Xem Giọng hát Việt: Buồn cho tiếng Việt  Sau hai tập của Giọng hát Việt vòng đối đầu, người xem lắc đầu nhận ra: Đối đầu trong The Voice không hấp dẫn như ta tưởng tưởng. Sự kém hấp dẫn đó bắt nguồn từ cả phía huấn luyện viên, thí sinh và fomat của chương trình

 Huấn luyện viên chỉ khen không chê

Không còn những màn đấu khẩu “nảy lửa” như trong vòng Giấu mặt nhằm giành giật thí sinh, các huấn luyện viên tỏ ra khá mờ nhạt trong vòng thi Đối đầu.

Sự mờ nhạt đó thể hiện ở cách nhận xét về phần thi của các thí sinh. MC Phan Anh mời từng giám khảo nhận xét về phần thi của các thí sinh. Cả 7 cặp đều diễn ra với một trình tự: thí sinh hát, từng giám khảo nhận xét, sau đó huấn luyện viên chọn… Các phần nhận xét đa số theo mô tip đó không có gì đột biến khiến người xem dần cảm thấy không còn hứng thú với chương trình.

Xem Giọng hát Việt: Buồn cho tiếng Việt_0 Cách nhận xét khen ngơi một chiều của các vị HLV khiến người xem có cảm giác nhàm chán

Điểm nổi bật, những phần nhận xét của các huấn luyện viên chỉ có khen, không hề chê. Trong giọng hát Việt, tất cả các thí sinh đều tỏa sáng. Không có bất cứ thí sinh nào bị chê về giọng hát. Đặc biệt, cả 4 vị huấn luyện viên đều đưa ra những xét khá chung chung dạng như Trần Lập nhận xét về phần “đối đầu” của Đỗ Xuân Sơn và Phú Luân: “Ban đầu Luân gây ấn tượng vừa phải, còn Sơn có gì đó hoàn hảo ngay từ đầu nhưng Luân có sự đột biến. Tóm lại anh thích cả hai em.” Kiểu nhận xét này xuất hiện với mật độ dày đặc trong tập 2 vòng đối đầu.

Đối với các huấn luyện viên, việc khen ngợi thí sinh là vô cùng cần thiết, nhưng nếu sử dụng những lời khen một cách hào phóng, vô tình sẽ tạo cảm giác khó chịu cho người xem. Nếu quả thực tất cả các thí sinh tham gia Giọng hát Việt đều là những “tài năng” thì có lẽ, trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về âm nhạc.

Lại “bội thực” tiếng Anh tại Giọng hát Việt

Đây là vấn đề hoàn toàn không mới nhưng vẫn cần phải đặt ra một cách nghiêm túc. Ở tập 2 của vòng Đối đầu 6/7 ca khúc được trình bày bằng tiếng Anh. Giọng hát Việt được coi là của “hiếm” trong tập này với duy nhất một bài hát tiếng Việt.

Điều thú vị là, bài hát duy nhất bằng tiếng Việt ấy lại có một cái tên cũng rất “Tây”: Radio. Phải chăng, tiếng Anh đã trở nên phổ biến hơn cả tiếng Việt tại chương trình “nhập ngoại” này?

Giọng hát Việt mà tiếng Việt là của hiếm thì quả là một điều đáng buồn “thú vị”.  Cũng may, cả huấn luyện viên, MC và thí sinh đều dùng tiếng Việt để giao tiếp. Nếu họ dùng tiếng Anh thì có lẽ ai cũng sẽ tưởng mình đang bật nhầm kênh ca nhạc nước ngoài.

Thiết kế sân khấu giống Tây, fomat của Tây và hát tiếng Tây… là những đặc điểm nổi bật của Giọng hát Việt 2012.

Thực ra, hát tiếng Anh sẽ trở nên bình thường trong một cộng đồng mà đa số đều nói được tiếng Anh. Nhưng nó sẽ là bất bình thường khi đại bộ phận người xem không hiểu tiếng Anh. Và như thế, vô tình, chương trình Giọng hát Việt đã tự “giết” mình bởi những người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ không thể xem và nghe chương trình hầu hết bằng tiếng Anh được. Nó sẽ đi ngược lại tiêu chí của Đài truyền hình Việt Nam là phục vụ đa số người dân Việt Nam.

Nhìn sang The Voice phiên bản Hàn Quốc, khi các thí sinh Hàn du học ở Anh, Mỹ, Canada… dự thi đều dùng tiếng Hàn để dự thi. Có lẽ người Việt chúng ta sẽ cảm thấy buồn cho Giọng hát Việt mà lại toàn hát tiếng Anh.

Theo Eva.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC