Với bài hát Mất em because I’m stupid có câu nhấn “Nếu khi xưa anh không là bạn thân để nói yêu em, thì hôm nay I want crying for you, Noo Phước Thịnh từ một người mẫu trở thành giọng ca có tiếng.
Hát lại nhạc ngoại với lời Việt hay hát nhạc Việt lời ngoại đã thành quá khứ. Thị trường âm nhạc đang chứng kiến sự bùng nổ của phong trào cũ mà mới: lời Việt trộn lẫn lời nước ngoài.
“Nửa ngô nửa khoai”
Sau Mất em because I’m stupid "nửa ta nửa tây" từ tựa đề, Noo Phước Thịnh mới đây tung ra Gần bên anh, cover từ Stand by me của ca sĩ Hàn Quốc SHINee. “Together make it love, Forever make it your smile/ Nụ cười ấy trong lòng anh mãi không phai/ Together make it love, Forever make it your smile/ Một ngày ước mơ được có em được bên em”. Ngay lập tức trên nhiều diễn đàn âm nhạc nổ ra cuộc tranh cãi. Nickname hoangtucoc viết: “Lời Việt hay thật đấy, rất gần với tâm trạng, cứ như đó chính là mình vậy”. Không đồng ý, nickname ivanho lên tiếng: “Nghe bản gốc rồi mới thấy bản tiếng Việt dở quá. Nửa tây nửa ta gây phản cảm”.
Trên internet, nữ ca sĩ Đông Nhi nhanh chóng chiếm cảm tình của cư dân mạng với những ca khúc kiểu “dâu tây, hoa hồng”. Cô quyết tâm gia nhập làng nhạc Việt chuyên nghiệp với album đầu tay, nhưng vì nhiều lý do nên chưa thực hiện được. Trước sự trông đợi của các fan, Đông Nhi viết lời xin lỗi thành những nốt nhạc trong ca khúc Bối rối. Bốn đoạn nhạc giống nhau về giai điệu, nổi bật bằng slogan “Baby, please don’t leave me alone” và hình ảnh Đông Nhi với chiếc váy ballet trắng trên sân khấu ngay lập tức phủ sóng khắp các kênh truyền hình âm nhạc.
Đông Nhi, Noo Phước Thịnh – cặp nam nữ ca sĩ mới nổi ở dòng nhạc trẻ. |
Nhạc sĩ Ngọc Sơn, chủ nhân ca khúc Anh number one, khẳng định xu hướng ca từ “lai” đã có từ rất lâu trên thế giới. Anh cho rằng ở Việt Nam, mình đã “đi trước thiên hạ” khoảng thời gian dài và tự hào khi nhiều ca khúc trộn lời của anh được bạn trẻ yêu mến, có sức sống lâu bền. Anh cũng cho rằng, có những bài hát nếu sáng tác hoàn toàn bằng lời Việt thì nghe rất nhạt. Chẳng hạn, với câu "anh number one đẹp trai dễ thương”, nếu không phải chữ number one thì sẽ là chữ gì cho “hợp và duyên” như vậy?
Tự hào hát ca khúc thuần lời Việt
Cổ vũ phong trào đưa lời ngoại vào ca khúc Việt, ca sĩ Đức Tuấn cho rằng, điều quan trọng nhất là nhạc sĩ viết ra sao, lời lẽ phù hợp hay không. Từng đôi lần hát thể loại này, Đức Tuấn chia sẻ, những câu như “Tạm biệt người yêu dấu ơi, chúc em đêm nay ngủ ngon, bye good night” rất duyên dáng và có ý nghĩa, khiến ai nghe cũng cảm thấy yêu mến. Thừa nhận có không ít ca khúc gây phản cảm khi sử dụng quá nhiều lời ngoại, nhưng Đức Tuấn vẫn bày tỏ sự khuyến khích những sáng tác đậm dấu ấn cá nhân.
Theo anh, người hoạt động âm nhạc có quyền thể hiện mọi sở thích, dù lạ đến mấy, miễn sao thỏa mãn đam mê. Một cách công bằng, sự tồn tại lâu bền hay chết yểu của ca khúc sẽ chứng minh sáng tạo đó có đúng đắn hay không. “Một ca khúc hay, đơn giản chỉ là hay, tự nó sống cùng thời gian mà không cần bất kỳ lời chê bai hay khen ngợi nào”, Đức Tuấn nói.
Không bình luận về ca từ “nửa tây nửa Việt”, ca sĩ Tùng Dương chia sẻ, anh nhất quyết không để mình rơi vào “ma trận” này. Nếu hát ca khúc nước ngoài, Tùng Dương sẽ chọn cách hát nguyên bản chứ không dịch ra lời Việt. Theo "Sao Mai" này, sự lai căng hai ngôn ngữ khiến anh dị ứng. “Ca khúc hai thứ tiếng mang tới lợi ích về mặt giao lưu, giúp người nghe dễ tiếp cận hơn, nhưng đồng thời khiến vẻ đẹp nghệ thuật chẳng còn ý nghĩa”, anh nói. Với Tùng Dương, chẳng lý do nào khiến anh phải lựa chọn một ca khúc “nửa ngô nửa khoai”, bởi “chỉ có tiếng Việt mới khiến ca khúc đậm hồn Việt, điều mà bất kỳ thứ ngôn ngữ nào cũng không thể truyền tải nổi”.
Trước giả định phải hát một ca khúc Việt có lời ngoại, ca sĩ Phương Anh cho biết, chị sẽ lựa chọn kỹ lưỡng trước khi quyết định. Chị chia sẻ nỗi lo lắng gây phản cảm cho người nghe nếu phải thể hiện một ca khúc “câu từ vốn sáo rỗng, lại thêm những oh baby vô nghĩa”. Vì lẽ này, “cần cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đánh cược hình ảnh của mình với một ca khúc Việt có lời ngoại”, Phương Anh cảnh báo.
Theo Đất Việt.