Có lẽ một trong những hạnh phúc lớn nhất của người dân Việt đang sống hôm nay là được nhìn thấy Thăng Long chẵn ngàn năm tuổi.
Không nhiều thủ đô trên thế giới có tuổi ấy. Vận nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng mệnh lệnh và ước mơ của vua Trần Nhân Tông đã được con cháu nhận lãnh. Ngàn năm qua, non sông vẫn "thiên cổ vững âu vàng". Chính vì thế mà gần mười năm nay, sự kiện trọng đại ngàn năm Thăng Long luôn được toàn dân quan tâm, mong ngóng và góp sức.
Nhưng đến giai đoạn nước rút của mười năm chuẩn bị, công việc xem ra vẫn còn rất bề bộn ngổn ngang. 35 công trình xây dựng trọng điểm may ra chỉ hoàn công được hơn một phần ba, số còn lại thì dang dở, cầm chắc là lỡ hẹn. Nhiều dự án nghệ thuật kỳ vọng để lại một dấu ấn văn hóa cũng chưa thấy đâu. Thể loại nghệ thuật quan trọng và thích hợp nhất là phim ảnh và sân khấu, sau nhiều tranh cãi vẫn chưa thấy rõ hình hài. Ngay cả việc chọn được một tổng đạo diễn 10 ngày lễ hội, đáng ra phải xong từ nhiều năm trước, cũng chưa được quyết định. Sắp cán đích đại lễ mà chúng ta vẫn chưa thể yên tâm với những món lễ vật và hương hoa dự tính đặt lên bàn thờ. Chuyện lỡ hẹn cũng có thể thông cảm nếu tâm sáng lòng thành, lực bất tòng tâm chứ không phải "nhân dịp" vụ lợi. Con gà hay con bò tế, thì về mặt tâm linh có khác gì nhau đâu. Điều đáng lo là làm chuyện gì mà vội thì sao tránh khỏi vấp đá quàng dây, thà đừng làm còn hơn! Hình như Hà Nội chưa tập hợp được tài năng và đang thiếu một nhạc trưởng vừa tầm với đại lễ.
Ngàn năm Thăng Long không chỉ dành để tưởng nhớ một ngày đại hồng phúc khi đoàn thuyền của Lý Thái Tổ dừng lại bên sông Hồng. Mà là một dịp để cả dân tộc nhìn lại lịch sử từ Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến ngày nay. Cả dân tộc cần dịp "ngàn năm có một" này để thức tỉnh lại hào khí Đông A vốn được gieo mầm từ hình ảnh con Rồng bay lên trong cái nhìn thấu suốt tương lai của Lý Thái Tổ. Đại lễ không chỉ tôn vinh Ngài mà còn làm cho con cháu hôm nay nhớ lại rằng, họ đã sinh ra trên một đất nước được hồi sinh từ sông Bạch Đằng của Ngô Quyền sau mười thế kỷ Bắc thuộc đầy ác mộng, đất nước ấy đã ba lần quét sạch vó ngựa quân Nguyên, đã nằm gai nếm mật mười năm để làm nên một Hội thề Đông Quan "cổ kim chưa hề có” (Lê Quý Đôn) xua sạch bóng quân xâm lược mà vẫn giữ được hơn 350 năm hòa hiếu cho đến ngày Tôn Sĩ Nghị bị Hoàng đế Quang Trung đuổi ra khỏi cõi, là "toàn dân đứng đều lên một ngày" sau 80 năm nô lệ, là cuộc chiến tranh nhân dân 30 năm vì độc lập tự do và danh dự dân tộc, là hành trình đẫm nước mắt, mồ hôi và máu để có được cuộc sống hôm nay. Thăng Long - Hà Nội là tâm điểm, là nhân chứng cho hơn một ngàn năm vinh quang lẫn cay đắng ấy.
Lẽ ra người ta đã lượng được sức mình hơn. Lẽ ra đến ngày đại lễ mà có thêm nhiều công trình thiết thực, làm nhẹ bớt được nỗi vất vả nhọc nhằn cho người Hà Nội cũng là người cả nước như bệnh viện, bến xe, trường học, Hà Nội thực sự xanh sạch đẹp hơn cả trên đường phố và trong kỷ cương phép nước; lẽ ra Hồ Gươm linh thiêng không còn nơm nớp lần này đến lần khác bị đe dọa bởi bóng ma của những ngôi nhà cao ngất rắp tâm vì lợi nhuận mà biến thắng cảnh độc nhất vô nhị thành một cái ao làng...
Có lẽ kỳ vọng là quá lớn và không thể làm trong một ngày. Nhưng với lòng biết ơn và ngưỡng mộ công đức của cha ông, với tình yêu Thăng Long - Hà Nội, mong rằng với 200 ngày còn lại, chúng ta còn kịp tạo được một cảm hứng lịch sử cho một dân tộc từng biết phải làm gì để bảo vệ được danh dự và tương lai của chính mình hơn là những sản phẩm của tư duy vụn vặt, khoa trương và lãng phí.
Thanh Tùng.