Sẽ chẳng có sự thật nào là sự thật nếu nó còn đang được giấu kín. Và ngay cả khi sự thật ấy bị lộ ra ngoài, vì một nguyên nhân khách quan nào đó thì khán giả cũng chỉ được biết một phần của sự thật.
Khi sàn chứng khoán liên tục phá đáy, TS Alan Phan và cộng sự của ông có một quyết định khá “ngược đời”: Tổ chức ngày hội chứng khoán. Khởi nguyên của ý tưởng này là từ câu nói của tỷ phú Warren Buffet: “Nên sợ khi thiên hạ tham; vả nên tham khi thiên hạ sợ”.
Chia sẻ về hành động “ngược đời” và có vẻ như liều lĩnh này, TS Alan Phan nói: “Người Việt Nam bị chi phối bởi tâm lý đám đông. Chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho các nhà đầu tư hiểu thêm về chứng khoán và ý thức rõ hơn về quyền lợi của mình khi tham gia đầu tư”.
Ông cũng nói rằng, khi các công ty chứng khoán “làm bậy”, nhà đầu tư chỉ biết thụ động chờ sự can thiệp của nhà nước chứ không ngay lập tức tự đứng dậy đòi quyền lợi như nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân của sự yếm thế này, một phần lớn là do thiếu thông tin.
Có vẻ khập khiễng khi so sánh các nhà đầu tư chứng khoán của Việt Nam với những khán giả đang theo dõi chương trình Giọng hát Việt đang phát sóng trên VTV3 bởi khán giả không phải là những người đầu tư tiền của cho The Voice lên sóng mà là VTV và Cty Cát Tiên Sa.
Thế nhưng chính khán giả là những người đã đầu tư thời gian và lòng tin cho chương trình giải trí đang được coi là nóng bậc nhất này. Nếu không có khán giả, liệu chương trình ấy có được lượng rating cao chót vót và những plot quảng cáo nhiều hơn cả thời lượng dành cho nội dung chương trình như vậy không? điều này chính BTC chương trình là những người hiểu rõ nhất.
Kết quả đã được dàn xếp hết rồi, đừng đợi chờ gì nữa!
Mọi thứ vẫn cứ sẽ yên ả nếu không nổ ra scandal bị nghi là dàn xếp kết quả của The Voice. Điều hấp dẫn nhất khi xem một show truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng đó là gì? Đó là việc chờ đợi kết quả cuối cùng. Thế nhưng cái clip ấy đã tiết lộ một sự thật: Kết quả cuối cùng ấy được dàn xếp hết rồi, đừng đợi chờ gì nữa.
Thực ra, việc dàn xếp kết quả ở những chương trình truyền hình thực tế trên toàn thế giới là việc hoàn toàn bình thường bởi những người làm chương trình có quyền tạo nên sự hấp dẫn cho chương trình của mình. Người ta gọi đó là sự dối trá ngọt ngào. Ngọt ngào bởi dù có dàn xếp, thì người chiến thắng cuối cùng phải thỏa mãn được sự mong đợi của công chúng và cũng là tiêu chí của chương trình: Đó phải là người tài năng nhất, người tỏa sáng nhất hay ít nhất là người tổng hòa được các yếu tố ấy nhiều nhất.
Thế nhưng, sự thật được tiết lộ trong clip kia lại là một sự dối trá không hề ngọt ngào với khán giả, mà ngược lại nó đắng ngắt. Là bởi vì, sự thật được tiết lộ qua clip ấy cho thấy, người chiến thắng không phải bằng tất cả những thứ đã được liệt kê ở trên.
Khán giả là những người đang hoang mang. Những thí sinh tham dự cuộc thi ấy cũng hoang mang. Bởi họ không biết đằng sau clip không thiện chí kia là một sự thật; hay chỉ là một sự dối trá?
Khi khán giả bị đánh cắp niềm tin
Việc tổ chức một buổi họp báo là một nước cờ sáng suốt của BTC. Bởi trong khi tất cả đang hoang mang, thì việc có được thông tin chính thống từ BTC chuyển đến độc giả thông qua các nhà báo là điều hết sức cần thiết trong lúc này.
Khi một phóng viên đặt câu hỏi: "BTC nghĩ sao khi tôi cho rằng khán giả mới là nạn nhân của scandal này? Làm thế nào để lấy lại niềm tin đã mất?" thì câu trả lời khiến cho tất cả các phóng viên có mặt trong buổi họp báo chưng hửng: “Khán giả mất niềm tin là do phóng viên”.
Theo như lý luận ấy, lẽ ra phóng viên hãy đừng đưa tin về cái clip kia thì khán giả sẽ không mất niềm tin. Và phải chăng theo như suy luận ấy, nếu như các phóng viên không quá “cưng chiều” đưa quá nhiều thông tin về chương trình này thì có lẽ khán giả đã không đặt quá nhiều niềm tin, không dành quá nhiều sự ưu ái để rồi bị mất niềm tin như thế, bị thất vọng nhiều như thế?
Không thể phủ nhận, clip mới được tung lên đã khiến cho The Voice phải đối mặt với một sự khủng hoảng về truyền thông. Điều cần làm nhất bây giờ không phải là đổ lỗi ai đúng, ai sai mà là giải quyết cơn khủng hoảng đó.
Và việc mà ngay cả một người không có kiến thức về truyền thông cũng hiểu là cần phải làm ngay đó là: cho khán giả biết clip kia là sự thật hay chỉ là sự ác ý. Nếu trong đó có một phần sự thật, thì sự thật đó chiếm bao nhiêu phần trăm? Cung cấp sự thật trong trường hợp này và giải quyết triệt để nó, lấy lại lòng tin của khán giả là cách thức tốt nhất. Và điều khán giả cần, là một sự thật, chứ không phải là một vở kịch, một sự dối trá được dàn dựng để che lấp cho những sự dối trá khác, nếu có.
Tâm lý đám đông bao giờ cũng có hai mặt của nó. Cách thức mà BTC The Voice đang giải quyết khủng hoảng do clip kia gây ra rõ ràng là vòng vo và không sòng phẳng với khán giả yêu thích chương trình. Phải chăng, chẳng có sự thật nào là sự thật nếu nó còn đang được giấu kín. Và ngay cả khi sự thật ấy bị lộ ra ngoài, vì một nguyên nhân khách quan nào đó, thì khán giả cũng chỉ được biết một phần của sự thật?
Đối đầu với truyền thông và lấp liếm với khán giả chỉ càng làm cho tình hình thêm tồi tệ. Khán giả từng ưu ái, yêu quý chương trình thì họ cũng có thể quay lưng khi bị đánh cắp niềm tin.
Hơn ai hết, BTC là người hiểu rõ nhất họ sẽ được và mất gì nếu điều đó xảy ra.
Theo Vietnamnet.