Thành lập Hội Nghệ sĩ hát: Mỗi ca sĩ một tâm trạngNhiều ca sĩ băn khoăn không biết hội thành lập có giúp họ giải quyết những khó khăn trong nghề hay cũng chỉ là một tổ chức mang tính “hội hè”.

Để thuyết phục giới nghệ sĩ cùng tham gia cuộc gặp gỡ đầu xuân với mục tiêu thành lập Hội nghệ sĩ hát, NSND Thanh Hoa cho rằng, các ngành nghệ thuật đều có hội chuyên ngành, theo đó, ca sĩ chuyên nghiệp cũng cần một cơ quan chuyên môn định hướng và bảo vệ quyền lợi, giúp họ yên tâm hoạt động nghề nghiệp.

Hiện thực hóa mong muốn

 

Chứng minh tầm ảnh hưởng của nghề hát đối với xã hội và lý do vì sao cần thiết phải thành lập một hội dành riêng cho những người ca hát, NSND Thanh Hoa chỉ ra, trong hầu hết hoạt động văn hóa nghệ thuật, sự hiện diện của ca sĩ luôn nhận được sự hưởng ứng đông đảo của công chúng. Vì lòng yêu mến này, công việc của nghệ sĩ hát đã nhanh chóng gây nên làn sóng “học theo, làm theo thần tượng”, tạo nên định hướng thẩm mỹ âm nhạc và “chuẩn hóa” lối sống của một bộ phận không nhỏ nhân dân.

Theo nhận định của nghệ sĩ Thanh Hoa, nếu thẩm mỹ âm nhạc của ca sĩ tốt, điều đó sẽ đem lại một lượng công chúng sở hữu “tai nghe” tích cực, và ngược lại. Đồng tình với ý kiến này, NSƯT Quang Lý cho rằng, vì chủ yếu hoạt động bề nổi nên hình ảnh của ca sĩ dễ ảnh hưởng đến đời sống công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Theo đó, cách ăn mặc, ứng xử của “thần tượng” có phần đóng góp lớn vào việc hình thành nhân cách, thói quen của không ít khán giả, nhất là lớp khán giả mới lớn. “Về lâu dài, việc thành lập Hội Nghệ sĩ hát đem lại ích lợi lớn cho xã hội”, NSƯT Quang Lý nói.

Theo nhạc sĩ Lê Quang, ước muốn có một hội nghề nghiệp đã nhen nhóm từ rất lâu trong giới làm nghề. Chương trình Singer’s Day được tổ chức lần đầu tiên năm 2006 đã cụ thể hóa mong muốn này, tuy nhiên vì nhiều lý do, hội của những nghệ sĩ hát chưa có cơ hội hiện thực hóa.

Thành lập Hội Nghệ sĩ hát: Mỗi ca sĩ một tâm trạng_0
 Ca sĩ Đức Tuấn

Cần giảm bớt cái tôi cá nhân

Là người khởi xướng, NSND Thanh Hoa cho rằng, cốt lõi của mọi khó khăn trong quá trình tuyên truyền thành lập hội là làm thế nào để dung hòa được nhiều cái tôi “quá lớn” trong làng ca sĩ thành một khối. “Đây là việc không dễ dàng. Vấn đề chỉ được giải quyết khi mỗi người tự thu bớt cá tính, cùng hướng tới lợi ích chung”, nghệ sĩ Thanh Hoa chia sẻ. Vì khó khăn này, nên dù tiêu chí và mục đích đã được người khởi xướng khẳng định “để bảo vệ và phát triển thương hiệu, sự nghiệp cho nghệ sĩ”, nhưng khá nhiều người hoạt động trong nghề vẫn chưa hết băn khoăn về tính khả thi của dự án. 

Thành lập Hội Nghệ sĩ hát: Mỗi ca sĩ một tâm trạng_1
 Ca sĩ Mỹ Lệ

Ca sĩ Đức Tuấn cho rằng, ngay tại TP HCM, số hội viên tham gia hội âm nhạc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo anh, một hội nghề nghiệp chỉ thành công khi lấy mục tiêu bảo vệ quyền lợi của hội viên làm trọng. “Ca sĩ vốn hoạt động độc lập, sự cạnh tranh trong giới phức tạp, vì thế khó có thể tìm được sự cân bằng về lợi ích giữa những người làm nghề”, anh nói. Theo ca sĩ Đức Tuấn anh cần có thời gian kiểm chứng sự thực thi những tiêu chí đề ra của hội trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.

Ca sĩ Mỹ Lệ thừa nhận: “Những nghệ sĩ hát chúng tôi đang rất bơ vơ”. Chị ủng hộ việc thành lập hội, nhưng cũng cho rằng, chỉ khi “giải quyết được những tranh chấp giữa bầu show với ca sĩ, hoặc những bất đồng có thể xảy ra mà bản thân ca sĩ một mình không thể làm được” thì việc hội thành lập mới có ý nghĩa. Hầu hết ca sĩ miền Nam đều thống nhất ý kiến, tiêu chí hoạt động mới là cơ sở để họ quyết định tham gia hiệp hội hay không, chứ thành lập hội chỉ để có một tổ chức, hay một dịp để gặp gỡ đồng nghiệp không phải là mục tiêu họ hướng đến.

TheoĐất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC