1. Đập Tam Hiệp có “anh em” trên sông Dương Tử
Khi nói về đập trên sông Dương Tử, điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của mọi người đó là đập Tam Hiệp. Tuy nhiên, ngoài Tam Hiệp, còn có một con đập khác trên sông Dương Tử - Cát Châu Bá. Cả đập Tam Hiệp và đập Cát Châu Bá đều năm ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc.
Cát Châu Bá cũng là con đập lớn thứ 2 Trung Quốc. Con đập được xây dựng từ tháng 12.1970 và hoàn thành vào tháng 12.1988. Đập Cát Châu Bá dài khoảng 2.600 mét và cao 53,8 mét.
2. Đập Tam Hiệp có thể tạo ra được bao nhiêu điện mỗi năm?
Mặc dù được thiết kế với chức năng chính là điều tiết dòng lũ hằng năm ở sông Dương Tử - con sông dài thứ 3 thế giới - khả năng sản xuất điện của đập Tam Hiệp là vô cùng đáng nể.
Tổng công suất lắp đặt của đập Tam Hiệp là 22,5 triệu Kwh và công suất phát điện hàng năm của đập có thể đạt hơn 100 tỷ Kwh. Lượng điện này chủ yếu được truyền tải tới các tỉnh thành như Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Trùng Khánh, Thượng Hải…
Doanh thu bán điện của đập Tam Hiệp đạt khoảng 3,6 tỷ USD mỗi năm. Nếu đập Tam Hiệp gặp sự cố, ít nhất 1/3 dân số Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh mất điện.
Đập Tam Hiệp có 34 máy phát điện khổng lồ tạo ra nguồn năng lượng ngang với nhà máy nhiệt điện công suất 50 triệu tấn than hoặc 25 triệu tấn dầu dầu thô.
Itaipu – đập thủy điện lớn thứ 2 thế giới nằm ở biên giới Brazil và Paraguay – chỉ đạt công suất phát điện hàng năm là 90 tỉ Kwh, kém xa so với đập Tam Hiệp.
Đập Tam Hiệp có chức năng chính là kiểm soát lũ hằng năm ở sông Dương Tử (ảnh: Xinhua)
3. Đập Tam Hiệp kiểm soát lũ tốt ra sao?
Dung tích chứa nước tối đa của Đập Tam Hiệp là 39,3 tỷ mét khối. Vì vậy, đối với những đợt mưa lũ kỷ lục trong vòng 100 năm, đập Tam Hiệp có thể dễ dàng kiểm soát mà không gặp vấn đề gì.
Theo thiết kế, đập Tam Hiệp có thể chịu nổi mực nước “ngàn năm có một” là 175 mét và lượng nước dồn về tối đa là 70.000 m3/giây.
Theo quy định điều tiết nước của đập Tam Hiệp, mực nước trong hồ chứa phải giảm xuống còn 155 mét vào ngày 25.5 hàng năm. Ngày 10.6 hàng năm, mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp phải ở mức 145 mét.
Để tránh việc khu vực hạ lưu bị ngập do xả nước, mực nước đập Tam Hiệp hạ xuống không được phép vượt quá 0,6 mét/ngày.
Đập Tam Hiệp được thiết kế rất vững chắc (ảnh: SCMP)
4. Sức chống chịu của đập Tam Hiệp mạnh mẽ đến mức nào?
Đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử được giới thiết kế Trung Quốc ví như một “pháo đài thép”. Con đập được xây dựng bằng 28 triệu tấn bê tông và 463.000 tấn thép (đủ dựng 63 tòa tháp Eiffel).
Tam Hiệp là đập trọng lực bê tông. Từng phần của con đập đều có thể tự đảm bảo sự ổn định. Ngay cả khi một phần của đập bị hư hại, toàn bộ đập Tam Hiệp cũng sẽ không sụp đổ. Trong thời gian thi công, thân đập Tam Hiệp gặp phải những vết nứt nhưng sau đó đã được phát hiện và khắc phục.
Năm 1999, một số hạng mục trong dự án xây đập Tam Hiệp bị phát hiện có chất lượng thấp, khiến Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Chu Dung Cơ yêu cầu phá đi xây lại.
Vũ khí nổ thông thường không thể phá hỏng đập Tam Hiệp. Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, con đập còn có thể đứng vững sau một vụ tấn công hạt nhân.
Năm 2004, Lầu Năm Góc Mỹ từng “gợi ý” nếu chiến tranh xảy ra, Đài Loan có thể nhắm đến các mục tiêu quan trọng ở đại lục như Đập Tam Hiệp. Tuy nhiên, Đài Loan bác bỏ ý tưởng này của Mỹ. Trung Quốc cũng điều lực lượng vũ trang đến bảo vệ an ninh cho đập Tam Hiệp.
Điều đáng lo ngại đối với đập Tam Hiệp không phải một vụ nổ mà là tình trạng sạt lở đất và rác thải, cỏ dại, rong rêu ở sông Dương Tử có thể gây ảnh hưởng đến việc lọc và xả nước của đập.
“Thủy quái” sống ở đập Tam Hiệp chỉ là tin đồn (ảnh: Xinhua)
5. Sự thật về “thủy quái” ở đập Tam Hiệp
Năm 2019, nhiều thông tin về “thủy quái” ở đập Tam Hiệp được lan truyền “chóng mặt” trên các trang mạng Trung Quốc.
Một người nào đó đã quay đoạn video về “thủy quái” ở khu vực đập Tam Hiệp rồi chia sẻ lên mạng. Trong video, xuất hiện một “sinh vật” to lớn màu đen đang vặn mình trong nước.
Một số người cho rằng, đây đích thị là “thủy quái khổng lồ”. Tuy nhiên, “thủy quái” cuối cùng được vớt lên bờ và hóa ra nó chỉ là một quả bóng cao su dài tới 20 mét. Vì vậy, không có quái vật nào sông ở đập Tam Hiệp.
Việc xây dựng con đập thậm chí còn có ảnh hưởng xấu tới môi trường. Nhiều loài thủy sinh của sông Dương Tử đã suy giảm số lượng, thậm chí là tuyệt chủng sau khi đập Tam Hiệp được xây dựng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Trung Quốc, việc thi công, vận hành một công trình lớn như đập Tam Hiệp thì tác động tới môi trường là không thể tránh khỏi.
Nguồn: danviet.vn