Họa sĩ Bùi Xuân Phái
Họa sĩ Bùi Thanh Phương vừa tuyên bố sẽ kiện hãng đấu giá Sotheby’s nếu hãng này tiến hành đấu giá những bức tranh mà anh cho rằng giả tranh của bố anh - hoạ sĩ Bùi Xuân Phái.
Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là người có tranh bị vẽ giả nhiều nhất Việt Nam. 4 trong 5 bức mà Sotheby's dự định đấu giá theo nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn nhìn qua là biết đó là tranh giả bởi lối mô phỏng phong cách thô vụng.
Đấu giá... tranh giả
Theo ông Bùi Thanh Phương dễ dàng nhận ra 4 trong 5 bức tranh Bùi Xuân Phái Sotheby’s dự định đấu giá tại Hồng Kông là giả. Ông Phương cho biết mặc dù có rất nhiều người chép tranh Phái và nhái theo phong cách của hoạ sĩ này thì “Tranh Bùi Xuân Phái không thể làm giả”.
Có thể nhái Bùi Xuân Phái về phong cách chứ không thể nhái những kỹ thuật của ông, bởi những kỹ thuật đó phải là những người thân cận mới biết được.
Ông Phương đã nêu ra những đặc trưng của tranh Phái mà những bức tranh giả không thể bắt chước. Đầu tiên để diễn tả cảm xúc mãnh liệt đồng thời thể hiện kỹ thuật điêu luyện, Bùi Xuân Phái thường sử dụng bay hoặc dao chứ ít khi dùng cọ.
Vì vậy bề mặt tranh của ông thường gồ ghề chứ không nhẵn. Vẽ phố hay vẽ chèo, họa sĩ không sa vào miêu tả, ông thường lược bỏ những chi tiết vụn vặn để mang đến sự ấn tượng cho tổng thể.
Từ những nhận định cơ bản trên soi vào 5 bức Sotheby’s đấu giá gồm: Phác thảo, Chèo, Phố, Cảnh phố và Mèo đỏ; họa sỹ Bùi Thanh Phương chỉ công nhận bức “Mèo đỏ” vẽ nhân dịp Tết Đinh Mão (1987) là tranh thật. Những bức tranh còn lại nếu không là sự sao chép thô vụng thì cũng mô phỏng chế tác theo những kiểu dáng của những bức tranh nổi tiếng của Phái.
Tranh “Phác thảo” (được cho là "tranh Phái" giả) tại nhà đấu giá Sotheby’s |
Cũng theo ông Phương đây không phải là lần đầu tiên nhà đấu giá Sotheby’s bán tranh Bùi Xuân Phái giả. Đó là ba bức “Trước giờ biểu diễn” (bị đổi tên thành “Các diễn viên Chèo”), “Ông Trần Thịnh” và "Phố cổ" (bị đổi tên thành “Những ngôi nhà”). Hiện bức “Trước giờ biểu diễn” còn đang ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ông Phương lo ngại nghĩ về nguy cơ “hữu danh vô thực” của cha ông cũng như các họa sĩ bậc thầy của Việt Nam khác khi mà lượng tranh giả ghi danh họ còn nhiều hơn cả tranh thực. Ông nói đùa: “Có người bảo lúc sống số tranh bố tôi vẽ còn ít hơn số tranh đề tên ông khi ông đã chết”.
Chuyện không của riêng "tranh Phái"
Vấn nạn tranh giả đã hoành hành ở Việt Nam đồng thời cùng với việc xuất hiện thị trường ranh cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ trước, được coi là phát hiện mới của khu vực và thế giới. Những bất cập trong quản lý thị trường tranh khiến nạn tranh giả càng ngày càng lũng đoạn.
Có những lò chuyên sản xuất trang phố Bùi Xuân Phái, cũng mái ngói lô xô, tường xám rêu phong nặng lòng hoài cổ và chữ ký quen thuộc của ông. Còn hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm kể rằng: Nhiều vị khách nước ngoài đến hỏi ông về bức tranh họ vừa mua là Nghiêm thật hay Nghiêm giả, hầu hết là giả...(!)
Tranh “Chèo” của Bùi Xuân Phái |
Hoạ sao chép này nhanh chóng lan sang tranh của các hoạ sĩ đương đại nổi tiếng như Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Đỗ Quang Em, .... Từ công nghệ này, những tác phẩm ăn khách được nhân bản với số lượng lớn, thị trường tranh Việt Nam chưa kịp lớn đã chết non trong tay những kẻ "thấy người ăn khoai vác mai đi đào".
Tạp chí Asian Arts - New một tạp chí mỹ thuật hàng đầu trong khu vực đã nhận xét: "Việt Nam là nước có trường Mỹ thuật đầu tiên ở châu Á. Cho đến nay đời sống mỹ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển nhộn nhịp hơn cả trong khu vực ASEAN. Nhưng thiếu các chế định cụ thể chặt chẽ để có một thị trường tranh phong phú hơn và đáng tin cậy. Ở Singapore với số lượng hoạ sĩ ít hơn và hoạt động không sôi nổi bằng nhưng đã trở thành trung tâm của khu vực và có bảo tàng Mỹ thuật Quốc tế". Đó là một cảnh báo về nguy cơ thả nổi uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam.
Cho đến nay, ông Phương đã gửi năm lá thư chính thức cho người phụ trách mục đấu giá của Sotheby’s tại Hồng Kông tuy nhiên chưa nhận được bất kỳ hồi âm nào. Nếu tiếp tục không nhận được phúc đáp, ông Phương cho biết, ông sẽ đâm đơn kiện ra Tòa án CH Pháp.
“Đây không chỉ là việc của cá nhân Bùi Xuân Phái mà còn là vấn đề tôn trọng văn hóa. Tôi sẽ theo kiện đến cùng dù tốn kém để đòi lại quyền tôn trọng cho tất cả các họa sĩ Việt Nam” - họa sĩ Bùi Thanh Phương quả quyết.
Theo Chu Hồng Tiến