Vũ Trọng Phụng - Người đầu tiên kêu gọi giáo dục giới tính ở VN?Tiểu thuyết “Làm đĩ” và thiên phóng sự “Lục xì” của Vũ Trọng Phụng ra mắt công chúng vào thời kỳ 1936-1937…Và ngay khi vừa ra đời đã bị Thái Phỉ và Nhất Chi Mai phỉ báng (…gọi ông là văn sỹ nửa mùa, lòe đời bằng văn học sơ học, văn chương nhơ nhớp, dơ dáng, dâm uế…).

Không những thế, 20 năm sau, khi đất nước đã trải qua một cuộc cách mạng thành công rồi, một cuộc kháng chiến thắng lợi rồi, Hoàng Văn Hoan vẫn còn mượn cái ý ấy để gây ra cả một phong trào đấu tranh chống Vũ Trọng Phụng (Hoàng Thiếu Sơn - Lời giới thiệu “Làm đĩ”).

Ngày nay, sau ngần ấy năm bị nhìn nhận bất công, hầu hết tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã lần lượt được tái bản, những đứa con tinh thần của ông đã sống lại, kể cả tiểu thuyết “Làm đĩ” (Nhà xuất bản Văn học Hà Nội 1994). Ấy là chưa kể việc một trong những đường phố của Hà Nội đã mang tên nhà văn.

Sự nghiệp văn học và giá trị xã hội của những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đã được các nhà nghiên cứu đánh giá, ở đây tôi chỉ muốn nói lên điều ngạc nhiên thú vị nhất đối với tôi khi đọc lại Vũ Trọng Phụng là sự phát hiện ra tầm nhìn xa và những quan điểm dũng cảm của ông về một vấn đề mà ông đã đấu tranh để bảo vệ những giá trị đích thực của nó và cũng như chính vì nó mà ông đã phải chịu sự ngộ nhận độc ác, thậm chí ngu dốt của người đời lúc bấy giờ và cả một thời kỳ dài sau này. Đó là vấn đề Tính dục của con người.

Đáng khâm phục là vào thời kỳ ông đang sống, trên thế giới những người cùng chí hướng với ông cũng chưa phải là nhiều và cũng gặp nhiều khó khăn khi nói về những vấn đề liên quan đến tính dục, thậm chí có người còn bị tù đày, ví dụ như sự kiện xảy đến với Magaret Sanger ở Mỹ năm 1915.

Tính dục, theo quan niệm của xã hội Mỹ đương thời chỉ là vì mục đích sinh sản, mọi hành động khêu gợi ra những mục đích khác của tính dục đều bị coi là tục tĩu. Luật Comstock (do Anthony Comstock gây áp lực đối với Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật mang tên ông ta) coi là tục tĩu, khiêu dâm đối với những ấn phẩm bao gồm sách báo, tranh ảnh, cỗ bài, bao bì in hình khỏa thân, kể cả những thông tin về tránh thai, kiểm soát sinh đẻ, nạo thai…

Tác giả những ấn phẩm đó bị coi là “truyền bá thú tính”. Trong bối cảnh xã hội như thế mà Magaret Sanger vẫn thành lập một trung tâm hỗ trợ kiểm soát sinh đẻ đầu tiên ở Mỹ cho nên 10 ngày sau bà bị bắt và bị tống giam. Nhưng chính trong vụ xét xử này những điều luật khắt khe của Comstock đã bị xem xét lại rồi dần dần mất hiệu lực.

Một điều còn đáng khâm phục hơn nữa là những bàn luận của Vũ Trọng Phụng về khái niệm Tính dục (thời đó gọi là Dâm), phân định khá rõ nội dung cũng như ý nghĩa xã hội và giá trị nhân bản của khái niệm này, rất gần với phát biểu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO 1975) và những hội nghị quốc tế khác sau này.

Thái độ chung của nhiều xã hội, bất luận Đông hay Tây trước đây, là tẩy chay mọi sự bàn luận công khai về tính dục, thậm chí về cơ thể con người. Cho nên không lấy làm lạ khi “Làm đĩ” và “Lục xì” của Vũ Trọng Phụng đã bị phê phán nhưng đó lại là cơ hội cho Vũ Trọng Phụng bày tỏ quan điểm và thái độ trách nhiệm của mình.

Về Tính dục, một khái niệm mà cho tới ngày nay nhiều người còn chưa hiểu đúng đắn về nó huống hồ thời Vũ Trọng Phụng cho nên ngay trong những dòng đầu lời tựa cuốn “Làm đĩ”, ông đã nói ngay quan niệm của mình về Tính dục trong mối liên hệ của nó với trách nhiệm của các bậc cha mẹ, với đạo đức và sinh lý học:

“…bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái và phải để ý đến cái sự mà những thành tích hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm.

…Cái dâm tự nó không xấu, mà nó là cái điều cao thượng đẹp đẽ và linh thiêng vô cùng, vì nhờ nó mà loài người không tiêu diệt, nhờ nó mà có chúng ta đây. Tác giả xin để Freud, Goeth, Schilles, Yên Đổ, Nguyễn Công Trứ cắt nghĩa cho các ngài nghe rằng sự dâm có điều bẩn thỉu không đáng nói đến chăng, tưởng là đã đủ. Vậy thì, thưa các ngài. Ôi! Hỡi người đọc ta, phường đạo đức giả mà giống hệt ta! Tại làm sao cái điều ấy, cái điều mà người ta tự cho mình là đúng đắn, đạo đức không dám nói ra miệng bao giờ, thì chính là cái điều mà bất cứ lúc nào người ấy cũng có thể phải nghĩ thầm trong bụng? Cái dân thuộc về cái quyền sinh lý học, luân lý không kiềm chế nổi”.

Vũ Trọng Phụng - Người đầu tiên kêu gọi giáo dục giới tính ở VN? Vũ Trọng Phụng - Người đầu tiên kêu gọi giáo dục giới tính ở VN?

Trong thư ngỏ gửi Thái Phỉ, chủ bút báo “Tin Văn” về bài “Văn chương dâm uế”, Vũ Trọng Phụng còn nói thêm: “Cái dâm tự nó không uế, nếu nó không loạn. Cái dâm của vợ chồng chẳng hạn thì chỉ là sự thường như ăn uống, không có gì là uế tạp, nhơ bẩn mà còn là điều thanh tao, cao thượng nữa…”

Bốn mươi năm sau, Ủy ban giáo dục và Thông tin về tính dục ở Mỹ (SIECUS) đã đưa ra định nghĩa về tính dục với thông điệp rằng Tính dục chính là giới tính (nam tính, nữ tính), là Nhân cách, được tạo nên trong bối cảnh giáo dục và văn hóa của xã hội và gia đình, và mối quan hệ giữa người với người có tốt đẹp hay không là do bối cảnh này.

Và Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã phát biểu một khái niệm mới nữa là Sức khỏe tình dục (1975) nhấn mạnh đến sự kết hợp của các khía cạnh thể chất, tình cảm, trí tuệ và xã hội sao cho các khía cạnh tác động một cách tích cực, làm phong phú và nâng cao nhân cách, sự giao tiếp và tình yêu của con người.

Nhiều Hội nghị quốc tế khác cũng đã đi đến sự thống nhất quan niệm rằng Tình dục có giá trị nội tại của nó, là một thực thể sức khỏe, là quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng, không có gì phải xấu hổ khi đề cập đến nó.

Tất cả những điều ấy cũng đều có thể tìm thấy đây đó trong những đoạn văn mà Vũ Trọng Phụng muốn gửi gắm ý tưởng của mình: “Ở các nước văn minh, người ta không kiêng nói đến cái dâm. Trái lại, người ta còn đem cái dâm ra mà nghiên cứu, phân tích, để dạy cho nhau nên dâm như thế nào… Bao nhiêu công trình nghiên cứu, kinh nghiệm, học hành của những bác học đã bạc đầu chung quanh một vấn đề dâm để cho xã hội biết nâng nó lên một trình độ, tận thiện, tận mỹ! Những sách vở, những cuộc đăng đàn diễn thuyết đã cứu vớt khỏi vòng trụy lạc biết bao nam nữ thiếu niên…Vậy mà vấn đề giáo dục cái dâm quan trọng đến nỗi bao nhiêu giấy mực rồi cũng chưa đủ”.

Vũ Trọng Phụng viết “Làm đĩ” với một dụng ý rõ ràng và với một ý thức trách nhiệm vì gần chục cuốn tiểu thuyết của mình có cuốn nào Vũ Trọng Phụng thấy cần phải viết lời tựa đâu. Thế mà ở cuốn “Làm đĩ” trước khi vào truyện đã có 4 trang Thay lời tựa, trình bày những lý do xã hội thúc đẩy ông viết và mục đích công việc của mình:

Vũ Trọng Phụng - Người đầu tiên kêu gọi giáo dục giới tính ở VN?
“Xã hội Việt Nam này, thật vậy, đã bắt đầu loạn dâm.

Sự làm giàu đùng đùng của các thầy lang chữa bệnh hoa liễu, sự phát đạt của những tiệm khiêu vũ, tăng số của bọn giang hồ, nạn hoang thai, những vụ án vì tình mà hàng ngày các báo đăng lên mục tin đặc biệt, sự chán đời đến tự tử của một số nam nữ thiếu niên, hiếp dâm, vân vân, đã đủ dẫn chứng cho lời than ấy.

Đứng trước tình thế ấy mà chỉ khoanh tay kêu: Ôi phong hóa suy đồi, thì nào có ích gì cho ai?

Tìm một nền luân lý cho sự dâm giáo hóa cho thiếu niên để biết rõ tình dục là những gì, đó là những việc phải làm ngay vậy…

Nam nữ thiếu niên vào lúc dậy thì, vào lúc xác thịt rạo rực lên vì sự biến đổi âm thầm và sự phát triển của những cơ quan sinh dục, là rất dễ lầm lỗi, là rất dễ hư hỏng, nếu không được bậc cha mẹ chỉ bảo những điều cần biết và đề phòng mọi hoàn cảnh xấu xa hộ cho…”.

Và Vũ Trọng Phụng khẳng định: “Vì những lẽ ấy mà truyện "Làm đĩ" ra đời”. Suýt soát 300 trang, thông qua chủ đề về một cô gái sa ngã, Vũ Trọng Phụng đã đề cập đến nhiều vấn đề xã hội lớn vẫn còn nóng cho tới ngày nay: Trách nhiệm của người cầm bút - Nguyên nhân các tệ nạn xã hội - và nhất là kêu gọi Giáo dục thanh thiếu niên (về mặt giới tính) như là một biện pháp hiệu quả nhất để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của tuổi trẻ.

Đọc đoạn văn nói trên, tôi có cảm tưởng như thực trạng xã hội ấy của thanh thiếu niên thời Vũ Trọng Phụng và cũng chính là thực trạng xã hội ngày nay nhưng được nhân lên gấp nhiều lần và tính chất cấp bách của giáo dục thanh thiếu niên về tình dục, về giới tính, về nhân cách, để xây dựng mối quan hệ nhân văn và có trách nhiệm giữa nam và nữ cũng phải được nhân lên gấp nhiều lần vì cơ hội để thanh thiếu niên hư hỏng cũng như những yêu cầu mới của một xã hội văn minh cũng đã khác trước rất nhiều.

Thế nhưng hơn 60 năm sau lời kêu gọi ấy, giáo dục giới tính ở nước ta đã đi tới đâu? Đã thực sự trở thành một môn học chưa? Nếu chưa thì những trở ngại chính của nó là gì?

Có lẽ Vũ Trọng Phụng sẽ chẳng vui lắm ở thế giới bên kia nếu ông biết rằng lời kêu gọi của ông chỉ được thế hệ sau đáp lại một cách hết sức dè dặt, mặc dù thực trạng xã hội đáng báo động hơn sinh thời rất nhiều.

Mãi đến năm 1988, thông qua dự án VIE/88/P09, môn giáo dục giới tính mới được giảng dạy thử nghiệm ở 17 tỉnh, thành phố và sau đó được hoàn chỉnh trong chu kỳ 1994/1996 thông qua dự án VIE/94/P01, chú ý tới GDGT và phần nào tới giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) còn giáo dục tính dục (GDTD) vẫn chưa được thể hiện một cách rõ nét (Nguyễn Quang Vinh - Viện khoa học Giáo dục).

Hình như ngay việc gọi tên môn học như thế nào cũng còn lúng túng vì vẫn chưa có sự thống nhất giữa những người có trách nhiệm soạn thảo chương trình về những khái niệm Giới tính, Tính dục, Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Thật ra tên gọi môn học không phải là điều quan trọng nhất vì ở nhiều nước trên thế giới, mỗi nước theo hoàn cảnh riêng, đã gọi tên khác nhau.

Vấn đề đáng quan tâm nhất là xác định mục đích của môn học và đối tượng chủ yếu của nó. Và về vấn đề này, hầu như đã có sự thống nhất: Đó là xây dựng nhân cách, xây dựng mối quan hệ lành mạnh, có văn hóa, có trách nhiệm cho thanh thiếu niên nam nữ. Dù với tên gọi gì thì môn học vẫn đặc biệt quan tâm đến khía cạnh đạo lý, tâm lý, văn hóa chứ không chỉ là hành vi sinh sản và tình dục.

Vũ Trọng Phụng - Người đầu tiên kêu gọi giáo dục giới tính ở VN?
Nhà văn Vũ Trọng Phụng qua nét vẽ của họa sĩ Choé

Ngày sinh thời Vũ Trọng Phụng, ông đã biết rằng hô hào GDGT là húc đầu vào đá, là thách thức búa rìu dư luận cho nên ông đã phải viện dẫn nhiều ý kiến của các danh nhân trong và ngoài nước về vấn đề này. Trước tiên, tấn công vào thành trì kiên cố nhất là tư tưởng bảo thủ coi tình dục là điều cấm kỵ, là xấu xa, đáng hổ thẹn, kết thúc phần Thay lời tựa, ông viết :

“Vì sao người ta lại coi tình dục là không quan trọng, là điều nhơ bẩn? Sao người ta lại cam tâm ngu dốt như thế, lại đạo đức giả đến như thế? Sao lại không dám nói lên cái sự nó vẫn ám ảnh hết thảy mọi hạng người? Sao lại không dám vứt bỏ cái sự hổ thẹn vô lý để giảng dạy về những bộ phận sinh dục là những cái mà đấng Thượng đế dám ban cho nhân loại mà không hổ thẹn?

Nói hay im, bảo nhau biết điều hòa cái dâm để tô điểm cuộc đời, hay là cứ mặc quách để cái dâm của loài người làm loạn loài người, ấy chỉ do đó mà ra sự hưng thịnh, suy của nòi giống?”

Nếu như ta thay từ dâm nói trên bằng từ Tình dục và chúng ta hiểu cụm từ “cái dâm của loài người làm loạn loài người” là để chỉ những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, các loại “mát-xa” trá hình, các loại “ôm”, các loại "đèn xanh đèn mờ”, nguồn gốc của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS thì cũng có thể mượn ngay cái đoạn kết ấy cho bài viết này.

Liệu tới đây, khi môn học GDGT được chính thức đưa vào nhà trường, Vũ Trọng Phụng có được coi là người tiên phong ở Việt Nam?

 BS. Đào Xuân Dũng




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC