Trong suất chiếu đầu tiên của phim "Trăng nơi đáy giếng" tại TP HCM đầu tháng 3, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ với báo giới về bộ phim vừa đoạt giải Cánh Diều Bạc cũng như suy nghĩ của anh về chuyên môn.
- Anh có thể giải thích rõ hơn về bối cảnh thời gian diễn ra câu chuyện trong "Trăng nơi đáy giếng"?
- Cậu chuyện trong phim diễn ra ở bối cảnh hiện tại, nhưng mục đích của tôi là mô tả dấu vết của đời sống Huế những năm 1950-60 vẫn còn lưu dấu đến ngày hôm nay. Chính vì thế, khi xem phim các bạn có thể thấy hình ảnh ngôi nhà cổ, không có tivi, tủ lạnh, bếp ga, bếp điện...
Có một thực tế là ngày nay ở Huế vẫn còn nhiều gia đình duy trì nếp sống, tính cách như xưa. Họ thích dùng bếp củi để nấu ăn và thậm chí khi pha trà cũng không dùng nước nấu bếp ga hay vì thế sẽ không thấy ngon.
- Anh gửi gắm thông điệp gì vào hình ảnh Hạnh nhiều lần mở và đóng lần lượt hơn 10 cánh cửa gỗ trong ngôi nhà đặc trưng kiểu Huế mà vợ chồng cô đang ở?
- Nhà nhiều cửa là kiểu nhà cổ đặc trưng ở Huế. Khi thực hiện phim này, đoàn phim đã rất vất vả để tìm một căn nhà vườn tại Huế, nhưng tiếc là nhà vườn ngày càng mất đi hoặc chỉ còn một ít dành phục vụ khách du lịch.
Để phục vụ cho bộ phim, tôi đã phải cho dựng hoàn toàn một căn nhà kiểu Huế và dựng luôn cả khu vườn sum suê cây trái quanh nhà. Với tôi, ngôi nhà cũng là một nhân vật trong bộ phim, cũng có những lúc mở lòng ra và khép lòng lại với nhiều cảm xúc cùng chủ nhân của nó.
Có thể khi xem phim, khán giả sẽ thấy rất sốt ruột khi phải chờ Hạnh nhiều lần đi đóng và mở lần lượt từng cánh cửa, nhưng đó là lúc tôi muốn thể hiện tâm trạng của Hạnh khi hạnh phúc, cô đơn... Nếu chỉ là nhà có một cửa kiểu hiện đại, giận ai thì chỉ cần đóng sập một cái. Nhưng tôi nghĩ, hình ảnh day dứt nhất trong phim là khi Hạnh giận chồng và anh bỏ đi, cô phải đóng từng cánh, từng cánh cửa một trong tâm trạng rối bời và giận dữ.
- Nếu có khán giả phản ứng vì bộ phim đã xây dựng hình tượng nhân vật người chồng quá "lười" và phó thác cho vợ mọi việc, còn người vợ tên Hạnh lại quá nuông chiều chồng, thương chồng, cam chịu và nhẫn nhục thì anh nghĩ sao?
- Người phương Tây có quan niệm bình đẳng về giới trong quan hệ vợ chồng. Theo tôi điều đó là đúng. Tuy nhiên, tôi vẫn mê chất Huế trong mối quan hệ vợ chồng hơn. Cái chất ấy là ở chỗ có những người vợ hạnh phúc khi được phục vụ cho chồng từng li từng tí và có những người chồng đón nhận sự phục vụ của vợ như một thứ tình yêu gắn bó, bền chặt và mang "nợ". Người chồng nào mà được vợ phục vụ nhiều cũng mệt lắm chứ vì phải sống thế nào để xứng đáng với sự tận tụy của vợ dành cho. Tôi cũng là một ông chồng Huế thích được vợ phục vụ như thế (cười).
Tôi thấy mối liên hệ như vậy giữa vợ và chồng thì tốt hơn là sự bình đẳng một cách thái quá. Trong xã hội hiện đại ngày nay, những tận tụy và chăm sóc nhau biết đâu sẽ là lối thoát cho cuộc sống gia đình, một giải pháp hạnh phúc cho các cặp vợ chồng đấy chứ.
Với vai diễn trong "Trăng nơi đáy giếng", Hồng Ánh đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Cánh diều vàng 2008. Ảnh: gpfilm. |
- Bối cảnh câu chuyện xảy ra ở Huế và các nhân vật đều là người Huế, vậy tại sao trong phim Hồng Ánh vẫn nguyên giọng miền Nam trong vai Hạnh?
- Trước khi thực hiện phim, tôi đã bỏ công tìm người thích hợp đóng vai Hạnh nhưng vì nhiều lý do mà tìm mãi không ra. Một diễn viên được chọn sau khi đọc kịch bản lại từ chối nhận vai vì không chịu đóng cảnh vợ chồng với người khác.
Cuối cùng, Hồng Ánh là lựa chọn tối ưu của tôi. Chúng tôi quay và thu tiếng trực tiếp của các diễn viên nên tiếng của nhân vật Hạnh cũng là của Hồng Ánh chứ không lồng tiếng lại. Vì tôi nghĩ, tại Huế ngày nay cũng như nhiều thành phố ở Việt Nam đã có sự giao lưu giữa các vùng miền. Vả lại, cách Huế khoảng 30 km có huyện Mỹ Xuyên, người dân ở đây nói tiếng giống nhân vật Hạnh nên tôi đã giữ nguyên giọng miền Nam của Hồng Ánh.
Ngoài ra, khi người nước ngoài xem phim, họ thích giọng nói êm ái và cách phát âm nhẹ nhàng, thanh thoát của nhân vật Hạnh hơn là chất giọng Huế quá đậm và nặng.
Diễn viên Hồng Ánh trong vai Hạnh, người vợ cam chịu những éo le, ngang trái trong chuyện tình cảm. Ảnh: gpfilm. |
- Nhiều đạo diễn khi làm phim thường nhắm đến các liên hoan phim hơn là hướng đến phục vụ khán giả trong nước, còn anh thì sao?
- Dĩ nhiên khi làm phim thì ai cũng mong muốn tác phẩm của mình có càng nhiều người xem càng tốt. Tôi cũng vậy. Tôi mong phim này sẽ được khán giả trong nước ủng hộ. Nhưng những phim như Trăng nơi đáy giếng thuộc thể loại khá kén khán giả nên nhiều người cứ nghĩ đạo diễn chỉ hướng đến liên hoan phim.
Tôi không cho phim mình làm là nghệ thuật còn những phim chiếu Tết, phim thị trường là không nghệ thuật. Họ cũng phải có nghệ thuật riêng của họ mới kéo được khán giả ra rạp và thu tiền tỷ chứ. Tôi cũng mong ngày nào đó tôi làm được bộ phim có thể đặt cả hai chân ở phía nghệ thuật, lẫn thị trường. Nhưng trong hiện tại, tôi làm phim để thỏa đam mê và những niềm yêu thích của mình.
Tôi từng tham dự nhiều liên hoan phim ở nước ngoài nhưng thấy rất ít phim Việt góp mặt. Khán giả nước ngoài không hình dung ra Việt Nam cũng có một nền điện ảnh và phim Việt gần như vô danh trên bản đồ điện ảnh châu Á.
Tôi nghĩ mình làm ra được một bộ phim mà có thể đưa đến dự các liên hoan phim nước ngoài, không kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn được lãi ở chỗ giới thiệu được nét văn hóa Việt Nam, hình ảnh con người, lối sống tình cảm của Việt Nam. Cái lãi này là niềm sung sướng của tôi.
TheoVnexpress.