Theo luật sư, các TikToker làm video "review", "recap" phim là hành vi vi phạm quyền tác giả và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhiều TikToker đang "xây kênh", kiếm tiền bằng việc làm các video "review", "recap" tổng hợp hoặc cắt ghép từ tác phẩm điện ảnh, truyền hình. Hành vi này đang bị giới điện ảnh, nhà phát hành phản ứng vì xâm hại bản quyền và thay đổi cách thưởng thức nghệ thuật theo hướng tiêu cực.

Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết việc các TikToker sử dụng video trích từ nhiều bộ phim rồi lồng ghép lời dẫn và đăng trên TikTok là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Người làm nội dung trên TikTok có thể phải đối mặt với trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự.

TikTok bị phạt tiền khi "review" phim Việt trái phép

Luật sư Nguyễn Hữu Toại chỉ ra theo Khoản 7 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ quy định hành vi "Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này" là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

"Như vậy nếu những TikToker sử dụng video trích từ bộ phim rồi lồng ghép lời dẫn và đăng trên kênh cá nhân không thuộc Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao quy định tại Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ thì hành vi đó là hành vi vi phạm quyền tác giả", luật sư Nguyễn Hữu Toại nói.

1 Tiktoker Bi Xu Phat The Nao Khi Lam Video Review Cat Ghep Phim Viet

Nhiều phim Việt bị xâm phạm bản quyền trên TikTok.

Trong khi đó, theo luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM), trường hợp các cơ quan quản lý Nhà nước xác định hành vi này là vi phạm bản quyền, vi phạm quyền tác giả thì TikToker sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định ở Điều 10, Điều 16 và Điều 18 tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/5//2017.

Luật sư cho biết theo Điều 10, mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, TikToker bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, người làm nội dung còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 10.

Theo Điều 16, TikToker bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

Ở Điều 18, mức xử phạt là 15 đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Đồng thời, người làm nội dung phải dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1.

Luật sư chỉ ra, về trách nhiệm dân sự, khi tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm bản quyền tác giả của chủ thể quyền và bị khởi kiện ra tòa án dân sự thì tòa án có thể áp dụng các biện pháp sau: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại; Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, trong quá trình tố tụng, nếu thấy cần thiết tòa án còn có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: Thu giữ; kê biên; niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển; cấm chuyển dịch quyền sở hữu.

"Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017, nếu TikToker không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi như xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hàng hóa vi phạm trị giá 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến dưới 3 năm", luật sư cho hay.

Giải pháp xóa bỏ vấn nạn xâm hại phim ảnh trên TikTok

Trước thực trạng review" (thực chất là "recap") phim trong video ngắn 3-5 phút hoặc 10 phút tràn lan trên mạng xã hội TikTok, luật sư Nguyễn Hữu Toại cho rằng để đẩy lùi vấn nạn này cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan quản lý Nhà nước, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.

Ngoài ra các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm cần sử dụng công cụ pháp lý hiệu quả để bảo vệ quyền tác giả, bản quyền đối với tác phẩm của mình. Đồng thời những người sử dụng TikTok cần ý thức việc tuân thủ pháp luật, không sử dụng video, các đoạn phim khi chưa được chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu đồng ý trừ các trường hợp quy định tại Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ.

2 Tiktoker Bi Xu Phat The Nao Khi Lam Video Review Cat Ghep Phim Viet

Nhiều phim Việt bị xâm hại trên TikTok. Ảnh: ĐPCC.

Chung quan điểm, luật sư Trần Bá Học cho rằng cần xây dựng quy chế sử dụng tác phẩm chi tiết và chặt chẽ sẽ đảm bảo việc xác định được người làm lộ, thất thoát thông tin bản quyền ra bên ngoài, ràng buộc nghĩa vụ với các cá nhân được doanh nghiệp giao quản lý tác phẩm thông qua hợp đồng, văn bản.

Đồng thời xây dựng hệ thống báo cáo vi phạm trên nền tảng website, sử dụng công cụ AI để phân tích nội dung, cảnh báo vi phạm và kịp thời ngăn chặn nội dung vi phạm.

Nhà nước cần thành lập các cơ quan chuyên trách nắm vai trò chủ đạo trong xử lý vi phạm hoạt động "review phim" trá hình, điều tra, rà soát, các trường hợp vi phạm cụ thể, mức độ vi phạm và đề ra biện pháp xử lý thích đáng, nhanh chóng gỡ bỏ các video có dấu hiệu sai phạm, yêu cầu bồi thường tổn thất, chấm dứt hành vi vi phạm nhằm tăng tính răn đe, nâng cao ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra nên tăng cường giáo dục nhận thức người dân đối với vấn đề vi phạm bản quyền, tôn trọng quyền sở hữu của tác giả, tôn trọng tác phẩm chân chính để mỗi người dân có sự lựa chọn thông minh, sáng suốt hơn đối với các sản phẩm giải trí, không tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Trần Bá Học, nên xây dựng một không gian cởi mở như các hòm thư điện tử, trang quản lý để bất cứ ai khi phát hiện sai phạm đều có thể báo cáo vi phạm, hỗ trợ các cơ quan chức năng tiếp cận được nhiều hơn, rộng hơn những hành vi vi phạm.

Theo: ZING.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC