Truyện tranh cho trẻ em: Còn lắm ngổn ngang!Những hình ảnh yêu đương trụy lạc và các hành vi bạo lực đang dần trở nên quen thuộc với mọi lứa tuổi thiếu niên nhi đồng ở nước ta.

Ai cũng biết truyện tranh bấy lâu nay là món quà đáng yêu và gần gũi đối với các em thiếu niên và nhi đồng.

Hàng loạt các bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc... ồ ạt xâm nhập vào nước ta tạo nên một thị trường khá sôi nổi nhưng lại không thể kiểm soát được với những hậu họa khó lường.

Ngoài những bộ sách có nhiều điều bổ ích về tinh thần, còn có sự bùng nổ hàng trăm bộ sách rất lộn xộn và tạo nên một thế giới với những siêu nhân giả tưởng, làm băng hoại cảm xúc của thế giới tinh thần trẻ thơ.

Dường như, gần 30 nhà xuất bản (NXB) quen thuộc, đặc biệt từ miền Trung trở vào, đua nhau xuất bản hàng loạt bộ truyện tranh nhằm kiếm lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Họ có biết đâu những độc giả nhỏ tuổi đã bị ám ảnh với những hình ảnh nhảm nhí đầy bạo lực như Vụt, Soạt, Bịch, Phập, Xoẹt, Á...Á...

Đến nay không gia đình nào không có những bộ truyện tranh để cho các em đọc. Cha mẹ cứ vô tư mua không hề kiểm tra nội dung và luôn nghĩ rằng đó chỉ là truyện trẻ con. Nhưng họ có biết đâu nhiều bộ truyện tranh đã là cẩm nang cho những hành xử vô luân và tàn bạo của con trẻ.

Những hình ảnh yêu đương trụy lạc và các hành vi bạo lực đang dần trở nên quen thuộc với mọi lứa tuổi thiếu niên nhi đồng ở nước ta.

Mới đây, để phần nào cứu vãn tình trạng lộn xộn này, một số NXB đã cố gắng đưa ra sự phân loại các lứa tuổi đọc truyện tranh, được ghi trên bìa sách. Việc làm này trên thế giới cũng đã từng thực thi, trên logo các NXB phải ghi sách thích hợp với lứa tuổi nào, ví dụ 5+ (từ 5 tuổi trở lên), 7+, 9+...

Ở Việt Nam, NXB Trẻ và Kim Đồng cũng đã từng làm, nhưng điều quan trọng sự quy định này đâu dễ trở thành hiện thực, bởi lẽ kết quả lại thuộc về chất lượng nội dung sách được làm ra sao.

Thậm chí việc dán nhãn quy định ấy càng làm sự việc thêm rắc rối vì những truyện tranh của Việt Nam yếu kém sơ sài với số lượng xuất bản ít, còn các bộ truyện tranh của nước ngoài lại đầy rẫy hình ảnh kích thích sự hiếu kỳ trong tình dục và quái lạ trong cách hành xử của giới giang hồ nên càng làm các em ở mọi lứa tuổi tìm mua.

Và nữa khi du nhập ấn hành không ít các NXB ở ta đã còn có những nhầm lẫn nên đối tượng đọc các lứa tuổi cũng đã bị đánh tráo.

Vì sao các bộ truyện tranh Việt Nam bị buông xuôi và vì sao các NXB lại đổ xô vào việc in vội vàng bất cứ bộ truyện tranh nào của nước ngoài? Thực tế, các bộ truyện tranh của ta chỉ chiếm khoảng 10 - 15% trong thị trường hiện nay, vì nội dung được làm khá đơn giản và nghèo nàn về cách thức diễn đạt nên khó thu hút được độc giả nhỏ tuổi.

Bên cạnh đó giá sách cũng là một vấn đề nan giải hiện nay. Giá sách đẹp bìa cứng, một cuốn truyện tranh cũng đã bán từ 20.000 - 25.000đ. Sau này bản in có mỏng đi để chia ra thành các tập nhỏ thì cũng với giá 4.000 - 5.000đ, vậy để mua cả bộ khoảng 30 tập thì các bậc phụ huynh vẫn phải chi phí tới 150.000đ. Một con số không hề nhỏ.

Mặc dù hiện nay, vì Công ước Béc-nơ, nhiều NXB đã có quan tâm phần nào tới truyện tranh của các tác giả VN, nhưng về nội dung và chất lượng in cũng chưa được chú ý. Nhiều bộ truyện ưu tiên nhiều cho phần lời, còn tranh vẽ vừa ít vừa không hấp dẫn.

Đề tài thì quanh quẩn với những chuyện lịch sử, cổ tích dân gian quen thuộc, quá nặng về rao giảng đạo lý khô cứng, quên đi tính giải trí. Đặc biệt đội ngũ hoạ sĩ vẽ truyện tranh lại yếu kém, không được đào tạo vẽ truyện tranh chuyên nghiệp.

Vậy là trên thực tế, thị trường truyện tranh cho trẻ em ở VN lại càng thêm nhộn nhạo vì các NXB không còn được thả sức thao túng như trước. Trong khi đó những người làm sách lậu lại tha hồ “luộc” lại các bộ truyện tranh vô bổ và thậm chí còn độc hại với chất lượng in rất thấp.

Đứng trước tình trạng rắc rối và bị động như hiện nay, người đọc là các em nhỏ chỉ còn trông cậy và các bậc cha mẹ luôn biết chọn lọc các bộ truyện tranh cho con cháu một cách thận trọng hơn.

Theo Cảnh Linh


Sức khoẻ-Đời sống

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC