Nói đến nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam không thể không nói đến NSND Đàm Liên. Bà là diễn viên tuồng sớm nổi tiếng, được phong danh hiệu NSND.
Công chúng nhớ bà qua hàng loạt vai diễn: Trưng Trắc (vở "Trưng nữ vương"), Liễu Nguyệt Tiêm ("Đào Phi Phụng"), Ái Nương ("Trần Bình Trọng"), Loan Dung ("Lý Phụng Đình")… Đặc biệt là tiết mục "Ông già cõng vợ đi hội" mà bà liền lúc sắm 2 vai (ông già 70 và cô vợ 17) trên sân khấu đã làm khán giả mê mẩn suốt từ năm 1980 đến tận hôm nay. Tiết mục ấy đã làm bà luôn gần gũi công chúng và như trẻ mãi không già.
- Lâu nay bà vẫn diễn "Ông già cõng vợ đi hội" chứ? Đầu đuôi thế nào mà bà có một tiết mục "độc" như thế? - tiết mục mà trước bà chưa thấy và sau bà chắc không ai dám bắt chước?
- Đúng là trước tôi chưa có ai diễn. Nhưng nói sau tôi không ai dám làm thì không ổn, vì tôi rất tin ở thế hệ trẻ hôm nay có nhiều em có tài, chắc chắn họ sẽ tập và diễn khi tôi không thể tiếp tục công việc vì tuổi tác và sức khỏe. Và biết đâu họ còn diễn hay hơn tôi nếu biết rút kinh nghiệm, tìm tòi, sáng tạo. Tiết mục ấy là một kỷ niệm mà tôi không bao giờ có thể quên trong đời.
|
NSND Đàm Liên trong tiết mục "Ông già cõng vợ đi hội"
|
Bây giờ chồng hơn vợ chừng ấy tuổi là thường, nhưng lúc đó sự chênh lệch này rất hy hữu khiến nhiều người đàm tiếu. Về nhà tôi nói với Vĩnh An băn khoăn của mình, chẳng những anh không buồn bực, can ngăn mà còn động viên tôi: "Em chẳng nên nghĩ xấu về anh ấy như thế. Người ta muốn thử sức và gửi gắm niềm tin vào em. Hãy nhận và cố gắng hết mình. Anh tin em sẽ thành công".
Nghệ sỹ Mẫn Thu lúc ấy cũng cổ vũ: "Đàm Liên, cậu đóng đi! Vai khó mà làm được mới giỏi chứ!". Được chồng và bạn khích lệ, tôi đã nhanh chóng xua đi mặc cảm để lao vào tập vai.
- Hẳn là bà đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tập luyện vai diễn?
- Cái khó riêng ở tiết mục này là không hề có trình thức (hiểu nôm na là mẫu) để học, để bắt chước. Tôi hoàn toàn tự mày mò, sáng tạo, cùng lúc phải vào 2 vai, ông già và cô gái trẻ. Phải cười nói sao cho người xem nghĩ là giọng của 2 diễn viên. Thân hình thì phải chia làm đôi để có một tấm lưng trẻ, một đôi chân già.
Phải tập cho ra cái chân ông già cõng vợ, tức là phải run rẩy, lẩy bẩy, lại phải khuỳnh khuỳnh… Bí quá, có lúc tôi ngồi thừ ra ghế, không muốn cười hát nữa. Mẹ tôi thấy vậy lại nhắc "Kìa Liên! Sao con ngồi thế kia?". Nghe tiếng mẹ, tôi chợt nghĩ ra: Phải rồi, mình sẽ thử cõng mẹ mình xem sao. Mẹ khi ấy nặng gấp rưỡi tôi nên chân tôi lập bập, người mẹ tụt xuống, tôi phải xốc lên. Cứ thế, cứ thế… cuối cùng tôi tìm ra cách "cõng" cho nhân vật.
Sáng hôm sau đến đoàn, tôi tập cho đạo diễn Ngọc Phương xem, anh rất hài lòng và bổ sung, gợi ý cho tôi thêm bớt chút xíu, nhất là chú ý diễn lúc ông già cõng vợ nhảy qua rãnh nước, trèo dốc… Cái khó nữa là tiết mục này mang tính chất tuồng dân gian, phải diễn sao cho không tùy tiện, cần nghiên cứu kỹ kẻo dễ "râu ông nọ cắm cằm bà kia".
- Bà còn cả tiết mục cười những 36 kiểu. Đó là tiết mục độc lập?
- Tất nhiên là cười trong tuồng. Đấy chính là từ hai vai trong tiết mục này mà tôi phải nghĩ tới những cung bậc cười rất phong phú cho 2 nhân vật. Tôi đã kế thừa 36 điệu cười của cố NSND Sáu Lai ở tuồng Nam và cố gắng sáng tạo thêm: cười khoái chí, cười khẩy, cười gượng, cười giễu, cười ghen của ông chồng già và cười thích thú, cười nũng nịu, cười nịnh chồng, cười ve vãn thằng đến tán tỉnh mình của cô vợ trẻ.
- Bà là một nghệ sỹ gặt hái được nhiều thành công, là một phụ nữ thành đạt, bà có cho rằng đó không chỉ là sự may mắn mà là sự khổ công?
- Để có được ngày hôm nay, tôi tự thấy mình đã có một quãng đời phấn đấu không biết mệt mỏi, phải đi trên chính đôi chân của mình, phải đổ mồ hôi, có khi cả nước mắt. Quả là thành công chẳng dễ chút nào.
- Bà nói cả nước mắt?
- Vâng, bởi không phải lúc nào cuộc sống cũng suôn sẻ và không phải ai cũng dễ dàng ủng hộ, cảm thông. Bên cạnh những lãnh đạo và đồng nghiệp tốt, không phải không có những hiềm khích, đố kỵ, mà những điều này luôn là vật cản vô hình trong đời.
- Nhưng bà lại có những thuận lợi khác mà không phải nữ diễn viên nào cũng có. Ít nhất bà có người bạn đời làm nghệ thuật, cảm thông và hiểu bà?
- Đúng thế! Tôi may mắn có anh ấy. Vấn đề không phải do anh ấy là nhạc sỹ mà là đã thực sự thương và trân trọng công việc của tôi. Vĩnh An đã can dự một tỷ lệ lớn vào những thành công của tôi. Chính vì thế mà đã 12 năm vắng anh ấy, tôi vẫn chưa nguôi niềm tiếc thương không gì bù đắp nổi.
- Cuộc sống bây giờ của bà thế nào?
- Tôi sống một mình. Đứa con gái duy nhất của chúng tôi đã có gia đình riêng, ở xa. Tôi vui với công việc, rất may là tôi luôn bận bịu với lịch diễn và các cuộc nói chuyện, giảng dạy ở các nơi.
- Hiện tại, bà đang dành tâm trí cho công việc gì?
- Tôi vừa ghi hình một trích đoạn trong vở "Trưng nữ vương". Vở này tôi đã vào vai Trưng Trắc từ năm 1959, lúc mới 15 tuổi. Tôi cũng đang làm việc cho Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, một tuần phải có mặt vài buổi.
(Ảnh: Người Viễn Xứ) |
Ngoài ra được mời làm cố vấn kiêm biểu diễn tuồng trong chương trình "Giai điệu Việt Nam" vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Thời gian còn lại thì nhận lời mời đi nói chuyện, giảng bài và biểu diễn.
- Hẳn bà có nhiều học trò. Bà có băn khoăn gì về thế hệ nghệ sỹ trẻ hôm nay không?
- Đã mấy chục năm lăn lộn với nghề, hẳn nhiên là tôi có nhiều học trò. Chỉ xin nhắc tới một số: Minh Gái, Hương Thơm, Thu Vân, Thu Hà… đều là nghệ sỹ ưu tú. Về lứa diễn viên trẻ hôm nay, tôi yên tâm về họ, vì họ được tạo mọi điều kiện học hành, có trường lớp, thày dạy bài bản. Băn khoăn có chăng chỉ là việc không biết họ có sẵn sàng "sinh ư nghệ, tử ư nghệ" hay không.
Các bạn trẻ bây giờ sung sướng hơn chúng tôi ngày trước. Cuộc sống vật chất, phương tiện đầy đủ khiến họ ít có dịp gần gũi công chúng. Bây giờ đi diễn ở đâu, các bạn đều ăn nghỉ ở khách sạn, nhà nghỉ, ít nhất cũng nhà khách cơ quan. Còn ngày trước, chúng tôi ngủ cùng bà con, có khi ngủ ở sân khấu, hội trường, sân hợp tác hoặc bất cứ chỗ nào có thể.
Chính vì vậy mà thế hệ chúng tôi hiểu công chúng hơn. Điều này rất quan trọng, giữa nghệ sỹ và công chúng mà có sự gần gũi thì hiệu quả biểu diễn sẽ nâng cao gấp bội. Cũng vì thế mà khó có chuyện người ta quay lưng lại với nghệ thuật sân khấu.
- Theo bà, yếu tố nào làm nên sự thành đạt của một phụ nữ nói chung và của một nữ nghệ sỹ nói riêng?
- Tài năng thiên bẩm cộng với sự khổ luyện, thêm sự giúp đỡ, ủng hộ của những người có trách nhiệm. Riêng với phụ nữ, gia đình, trong đó vai trò của người chồng hết sức quan trọng.
- Trong thời kinh tế thị trường hôm nay, bà nghĩ thế nào về tương lai của tuồng?
- Với lòng yêu say nghề nghiệp của nghệ sỹ, sự quan tâm chấn hưng nền nghệ thuật dân tộc của Nhà nước, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao thì không có lý do gì tuồng lại không được bảo tồn và phát triển.
- Xin cảm ơn bà và chúc bà trẻ mãi không già với nghệ thuật tuồng!
Nguyễn Thị Diệp