Võng Thị và những dấu tích văn hóa nghìn nămVõng Thị nằm ở phía Tây Hồ Tây, giữa một vùng đất cổ thuộc tổng Bưởi (phường Bưởi, quận Tây Hồ ngày nay), bao quanh ngôi làng xưa kia la tiếng chày Hồ Khẩu, Yên Thái, Đông Xã, tiếng thoi dệt lụa Nghĩa Độ, Bái Ân, tiếng củi nấu rượu tí tách Trích Sài.

Ngày nay, Võng Thị vẫn giữ được cho mình rất nhiều nét cổ xưa, ẩn chứa trong những di tích văn hóa lịch sử.

Làng Võng Thị xưa kia có một số ít ruộng nằm ven Hồ Tây, nên chỉ có một bộ phận rất nhỏ làm ruộng kết hợp thả sen, còn đa phần dân làng sống bằng nghề đánh cá trong hồ. Tên gọi Võng Thị xuất phát từ đặc điểm này (Võng là lưới cá). Có thuyết cho rằng, xưa kia nơi đây là chợ bán lưới đánh bắt cá cho người dân làm nghề ngư phủ quanh vùng hồ Tây rộng mênh mông và những tỉnh lân cận, bởi vậy mới có tên là Võng Thị. Cạnh đình làng hiện nay có bến Cổ Đô, xưa kia là một bến lớn, trên bến dưới thuyền buôn bán sầm uất. Bến này là “vệ tinh” của chợ Bưởi cách làng không xa - một chợ lớn ở ngoại ô Kinh đô Thăng Long xưa. Trải qua thời gian, Võng Thị vẫn là ngôi làng đẹp hiền hòa nằm sát mép nước Hồ Tây với đường nhỏ, ngõ nhỏ lát gạch cổ kính đan xen những mảng tường gạch đất rêu phủ xanh mướt cùng những bụi cây xạc xào bên những ngôi nhà xây từ đầu thế kỷ trước, những ngôi nhà gạch mang dáng dấp Hà Nội xưa. Ngôi làng khác biệt hẳn với những tòa nhà cao tầng đang mọc lên san sát quanh Hồ Tây.

Trong làng Võng Thị có một ngôi chùa lớn gọi là chùa Võng Thị (có tên chữ là Vĩnh Khánh Tự), được dựng lên từ thời nhà Lý. Toàn bộ khu đất của chùa rộng chừng ba hecta với các công trình cổ kính như gác chuông, hạ điện, trung điện, thượng điện, nhà tổ, cửa Tam quan, tháp lăng... Trong chùa có nhiều pho tượng cổ, đặc biệt có một quả chuông đúc từ thời Tây Sơn. Chùa nằm sát Hồ Tây lộng gió, hiện được xây dựng lại khá trang nghiêm và đẹp, tuy vậy những nét cổ kính vẫn còn in dấu nơi đây. Chùa đã được Bộ VHTT công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Đường vào làng Võng Thị trước là con đường đất chạy men ra đến đình Võng Thị (đền cổ Sùng Khánh) cũng được dựng cuối đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128) rồi ra đến Hồ Tây. Ngôi đình vẫn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Từ ngôi đền Sùng Khánh đến đình Võng Thị, di tích này đã được tu bổ nhiều lần. Đình Võng Thị thờ Mục Thận, theo văn  bia còn lưu, ông là người làng, một đạo sĩ có danh, đã quăng lưới bắt “hổ” - chính là Thái sư Lê Văn Thịnh trong “Vụ án hồ Dâm Đàm” vào tháng Ba năm Bính Tý đời Vua Lý Nhân Tông (năm 1096). Theo truyền thuyết vẫn được người dân nơi đây kể lại, ông Mục Thận còn là một lão ngư dân rất giỏi nghề sông nước. Một lần mưa bão mù mịt, thuyền của ông biệt tích bảy ngày. Ở nhà người ta đã lập bàn thờ để thờ ông. Bỗng nhiên, sang ngày thứ tám, ông trở về với một thuyền chở đầy ắp người. Thì ra suốt mấy ngày mưa bão, nhiều thuyền của ngư dân bị trôi dạt khắp nơi, lão đã tìm khắp hồ để cứu người bị nạn. Vớt được người nào, ông cũng ôm bỏ vào thuyền mình. Đến lúc không thấy người trên mặt hồ nữa, ông mới chèo thuyền trở về... Dân làng góp tiền xây miếu thờ sống ông, gọi là Mục Thận từ. Hàng năm, ngày 14/2 âm lịch, là ngày giỗ Mục Thận, cũng trở thành ngày hội của làng Võng Thị và một số làng lân cận như Trích Sài, Hồ Khẩu. Dân làng tổ chức rước kiệu từ đền Dục Khánh và đền Vệ Quốc - nơi thờ hai con trai của Mục Thận có công dẹp giặc, được phong tướng công về đền Võng Thị. Ngày này cũng trở thành một ngày hội văn hoá duy trì từ thời Lý đến nay với nhiều hình thức vui chơi, đặc biệt là đua thuyền.

Quần thể di tích đình chùa Võng Thị đã lừng lẫy qua năm tháng với hình khối kiến trúc trang nghiêm, hàng chục bức chạm khắc tinh tế, hàng trăm tác phẩm tạo hình phản ánh tài năng sáng tạo của ông cha. Trong những năm đánh Mỹ, hầm chỉ huy của Thành uỷ Hà Nội được xây dựng ngay nơi vườn của đình và chùa Võng Thị. Suốt những năm tháng chiến tranh quyết liệt ấy, Thành uỷ đã từng làm việc tại đây và chỉ huy quân dân Thủ đô. Năm 2001, con đường vào làng Võng Thị đã được gắn biển phố Võng Thị. Võng Thị trở thành một con phố đẹp như một bức tranh thủy mặc rất độc đáo của Thủ đô và một điểm đến hấp dẫn của du khách trong quần thể du lịch Tây Hồ.

TH.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC