích thước 160cm x 400cm, sáng tác năm 1939.
Tôi đánh điện ra Hà Nội báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo và Viện trưởng đã cử một đoàn công tác đặc biệt do họa sĩ Nguyễn Văn Y, một bậc thầy về gốm, khi đó là Phó Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam dẫn theo tổ công tác gồm họa sĩ Chu Khắc Thuật, Lê Kim, Lê Anh Tuấn, Nguyễn Bích, Hải Yến… là cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật VN vào hỗ trợ tìm cách đưa bức tranh trở về.
Ông Thiện kể tiếp: Những năm sau giải phóng, giao thông đi lại thật gian khó, nhưng khi chúng tôi đề xuất với địa phương về sự quan trọng cần gìn giữ và đưa bức tranh ra Hà Nội phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối, nên đã được tạo điều kiện rất thuận lợi. Và hành trình của chuyến xe đặc biệt vận chuyển bức tranh sơn mài đẹp nhất Việt Nam về Sài Gòn rồi sau đó ngược ra Bắc an toàn.
"Dọc mùng" - Bức sơn mài đẹp nhất Việt Nam
Họa sĩ Nguyễn Thiện cho biết, cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Indochina Fine Arts College 1931-1936), ông là một bậc thầy lớn về sơn mài, người đã có công đưa chất liệu và kỹ thuật sơn ta truyền thống, vốn trước đó chỉ dùng làm hàng mỹ nghệ, vào tác phẩm mỹ thuật và đẩy lên đến đỉnh cao thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông đã được mệnh danh là "vua sơn mài".
Ông là họa sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài, phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để tạo nên những bức họa hiện đại mang đầy tính dân tộc.
Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội và Bảo tàng Mỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh, được chỉ định là bảo vật quốc gia, vì thế những tác phẩm của ông không được phép rời khỏi Việt Nam.
Cùng với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Đình làng vào đám, Thiếu nữ bên cây phù dung, Hoàng hôn trên sông, Phong cảnh Móng Cái…Bức tranh Thiếu nữ trong vườn - Phong Cảnh hay còn gọi là "Dọc mùng" - sáng tác năm 1939 mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đem về từ Đà Lạt, được nhiều thế hệ trong giới mỹ thuật nể trọng và đánh giá là đẹp nhất Việt Nam.
Các tác phẩm sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được sáng tác với chất liệu chủ lực bằng sơn son, sơn then, vàng, bạc, vỏ trứng và sơn cánh gián. Bởi vậy, ông đã tạo cho bức "Dọc mùng" một vẻ đẹp lộng lẫy, có chiều sâu bí ẩn, đưa kỹ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội họa này trong nền mỹ thuật Việt Nam, đồng thời, đánh dấu sự khởi đầu cho khuynh hướng sáng tác đưa sơn mài vào nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí những năm sau này.
“Dọc mùng”. Tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí |
"Dọc mùng" được họa sĩ trình bày theo dạng bức sơn mài kiểu bình phong có kích thước lớn thể hiện tranh ở hai mặt. Ở bức "Thiếu nữ trong vườn" là vườn hoa muôn sắc màu, trong đó các cô gái đang vui đùa, chạy nhảy, giá trị hiện thực toát lên từ hình khối, động tác.
Sắc vàng kim được dát trên nền trời, trên những tấm áo điểm xuyết vỏ trứng, những vệt vàng lộng lẫy trên từng đường lượn như tôn vẻ đẹp thanh tân thiếu nữ.
Có thể nói, ở những bức tranh sơn mài có kích thước lớn, Nguyễn Gia Trí luôn mở rộng tầm nhìn thẩm mỹ, đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm...
Đó cũng là cách xử lý khi thể hiện mặt bên kia của bức bình phong mang tên "Phong cảnh" có cách vẽ khoẻ khoắn, những mảng vỏ trứng, hình cây điển hình được viền bằng những mảng màu to rộng, nét chắc khoẻ gợi về sự gần gũi chân quê của vùng nông thôn Bắc Bộ.
Sau vừa vặn 70 năm xuất hiện, cùng với những biến thiên của lịch sử và di chuyển suốt chiều dài đất nước, giờ đây bức "Dọc mùng" - "Bức tranh sơn mài đẹp nhất Việt Nam" của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí được đặt trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, đó cũng là một kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trong cuộc đời họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Thiện - người có vinh dự đưa bức tranh của người họa sĩ tài danh trở về cùng mùa xuân chiến thắng của dân tộc.
Theo CAND online.